Nhóm chăn dắt
trẻ chia chác
tiền kiếm được từ thân xác trẻ thơ
ngay trên vỉa hè khu vực “làm
ăn”
Nguồn ảnh và chú thích: 24h.com.vn
|
Vừa đọc một tản
văn về những người “chăn dắt”, không phải gia súc, gia cầm, mà là những em bé
đi bán hàng rong. Nhớ ra một chuyện suýt thì quên…
Chiều đi đón
con đứng ở đúng một điểm trên vỉa hè, chiều nào cũng như chiều nào, không khác.
Đúng chỗ đó, đúng giờ đó… Một ngày gặp một cô bé cũng đứng ở đó – cô bé khoảng
15, 16, tuổi còn đi học. Ăn mặc sạch sẽ, nhưng xoàng xĩnh, kiểu con gái nông
thôn, con nhà nghèo. Đôi mắt không rõ có phải là mù không, nhưng rõ ràng, chúng
không bình thường, như kiểu bị lòa, hay ngày xưa người ta gọi là “thong manh”.
Đôi mắt đùng đục, trong hai cái hốc sâu hoắm, nhưng có vẻ, cô bé vẫn nhìn thấy
đường, mờ mờ thôi. Cổ đeo một cái rổ nhựa hình chữ nhật hồng hồng, trong có mấy
vỉ kẹo cao su, tăm bông ngoáy tai, nhíp…
Cô bé cứ đứng,
không mời chào gì ai, cũng không mấy quan tâm đến con đường đầy xe cộ, ngày cứ
một đông lên vào giờ tan tầm. Và đương nhiên, không thể quan tâm đến một ông
già như mình, dù ông ta đang chú ý đến cô bé. Mình chưa bao giờ có nhu cầu về bất
cứ một thứ hàng hóa gì mà cô bé và những người như cô thường bán dạo khắp nơi
trong thành phố, nhưng lần này, thực sự cô bé đã thu hút sự chú ý. Mình hỏi,
cháu đi bán hàng ở đâu? Ở khu vực này chú ạ, nhưng ở đây ít hàng quán (các quán
cà phê) nên không bán được nhiều.
Mình cho cô
bé 10 nghìn đồng, cô bé không từ chối và nói “cháu xin chú!”
Giọng Thanh
Hóa.
Khoảng vài
phút sau, một người đàn ông dáng xe ôm, ồ không, dáng như cán bộ về hưu sớm “một
cục”, không xe ôm lắm, nhưng cũng không ra dân văn phòng, lại càng không phải
dân anh chị, đi chiếc Dream cũ biển số 36 – Thanh Hóa, đến đón. Nghe ông ta gọi
cô bé, cũng giọng Thanh Hóa. Và ông ta chở cô bé đi mất. Mình tần ngần, lúc này
mới nghĩ ra những câu chuyện người ta hằng chia sẻ trên mạng, rằng có những hội
nhóm gom các cháu nông thôn muốn “ra thành phố đi làm”. Hi vọng cô bé đủ khôn để
cất tờ 10 nghìn đồng của mình chia sẻ, vào một cái túi áo, túi quần nào đó kín
đáo trên người, để không bị “vào sổ kiểm kê” với những hàng hóa bán được trong
ngày. Có người kể, đội “chăn dắt” ngày nào cũng khám người để bắt “ăn chia”. Cũng
phải thôi – một phong kẹo cao su 5 nghìn đồng, thường được bán với giá 10 nghìn
đồng – nghĩa là đã được người mua người ta cho thêm 5 nghìn rồi. Tiền đi xin được,
tiền nào mà chẳng là tiền?
Chiều hôm sau
và cả hôm sau nữa, đều thấy cô bé, đứng chờ người đàn ông và lại lên xe, ông ta
chở đi đâu đó. Khoảng dăm bữa như thế, rồi không bao giờ gặp lại hai người ấy nữa.
Người ta hay
dễ lên án việc lợi dụng bóc lột sức lao động của các em, trong trường hợp này “bán
hàng” đã kết hợp với “đi xin tiền”. Nhưng rõ ràng là nếu không đưa các em ra
thành phố kiếm tiền kiểu này, thì ở lại các vùng quê, nhất là với các em tật
nguyền, thử hỏi xã hội, Nhà nước đã tạo điều kiện thật tốt cho các em học tập
và lao động chưa? Hay chính các em đang là gánh nặng của gia đình và chính gia
đình lại đang muốn đẩy các em đi cho “nhẹ nợ”?
Ở Sapa và các
bản xung quanh, các em bé đi kiếm tiền bằng cách tương tự và nay đã trở nên “trắng
trợn”. Các em kiếm được ở đâu đó chỉ một cái vòng tay kết bằng chỉ, hay một đồng
xu “giả cổ” và đem gạ bán cho khách du lịch – biết thừa là khách du lịch không
có ai thiết gì mấy cái đó. Vì thế, các em gợi ý luôn: “Mua cho cháu chú ơi… nếu
chú không mua, chú cho tiền chia nhau…”
Một em bé bán hàng rong ở Sa Pa. Ảnh: "Người lang thang cuối cùng" |
Mọi chuyện dường
như đang không ở đúng chỗ của nó. Bạn đi đường gặp người cần giúp đỡ, bạn không
dám giúp sợ hiểu lầm là tay cơ hội rình lấy tài sản. Bạn gặp nạn, cũng không
dám nhờ ai giúp đỡ. Trẻ con lang thang cơ nhỡ, cũng không phải là cơ nhỡ theo
đúng nghĩa của từ đó những ngày xưa nữa, mà tất cả, nằm trong một cái guồng
máy, một cỗ máy tàn nhẫn tên gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa.”
Một cảm giác
xót thương và bất lực trào lên, đất nước ơi, có ngày có những chuyện như thế
này chăng?
P.S. Bài viết
trong vòng 10 phút, nên có thể không được mượt mà, nhưng cảm xúc thì là thật.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment