Sáng hôm qua có một cô hỏi: “Nếu
như Đạo Phật dạy không có ham muốn, thì làm sao mà có động lực phấn đấu?” Thực
ra đây là một câu hỏi thường gặp, và dạng thức khác của nó là “Đạo Phật dạy người
ta không có ham muốn, do đó không có động lực phấn đấu!” và dạng thức cao hơn của
nó là “Đạo Phật cực kỳ yếm thế!”
Phải không vậy?
Học Phật chúng ta sẽ gặp một
câu Đức Phật dạy: “Thiểu dục, tri túc.” “Ham muốn” ít thôi, và biết như thế nào
là “đủ.” Đức Phật dạy câu đó cho chúng ta, những người đang sống trong thời vật
chất thắng thế, con người điên loạn lên vì những giá trị ảo của vật chất, thời
mà sách vở học hành bị rẻ rúng, học chỉ còn mục đích vinh thân, phì gia, chứ
không còn những mục đích cao cả sống có ích cho xã hội, có ý nghĩa cuộc sống…
Như thế chúng ta cần hiểu, với phàm phu chúng ta, chưa ở một tầng bậc nào cả,
thì chỉ cần “ham muốn ít thôi” cũng đã là quá tốt rồi, chứ chưa cần phải “diệt
trừ sạch bách mọi ham muốn.”
Đầu tiên, cần phải tìm học xem
Đức Phật dạy chọn nghề nghiệp như thế nào là tốt cho xã hội và bản thân, không
phá đi hay làm tổn hại cái phước chúng ta đang có. Những nghề như thế này thì
nên tránh: đồ tể (thật ra nghề chăn nuôi cũng trong chuỗi cung cấp thực phẩm động
vật, cũng tạo nghiệp, tổn phước) nghề cho vay nặng lãi, nghề buôn người (có cả
bắt cóc người, đương nhiên!), nghề gá bạc (ghi đề, bán xổ số cũng vào đây luôn)
nghề nấu rượu, buôn bán rượu (nghề này cần mở rộng sang bán thuốc lá, và cả bán
các chất gây nghiện bây giờ), nghề sản xuất và buôn bán vũ khí… Thôi kể đến đây
thôi, cuộc sống bây giờ muôn màu muôn vẻ, có mà cơ man nghề có thể gây tổn phước.
Nghề buôn bán có gây tổn phước
không? Phần lớn là có: mua đầu chợ bán cuối chợ, bán lãi cắt cổ khi khan hàng,
lừa đảo, điêu toa, ăn gian nói dối, nói “lưỡi hai chiều” trong buôn bán… đều tổn
phước. Bà bác mình có thời nhà bả là một chủ ngành hàng có số má của Hà Nội,
nhưng làm giàu theo đúng con đường chánh đạo. Bà bán không bao giờ ăn lãi nhiều,
chỉ vừa đủ, khách mua hàng không bao giờ phải mặc cả. Dần dần cách bán hàng đó ảnh
hưởng đến toàn bộ khu vực chợ, nhà nào cũng phải bán như thế vì nếu không thì
không bán được hàng, tiếng lành đồn xa… khách cứ ùn ùn kéo đến, nhiều hôm đông
như… “cháo thí.” Những người bán hàng khác thỉnh thoảng áp dụng trò “chạy mánh”
khi sang lấy hàng bán lại kiếm lời, như thế là cũng tổn phước, vì đó là lợi dụng
sự thiếu thông tin của người mua hàng. Có một cô rất đàng hoàng, không có hàng
thì thường chỉ sang nhà bà bác mua, không bao giờ chơi trò đó…
Học Phật có một điểm quan trọng,
là “tinh tấn,” chính là sự phấn đấu để tiến bộ trong tu học Phật, và không chỉ
thế, tinh thần này còn giúp người học Phật phấn đấu tiến bộ cả trong các lĩnh vực
khác của cuộc sống, như công việc, hoạt động xã hội… Sự phấn đấu này trên cơ sở
lựa chọn được nghề nghiệp đúng đắn, được trang bị tư tưởng đúng đắn, không vì mối
lợi mà đánh mất đạo đức nghề nghiệp.
“Thiểu dục” là như thế, không
vì muốn có nhiều tiền ngay lập tức, nhanh chóng mà chúng ta chọn những nghề như
gá bạc, cho vay nặng lãi… Phàm là những nghề kiếm được tiền mà không phải làm
gì cả, thì cứ một đồng kiếm được, sẽ tổn phước “vài đồng.” Như nghề chơi chứng
khoán với một nước có nền sản xuất èo uột như ta, thì không phải là đầu tư mà
cũng là hình thức cờ bạc. Thua thì mất nhiều thứ, có khi cả mạng sống, mất cuộc
sống bình thường của gia đình. Được thì lại lấy đi những điều đó của người
khác. Đằng nào cũng tổn phước cả.
“Biết thế nào là đủ” – vế này
rất hay. Hôm trước nghe bài pháp thoại của Thày Viên Minh (Về Thiền Vipasana)
Thày có một ví dụ rất hay: chúng ta cứ mê mải theo đuổi một việc nào đó, đến mức
ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, cãi cọ đánh đấm vợ chồng với lý do “Mai kia
thành công rồi sung sướng” mà quên đi vợ, con đang yên ấm, sức khỏe đang còn…
nhưng hạnh phúc thì đang bị phá đi vì vợ con không thể tiếp tục chịu đựng được
nữa, và sức khỏe thì đang bị tàn phá… chưa kể nhiều việc có thể dẫn chúng ta tới
vòng lao lý.
Chúng ta cần phải có được sự
cân bằng, nếu không quá ham mua thêm nhà thêm cửa, đổi xe đổi cộ… bằng lòng với
cái đang có, thì chúng ta sẽ giữ được nhiều thứ, còn nếu cố thì có khi mất tất
cả.
Sự cố gắng nỗ lực phấn đấu để
đạt cái tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn… nhưng phải ở trong khả năng thực hiện và sự
cân bằng, nếu không thì hậu quả không gì bù đắp nổi.
Với những tiêu cực ngày ngày
diễn ra trong xã hội thì sao?
Xuất phát từ cái gốc, Đạo Phật
dạy mọi người yêu thương lẫn nhau, “chỉ có người làm việc xấu, không có người xấu.”
Có thể chúng ta gặp một người nào đó mà ta tưởng là xấu, thậm chí họ khác chúng
ta về nhãn quan chính trị, họ cực đoan, cực hữu… nhưng với mẹ với cha, với vợ với
con… họ vẫn là người tốt. Đức Phật đã chỉ ra bản chất cái “không,” người với
người không khác nhau về bản chất vật chất, và cũng sẽ không khác nhau về bản
chất tâm linh. Đức Phật đã nói Ngài là Phật đã thành Phật, còn tất cả chúng ta
là Phật chưa thành Phật đó sao…
Vì thế học Phật, chúng ta sẽ
biết điều quan trọng hơn là tự sửa mình, chứ không phải là hậm hực về những điều
tiêu cực xung quanh. Đầu tiên cần hóa độ chúng sinh từ chính sự sửa bản thân mình,
càng sửa tốt, tấm gương chúng ta tạo ra càng sáng. Chính những người đã và đang
tiêu cực, cũng đang ngày càng lo sợ, và tìm đến những chỗ dựa tâm linh, rất nhiều
người tìm đến Đạo Phật. Có thể chê bai họ còn nhiều mê tín, do sợ hãi trước những
gì đã làm mà cầu Đạo, nhưng trước mắt cứ thế đã, thế cũng là tích cực lắm rồi.
Khi chúng ta đã không ghét bỏ
người khác, thì chúng ta có thể tiếp cận bất cứ ai, cộng tác với bất cứ ai, miễn
là không làm việc xấu, cố gắng làm điều thiện. Nhưng xin nhớ - “tránh ác, làm
lành” nhất nhất phải “tránh ác” trước (không phải chỉ một lần sân hận đốt cháy
một rừng công đức đó sao?) Một việc làm xấu thì còn kinh khủng hơn nhiều, rừng
công đức bị đốt cháy còn lớn hơn rất nhiều. Việc làm từ thiện ta làm được chỉ bằng
hạt cát so với cả quả núi đổ xuống khi ta làm việc xấu.
Nhìn ra tiêu cực và phản ánh
chúng, là cần thiết. Điều quan trọng là phản ánh như thế nào – nếu chúng ta phản
ánh, phản ứng lại với lòng thù hận, người thiệt hại trước hết là chúng ta.
Được sinh ra trên cõi đời, điều
thiêng liêng nhất là ơn cha, ơn mẹ, cao hơn nữa là ơn Tổ Quốc. Đến nay hai dân
tộc Tây Tạng và Tân Cương là hai dân tộc vong quốc, nhưng cách cư xử của hai
dân tộc đó khác nhau. Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn con đường đi ra nước ngoài, cùng
với một số người dân của mình. Ngài như Thánh Gandhi trước đây, chọn con đường
đấu tranh bất bạo động, vì đấu tranh bạo lực chỉ làm đầu rơi máu chảy cho cả
hai bên. Lỗi lầm thuộc về những người đã quyết định xâm lược, không phải của
chúng sinh. Người Tân Cương có nhiều người chọn con đường làm khủng bố, nhưng
người Tây Tạng do thấm nhuần sâu sắc triết lý Đạo Phật, thì hiến dâng điều
thiêng liêng nhất, là mạng sống của mình. Họ tự thiêu để phản đối sự xâm lăng của
Trung Quốc. Tác động từ những hành động đó lên tâm lý cộng đồng lớn hơn hành động
khủng bố rất nhiều.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chắc chắn
hiểu sâu sắc cái lẽ triết học rằng không có gì tồn tại mãi mãi. Mười mấy đất nước
vong quốc suốt 70 năm dưới ách người Nga trong cái gọi là Liên bang Xô-viết, rồi
thì nó cũng phải sụp đổ, và họ độc lập không mất một mũi tên hòn đạn, không đổ
một giọt máu nào. Trung Quốc cũng vậy, rồi chế độ cộng sản cũng sẽ sụp đổ, đưa
lại cơ hội độc lập cho Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông.
Ngày hôm qua, đọc một bài về
Thày Thích Quảng Đức hi sinh nhục thân để phản đối nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm
đàn áp Phật Giáo, thực sự xúc động. Tác động của nó mạnh mẽ hơn ngàn binh sĩ đầy
gươm súng, và không cướp đi mạng sống của ai cả, ngoài của chính Ngài. Với người
tu hành đến một mức nào đó, việc làm chủ sinh mạng không khó, mình tin với trường
hợp Thày Quảng Đức cũng như vậy, Ngài đã về Tây Phương Cực Lạc và đã có thể
thành Phật ở một cõi nào đó. A-di-đà Phật!
Năm qua với mình là một “năm bản
lề” với một thất bại to lớn – nói là mất tiền mất của cũng được, mất công sức của
mấy năm đổ ra cũng được, mà có lẽ cả hai. Nhưng thất bại đó làm cho mình nhận
ra rằng bản chất của việc mình theo đuổi, nó cũng sẵn có một sự dối trá (sống
và làm kinh doanh trong xã hội ta, không phải dối trá cũng khó khăn lắm,) do đó
nếu nó có thành công, mình sẽ lại phải sa vào một sự dối trá khác, kinh khủng
hơn. Nhận ra rằng mạng sống của kiếp này là quý, cơ hội tỉ vàng chứ không phải
ngàn vàng để mà tu, thoát luân hồi sinh tử. Do đó mình sẽ mình sẽ không dại gì
mà để mất đi cơ hội đó, phải tu học… Do đó những gì đã mất, thấy không còn ý
nghĩa, không băn khoăn, day dứt gì cả. Nếu như trước đây chưa hiểu, chắc sẽ
xì-choét, đau khổ lắm. Và cũng chẳng trách trời trách người, ai làm người ấy tự
chịu.
Mình tìm thấy một động lực mới
để làm công việc mới, đúng với khả năng và nghề được học, yêu thích, nghèo
nhưng trong sạch. Mình tìm thấy động lực cho những mục tiêu khác, dù con đường
nhiều khó khăn nhưng nếu làm được, đem lại khả năng cống hiến nhiều hơn nhiều
cho xã hội. Vậy thì Đạo Phật tích cực hay yếm thế? Với mình là cực kỳ tích cực.
“Mạnh, không phải là nhấc lên
mạnh, mà là đặt xuống nhẹ” – Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
Đạo phật là tích cực và thực tế
ReplyDelete