Người thanh niên bị rơi tiền,
chị bán hàng rong
vừa giúp nhặt vừa kêu gọi mọi người “giúp người ta đi, đừng
hôi của”
- Ảnh: C.Thành/ TTO
|
Không phải bây giờ người ta mới
băn khoăn về việc xã hội càng ngày càng thiếu đi lòng tốt và sự tử tế, mà từ rất
lâu con người đã loay hoay lý giải từ góc độ bản chất tâm lý mà cố tìm ra cái lẽ
nhân sinh. Sách “Tam tự kinh” có câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” – con người
sinh ra vốn tốt; nhưng cũng có người như Tuân Tử thì lại cho rằng ngược lại,
“nhân chi sơ, tính bổn ác…”
Vậy con người vốn dĩ “thiện”
hay là “ác?” Hầu hết chúng ta sẽ nghĩ rằng
con người vốn có thiện, có ác chứ không có người nào chỉ có thiện mà không có
chút ác tâm nào, và ngược lại, người mà chỉ toàn ác tâm thì đúng chỉ có thể là
quỷ sứ.
Chúng ta đang sống trong thời
đại của bùng nổ thông tin và mạng xã hội, thời của “thế giới phẳng” nên mạng xã
hội ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và lối sống của mỗi chúng ta. Nhiều điều,
tưởng ảo mà chẳng ảo, tưởng thật mà chẳng thật, nhưng sự đổi thay trong tâm trí
chúng ta thì là thật, có điều đổi thay đó là tích cực hay tiêu cực, chuyện đó
còn phải… nghiên cứu.
Tôi đoán chắc có đến 9/10 cư
dân mạng, buổi sáng là phải “lên Phây,” “xúc miệng” vài like, “còm,”[1] hoặc
“chém” lấy một status; sau đó chúng ta ngồi rình, ngồi chờ đếm like, trả lời
comment… Thời của những bức xúc xã hội bị dồn nén, tuôn trào ra trên Facebook,
chuyện tiêu cực chỗ này kêu, chỗ kia chửi cứ thế mà “ào ào như sôi” khắp cõi mạng.
Và câu than chủ yếu chúng ta dùng, là “sao thời nay hiếm hoi lòng tốt đến thế.”
Hầu hết, đó là những bình luận
khi người ta chia sẻ một tin về người bị nạn chẳng hạn – nhưng chẳng ai giơ tay
cứu giúp, hoặc một trường hợp khó khăn bị họ hàng, người thân bỏ mặc… Nhưng
chính khi vừa kêu ca xong, chính những người kêu ca lại rất hào hiệp đưa bàn
tay giúp đỡ, dù là qua mạng ảo. Hóa ra kêu chỉ để mà kêu vậy thôi, chúng ta vẫn
động lòng trắc ẩn, và nhận ra cùng chúng ta cũng có rất nhiều người cũng tốt
như vậy, làm thành một cộng đồng.
Quan sát kỹ những điều đó, tôi
không nghi ngờ rằng, xã hội thực ra tuyệt đối không thiếu lòng tốt, thậm chí có
rất nhiều. Chỉ có điều, chúng ta không hình dung ra được như thế nào là lòng tốt,
như thế nào là việc tốt, và như thế nào là người tốt mà thôi. Như vậy, có thể
nói tôi đồng ý với lý thuyết “nhân chi sơ, tính bổn thiện.”
Đã từ lâu tôi nhận ra, tất cả
đều là những người tốt, hay những người có lòng tốt, dù anh ta, chị ta có thể
là ăn cướp hoặc lừa đảo – theo lý thông thường thì tự động người đó bị coi là
người xấu và không thể là “người tốt” được, nhưng ít ra thì anh ta, chị ta cũng
có người thân, có mẹ có cha, có con có cái, có vợ có chồng để mà tốt kia mà? “Hổ
dữ không ăn thịt con,” cho dù người có bị tai tiếng thế nào chăng nữa thì ít nhất
cũng phải tốt với một ai đó chứ không thể tàn nhẫn với tất cả mọi người xung
quanh được.
Tin tôi đi, dù là quỷ sứ chăng
nữa trong suốt cuộc đời của mình cũng có lúc phải động lòng trắc ẩn mà thương lấy
một kiếp chúng sinh khổ đau nào đó. Chúng ta cũng vậy, ngày ngày sẽ thấy dấy
lên trong mình ý nghĩ yêu thương, nhưng cũng sẽ có những ý nghĩ thù hận, điều
này cũng chắc chắn như hàng ngày chúng ta phải hít thở để sống vậy.
Không có người tốt hay người xấu,
chỉ có người làm việc làm tốt hay người làm việc làm xấu – và như vậy sẽ có người
thường xuyên làm việc làm tốt và người thường xuyên làm việc làm xấu. Nếu có một
cách nào đó để định lượng thì chúng ta sẽ có đánh giá: Anh A 7 phần tốt 3 phần
xấu, chị B ngược lại chỉ được 3 phần tốt thôi.
