Một. Chú Hi.
Chú Hi là em ruột bác Phạm Thế Duyệt, nguyên Bí
thư thành ủy Hà Nội. Hè 1997, 1998 mình cùng bơi ở bể bơi trong khu Đại học
Bách Khoa cùng với chú ấy. Đã có tuổi, ngoài 60, nhưng chú rất khỏe, thể hình rắn
chắc đầy cơ bắp. Buổi nào chú cũng bơi 800 mét trườn sấp (crawl) rồi 1200 mét ếch
với một tốc độ kinh dị. Thanh niên cũng chẳng theo được chú. Chú có sức khỏe cực
tốt, chẳng ốm đau bao giờ.
Bẵng đi một thời gian, đi học nước ngoài nước
trong, khi về nước lại đi bơi… gặp lại những ông già ngày xưa bơi cùng thời đó,
hỏi thăm chú Hi, mới được biết chỉ sau đó vài năm, chú bị ung thư rồi mất. Sức
khỏe tuyệt vời cũng không chống cự lại được với kẻ thù ung thư.
Sức khỏe không phải cái còn mãi. Rồi nó cũng sẽ
mất đi.
Hai. Vài dòng về “cái thứ ba”.
Cái thứ ba ở đây, là chữ Bệnh trong Sinh, Lão,
Bệnh, Tử. Hiểu được bốn chữ đó cũng chính là bước đầu tiên vào con đường chứng
ngộ của Đức Phật khi ngài ra cổng thành và gặp một người ốm. Ngài hiểu rằng,
không ai thoát được cái tuổi già, sự đau yếu và sau đó là cái chết.
Người khỏe thì cũng đôi lần cảm mạo. Anh thợ rừng
mình quen cực kỳ khỏe mạnh, một ngày cũng bê xê lết vì thoái hóa đốt sống,
thoát vị đĩa đệm, bò còn không nổi. Chính những lần ốm làm cho mình nằm nghĩ ra
nhiều điều, một trong những điều đó là, ốm, cũng bình thường thôi, chẳng có gì
đáng sợ, vì chuyện gì cũng thế, trong họa thì có phúc và trong phúc thì có họa.
Cần ủng hộ lối sống lành mạnh, để khỏe mạnh, nhưng cũng đừng coi sự ốm là kẻ
thù. Ốm, cũng là một người bạn mà thôi, vì những người sinh ra với một căn bệnh
nào đó, về sau người ta đã học sống cùng với căn bệnh, như một người bạn.
Vì thế, với người ốm, chuyện động viên là cần
thiết, nhưng hay hơn cả là làm thế nào, chúng ta cùng hiểu và biết chung sống với
cái “người bạn tên là Ốm” ấy, chứ không phải là động viên sự “tham sống”. Càng
động viên sự tham sống, thì khi thực sự phải đối mặt với cái “tận cùng”, người
ta sẽ càng đau khổ.
Ba. Về những lời của một người bạn.
Mình có một người bạn khá lâu năm, khoảng một
phần tư thế kỷ biết nhau. Một doanh nhân trẻ, thành đạt, được nhiều bạn bè, người
thân, đệ tử ngưỡng mộ. Vài năm gần đây, cậu ta chia sẻ khá nhiều trăn trở về… sức
khỏe. Đại khái: “Có sức khỏe, là có tất cả”, “Mọi thứ, sức khỏe là cái quý giá
nhất”, “Sức khỏe là cái còn mãi…” nhiều phết, không nhớ được hết. Nhiều khi còn
bắt gặp cậu ta với một giọng khá kẻ cả, dạy dỗ chú em ruột về “cái lọ, cái chai…”
trong đó có cả chuyện… sức khỏe.
Nếu theo dõi những chia sẻ đó trên mạng của người
anh em, chỉ thấy toát lên một sự tham ái. Mong muốn có sức khỏe để có tất cả,
dù là chính đáng, nhưng nó thể hiện một sự ham muốn ôm tất cả, không muốn buông
bỏ cái gì cả.
Sáng sớm nay đọc thấy có một người bạn, một cô gái viết
trên mạng: “Cảm thấy một cái cực kỳ quý giá đang rời xa…”. Mình viết xuống dưới:
“Cái gì cũng sẽ rời xa mình. Và mình rồi cũng sẽ rời xa mọi thứ. Đừng lo lắng.”.
Thế đấy bạn ạ, đừng quá lo lắng cho sức khỏe,
và xa hơn nữa, đừng tham ái những gì chúng ta không có. Cái CR-V bạn đang đi,
người vợ trẻ trung xinh đẹp cùng hai đứa con thông minh đĩnh ngộ của bạn, sự
nghiệp tiền tài của bạn… chúng có thể được gìn giữ và nảy nở thêm bằng sức khỏe
của bạn – nhưng rồi tất cả những điều đó cũng sẽ rời xa bạn. Lo lắng quá cho sức
khỏe, có khi chính bạn lại quỵ vì chính cái sự lo lắng đó.
Đừng lo lắng!
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment