Hòa thượng Tenzin Delek Rinpoche, người chết năm 65 tuổi trong một nhà tù ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2015. Ngài bị cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom ở Thành Đô, xử 20 năm. |
Năm 2010, tôi làm cho một dự
án ở tỉnh B, phía bắc Hà Nội. Tôi cứ ở trên thị xã tỉnh lỵ từ thứ Hai đến chiều
thứ Sáu thì về… cũng có tuần tôi về sớm hơn, hoặc có việc đột xuất thì về. Đến
một ngày, buộc phải về giữa tuần để họp cùng ban giám đốc, đi đến gần địa giới
giữa B và tỉnh T, thì “được” cảnh sát giao thông chặn xe lại, dù không vi phạm
luật giao thông.
Chờ được khoảng 20 phút đến nửa
giờ, thì có một xe công an khác không phải cảnh sát giao thông, hớt hơ hớt hải
đuổi đến nơi để… giong chúng tôi về trụ sở Công an tỉnh. Lúc làm thủ tục bàn
giao giữa CSGT và “công an thường” chúng tôi vẫn cười đùa với nhau bình thường
và bị một cậu cảnh sát nạt: “Người ta gần chết rồi mà còn cười được à?”
Tôi hỏi lại cậu ta: “Người ta
là ai mà gần chết? Cậu nói thế nghĩa là sao? Cậu tự cho mình quyền gì mà nạt
công dân như thế?” Cậu ta im lặng.
Hóa ra trên con đường chúng
tôi vừa đi qua, có một vụ tai nạn giao thông, và khi có một ô tô của bộ đội đi
qua hiện trường, phát hiện vụ việc thì họ cố gắng nhớ lại rằng trước khi đến
đó, họ gặp một xe ô tô trắng đi ngược lại. Họ đưa cô bé con nạn nhân, khoảng 10
tuổi, đi xe đạp bị ô tô đâm đến bệnh viện và báo cho Công an. Công an tỉnh làm
việc rất nhanh, báo cho các trạm kiểm soát để chặn bắt và trạm cuối cùng đã túm
cổ được chúng tôi.
Lúc quay lại đến trụ sở Phòng
cảnh sát điều tra công an tỉnh, đã là buổi trưa (lúc chúng tôi bị túm cổ khoảng
9h30 phút sáng) và xe thì bị “dựng” giữa sân để cán bộ điều tra lấy mẫu trưng cầu
giám định, các thành viên trong đoàn của chúng tôi được chia ra, mỗi người có một
cán bộ điều tra phụ trách… hỏi cung. Buổi hỏi cung kéo dài từ 14 giờ chiều đến
23 giờ đêm và sáng hôm sau lại tiếp tục. Cậu cán bộ điều tra rất trẻ, thuộc bài
lắm, hỏi tôi theo đúng chuyên môn được học hỏi câu trước đá câu sau rất bài bản,
vớ vẩn là… ăn đòn với cậu ta ngay.
“Tôi nói chân thành với đồng
chí thế này: việc nghi ngờ với đồng chí là cần thiết, do đó tôi không phản đối,
nhưng các “biện pháp đấu tranh” của đồng chí, tôi cũng được học từ hồi đồng chí
còn chưa biết tự mặc quần đùi cơ. Đồng chí thuộc bài quá nhưng quên mất một bài
cũng quan trọng không kém là người cán bộ trinh sát còn phải có trực giác nhạy
bén nhận biết sớm được câu chuyện nào là thật qua tính logic của nó, còn câu
chuyện bịa thì phải bịa dày công lắm, mà chẳng qua mắt đồng chí được đâu. Tôi
nói luôn như thế để hai bên đỡ mất thời gian.”
Nói thế rồi mà hôm sau cậu ta
vẫn cố nghi ngờ rằng chúng tôi là thủ phạm thật của vụ tai nạn giao thông, và giữ
nguyên thái độ nhìn ai cũng là tội phạm, đến mức có những lời lẽ không phù hợp
cho lắm.
“Này đồng chí, tôi có lời thế
này nhé: đồng chí nghĩ là từ hôm qua, đến tận sáng hôm nay chúng tôi đến làm việc
với các đồng chí, là do bị giữ ô tô hay vì lý do nào khác, hay chúng tôi là thủ
phạm thật không chạy đi đâu được? Sai hết rồi nhé, vì cái gì đồng chí cũng
không hiểu được đâu: vì trách nhiệm công dân đồng chí ạ. Trong quá trình tìm thủ
phạm, chúng tôi có trách nhiệm cộng tác với các đồng chí để ít nhất làm rõ được
những nghi vấn của các đồng chí về nhóm đối tượng là chúng tôi, các đồng chí loại
bỏ được chúng tôi càng sớm càng tốt để đi tìm hướng khác. Bỏ thái độ đó đi, thì
đồng chí mới là cán bộ điều tra giỏi được đấy.”
Cậu ta tái mặt, nhưng không
nói năng gì. Đến trưa thì họ dừng mọi việc với chúng tôi, chỉ còn nhóm CSGT của
thị xã vẫn cố gắng muốn giữ… phương tiện, đến mức ông phó Công an thị xã phải
quát: “Đcm thằng này ngu thế, mày giỏi mày viết đề xuất giữ phương tiện đi xem
ai ký duyệt cho mày? Xong rồi ai đi làm bị đơn dân sự nếu họ kiện? Người ta vi
phạm cái gì mà mày đòi giữ phương tiện?”
Hai, ba tuần sau, chúng tôi phải
viết đơn lên giám đốc Công an tỉnh đề nghị trả lời, lúc đó họ mới có văn bản trả
lời là theo kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, mẫu sơn
trên xe chúng tôi không trùng khớp với mẫu sơn để lại trên xe đạp của nạn nhân.
Nếu không có cái đơn đó thì cơ quan Công an cũng im luôn, chẳng cần trả lời.
Lại nhớ có dạo vì tình cờ, tôi
rơi vào một vụ án kinh tế, đầu tiên là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,
nhưng nếu cần thì hoàn toàn có thể trở thành… đối tượng hoặc bị can ngay lập tức.
Được triệu tập lên cơ quan cảnh sát kinh tế làm việc hàng chục buổi liền, đến
phát chán vì trả lời đi trả lời lại cùng một đống câu hỏi đó, chỉ khác nhau về
mức độ… xào bài, lúc thì câu này trước, lúc thì câu kia trước. Bác nào mà định
nói dối, đố mà nói dối được với họ. Lúc đầu, là cán bộ cứng làm việc với tôi,
càng về sau thì cán bộ càng trẻ hóa, đến những buổi cuối thì chán chường đến mức,
tôi mang cả… truyện vào ngồi đọc, trong khi cậu kia vẫn cắm cúi hỏi và ghi
chép. Cả hai đang say sưa thì có ai đó vào phòng quát ầm lên: một gã trông như
xã hội đen, đầu trọc, mặt gian xảo đang biến dạng đi vì tức: “Làm việc như thế
này à?” Ông ta mặc bộ quần áo Tàu cúc tết, trông đúng như tay đòi nợ thuê, mắt
long lên sòng sọc nhìn tôi.
Không phải tay vừa, tôi xô ghế
đứng dậy: “Ông là ai mà quát tôi? Luật có chỗ nào quy định cấm người được mời đến
làm việc đọc sách không? Từng ấy buổi làm việc chỉ mấy câu hỏi nhai đi nhai lại,
bao giờ các ông mới dừng việc này lại được? Để thời gian mà đi làm việc khác
đi!” Lão ta hầm hừ, đi ra… về sau tôi mới biết lão ta là… cục phó, gớm thế. Ai
muốn biết tên mời cà phê tôi nói cho, tầm này có khi lão ta về hưu rồi.
Sau những vụ việc như vậy, và
cũng sau rất nhiều lần va chạm với cơ quan công quyền, tôi thường nghĩ về thân
phận của người dân trong xã hội mà người sống không sợ luật, chỉ sợ công an.
Tôi nghĩ nhiều về việc nếu mình ở địa vị của bị can trong một vụ án, rồi nếu
rơi vào chốn lao tù… thực là một thử thách rất lớn, nhưng cũng là một trải nghiệm
tuyệt vời, chắc chắn vậy. Câu hỏi là liệu mình có giữ được phẩm giá con người
hay không, tôi không băn khoăn lắm – bây giờ đến chết còn chẳng sợ thì những
chuyện đau đớn thể xác, có nghĩa lý gì. Nhưng với rất nhiều người tôi biết, khi
sa vào những “câu chuyện” như thế này, không thể chịu được. S. “cận” là tay
buôn xe máy Trung Quốc có tiếng trong làng, to tiếng ở ngoài như thế nào không
biết, vào phòng hỏi cung vừa bị tắt đèn chưa kịp ăn cú đánh nào đã đủ “vệ sinh
ra quần” theo đúng nghĩa đen. Vì thế khi nhìn hình ảnh những bị cáo đứng trước
vành móng ngựa, rúm ró như con chim dẽ, tôi lại thấy thương xót vô hạn. Chẳng cần
biết họ có phạm tội thật hay không, nhưng chắc chắn những gì họ đã trải qua, thực
sự khủng khiếp, đó là những điều tôi và các bạn bè của mình đã từng chứng kiến
và trải nghiệm. Chính những người giữ được vẻ bình thản tối thiểu, lại là những
kẻ mà tình tiết vụ án đã quá rõ như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… như họ đã
chuẩn bị trước mọi thứ rồi, và thường những vụ rõ ràng quá như thế thì có khi lại
ít bị đánh trong quá trình điều tra.
Để kết thúc, tôi xin trích lại
lời của một cụ Hòa thượng người Tây Tạng viết sau khi ra khỏi nhà tù của Trung
Quốc: “Khi ở tù điều đáng sợ nhất với tôi là có lúc nào đó tôi đánh mất đi lòng
thương yêu dành cho những người cai ngục.” Đến bây giờ nghĩ lại những người
mình đã gặp, tôi thực sự thấy thương xót không chỉ những con chim dẽ trước vành
móng ngựa, mà chính những người đang ở trong guồng máy, đang là tù nhân của
chính con đường họ đã lựa chọn.
Bài trên Fanpage ở đây
No comments:
Post a Comment