Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, August 1, 2014

Những vụ máy bay dân dụng bị bắn... – phần cuối: Chuyến bay cuối cùng của “Albertina”

Tổng thư ký Liên hiệp quốc
Dag Hammarskjöld
Nếu như trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, một nhân vật tầm cỡ và nổi tiếng đến như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bị chết trong một tai nạn máy bay, thì sự việc sẽ làm cho dư luận toàn thế giới trở nên dậy sóng như một cơn bão. Cách đây 53 năm, trên thế giới đã có một sự kiện như vậy.

Năm 1960, nước Cộng hòa dân chủ Congo vừa giành được độc lập từ tay Vương quốc Bỉ, lại có bất ổn về chính trị. Tỉnh Katanga, dưới sự lãnh đạo của Moise Tschombé, tuyên bố li khai. Đồng thời, chính quyền trung ương lại chia thành những người ủng hộ thể chế liên bang của Tổng thống Joseph Kasa-Vubu và những người ủng hộ chế độ hợp nhất của Thủ tướng Patrice Lumumba. Lực lượng của Thủ tướng Patrice Lumumba được sự ủng hộ về quân sự của Liên Xô (ngoài vũ khí, khí tài, còn có 1000 chuyên gia quân sự Xô-viết đã đến Congo trong năm 1961), nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, nhưng cũng đồng thời bị cáo buộc bởi việc sử dụng binh lính trẻ em có độ tuổi trung bình chỉ 14, và gây ra những cuộc thảm sát ở Luba (Nam Kasai). Tổng thống Joseph Kasa-Vubu thì lo ngại sự can thiệp ngày càng sâu vào tình hình đất nước của Liên Xô, chỉ làm gia tăng tình trạng bất ổn, còn Hoa Kỳ thì lo ngại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Phi.

Năm 1961, Thủ tướng Lumumba bị ám sát trong cùng một vụ với hai người nữa, Chủ tịch Quốc hội  Joseph Okito và Bộ trưởng Quốc phòng Maurice Mpolo. Thông tin không rõ ràng và có nhiều giả thuyết cho rằng chính Moïse Tshombé đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hạ sát ba người nói trên. Nội chiến vẫn tiếp tục kéo dài ở Congo – một đất nước nhiều tài nguyên, nhất là Uranium và được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía, trong đó có Liên Xô và Hoa Kỳ. Nếu như Patrice Lumumba trực tiếp kêu gọi sự ủng hộ của Liên Xô, thì Hoa Kỳ sẽ phải đứng về phía ngược lại, ai cũng được, miễn là người đó chống lại Lumumba. Sau khi Lumumba chết, cuộc khủng hoảng Congo bắt đầu có lối thoát: chính quyền hợp nhất  đứng đầu là ông Cyrille Adoula, tháng Chín năm 1961 đã yêu cầu sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, trong đó kế hoạch đề ra là ổn định tình hình đất nước, thống nhất Congo, thủ tiêu chủ nghĩa li khai bằng đàm phán hòa bình; và tổ chức này (Liên hiệp quốc) đã bắt đầu triển khai lực lượng của mình tại đây. Tuy nhiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khruschev đã cực kỳ phản đối những chính sách của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc lúc này là ông Dag Hammarskjöld, thậm chí vào tháng Chín năm 1960 Khrushchev còn yêu cầu Hammarskjöld phải từ chức và kiến nghị Liên hiệp quốc áp dụng một định chế tổng thư ký mới với ba người, đại diện cho ba nhóm nước khác nhau, các nước tư bản, các nước xã hội chủ nghĩa và các nước mới độc lập, cùng đảm nhận.

