Nếu như viết
một bài “thổn thức” về quê hương, mình sẽ mở đầu như thế này: “Làng Chuông, hay
như người ta gọi là Làng Nón Chuông, là một làng sầm uất, đông đúc, nằm bên cạnh
dòng sông Đáy nên thơ, uốn khúc cong cong… nơi đây còn có đình – chùa Chuông nổi
tiếng, đã được phong tặng Di tích lịch sử văn hóa, cấm có được vi phạm…”
Từ ngày có
nhiều “máy ảnh gia” về làng quê mình chụp choẹt, làng nổi tiếng hẳn. Chụp ảnh
nào mà post lên Facebook, nó hỏi “ở đâu” mà gõ làng Chuông là ra ngay – nhưng ghét
cái là ông bợm nào đó trước đây đã điền “Làng nón Chuông, Chương Mỹ, Hà Tây” –
đá cho cái bây giờ, làng Chuông là xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Tây, nay là
Hà Nội – nghe thế mới oách chứ. Ấy thế mà hôm qua chính mình cũng nhầm chùa
Thày, xã Sài Sơn, sang huyện Thạch Thất – nó phải là huyện Quốc Oai mới đúng.
Đúng là không phải quê mình, nhiều khi cũng lười cái chuyện tra cứu lại trên mạng,
internet, hỏi bác sỹ Gu-gờ…
Cũng vì các
máy ảnh gia tràn về chụp ảnh mà đưa lên mạng, mình hay đọc thấy người ta viết “về
làng Chuông xem “chằm” nón” mà lấy làm lạ lẫm – quê hương ta đó mà ta chẳng
nghe từ đó bao giờ. Từ bé, mình về quê thường nghe người làng nói một từ thật đặc
biệt: “thắt nón” – hay chính là “khâu nón” – chứ không nói “chằm nón”. Tuy
nhiên, từ này có trong Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản khoa học xã hội 1977) –
“chằm nón là việc khâu nón, áo tơi hoặc buồm bằng sợi to” (sách đã dẫn, trang
144, cột 1 mục từ số 4 từ trên xuống.)
Làng Chuông một
làng là cả một xã – cách đây hai chục năm đã một vạn dân, thuộc hàng đông của
huyện, có đến bảy thôn: Tây Sơn, Chung (Trung?) Chính, Mã Kiều, Quang Trung (Ngõ Nghè),
Tân Tiến, Tân Dân (nay tách làm hai Tân Dân 1 và Tân Dân 2 – bảy thôn hóa tám),
thôn Liên Tân hay xóm bãi… đã từ lâu, lâu lắm, làng có nghề truyền thống làm
nón. Chuyện này mình nghe kể lại thôi nhé, ngày xưa làng làm nón đấu – hay còn
gọi là nón thúng quai thao, vành to tướng phẳng bên trên, và bên trong thì có
cái vành nữa vừa vào đầu để đội, như cái đấu, nên gọi là nón đấu. Nón này làm bằng
thứ lá khác với lá nón bây giờ: lá gồi, nó dày hơn do đó, nặng hơn lá nón, vốn
làm bằng lá cọ. Lá gồi trước khi đưa vào thắt thành nón đấu (thúng) quai thao,
cần phải xử lý kỹ: phơi phóng ngâm tẩm gì đó mình không rõ, nhưng có một công
đoạn rất quan trọng và đặc biệt: người ta rải lá gồi ra một chỗ rộng, rồi dùng
một hòn đá cuội lớn và nặng loại lấy ở suối, đập thật mạnh, cứ đập đi đập lại
cho nó mỏng và phẳng… việc này là một việc kỹ lưỡng và mất nhiều công sức, được
người làng Chuông gọi là “chằm”. Như thế, ở làng Chuông, có “chằm lá”, lá là lá nón.
Nghề nón như
vậy ở làng, mới đầu là nón quai thao, còn nón như bà con bây giờ hay đội hình
chóp nhọn, được một người mang về cho làng Chuông chỉ vào khoảng trước năm 1940
thôi, đó là ông tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Ông này không chỉ giới thiệu
cho làng Chuông cái mặt hàng mới này, mà còn là người phát triển nghề lụa của
làng Vạn Phúc nữa; nôm na là người phát triển làng nghề cho rất nhiều làng
trong tỉnh của ông. Có lẽ bây giờ đồng chí bí thư tỉnh ủy kính yêu của chúng ta
trăn trở với “trồng cây gì nuôi con gì” như thế nào thì ngày xưa ông Hoàng Trọng
Phu cũng trăn trở như thế. Chuyện, quan phụ mẫu cơ mà!
Sau Cách mạng
tháng Tám, cái nón đấu (thúng) quai thao giảm dần rồi mất hẳn, chứ hồi đầu thế
kỷ chắc là thịnh lắm:
“Hôm nay đi
Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi
sương.
Cùng thầy me
em dậy,
Em vấn đầu
soi gương.
Khăn nhỏ,
đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm
đào;
Quần lĩnh, áo
the mới,
Tay cầm nón
quai thao.
Me cười: “Thầy
nó trông!
Chân đi đôi
dép cong,
Con tôi xinh
xinh quá!
Bao giờ cô lấy
chồng?”
"Đám rước" - Tranh của Nguyễn Phan Chánh |
Chiếc nón Huế
được đem ra làng Chuông, làng Chuông có mặt hàng mới để sản xuất, người ta gọi
là “nón Xuân Kiều”, chiếc nón nhỏ nhỏ, ít công hơn và phù hợp hơn với đời sống,
nhất là dùng để lao động. Riêng nhà mình, không biết bao đời có nghề làm nón,
ngay cả ông ngoại mình sau này học hành đỗ đạt, làm quan thời Pháp thuộc, nhưng
vẫn giữ nghề làm nón. Bà ngoại quê ở làng bên cạnh, cách chừng một cây số nếu
đi đường đê sông Đáy, còn đi đường cái thì đến ba, bốn cây số… theo chồng về
làng sau khi làng bà nhận được vài xe gạch Bát Tràng lát đường làng. Bà ngoại về,
theo nghề nón nhưng không làm nón, mà đi buôn lá nón từ mạn ngược (thường những
vùng Trung Du nhiều cọ) về làng. Mỗi lần bà chở về làng vài xe lá nón, mà thời
đó, thuê cả vài ô tô mà chở, là buôn to lắm. Cũng lại vì thế, làng bà ngoại vốn
có nhiều con gái xinh – có cả lương lẫn giáo, cả theo Phật – trở nên đẹp đẽ
khang trang nhất vùng.
Để làm nón,
còn phải buôn hoặc sản xuất nhiều phụ kiện khác ngoài lá nón: chỉ màu để tết
cái chỗ mà buộc quai nón, vành nón, chuốt nan nón… đến cái vành tròn bé nhất
không làm bằng tre được, cũng phải có – nó làm bằng kim loại mạ màu vàng sáng
chóe. Lại có nhà không làm nón, mà chỉ tập trung in hoa và các hình vẽ khác lên
giấy, để nhà khác lấy về, khâu vào nón. Lại có những nhà có người làm nghề mộc,
chuyên chế tạo cái khuôn làm nón, căn cứ trên cái khuôn đó mà người ta căng nan
lên, lợp lá rồi ngồi xuống thoăt thoắt, thoăn thoắt khâu nón… Lại còn phải buôn
cả dây cước để thắt nón nữa chứ… ngày xưa những mặt hàng này bán đầy chợ Chuông
(chợ Chung (Trung?) Chính, họp ngay chỗ đình, chùa Chuông) – nay chỉ còn ít hàng bán
thôi.
Trong họ nhà
mình có những người làm nón khéo nhất làng, rồi lại có những nhà sinh nhiều con
gái… toàn khéo tay, nên thường tập trung làm “nón kỹ” – thắt nón bằng những mũi
kim nhỏ tăm, chỉ khoảng một milimét thôi. Còn những cái nói “dối” khâu đụp, rẻ
tiền hơn nhiều. Nhà ông bác, cách đây mười mấy năm còn khâu nón, chỉ thắt nón kỹ,
không thắt hàng chợ. Cũng ít làm hàng dày và nặng, mà làm cả nón mỏng tang trắng
muốt như “nón bài thơ” ở Huế. Về sau mấy bà chị họ khéo tay của mình, sang học
nghề may quần áo, trở nên những thợ rất giỏi và mở cửa hàng may quần áo cho những
người… còn thắt nón, rất phát đạt, nhưng làng mất đi mấy tay thắt nón rất khéo.
Có người làm
nón, phải có người buôn bán nón. Ông anh họ chính là tay buôn nón sừng sỏ, ông ấy
chở nón đi khắp nơi để giao hàng – giao sang tận Trung Quốc. Có hồi, bên Trung
Quốc đặt hàng loại nón loe loe, đội vừa giống mấy ông dân tộc Choang hoặc Miêu,
lại giống mấy tay trong kiếm hiệp Kim Dung. Khoác thêm cái áo tơi nữa là ô-kê
luôn. Làng như thế không thuần nông, có nghề thủ công lại thêm buôn bán, nên thời
mở cửa, cũng nhiều tệ nạn. Riêng con đường chính đi từ đường cái vào đến Chợ
Chuông, thời sốt đất, nhà cửa đắt như ngoài Hà Nội.
Nhớ mỗi lần mẹ
mình về quê, là mang ra vài cái nón. Cái dày, để bà đội đi chợ. Cái mỏng, mẹ đội
đi dạy học – buộc cái dây vải mỏng tang như voan, màu tím, màu hồng… nhà cô
giáo kiêm thợ may, gì chứ vải đề-xê không thiếu. Mẹ mang quang dầu cái nón đội
cho đỡ thấm nước và đỡ mốc, đi xe đạp. Có những hôm gió to, cái nón lật úp vào
mặt, mẹ loạng choạng, suýt ngã… Rồi mình lớn hơn, theo các anh lớn đi lấy lõi
ngô bẻ làm đôi, chơi trò “lật nón”. Các chị đi xe đạp qua phố, đáp cho nửa cái
lõi ngô vào nón, ụp xuống, các chị nhảy phắt xuống xe đạp, chân chống chống xuống
đường, đội lại nón, nhảy lên xe phóng mất dạng trong tiếng cười khoái chí của
lũ choai choai.
Lên mạng xem ảnh
của các máy ảnh gia, thấy đặt kép-xừn “nghệ nhân chằm nón” – toàn mấy bà bác mồm
miệng móm mém, mặt nhăn nheo như táo tầu cả lượt. Chỉ năm ngoái, về quê chơi chụp
bà bác mẹ của mấy thợ may kia, mấy kiểu ảnh rất đẹp (chụp người nhà dễ hơn.)
Năm nay chính bà bác xưa đẹp gái nay đẹp lão ấy, đã thành người thiên cổ…
Rồi thì người
cũng thiên cổ hết, nghề nón cũng vậy thôi… và rồi thì, “thắt nón” hay “chằm nón”,
cũng chẳng còn quan trọng nữa…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment