Nhớ hồi còn nhỏ, theo mẹ sang
một vùng quê ngoại thành Hà Nội ở - mẹ dạy học ở đó. Mỗi buổi tối, mẹ thường dạy
tôi học, vì cũng chẳng có niềm vui nào khác.
Tối nào tôi cũng học chữ, cũng
như một cách tiêu khiển. Vốn dĩ tôi không phải là đứa trẻ hiếu động, cũng không
quá nghịch ngợm. Chính xác, tôi là một đứa trẻ khỏe mạnh, và rất nghịch, nhưng
không nghịch nhiều bằng chân tay mà nghịch bằng cái đầu, với trí tưởng tượng rất
mạnh. Chính vì thế mà song song với học chữ, tôi được mẹ dạy đọc sách.
Từ những cuốn sách đầu tiên
như truyện tranh “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” – bản tiếng Anh do
NXB Mỹ thuật trung ương Bắc Kinh xuất bản. Hồi đó mẹ tôi phải đi mượn một cuốn
giống y chang nhưng bằng tiếng Việt, rồi chép lại tiếng Việt ở dưới. Đầu tiên,
tôi đọc chữ mẹ viết, sau đó, do đọc đi đọc lại quá nhiều lần, tôi đọc phần tiếng
Anh và không hiểu gì cả. Nhưng đọc mãi hóa quen, tôi đã làm quen với tiếng Anh
từ đó.
Khi mẹ chuyển về nội thành Hà
Nội dạy học, tôi lại càng được tiếp xúc với nhiều sách vở: “Chiếc chìa khóa
vàng hay chuyện li kỳ của Buratinô”, “Cô kiến trinh sát”, “Cuộc phiêu lưu của
Bút chì và khéo tay”, về các danh nhân thế giới có bộ “Cuộc sống và sự nghiệp”,
về các danh nhân Việt Nam có cuốn “Nghìn xưa văn hiến”…
Sách cho thiếu nhi của các tác
giả trong nước nhiều cuốn hay lắm: “Nơi xa” (Văn Linh), “Quê nội” và “Tảng sáng”,
“Cái thăng” (Võ Quảng), “Lũ trẻ ngã ba Bùng” (quên tên tác giả); “Đất rừng
phương Nam” và “Cuộc truy tầm kho vũ khí” của Đoàn Giỏi…
Truyện lịch sử viết cho thiếu
nhi tuyệt vời nhất là của chú Hà Ân: “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”,
“Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Đôi bạn chiến đấu”…
Sách “có nguồn gốc Liên Xô và
XHCN” thì khối truyện hay. “Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và Biết tuốt”, “Marutxia
đi học”, “Timua và đồng đội”, “Nối gót Timua”, “Những dấu vết còn lại”, “Lều số
13”, “Cuộc phiêu lưu của Cơrôsơ”, “Cuộc phiêu lưu của Xêmuyen Pinh”, “Cánh buồm
đỏ thắm”, “Bột mì vĩnh cửu”…
Sách cho tuổi nhớn hơn một
chút thì có “Trường học dũng cảm” (A. Gaiđa) “Pháo đài cổ”, “Đội cận vệ thanh
niên” (Phađêép), “Đội viên du kích Liônhia Gôlicốp”, “Đường phố người con út”…
Đặc biệt những cuốn sách khoa
học đầu tiên được đọc là “Dưới đáy đại dương không khí”; “Bạn hay thù” (của
Benla Đigiua), “Thiên văn học giải trí”, “Khoáng vật học giải trí”, “Mực trắng
giấy đen”, “Bí mật ba đại dương”, “Các lục địa trôi dạt về đâu” và không thể
không kể đến “Vật lý vui” của Pêrenman. Chính những cuốn sách đó đã dẫn dắt tôi
đến sự ham mê đọc sách khoa học sau này.
Năm lớp Bốn, tôi thi được vào
lớp chuyên Văn của quận, và cứ thế học tiếp lên mãi. Năm lớp Sáu, có một chị là
chị Mai ở Cung thiếu nhi thành phố về trường “triệu tập” cả lớp lên sinh hoạt ở
Đội Văn học của Cung thiếu nhi. Tôi được làm quen với các nhà văn từ đó: nhà
thơ Quang Huy, Định Hải, các nhà văn Phạm Hổ, Võ Quảng, chú Phong Thu…
Càng lớn, càng mê đọc. Tôi có
thể đọc bất cứ cái gì lọt vào tay, kể cả giấy gói xôi, cầm cục xôi chén và đọc
mảnh báo vừa dùng làm giấy gói…
Nhà nghèo, nhưng mẹ tôi không
bao giờ từ chối mua sách cho tôi cả. Mỗi lần được điểm tốt, mẹ đều thưởng cho một
cuốn sách.
Lúc này đã là thời của “Nam tước
Phôn Gônrinh”, “Hoa hồng trắng”, “Viên đạn ngược chiều”, “Người không mang họ”…
văn học hơn một tí, tôi đã bắt đầu ngốn “Bình minh mưa”, “Bông hồng vàng” (Pautốpxki),
“Tội ác và trừng phạt” (Đốttôiépxki), “Bút ký người đi săn”, “Anh em nhà
Karamadốp”, “Con gái viên đại úy”, “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anna Karênina”, “Ba
người lính ngự lâm”, “Ca-dăng”, “Nanh trắng”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Tuylip
đen”, “Bá tước Môngtơ Krixtô”…
Tùy từng giai đoạn mà quan tâm
cái gì, tôi lùng sục sách về vấn đề đó và hì học đọc. Lúc thì triết học và các
tư tưởng rõ lớn – đó là năm thứ nhất đại học. Lúc thì “Kinh dịch” và các môn tử
vi, tướng số… môn nào cũng đọc thật kỹ, gần như học thuộc lòng. Thậm chí như một
cái máy tuốt lúa, khi công việc vướng phải những vấn đề về xây dựng, cơ khí…
tôi dám ngốn cả hai giáo trình “Cơ lý thuyết” và “Sức bền vật liệu” dành cho
sinh viên các trường như xây dựng, bách khoa…
Nhưng đề tài thích nhất là vũ
trụ, về quan hệ giữa con người và vũ trụ… chúng ta từ đâu đến? đến đây làm gì?
Và chúng ta sẽ đi về đâu?
Tất cả những thắc mắc mà người
ta gọi đao to búa lớn là “vấn đề cơ bản của triết học” ấy, tôi tìm thấy câu giải
đáp ở đây: Phật pháp.
Vậy thôi, người thày đầu tiên
và mãi mãi của tôi là SÁCH.
Suýt quên… và bây giờ, đến lượt
con trai tôi – cậu ta đang đọc những trang sách đầu tiên của cuộc đời.
No comments:
Post a Comment