Và khoảng giữa tháng Chín năm 1961, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, người được giải Nobel Hòa bình, Dag Hammarskjöld quyết định bay đến Congo để bắt đầu cuộc nói chuyện hòa bình. Ông dự định gặp Moise Tschombé ở  Ndola, Liên bang Rhodesia và Nyasaland (hiện nay là Zambia). Một chiếc Douglas DC-6B của hãng Transair Thụy Điển được chuẩn bị để chở ông đi, nhưng trước đó, nó đã bị hư hại một chút, trúng mấy viên đạn ở Elizabethville khi nó chở trung tướng người Ailen ông Sean MacEoin đến thay ông tướng người Thụy Điển Carl Carlsson von Horn làm chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Congo (Opération des Nations unies au Congo, viết tắt là ONUC (tiếng Anh: The United Nations Organization in the Congo - UNOC)). Tuy nhiên, tổ bay với cơ trưởng lão luyện Per Hallonquist và bộ phận kỹ thuật đã xác định, chiếc máy bay hoàn toàn có thể bay tốt vì nó chỉ bị hư hại nhẹ. Và thế là chiếc máy bay đã xuất phát, mang theo trên mình Tổng thư ký Liên hiệp quốc, thư ký người Canada Alice Lalande và cố vấn của ông người Hoa Kỳ gốc Đức Heinrich Wieschhoff. Ngoài ra, còn có đội bảo vệ ba người chỉ huy bởi trung sỹ người Hoa Kỳ Harold Julien. Chuyến đi về nguyên tắc được giữ bí mật, nhưng các thông tin điều tra sau này cho thấy, ở sân bay Ndola, người ta đã biết việc ông Tổng thư ký bay đến vào nhiều giờ trước. Còn có một điều đáng chú ý nữa là, chiếc máy bay hoàn toàn không có tiêm kích hộ tống, trong khi đó ngay từ chiều đã có một số chiếc cường kích của Ấn Độ  B-58 “Canberra” đã hạ cánh để làm nhiệm vụ hộ tống.

23 giờ 30 phút ngày 17 tháng Chín năm 1961, nhân viên kiểm soát không lưu sân bay Ndola Campbell Martin nhận được tín hiệu liên lạc trên chiếc “Albertina” thông báo sẽ hạ cánh lúc 0 giờ 20 phút. Khoảng 0 giờ 10 phút, lại có thông báo máy bay đang tiếp cận sân bay, và Martin hướng dẫn phi công hạ độ cao xuống 1800 mét để chuẩn bị hạ cánh. Nhưng cũng ngay lúc đó, máy bay va vào cây, đâm vào sườn núi Ndola Hill, phát nổ ở độ cao 1290 mét, trong khi đó lời khai sau này của Campbell Martin thì lại chắc chắn là máy bay vẫn ở độ cao 1800 mét – và những hội thoại của anh ta với tổ lái, hoàn toàn không được ghi âm lại “máy ghi âm của tôi bị hỏng” – anh ta khai như vậy.

Hoạt động cứu hộ được tiến hành và người ta tìm thấy máy bay rơi các khoảng 15 km ở phía tây sân bay, sau chừng 8 giờ tìm kiếm. Những người trên máy bay được thông báo là đã chết hết, ngoại trừ một người Hoa Kỳ Harold Julien trong tình trạng bị bỏng nặng. Sáu thành viên của phi hành đoàn và chín hành khách đã chết, đồng hồ đeo tay vỡ vụn của họ cho thấy thời gian vụ tai nạn tại vào khoảng 0 giờ 11 phút đến 0 giờ 13 phút. Tổng thư ký Liên hiệp quốc được nhận dạng nhanh chóng nhờ chiếc vòng bạc ông đeo có khắc tất cả các thông tin cá nhân.

Hiện trường vụ tai nạn
Harold Julien hôn mê, nói những câu rời rạc “nổ, tai nạn” hoặc ngược lại “tai nạn, nổ”, “Dag Hammarskjöld nói “quay lại!”” “đau, moócphin…” rồi chết sau vài ngày, không cung cấp được gì nhiều. Cuộc điều tra được tiến hành bở người Anh sau đó đã dẫn người ta đi đến nhiều giả thuyết. Lỗi của phi công? Một trong ba người phi công có hàm lượng cồn trong máu rất cao. Động cơ trục trặc? – tất cả các động cơ đều hoạt động và thậm chí gia tăng công suất vào thời điểm bị tai nạn. Một giả thuyết nữa – máy bay bị bắn hạ. Trong cuốn sách khá nổi tiếng của nhà văn – nhà báo người Tiệp Václav Pavel Borovička “Những phát súng từ ổ phục kích” (đã được dịch sang tiếng Việt từ tiếng Nga, Sở văn hóa thông tin tỉnh Nghĩa Bình (cũ) xuất bản năm 1986), không hiểu sao tác giả lại quy nghi vấn cho một phi công đánh thuê người Bỉ trong lực lượng không quân của Katanga: thiếu tá Joseph Doulin. Đây là một phi công thuộc hàng “Át” (Ace), luôn ăn mặc kiểu tài tử, rất thể thao, chỉ bay một mình trên chiếc tiêm kích phản lực Fouga CM.170 Magister trên thân có kẻ biệt hiệu của anh ta “Lone Ranger” (Lữ khách cô đơn). Máy bay Fouga CM.170 Magister do Pháp chế tạo trong thập kỷ 1950 được không quân nhiều nước sử dụng, và đã có vài chiếc được không lực Katanga mua “lậu” về Châu Phi để tự trang bị. Joseph Doulin còn có một biệt hiệu nữa là “phi công điên”.

Trong kết quả khám nghiệm, người ta phát hiện nhiều vết đạn và lỗ thủng đáng nghi ngờ trên thân máy bay của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, về sau, kết luận điều tra cho rằng những lỗ thủng đó được gây ra bởi cành cây và những viên đạn của nhân viên an ninh trên máy bay phát nổ, xuyên thủng. Để loại trừ giả thuyết DC-6B “Albertina” bị bắn bởi Fouga CM.170 Magister, vì nó không đủ tầm bay tới Ndola rồi lại trở về căn cứ ở Kolwezi…

Còn một giả thuyết nữa là sự điều hành sai lầm (không biết có cố ý hay không) của bộ phận kiểm soát không lưu khi cung cấp số liệu độ cao sai, nhưng cũng rất kỳ lạ là DC-6B “Albertina” không có thiết bị ghi âm như thường có, và như trên đây đã viết, nhân viên không lưu “bị hỏng máy ghi âm”.

Cuộc điều tra dường như được điều khiển bởi một thế lực nào đó, nên nó đã bỏ qua và che giấu đi nhiều thứ. Vào năm 2011, thời điểm kỷ niệm 50 năm biến cố, tờ “The Guardian” đã lại đào xới vấn đề. Göran Björkdahl một nhân viên cứu hộ người Thụy Điển đến Ndola, đã đến hiện trường và tiếp tục cuộc điều tra do bố ông ta đã bắt đầu vào thập niên 1970, khi ông cụ ở đây. Ông cụ đã hỏi nhiều người dân địa phương, tất cả các nhân chứng đều cho biết chiếc DC-6B bị bắn hạ bởi một chiếc máy bay thứ hai, nhỏ hơn – nhưng hồi đó Ủy ban điều tra đã phớt lờ những thông tin này. Những nhân chứng bây giờ đã vào độ tuổi trên 70, hầu hết là những công nhân khai thác than trong vùng, đã cung cấp nhiều thông tin. Dickson Mbewe, nay đã 84 tuổi, kể: “Đêm đó tôi ngồi ngoài hiên nhà ở khu dân cư Chifubu, tây Ndola với một nhóm bạn, thì thấy cái máy bay bay qua. Lần đầu, chúng tôi không để ý đến nó. Nhưng lần thứ hai, lần thứ ba nó bay vòng qua… chắc là nó không hạ cánh được. Đột nhiên, có một chiếc máy bay khác nhỏ hơn tiếp cận cái máy bay to từ độ cao lớn hơn, và có một cái gì đó giống như tia chớp xuất hiện. Chiếc máy bay ở trên quay đầu và bay về hướng khác, còn chiếc lớn thì lao xuống rồi biến mất.” Vào khoảng 5 giờ sáng sớm hôm đó, Mbewe đi đến lò than của ông gần hiện trường vụ tai nạn, nơi ông thấy binh sĩ và cảnh sát đang giải tán người dân hiếu kỳ, nhưng theo báo cáo chính thức xác máy bay chỉ được phát hiện vào 3 giờ chiều. “Có một nhóm binh lính da trắng khiêng một cái xác, hai người ở phía trước và hai người đi phía sau,” ông nói, “Tôi nghe người ta nói rằng có một người đàn ông đã được tìm thấy còn sống và cần được đưa đến bệnh viện. Không ai được phép ở lại.” Mbewe không dám đi tiếp vì – ông nói: “Bầu không khí đầy đe dọa, chúng tôi đã bị đuổi đi. Tôi sợ cảnh sát có thể đưa tôi vào tù.” Còn Custon Chipoya, cũng là một người dân địa phương làm nghề đốt than năm nay 75 tuổi, kể lại cũng đã nhìn thấy một chiếc máy bay thứ hai trên bầu trời đêm đó. “Tôi thấy một máy bay quay vòng, nó có đèn rõ ràng và tôi có thể nghe thấy âm thanh ầm ầm của động cơ,” ông nói. “Nó bay không cao lắm. Theo tôi, nó đang ở độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Nó quay vòng lại lần thứ hai, rõ đến mức chúng tôi thấy nó dễ dàng và lại lần thứ ba, khi nó bắt đầu hướng tới sân bay, thì bỗng dưng tôi nhìn thấy một chiếc máy bay nhỏ gần phía sau nó. Chiếc máy bay nhỏ nhẹ hơn cái kia, loại chiến đấu, theo sau và sau đó, nó bắn vào máy bay to và ngoặt bay về hướng ngược lại.” 

Göran Björkdahl cho rằng: chiếc “Albertina” gần như chắc chắn bị bắn hạ bởi một chiếc máy bay chiến đấu nhỏ hơn; Ủy ban điều tra của Anh quốc cũng như chính quyền Bắc Rhodesian đã bưng bít thông tin, cũng như phong tỏa hiện trường khá lâu trước khi công bố các thông tin; người nhân chứng sống sót duy nhất trên máy bay đã không được cứu chữa đúng mức mà bị để mặc nằm trong một bệnh viện nghèo nàn cho đến chết trong mấy ngày.

Vào thời điểm đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc thì nỗ lực dàn xếp ngừng bắn, còn nước Anh và ngành ngoại giao của nó thì bị nghi ngờ là ngầm hỗ trợ cho li khai Katanga và cản trở tiến trình hòa bình. Tổng thư ký Dag Hammarskjöld đã lên một kế hoạch cho phép lực lượng Liên hiệp quốc ở Congo tấn công vào Katanga để tiêu diệt lực lượng li khai, nếu như những thỏa thuận hòa bình không đạt được, và chắc hẳn kế hoạch này hoàn toàn không làm hài lòng ai đó đang muốn một Congo bất ổn…

Nếu như sự việc lại được đào xới lên theo hướng này, thì giả thuyết “phi công điên” của V.P. Borovička lại tỏ ra có lý. Ngoài “Lữ khách cô đơn” Joseph Doulin, trong lực lượng không quân Katanga không có nhiều phi công bay chiếc Fouga CM.170 Magister.

Một chiếc Fouga CM.170 Magister
Tìm hiểu hồi ức của một phi công đánh thuê người Nam Phi: Jerry Puren, thời điểm chiếc “Albertina” của Tổng thư ký tới Ndola, Puren đang ở dưới sân bay. Puren không bị nghi ngờ, vì trước đó mấy ngày, ông ta nhận được thư khen ngợi vì những thành tích trong chiến đấu từ chính Moise Tschombé. Ông được nghỉ phép và về nghỉ ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 12 tháng Chín. Tuy nhiên, chuyến đi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc đến Ndola đã làm đảo lộn, ông bị gọi trở lại, và thế là trên chiếc máy bay hành khách của Nam Phi, ông hạ cánh trước chiếc “Albertina” xuống sân bay Ndola chỉ một thời gian ngắn. Khi xuống máy bay, ông ta tự hỏi, “phải chăng cái đám đông nghịt ở sân bay kia đang chờ đón mình?” – nhưng không phải, họ chờ đón Dag Hammarskjöld. Trước khi “Albertina” hạ cánh, có một chiếc khác, chiếc DC-4 của hàng không Anh quốc chở Huân tước Lansdowne tới Ndola rồi đi tiếp đến Salisbury theo lệnh của Chính phủ Anh trước Tổng thư ký Liên hiệp quốc – Luân Đôn muốn tiếp tục can thiệp vào tình hình, nhưng một cách kín đáo hơn. Sau đó là các sự việc đã kể trên đây và “Albertina” bị rơi. Puren đã ở phòng chờ sân bay được vài giờ, ngồi nói chuyện về tình hình Katanga cùng hai phi công đánh thuê khác là Glasspool và Gurkitz. Do là phi công, nên gì những quan sát được của họ là rất đáng tin cậy. Tất cả bọn họ đều nhìn thấy có một chiếc máy bay tiêm kích tấn công chiếc “Albertina”, rồi ngoặt gấp, biến mất. Trong hồ sơ điều tra còn có một biên bản lấy lời khai của nhân viên điều tra hỏi một người đốt than địa phương tên là Buleni, ông này cũng khẳng định chắc chắn là nhìn thấy hai máy bay, trong đó chiếc nhỏ hơn bắn rơi chiếc lớn.

Tuy nhiên ở đây còn có một giả thuyết nữa mà người ta chưa bao giờ có đủ thời gian kiểm tra: chiếc máy bay tiêm kích đã tấn công chiếc “Albertin” nếu có, phải chăng thuộc lực lượng không quân Liên bang Rhodesia và Nyasaland? – vì chúng có vị trí căn cứ gần hơn rất nhiều những chiếc Fouga CM.170 Magister của không quân Katanga ở tận Kolwezi.

Trước những thông tin của “The Guardian” đưa về cuộc điều tra độc lập của Göran Björkdahl, các chuyên gia lịch sử Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ không thể đưa ra bất cứ ý kiến gì. Các quan chức Anh tin rằng, đến tận thời điểm hiện nay thì không có lý do gì để tin rằng những điều tra này hoàn toàn đáng tin cậy…

Còn đây là những thông tin bổ sung từ Wiki tiếng Việt: Ngày 19-8-1998, Tổng giám mục Desmond Tutu, Chủ tịch Ủy ban đức tin và hòa giải Nam Phi (TRC) tuyên bố rằng những lá thư mới được công bố gần đây cho thấy cơ quan tình báo Anh MI5, cơ quan tình báo Mỹ CIA và cơ quan tình báo Nam Phi có liên quan tới vụ tai nạn máy bay. Một lá thư của TRC cho hay có một quả bom được đặt ở phần bánh máy bay phát nổ khi bánh chạm đất. Tuy nhiên, Tutu cũng nói rằng tính xác thực của lá thư này cần xem xét lại; Văn phòng ngoại vụ Anh đưa ra giả thuyết rằng những lá thư đó là hệ quả của việc thông tin sai lầm từ phía Liên Xô. Ngày 29-7-2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hammarskjöld, thiếu tướng quân đội Na Uy Bjørn Egge đã có cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Aftenposten về những sự kiện diễn ra xung quanh cái chết của cố tổng thư ký. Theo Egge, là nhân viên Liên Hiệp Quốc đầu tiên nhìn thấy thi thể của Hammarskjöld, trên trán ông có một lỗ thủng đã bị xử lý kỹ thuật trong những bức ảnh chụp thi thể sau đó. Theo Egge, Hammarskjöld có vẻ như đã bị ném khỏi máy bay, những ngọn cỏ và lá cây mà ông nắm chặt trong tay chỉ ra rằng rất có thể ông đã sống sót sau tay nạn và đã cố gắng bò ra xa đống đổ nát. Egge không nói thẳng rằng vết thương trên trán Hammarskjöld là một vết đạn bắn, và tuyên bố của ông không khớp với thông tin của Tổng giám mục Tutu hay những phát hiện khác trong cuộc điều tra chính thức. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24-3-2007 trên kênh truyền hình Na Uy NRK, một nhân vật tự nhận là lính đánh thuê và giấu danh tính tuyên bố từng ở cùng phòng với một lính đánh thuê cũng không rõ tên người Nam Phi tự nhận là đã bắn Hammarskjöld. Theo đó, kẻ sát nhân đã chết vào cuối những năm 1990.

Như vậy, tấm màn bao phủ quanh cái chết của Hammarskjöld, vẫn còn chưa được vén lên.
____________________
Bài trên Vietnamnet (Tuần Việt Nam) với bút danh Phúc Lai ở đây

Đọc lại:



No comments:

Post a Comment