Đại lão Hòa thượng Daiichi Yoshimuzu và Ni cô Thích Nữ Tâm Trí |
Có một vị Đại sư người Nhật Bản, mà trên truyền thông Việt
Nam hay gọi là “Đại lão Hòa thượng” Daiichi Yoshimuzu – rất có “duyên nợ” với
Việt Nam. Cụ năm nào cũng sang Việt Nam giảng pháp – hồi trước tôi còn đọc được
ở đâu đó có lần Cụ nói “Kiếp trước chắc tôi là người Việt”.
Tháng Mười năm 2010, tự dưng tôi phải nhập viện vì một sự
cố bất thường về sức khỏe. Vốn dĩ người khỏe mạnh và hiếu động, tự dưng phải nằm
trong bệnh viện quả là chán, như người khác sẽ gọi đó là một cực hình. Nằm
online chán, lại đọc sách. Thỉnh thoảng đi lại lung tung trong bệnh viện cho đỡ
cuồng cẳng. Trong một lần “dạo mát” như thế, tôi chợt cảm thấy có một ánh mắt
ai đó đang nhìn mình từ một buồng bệnh. Tôi quay vào và thấy một ông cụ đầu trọc,
hiền từ ngồi trên giường bệnh. Mặc dù ông cụ cũng đang mặc áo bệnh nhân như
mình, nhưng bất giác, tôi chắp tay chào “A di đà Phật!”.
Ông cụ thấy có người chào chắc đoán anh chàng là Phật tử,
vẫy tôi vào. Lúc Cụ nói bằng tiếng Anh, tôi mới vỡ nhẽ, Cụ không phải người Việt
Nam. Lúc này mới nhận ra trong phòng bệnh còn có hai người nữa, một bà cô Phật
tử người miền Nam và một Ni sư, sau này lên mạng tìm hiểu mới biết Ni cô đó là Sư
cô Thích Nữ Tâm Trí, đã sang Nhật Bản học Phật pháp được mấy năm, học trò của Đại
lão Hòa thượng Daiichi Yoshimuzu. Ni cô kể rằng Cụ sang Việt Nam lần này do lời
mời của “ta” dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Khi ngồi xe đến Mỹ Đình, do bị tắc
đường mấy giờ đồng hồ, Cụ bị ngạt khói xe, choáng và ngất, phải tìm cách đưa Cụ
đi cấp cứu ở Bệnh viện. Thế là Cụ không có “duyên” “được” dự Đại lễ nhà ta,
nhưng tôi thì có “duyên” được gặp Cụ.
Đại sư mệt, không nói được nhiều, chỉ hỏi tôi mấy câu –
quy y lâu chưa, có hay đọc Phật pháp không, vào viện ốm đau thế nào, có con cái
gì chưa… lúc chia tay, Cụ bảo tôi quỳ xuống cạnh giường, lấy ra một cái hộp nhỏ
hình lập phương bằng gỗ thơm, rồi lấy ra một dúm bột gỗ gì đó cũng rất thơm,
nhưng không giống trầm lắm, một mùi hương dìu dịu rất dễ chịu. Cụ xoa bột gỗ
thơm lên đầu tôi và lầm rầm đọc một vài câu kệ…
No comments:
Post a Comment