Vấn đề của chúng ta nói chung,
là chúng ta thích vạch ra một phạm vi – cho rằng có những người xứng đáng được
hưởng lòng tốt của chúng ta, đứng vào vòng (như cái vòng của Tôn Ngộ Không vạch
ra dưới đất vậy) còn những người không xứng đáng thì xin mời, bước ra ngoài và
“biến” đi cho khuất mắt, càng xa càng tốt, nếu không muốn bị ăn chửi…
Thế mới có câu chuyện của người
cha nuôi hai con bại não, nhận được sự giúp đỡ của bao người nhưng khi phát hiện
ra anh ta có một số cư xử có vẻ “không như ý” thì nhiều trong số chính những
người vừa giúp đỡ, lại ầm ầm lên tiếng xỉ vả, thậm chí tiếc rẻ vì đã giúp đỡ
“người không xứng đáng” đó.
Vì chúng ta có quá nhiều lầm lẫn,
như đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu người nhận lòng tốt của chúng ta phải sống
theo tiêu chuẩn đó thì mới xứng, đó là lầm lẫn về nhãn quan cuộc sống. Mỗi người
có một hoàn cảnh riêng, do đó có một cách sống riêng, cách nhìn nhận riêng về
cuộc sống. Sẽ có những người chấp nhận nghèo đi một chút, nhưng không vì tí ti
sự giúp đỡ nào đó mà thay đổi cả cuộc sống của mình. Có sự lầm lẫn nữa giữa hiện
tượng và bản chất câu chuyện, một hoàn cảnh khó khăn chưa có ai giúp đỡ, thì
chúng ta chê trách ngay những người thân của họ, nhưng chúng ta đâu biết ai
cũng có những khó khăn riêng và không phải lúc nào cũng giơ tay ra cho người
khác được. Không thể yêu cầu người không biết bơi nhảy xuống sông cứu người chết
đuối – chúng ta chưa biết cách sống “tùy duyên” là như thế.
Một ngày, tôi bỗng nhận ra chỉ
là một người làm việc làm tốt là chưa đủ, đó chưa phải là lòng tốt, là tâm thiện.
Lòng tốt là “vô điều kiện,” nó muốn sống trong chúng ta khi chúng ta có một cái
tâm trong sáng nhất, chứ không thể sống với những suy nghĩ còn phân biệt, còn
muốn rạch ròi, còn nghi ngờ điều này, điều khác. Điều đó cũng có nghĩa là, lòng
tốt chỉ thực sự hiện hữu trong chúng ta khi chúng ta biết yêu thương không chỉ
một trường hợp cụ thể đang cần giúp đỡ, mà cả những trường hợp xung quanh của
người đó nữa, những người vì điều này, điều khác chưa thể có hành động giống
như chúng ta được. Nhưng mai có thể họ lại làm được, dù hôm nay chưa…
Chưa bỏ được những suy nghĩ,
những tâm lý thích rạch ròi, thích xây dựng tiêu chuẩn, muốn vạch ra phạm vi…
cho lòng tốt của mình, thì khi sống trong thời đại kim tiền chúng ta sẽ vô tình
vi phạm nhiều thứ tổn hại cho chính mong muốn xây dựng lòng tốt trong mình. Tôi
xin đưa một ví dụ, chúng ta đã bao giờ hình dung ra việc lao vào “đầu tư” những
thứ mặt hàng không đẻ ra giá trị cho xã hội như vàng, ngoại tệ, chứng khoán… và
ở một chừng mực nào đó là bất động sản – thì chúng ta cứ hễ được tiền, chắc hẳn
phải có một người nào đó mất tiền đi. Như thế là chúng ta đã làm một việc không
có lợi cho “nạn nhân” đó rồi. Để có tiền thì chúng ta hi sinh lòng tốt nhẽ ra
phải dành cho “nạn nhân” đó, tức là thỏa mãn tâm “tham” của mình, và thường tự
an ủi bản thân rằng “nó cũng tham, cho nó chết.” Thực ra xét từ góc độ xây dựng
lòng tốt, tâm trong sáng, thiện lương thì cả hai đều… “chết.”
Những “tấm gương tày liếp” của
các vị đại gia sa vòng lao lý vì bán khống cổ phiếu, vì làm ăn chụp giựt là như
vậy. Đây là lời giải thích cho lý thuyết “nhân chi sơ, tính bản ác” – cái “ác”
trong chúng ta cũng có sẵn, và nó xuất phát từ tâm “tham.” Bỏ được cái tham,
chúng ta lại quay lại với sự thiện lương vốn có của mình.
Cũng sống trong thời đại kim
tiền của kinh tế thị trường, tâm tham không bị khống chế, con người đảo điên
thì mỗi người cứ thế tự thu hẹp cái “phạm vi” lòng tốt của mình, và ngày càng
ngộ nhận rằng “thời đại này lòng tốt sao mà hiếm hoi thế.”
Lòng tốt đâu có hiếm hoi, nó vẫn
hiện hữu, chẳng qua vì chúng ta không hình dung ra được làm làm như thế nào để
có nó thường xuyên hơn mà thôi.
[1] Comment: bình luận.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment