Mình “chơi” với mấy thày, toàn
xuất gia vào chùa ở từ nhỏ, thậm chí có thày, nhà con một.
Một lần, hỏi thày Phương Quảng,
rằng thày xuất gia như thế, bố mẹ còn ở lại mỗi hai người cô quạnh, thày có
nghĩ gì không? Thày không nói. Thày kể, mẹ thày hồi đó buồn lắm, nhưng ba thày
thì chỉ nói “Tùy con thôi, đó là lựa chọn của con”. Tình yêu với Phật pháp, muốn
đi đến một cái đích lớn lao trong sự nghiệp tu hành nó lớn hơn lựa chọn ở lại
trong gia đình và lớn lên, được chăm sóc như một đứa trẻ bình thường.
Bà chị họ, được dự lễ xuất gia
cho một cô bé 14 tuổi, bà chị cũng có 2 con gái, một đứa trạc tuổi đó. Hồi đó bả
mới quy y, nên khi dự một cái lễ như vậy suy nghĩ nhiều lắm, thậm chí phản ứng
cả với thày trụ trì. “Con thấy thày chấp nhận cho cô bé xuất gia nó thế nào ấy
đáng nhẽ cô bé nó còn được cha mẹ chăm sóc, còn được học hành…” Thày trụ trì chỉ
cười, không nói. Khi mình đến nhà chơi, bả vẫn còn giận thày. Mình hỏi: thế tại
sao chị lại gặp được ánh sáng Phật pháp, gặp các thày và quy y, theo Phật? Bả
trả lời: “Do nhân duyên”. “Đó, chị đã tin theo Phật thì chị phải tin hết chứ.
Cô bé ấy nó có nhân duyên vào được gia đình nhà đó, nhưng nhân duyên với cửa Phật
còn lớn hơn thì xuất gia thôi. Chị làm sao so sánh được việc cô bé ở lại gia
đình và ăn mày cửa Phật, điều nào tốt hơn điều nào?”. Kể thêm cho bà chị chuyện
Tái Ông mất ngựa, bà ấy ngẩn người ra, và gọi ngay cho thày: “Thày ơi, con xin
lỗi, con giận thày sai mất rồi. Hôm nay Phật cử thằng em con đến nó nói, con mới
nghĩ ra…” trong điện thoại thày chỉ cười không nói.
Con nhà mình, hồi nhỏ quen
nghe ông bà đọc kinh, thằng lớn thích nhất bài Kinh Pháp hoa. Bây giờ cậu đi học,
có những quan tâm khác nên sao nhãng đôi chút, nhưng nó vẫn được tiếp xúc với
Phật pháp từ sớm. Mình không hề ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, nó về nhà và bảo
với ba mẹ nó: “ba mẹ ơi, con sẽ xuất gia…” và như thế, mình sẽ gọi nó bằng Thày
và xưng con.
Không nhẽ như vậy mình sẽ mất
con? Nhưng bây giờ với mình thì đã khác. Nghĩ lại thời mới lấy vợ, rất lâu
không có động tĩnh gì, đã nghĩ, phải chăng bọn mình có vấn đề gì?
Sau này, ngộ ra – suy cho
cùng, thì vợ chồng gặp nhau là cái duyên, con cái, vừa là nghiệp, vừa là nhân
duyên mới gặp được chúng nó. Bổn phận phải chăm sóc chúng nó, như chúng nó là
chủ nợ của mình từ kiếp trước vậy. Nếu không có chúng nó, ta vẫn phải trả những
cái nợ khác của cuộc đời giao phó. Vì thế, mình đã nghĩ, nếu số phận không cho
bọn mình có con, thì mình vẫn có trách nhiệm với cuộc đời, bằng cách chăm sóc
các cháu khác, có khi càng dễ hơn trên con đường tu tập theo Phật pháp.
Đâm ra, nếu con mình nó đòi xuất
gia, mình sẽ lấy đó làm mừng, hoan hỉ. Nếu con gái đi học nước ngoài bị anh Tây
nào đó xích cổ, không về nữa, như các cụ nhà mình nói là mất con, thì đó là số
phận, là nghiệp, là duyên… cũng chẳng có gì đáng phải suy nghĩ cả.
Một bà chị khác của mình, giàu
có cỡ tốp 10, 15 gì đó của Việt Nam ta, có cô con gái bị bại não bẩm sinh,
thương lắm. Chị ấy không có thêm con nữa, để tập trung chăm sóc cháu. Mình thì
nói với chị, là nó may nó chọn được nhà mình có điều kiện, chứ nó chọn nhà khác
thì còn khổ đến đâu… nhưng thật ra, đều là nghiệp và nhân duyên quyết định hết.
Vì thế, với mình, một khi đã
xác định lấy yêu thương làm lẽ sống thì nếu có con, yêu thương con cái và yêu
thương cuộc đời, nếu không có, sẽ càng yêu thương cuộc đời hơn – và không vì thế
mà lấy làm buồn…
No comments:
Post a Comment