Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, January 25, 2016

Hà Nội có tuyết rơi

Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội chỉ có nồm ẩm, thỉnh thoảng nóng là chính, chẳng có trận rét nào. Gần đến Tết [1] ông Trời cho bà con một vố. Trận này đâu có phải mình Việt Nam, mà bao nhiêu nước rét ơi là rét, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… 


Dân chúng Hà Nội kéo nhau ùn ùn đi các vùng cao xem băng tuyết. Xem tivi thấy đường lên Mẫu Sơn (Lạng Sơn) tắc, xe các loại xếp hàng đến chục cây số. Trên Lào Cai cũng vậy, người Hà Nội kìn kìn kéo lên chật cứng, khách sạn “cháy” phòng. Thú vị nhất là sáng nay tin Hà Nội có tuyết rơi – nhưng không phải ở Bờ Hồ (lên Facebook thấy có bạn nghe tin báo hôm qua phi xe ra Bờ Hồ đứng ngẩn tò te rồi tần ngần đi về rồi chứ) mà là ở Vườn quốc gia Ba Vì, từ độ cao 700 mét [2] trở lên. Mình thường dậy sớm tập thể dục, thì lạnh vẫn dậy bình thường – nhân tiện hôm nay ngồi nghe tin dự báo thời tiết luôn để cho anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn nghỉ học nếu chính thức đài báo dưới 10 độ, chứ thực ra xem trên mạng đã biết hôm nay thế là đi học bình thường rồi.

Anh bạn Bôn Ba Nhi Bá cũng tò mò ngó cái tivi – cả tin bão tuyết ở Đông Bắc nước Mỹ đến người ta nói lại chuyện hôm qua; nào là có bác lái xe người Lạng Sơn cằn nhằn, rét mướt khó khăn vất vả thế này, dân Hà Nội ở nhà cho khỏe không ở, kéo nhau lên núi làm gì, đã có tai nạn rồi đấy; nào là trên đèo Ô Quý Hồ (Lào Cai – Lai Châu) tắc đường do băng đóng trơn không đi được; rồi đến các cô truyền hình nói: “Người vùng xuôi nô nức lên vui đùa, chụp ảnh với tuyết trong khi bà con đang ngừng trệ hoạt động sản xuất, chống rét cho trâu bò…”

Mình hỏi Nhi Bá, con nghe tin thấy các cô nói đúng không, khi mà bà con thiệt hại nông sản chỉ trong vài ngày rét ước tính có thể lên tới hàng tỉ đồng, thì người Hà Nội nhà ta kéo lên chỉ có vui chơi, như nhiều bác khác trên mạng xã hội Facebook bình luận là vui chơi một cách vô cảm…

“Con thấy như thế cũng không tốt, lên chơi mà chưa nghĩ đến giúp đỡ bà con…”

“Con bắt đầu đúng rồi đấy, chờ ba xem em bé Nhi Bôn mặc quần áo như thế nào, có cần giúp gì không rồi ba con mình nói chuyện tiếp nhé!” “Vâng ạ.”

“Con này, với người xứ nhiệt đới như chúng ta, thì hầu hết chưa nhìn thấy tuyết bao giờ. Như ba, mẹ hoặc ông bà con… thì đã có điều kiện ở nước ngoài, biết đến băng tuyết rồi, cũng không thấy lạ và thậm chí biết là nó khó khăn, vất vả như thế nào nên không còn háo hức nữa. Với những người chưa biết, hoặc thích cái cảm giác vui chơi trong tuyết ngay ở Việt Nam, đó là mong muốn chính đáng. Nếu như họ đến vùng cao xem tuyết, vui chơi… thì chắc chắn họ mang theo tiền, lên đó cũng phải ăn phải ở… do đó gián tiếp mang lại nguồn lợi cho cả tỉnh vùng cao đó. Giá như họ có một tổ chức, tập hợp lại mỗi người đi chơi trích ra một số tiền nhỏ để đóng góp thành một cái quỹ giúp bà con nông dân vùng cao đỡ khó khăn thì chuyến đi chơi của mọi người càng thêm ý nghĩa. Con đã đúng khi nghĩ ngay đến việc phải giúp đỡ bà con, không chỉ có vui chơi cho bản thân mình. Cái gì cũng có hai mặt tốt – xấu của nó, ví dụ như đi lên đó với số lượng người đông một lúc như thế thì không có chỗ ngủ…”

“… không có khách sạn phải không ba?” “Đúng rồi, khi hết phòng khách sạn thì ở Việt Nam mình thường có chuyện gì con biết không?”

“Dạ con nghe thấy người ta nói tăng giá phòng khách sạn ba ạ.” “Đó, ở Việt Nam người kinh doanh thường tăng giá khi mặt hàng của mình trở nên khan hiếm. Hầu như không có ai đem cái tiền tăng lên ngoài số tiền mình có thể nhận được bình thường để hỗ trợ bà con đang phải chống rét cho trâu bò cả, thật không tốt – đó mới là điều đáng nói. Như gia đình mình thì không bao giờ lao vào những chỗ thật đông vào những dịp chắc chắn là nghẹt người như thế. Chúng ta có thể nghỉ ngơi ở nhà, nhường chỗ cho người khác, khi nào vắng, thuận tiện hơn ta đi cũng được. Còn một khía cạnh nữa của việc kéo lên vùng núi xem băng tuyết, con biết là gì không?”

Tuyết trên đỉnh Ba Vì
ngày 24/1/2015
Ảnh Vnexpress - Phượt
“Tivi nói là nguy hiểm ba ạ.” “Ơ đúng rồi đấy. Ở nước ngoài, lốp xe đi mùa đông là nó được đóng bằng những cái đinh thép trên mặt lốp, đồng thời mặt đường được thường xuyên dọn tuyết rồi rắc cát pha muối. Cát để tăng ma sát, còn muối làm cho băng tan ra và không đóng băng trở lại trên mặt đường được nữa – như thế mới đảm bảo an toàn cho xe cộ, nhưng ở ta một năm, thậm chí vài năm mới có mấy ngày như thế, chúng ta không có kinh nghiệm duy trì và bảo đảm giao thông trong điều kiện đó và thường thì, ví dụ cảnh sát giao thông chẳng hạn, ra hướng dẫn khuyến cáo không nên đi… Do đó, lao vào những chỗ như vậy vui thì rất vui nhưng nguy hiểm thì vô cùng lớn.”

Nhớ tối qua nói chuyện với con chút ít về câu chuyện này rồi, lúc chương trình thời sự buổi tối: “Con cứ cố gắng tập trung học cho tốt, luyện tập cho khỏe mạnh, biết đâu sau này con đi học nước ngoài thì có mà đầy tuyết… và quan trọng là không nhất thiết phải cố mà tóm bằng được lấy một cơ hội nào đó chỉ để vui chơi – trong cuộc sống có những cơ hội hiếm khi đến và ta làm hết sức để có nó, nhưng có những chuyện thì không nên cố làm bằng được, là những cơ hội có thể đến với chúng ta vào nhiều lần khác, ở chỗ khác và hoàn cảnh khác… biết vui khi gạt nó ra, không cần đến nó trong lúc này, thì tốt hơn con ạ.”

Duy trì một cách sống năng động, hăng hái và nhiệt tình là tốt; nhưng cân nhắc suy tính, để sử dụng những sự năng động hăng hái đó vào những mục đích tốt, cũng như một cách hiệu quả nhất, thì còn quan trọng hơn rất nhiều.

[1] Âm lịch

[2] So với mực nước biển


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment