Bao công tập luyện, thay đổi
chế độ ăn uống… sút hơn chục cân rất hiệu quả. Hôm ra ngân hàng ngồi hủy cái
tài khoản vì dạo này chẳng có tiền mà chứa vào đó trong khi bị trừ phí cứ ngoem
ngoém thì gặp cô bạn học cũ.
“Uấy, sao dạo này Phúc Lai béo
thế?” – cô í hỏi làm mình đau hết cả người. Cô này xinh nhưng ngày xưa giản dị
lắm, ngày xưa đi học mặc cái quần “bích-kê” hai cái “tivi” to tướng ở mông, he
he…
Mấy hôm sau đang ngồi nói chuyện
với bà chị dâu xêm xêm tuổi về đề tài giảm cân, thì ông anh rể đi về, lại hô
lên một câu tương tự: “Sao mày béo thế hả Phúc Lai?” thật là “Nộn hết cả dzuột!”
(ông này dân Cự Khối, Gia Lâm, nay là Long Biên, nói ngoọng kiểu “ní nuận,” he
he he…)
Nghĩ mãi mới ra, hóa ra không
phải lỗi tại mắt họ có vấn đề, mà là tại mình. Rõ ràng họ nhìn thấy mình lúc
đang ngồi, chứ không phải đang đứng. Bạn sẽ thể hiện được dáng vóc của mình khi
đang đứng, đang đi… nôm na là trong hoạt động, chứ ngồi thì chỉ nhìn thấy cái…
mẹt của bạn thôi.
Mặt mình dài, xương, cổ ngẳng…
nhưng đó là của 20 năm trước. Bây giờ thì đã bầu bĩnh hơn và khi soi gương thì
thật chán: một vành mỡ chạy từ tai này sang tai kia, nó che lấp toàn bộ cái xương
hàm. Nếu nhìn nghiêng ¾ một bên, sẽ không thấy cái xương quai hàm cong cong chạy
từ cằm lên đến tai đâu cả, mà chỉ thấy cái viền mỡ “đáng ghét.” Chúng ta không
quá quan tâm đến hình thức, nhưng đằng nào cũng một công luyện tập vì sức khỏe,
thì đạt luôn được cả vẻ đẹp có phải tốt hơn không?
Đi họp lớp gặp lại bạn cũ, trừ
một số ông “gày kinh niên” thì hầu hết đều “uấy béo thế” với cái “cằm thứ hai”
hết. Kể cả một số ông bạn đã giảm cân rất hiệu quả, gầy hẳn đi với cái bụng bé
hóp, rất ngon lành nhưng vẫn có cái cằm ngần ngẫn mỡ. Các bạn gái thì hầu hết
chú ý vẻ ngoài, trông “ngon lành” nhưng nếu chỉ giảm cân bằng ăn kiêng, thì
không ăn thua…
… đó là vì chúng ta quên không
tập tiêu mỡ cái chỗ đó, và thường không có phương án tập luyện hiệu quả. Mình
nghe bà ngoại bọn trẻ con kể thường xuyên tập bằng cách đập bàn tay vào cái cằm
thứ hai đó, nhưng có vẻ không ăn thua. Mình đập thử khoảng 1 tuần, thấy rát cằm
và mau chóng, mình chán. Lại thử xoa bóp (có dùng dầu bôi trơn Johnson Baby hỗ trợ)
cứ dùng hai ngón tay cái và trỏ, bóp thường xuyên, nhưng thường sao nhãng do
không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Mình dùng biện pháp tập xen kẽ,
vì nó không tốn sức lực gì, nên tranh thủ lúc tập xà đơn buổi sáng, tập vào giữa
các động tác xà đơn, coi như là một động tác thư giãn. Cách tập rất đơn giản:
ngửa hết cổ ra sau, há mồm rồm đẩy cơ hàm lên, ngậm mồm lại… sao cho cảm thấy
cái da cổ nối với xương hàm căng lên hết mức là đẹp. 10 lần như thế (thẳng đầu,
căng da cổ ở giữa), 10 lần nghiêng hết đầu bên trái, 10 lần nghiêng hết đầu bên
phải để căng da cổ hai bên. Mình tập như vậy 6 lượt, mỗi lượt 30 lần cả ba
phía, và 5 ngày 1 tuần. Vậy thôi.
Sau tháng rưỡi tập chăm chỉ, một
ngày soi gương mà ngỡ ngàng với một cái cổ thon thật là… thanh cao, he he… như
của Audrey Hepburn [1] vậy, há há há…
Lên mạng mà tìm cụm từ khóa “Double
chin excercices” thì có rất nhiều bài tập, xem cả hình ảnh lẫn video ấy, chỉ một
tháng thôi (đừng tin những câu “biến mất hai cằm trong nửa tháng”) là đã có những
kết quả đầu tiên, và tháng rưỡi hai tháng là có thể đi đóng “Chiến tranh và Hòa
bình” được rồi…
Chúc các bạn thành công!
[1] Mình cứ nhớ vai Natasha
Rostova trong “Chiến tranh và Hòa bình” (1956)
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment