Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, January 15, 2016

“Suy ngẫm và hy vọng” – Thế giới năm 2015 nhìn lại

Ngồi nhìn lại những sự kiện trong năm 2015 chúng ta chưa thể hết bàng hoàng với những vụ khủng bố gần như liên tiếp trong một thời gian ngắn. Chỉ trong hai tháng 10 và 11 có đến 4 vụ khủng bố: ngày 10/10 vụ đánh bom ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ; ngày 31/10 máy bay A-321 của Nga rơi trên bán đảo Sinai, cướp đi sinh mạng của 224 người. Chỉ trong hai ngày liên tiếp là 12 và 13/11 là hai vụ khủng bố ở Beirut, Libăng và một “sêri” vụ tấn công tại Paris.

Thế giới bàng hoàng. Có thể nói năm 2015 là năm bạo lực trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cũng không quên ngay trong những ngày năm mới, ngày 7/1 diễn ra vụ tấn công trụ sở của Charlie Hebdo; và ngày 26/6 vụ khủng bố tại bãi biển Sousse, Tunisie đã giết chết 37 du khách chủ yếu là công dân Anh.


Một năm nữa thế giới sẽ cùng nước Mỹ kỷ niệm một thập kỷ rưỡi vụ khủng bố 11/9, nhưng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ “tìm diệt” thời tổng thống Bush đến những chiến dịch quy mô như chiến tranh chống lại một quốc gia (Nhà nước Hồi giáo độc lập IS) ngày hôm nay, chúng ta đã nhận ra rằng, chủ nghĩa khủng bố không bị tiêu diệt. Như một con quái vật chặt đầu này nó mọc đầu khác, không những thế, nó còn thay đổi màu sắc và hình dạng và rõ ràng nó đã phát triển cả về lượng lẫn về chất. Không còn là một tổ chức khủng bố trốn chui trốn nhủi nữa, chủ nghĩa khủng bố nay mang diện mạo một quốc gia không được ai công nhận, nhưng có lãnh thổ, có dân cư, và có tổ chức chính quyền. Có lẽ chính vì thế mà cuộc chiến chống khủng bố của các cường quốc cũng có sự thay đổi, từ những vụ không kích và tấn công nhỏ lẻ, biến thành những chiến dịch không kích.

Chủ nghĩa khủng bố chắc chắn sẽ không bị tiêu diệt bằng cách đó, vì nó vẫn là “khủng bố,” được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cực đoan. Xuất hiện những hình thức mới, ví dụ như hình thức “Những con sói đơn độc,” lặng lẽ và cô độc xuất hiện, có thể “ém quân” giấu mình một thời gian dài chờ thời cơ mới hành động. Thế giới đáp trả bằng những chính sách khác nhau, như sau vụ tấn công 13/11 ở Paris, Ba Lan đóng cửa biên giới với người tị nạn từ Trung Đông hay Canada cũng có nhiều thay đổi lớn về điều kiện, xiết chặt hơn nhiều với người tị nạn nhập cư. Không phải ai khác mà chính người người Hồi Giáo và cả nền văn minh, là những nạn nhân trực tiếp. Hãy nhìn lại, vụ tấn công ngày 13/11 diễn ra sau hơn một tuần có quyết định của Pháp gửi tàu sân bay Charles De Gaulle tới vùng Vịnh để tham gia không kích IS. Từ ngày 30/9 Nga bắt đầu chiến dịch không kích mà họ cũng tuyên bố kẻ thù trực tiếp là IS, thì sau đúng một tháng chiếc máy bay A-321 của nước này rơi do bị đặt bom. Hai vụ khủng bố như hai lời đáp trả trực tiếp, tức thì với hành động tấn công từ cường quốc. Rõ ràng, bạo lực không thể bi chấm dứt bằng bạo lực – mà thế giới văn minh, những nền kinh tế lớn nên nhìn nhận lại cách đối xử với phần còn lại của thế giới theo một cách khác. Cái hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, không chỉ trong mỗi nước mà còn phải được lấp giữa những khu vực phát triển và khu vực chưa phát triển của thế giới. Chiến tranh chỉ là liệu pháp chữa triệu chứng, về lâu dài để chữa tận gốc rễ căn bệnh, thế giới mà dẫn đầu là các cường quốc, phải có cách nhìn và biện pháp khác.

Năm nay những vụ tấn công của khủng bố mới chỉ trên lục địa Á – Âu, và châu Âu thì đang đứng trước những khó khăn về sự chia rẽ thiếu đoàn kết của Liên minh, làn sóng người nhập cư cũng như cái nhìn không thống nhất về cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với nước Nga. Với Châu Âu, thật đau lòng là hình ảnh đặc trưng của năm nay lại là hình ảnh em bé chết trên bờ biển tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2015 là năm nối tiếp những khó khăn của nước Nga năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và bị quy kết cho là đứng sau cuộc nội chiến và li khai ở miền Đông Ukraine, nước Nga sa vào khủng hoảng do tác động kép của trừng phạt kinh tế và giá dầu mỏ hạ thấp. Lần đầu tiên sau năm 1991, sau “Afghanistan của Liên Xô” nước Nga lại có một cuộc đưa quân ra nước ngoài với khoảng cách xa đến thế. Có những ý kiến cho rằng việc Nga mở “mặt trận thứ hai” bằng cách tham gia không kích IS ở Siria có nhiều ý nghĩa: mở ra những cơ hội tìm tiếng nói chung với phương Tây nhằm giảm đi những khó khăn về kinh tế, đồng thời củng cố sự ủng hộ của dân chúng với chính quyền ở trong nước, mở rộng thị trường bán vũ khí vốn là thế mạnh truyền thống, đồng thời giảm bớt tình hình khó khăn về giá dầu thô vốn đã hạ thấp lại còn bị phá giá bởi dầu lậu của IS… Tác động tích cực có thể có đôi chút, tuy chưa rõ ràng như sau khi Nga không kích ở Siria, giá dầu thô thế giới có nhích lên. Tuy nhiên không vì thế mà phương Tây “bỏ qua” được cho Nga vì tình hình Ukrain, trái lại Nga tự đặt mình vào thế trở thành kẻ thù trực tiếp của IS.

Khi Nga hành động quyết liệt ở Siria thì chính là thời gian nước Mỹ bận rộn chuẩn bị cho lần bầu cử tổng thống mới cho nhiệm kỳ tiếp theo. Kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng trong năm, việc làm tạo ra nhiều hơn… năm nay là thời gian “dễ thở” của tổng thống Obama về đối nội và dường như Nga tham chiến ở Siria, rồi Pháp tích cực hơn… cũng lại đem lại cho ông một sự “dễ thở” nữa về đối ngoại.  

Chủ nghĩa khủng bố nấp dưới vỏ bọc “Hồi Giáo” kéo theo những nước có nguy cơ tiềm tàng vào vòng nguy hiểm, trong đó có Trung Quốc. Năm nay Trung Quốc chỉ xảy ra một vụ nhỏ ở Tân Cương, nhưng điều đó không có nghĩa là nguy cơ còn xa. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ vấp phải sự chống đối khi trên đất nước nổ ra hàng loạt những vụ nổ. Theo truyền thống, khi có những vấn đề đối nội nóng bỏng thì Trung Quốc có những hành động đối ngoại cũng mạnh mẽ hơn – và năm nay họ tiếp tục tôn tạo các đảo đang chiếm giữ ở Trường Sa. Những hành động này của Trung Quốc không làm thay đổi được cục diện kinh tế trong nước suy thoái, mà vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, như vụ kiện của Philippines hay những tuyên bố của các nước tại Hội nghị APEC năm nay ở Philippines. Tại Hội nghị APEC 2015 mà một trong những chủ đề chính là thúc đẩy tăng trưởng bền vững – cho thấy thế giới vẫn đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Người dân các nước Đông Nam Á thì lại được kết thúc năm với tâm trạng phấn chấn của việc thành lập Cộng đồng ASEAN, tạo ra một cộng đồng kinh tế chung với một thị trường 600 triệu dân. Một năm được ghi dấu ấn với sự kiện quan trọng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hoa Kỳ, cùng nền kinh tế trong nước từng bước hồi phục đem lại những cái nhìn lạc quan hơn cho năm mới với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Nhân loại bước sang năm 2016 vẫn chưa thể hết bất ổn. Cuộc chiến chống IS mới chỉ bắt đầu, kéo theo một loạt những nước còn lừng khừng chưa quá tích cực như Pháp, hay lần đầu tham chiến như Nga. (Và với vụ chặt đầu con tin Trung Quốc mới đây, biết đâu Trung Quốc cũng sẽ xuất trận.) Nước Mỹ bước vào cuộc chạy đua cho ghế tổng thống, một tổng thống Obama chuẩn bị hết nhiệm kỳ, vốn được nhìn nhận là khá “mềm” trong các chính sách đối ngoại, chắc cũng sẽ không có nhiều hành động quyết liệt hơn nữa. Cục diện quan hệ giữa các cường quốc cho thấy không ai có thể sống thiếu ai – khả năng có thêm những động thái giảm căng thẳng Nga – Phương Tây… Và ngoài “chiến trường” chính là lục địa Á – Âu, thì cuộc chiến của thế giới văn minh với chủ nghĩa khủng bố có thể sẽ quay lại với “địa bàn truyền thống” là nước Mỹ. Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong thời gian còn ngồi ghế tổng thống của mình ông Obama chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược xoay trục, cùng một ASEAN đoàn kết… đem lại cho chúng ta niềm hy vọng vào một tình hình Biển Đông bớt sóng cồn.

Thế giới ngày càng kết nối gần gũi hơn, không có sự kiện nào còn là xa lạ với từng người, thì các sự cố cũng có tần suất càng dày hơn. Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai thêm thường xuyên, còn xen kẽ vào giữa chúng là “nhân tai” cũng ngày càng khốc liệt. Điều đó làm cho mỗi nước, mỗi lãnh đạo và từng người dân, cần có cái nhìn tỉnh táo, thức thời và quan trọng, là nhân từ hơn – thì thế giới mới có thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn này.

(Tiêu đề “Suy ngẫm và hy vọng” do biên tập viên Nhân Dân đặt.)

Bài trên Nhân Dân cuối tuần số 1/2016 tại đây


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment