Gần nhà có một anh chàng doanh nhân. Hồi đó, con của anh ta nhỏ
tí, cùng học trường mầm non với cô con gái nhỏ nhà mình. Còn anh bạn doanh nhân
thì cao chừng mét tám nặng dễ thường phải tạ mốt tạ hai, lù lù một đống, trông
khiếp lắm. Hồi đó nhìn hoảng hồn, nghĩ bụng, “sao anh bạn này tuổi còn trẻ mà để
bị phát phì ghê thế!”.
Cách đây chừng hai năm, anh ta thường đưa con đến trường
bằng chiếc Mercedes E250 có lái xe riêng. Doanh nhân to lù lù cũng không có vẻ
gì tỏ ra kênh kiệu, tự mãn, nhưng dáng vẻ toát lên sự tự tin, một sự tự tin vào
“thành công” vĩnh hằng. Đó là thời kỳ nhộn nhịp sôi động của bất động sản. (Thành
công trong ngoặc kép vì sau đây mình sẽ đề cập đến nó nữa, chỉ sự thành công
phù du về tiền tài).
Bẵng đi một thời gian. Cách đây chừng nửa năm, gặp doanh
nhân đã tự lái một chiếc xe “tầu tầu” của Hàn Quốc (tầu tầu trong ngoặc kép là
vì với anh ấy thì tầm tầm, chứ nhà mình mà có cái ấy để đi thì tốt quá).
Cách đây ba tháng, thấy doanh nhân cưỡi một con “a còng”
lộc xộc. Ờ cũng đúng, to cao nặng như anh bạn này, cũng phải cái xe ấy nó mới
chịu được.
Cách đây vài ngày, thấy doanh nhân cưỡi con “uây an-pha”
khá mới. Chắc “a còng” lọc xọc quá không đi được phải đổi sang “con an-pha”
này. Đúng là một con gấu đi xe đạp. Để ý cũng không thấy anh bạn có gì là tự
ti, bế tắc lắm. Chắc hẳn cũng đã có được sự cân bằng – dân làm ăn, thành bại là
chuyện bình thường, cũng chẳng có ai bây giờ “đem thành bại để luận anh hùng”
đâu.
Nhưng mỗi một lần đưa con đi học bằng xe máy, thằng bé
nói lại hỏi “Bố ơi ô tô nhà mình đâu hả bố?” – trẻ con hỏi thế lại quên thế, nó
tập trung vào chuyện khác ngay ấy mà – nhưng chỉ sợ người lớn nghe lại chạnh
lòng thôi. Ngẫm ra, cái sự cân bằng nó cần phải được xây dựng cho cả một hệ thống
từng người trong gia đình chứ cho một mình mình không thôi là chưa đủ. Hãy hướng
cho con cái hiểu dần cái phù du của “thành công” và cuộc đời còn có những giá
trị khác, đáng để xây dựng và gìn giữ hơn nhiều.
Hôm nay hỏi bảo vệ trường mới biết, anh doanh nhân "gấu" đã chuyển trường cho con sang trường làng rồi... thảo nào không thấy đưa đón cho đi học nữa.
ReplyDelete