Một. Ông Richard Clayderman trông đẹp hào hoa
thế nhưng lại có một chất giọng kỳ lạ, thẽ thọt thế nào đó. Ác ý thì bảo là ông
ấy giọng the thé, cũng không sai lắm. Rõ là “tiếng phản người”.
Hai. Hồi cách đây hai mấy năm, tự dưng nhìn thấy
cô bé học cùng trường như dưới đến mấy lớp, lên ti vi hát cùng một anh chàng
béo béo, lùn lùn, có cái tên không đàn ông tí nào: Kiều. Dáng dấp tướng mạo hồi
đó trông không phương phi như bây giờ, mà cứ ẻo lả sao đó. Quan trọng là anh
chàng có một chất giọng mỏng quẹt, cũng “the thé”, cao không cao, thấp không thấp,
cũng không ra khỏe. Sau này mới để ý cô bé kia trở thành diva ML, còn anh chàng
này thì đi ra nước ngoài hát tiếp. Nhiều người thích anh cu này, nhưng mình chẳng
thấy thích. Khỏe cao có sức mạnh, phải là Trọng Tấn chứ. Giọng nam trầm mà đẹp
Việt Nam bây giờ mình không thấy có ai, nhưng giọng nữ thì nhiều lắm: Ngọc Anh
(bây giờ hát Phú Quang có lẽ là xịn nhất, mà nghe “Bài không tên cuối cùng” (Vũ
Thành An) Ngọc Anh hát cực phê nhé), Hồng Ngọc, Thu Phương… Một giọng nữ rất đặc
biệt, dày và vang vang, là giọng của Mỹ Tâm… Chú Bằng Kiều béo tốt ra, nhưng giọng
vẫn thế, nên “tiếng vẫn phản người”.
Ba. Vợ chồng cô Thu Phương và chú Huy “móm” té
sang Mỹ làm gì không biết. Chú Huy hồi đó tài năng gần như không có gì, chỉ được
cái dân phố cổ (Hàng Quạt), lại hay hát tiếng Anh. Té sang Mỹ hát tiếng Anh cho
dân da đỏ nghe chăng? Lại bằng cấp coi như zéro (Đại học An ninh, sang làm cho
FBI nhể?). Hồi mới nghe chuyện thấy coi như là khó khăn với chú bạn này rồi, y
rằng, sau thấy “páo chế” nhà ta đưa tin Huy MC lúc căng thẳng nhất phải bán xôi
– trai Hàng Quạt bán xôi, không phải chuyện đùa đâu nhé! Cô Thu Phương lần cuối
mình gặp ở ngoài cổng nhà hát Tuổi trẻ trên phố Ngô Thì Nhậm, cao người dài ngoẵng
đi cái xe Dream “lùn” màu đen, loại thịnh hành ở Hải Phòng. Chân dài đến mức
thò chống xuống đất, mông thì ở yên xe còn bàn chân thì ở cái bánh trước. Người
thì đẹp, nhưng mặc cái áo ba lỗ đã lộ vẻ thỗn thện, một rổ bụng. Ở ngoài không
xinh như trong ảnh, có một vẻ gì đó hơi trơ trơ, chợ búa một chút. Cái cảm giác
đó, là “người phản tiếng”.
Bốn. Vẫn tầm những năm 1990, có dạo hay lang
thang trong khu Trung Tự, chỗ cái hồ nay là phố Hồ Đắc Di, thỉnh thoảng gặp cô
ca sỹ kiêm pianist Thùy Dung. Nhìn chung là cũng xinh, cao, khá là to chứ không
mấy mảnh mai, mặc bộ quần áo ở nhà, cái váy trắng đi mua rau ở cái chợ cóc,
cũng chảy xệ một rổ bụng. Chẳng biết có phải do mới sinh bé con hay không nữa,
nhưng nhìn chung là bà con nếu có, cũng không nên gặp các thần tượng ở ngoài
trong tình trạng mua ra chợ cóc, sụp đổ dễ như bỡn.
Năm. Ông Toto Cutugno già rồi nhưng lâu lâu lại
sang Nga một lần, lần nào cũng hát “Người Italia”, bài hát ông ấy được giải ở
Sanremo năm 1983 – hồi đó mình cũng được xem trên “Đài Nga” chứ đâu! 2009 đi
làm ở một công ty, mình toàn ngồi nghe nhạc lúc làm việc, lúc nghe bài này thấy
có cô bảo: “Ơ bài “Say tình” nghe lạ quá!” Mò nghe thử xem “Xay nhỏ tình ra” nó
như thế nào, hóa ra ông mãnh Đàm gì đó có cặp mắt lác, nó chế “Người Italia” ra
như thế. Phỉ báng âm nhạc. Vừa nãy thấy bạn mình chia sẻ lại ông quỷ sứ nào ắp
lên Youtube “Say tình – Tiếng Ý”; ơ, kiến thức của giới trẻ hay nhỉ - nó là
nguyên bản “Người Italia” chứ, sao lại gọi nó là “Say tình – Tiếng Ý” được? Có
mà “Xay nhỏ tình ra” là “Người Italia” bản tiếng Việt (theo hướng mọi rợ hóa,
he he) chứ?
Sáu. Có phải chính ông Đàm mắt lác này dẫn đầu
cho trào lưu hát cứ nấc nấc lên không nhỉ? Đúng là trình độ nghệ thuật là con số
âm nên phải làm trò ra như thế. Suy cho cùng có nhạc kinh viện thì cũng phải có
nhạc rẻ tiền cho số đông, bình thường mà.
Bảy. Bác “nờ-sứt” T.Đ, người to như gấu nhưng
giọng hát thì yếu và thỉnh thoảng, ra vẻ ẻo lả một cách kỳ lạ. Ấy thế mà bà cụ ở
nhà lại cứ khen “giọng T.Đ. hay!” hay là hay hát những bài bà thích, nhất là “Trường
Sơn đông, Trường Sơn tây” nên thích luôn cả những NSND Thu Hiền. Chuyện này nói
lại, buồn cười nhất là trong cái cờ-líp bài hát đó bác T.Đ ngồi trên cái cabin Giải
Phóng hay Zil-157 gì đó, không kính, cười tươi như hoa, hát vui vẻ mà xe thì
xóc lắc như đưa võng, xóc nảy cộc đầu trần cabin như thế thì chỉ có mà chửi được
thôi chứ hát hò cái giề. Lúc sau, lái xe Trường Sơn cầm khẩu AK băng đạn rỗng (thủng
đáy), nhảy xuống xe…
Tám. Chiều đi cắt tóc vỉa hè ngoài vườn hoa, gặp
một cô bé chỉ khoảng ngoài 20 thôi, dáng cao lắm, gày gày, da trắng tóc ngang
vai buộc vổng đuôi ngựa. Bế đứa bé con khoảng 6 tháng tuổi đi dạo mát. Cô bé
xinh, mặt mũi thanh tú, làm mình khoái quá cứ nhìn đi, nhìn lại mãi. Đùng cái
cô ấy cười với một ai đó, khuôn mặt biến dạng hẳn đi, lạ thế. Mình cũng là người
như vậy, mặt lạnh như tiền trông còn khả dĩ, động cười vào là mặt nhăn như con
khỉ vậy. Cô bé này cái cười cũng rất xấu, thật là đáng tiếc. Lúc cô bé đi lại gần
thì phát hiện ra cô bé cười cái cằm nó đưa ra sau, làm hàm dưới thụt hẳn vào,
và hàm răng thì bị quặp vào trong làm cho nụ cười nó méo mó, biến dạng cả khuôn
mặt. Cô này làm người mẫu mặt lạnh thì được, chứ đi thi hoa hậu cười toe toét
là vứt. Lại nhớ rất nhiều người, hình dung thì bình thường thôi, nhưng cứ hễ động
cười là tươi như hoa, cười cả bằng mắt, âm thanh lại trong trẻo, lanh canh cứ
như chuông, làm không khí sinh động, vui vẻ, ấm áp, tươi trẻ hẳn lên…
Chín. Các cụ bảo “Trông mặt mà bắt hình dong”,
nhưng không phải lúc nào cũng vậy… rõ ràng, có những nụ cười, cực kỳ “phản động”,
và cũng có những nụ cười, không thể nào quên.
"L'Italiano" - Toto Cutugno in Sanremo, 1983
"Bài không tên cuối cùng" (Vũ Thành An), Ngọc Anh
Tham
gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment