Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, May 8, 2020

Học online đang như thế nào và sự tàn bạo của bố mẹ



Cuộc sống thời Covid-19 của bố con tôi giai đoạn đầu rất hạnh phúc. Suốt hai tháng liền, con thất học và bố “mất dạy,” chở nhau ra bể bơi, bơi suốt buổi sáng. Bao nhiêu điều ấp ủ dạy cho con lâu nay không làm được vì lịch học liên miên, nay được bạn covid bạn ý tạo điều kiện cho mà làm, thật tuyệt vời.

Hai anh em ngoài giờ đi bơi, ở nhà vẫn học bài một chút cho đỡ quên, còn thì từ làm bữa sáng đến rửa rau, nhặt rau, thổi cơm, rửa bát, quét nhà, lau nhà, cho quần áo vào máy giặt, phơi cất, gấp quần áo… Việc nhà làm tưng bừng từ sáng đến tối, cả nhà cùng vui vì mọi khi ông bà, bố mẹ làm là chính, bây giờ thì tất cả các thành viên của gia đình cùng tham gia lao động.

Vừa nãy tôi nhắc chuyện học, thì đó cũng là băn khoăn của bao nhiêu người là sợ con ở nhà dốt. Dốt làm sao được, tôi lại thấy khoái chí vì con đỡ phải học biết bao điều không cần thiết, hay nói chính xác là tất cả các môn học đều cần thiết nhưng cái cách tiếp cận lâu nay của giáo dục Việt Nam làm cho nó trở thành… vô bổ. Con muốn học địa lý hả? Đây, rất nhiều phim tài liệu về địa lý; còn lịch sử thì nhiều vô biên cương, con muốn xem về vấn đề gì cũng có. Hóa học hả? Nếu bình thường ba có thể đi mua hóa chất cho con làm thí nghiệm, nay đành xem video người ta làm trên mạng vậy, nhưng vật lý thì vừa xem, vừa lao động – tất cả những công việc lao động hàng ngày của các con là vật lý và toán học hết, thậm chí cả hóa học trong đó…

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, người ta bắt học online, và tôi cũng học thử lấy một số buổi, kết quả là tôi vỡ nhẽ ra một số điều mà xưa nay chúng ta hiểu sai, rất sai.

Bắt đầu từ năm học năm nay, lớp con tôi có một số cháu chuyển trường, nhưng cá biệt có một hai cháu nghỉ hẳn ở nhà, không đi học. Tại sao kỳ vậy? Vì gia đình các cháu đó cho ở nhà luyện thi “tốt nghiệp Mỹ” (SAT) và IELTS hay TOEFL gì đó – nay các kết quả thi này đã được nhiều trường đại học ở Việt Nam công nhận để tuyển đầu vào. Các cháu này ở nhà để tập trung, dồn thời gian và công sức cho “trận đấu.” Việc này đúng ít, sai nhiều. Con chúng ta đến trường không chỉ để học chữ, mà còn là được học qua giao tiếp xã hội. Nếu không đặt nặng vấn đề học ở trường thì thôi, cho con đến trường với tâm lý “không sức ép” là nó đã đủ OK lắm rồi, tại sao lại thủ tiêu của con cơ hội học hỏi từ các bạn và các cô, thày như vậy? Như thế không phải biến con thành người rừng hay sao?

Chuyện học online cũng như vậy, các con tôi chỉ được vài buổi đầu háo hức vì lâu không giao tiếp với các bạn và cô giáo, nhưng sau đó chán ngay lập tức. Quý vị thử ngồi xem có chịu được lấy một giờ đồng hồ không, đây trẻ con chúng phải học liên miên cả ngày, không sinh ra đầu to mắt cận thì cũng rồ bố cả người lên ấy chứ. Học online, con chúng ta phải giao tiếp với một cái máy vô hồn, dù người dạy có lên bổng xuống trầm mấy chăng nữa, cũng không có được cái biểu cảm của nét mặt, của ánh mắt cô…

Tuần trước, tôi phải review cho VOV-TV một cuốn sách “Phương pháp dạy con thời 4.0” của tác giả Diana Graber, chị ấy khẳng định những đứa trẻ “online” nhiều thua xa về nhận thức so với những đứa trẻ được học mặt đối mặt, có giao tiếp với xã hội, dù là giao tiếp với thày cô, cha mẹ, bạn bè…

Chúng ta cần phải hiểu rõ “học online” hoàn toàn không có nghĩa là phải học “live,” nghĩa là một trang web có thể đưa lên rất nhiều bài học và người học học bất cứ lúc nào cũng được phụ thuộc lịch cá nhân của họ, đặc biệt phụ thuộc trạng thái tâm sinh lý. Điều nữa, “học online” đòi hỏi nhóm dạy phải bỏ nhiều công sức để khai thác lợi thế media của online, xây dựng chương trình như dựng cuốn phim, dù ngắn… chứ có phải ngồi nói phào phào như dạy trên lớp đâu.

Vì vậy ngành giáo dục nếu muốn kết thúc năm học bằng online thì cứ làm, chúng ta làm bố mẹ phải biết thương con, chứ không phải chạy theo cái sự giỏi dốt đó. Chúng ta cần hiểu là hầu hết các trường đến Tết nguyên đán đã giải quyết xong đến ½ đến 2/3 chương trình của học kỳ hai rồi, nên nếu có nghỉ chẳng qua con chúng ta chỉ mất thời gian đến trường… luyện làm bài tập mà thôi, kiến thức chẳng mất đi bao nhiêu đâu. Đáng nhẽ ra động viên con theo được thì theo, không theo được thì thôi thì nhiều nhà làm ngược lại: tăng tải cho con. Tôi đã được nghe kể về những cuộc đấu tranh trong nội bộ tập thể phụ huynh của một lớp, chống lại cái ý muốn rồ dại là đề nghị cô giao cho thật nhiều bài tập cho con sau giờ online, làm như vậy con họ sẽ được lấp đầy quỹ thời gian ở nhà mà họ cho rằng chơi lêu hêu là vô tích sự. Họ không hề phát hiện ra rằng hiện nay tất cả các cô giáo đang dàn hàng ngang tấn công vào con của họ, với sự đồng đều chưa từng thấy ở tất cả các tuyến và cùng với sức ép của họ, con họ đang sống trong địa ngục. Tôi bảo con, cùng lắm là sang năm học lại, sợ cái gì!

Khi không đạt được việc tăng tải theo hướng này, thì học tăng theo hướng khác: thấy học thêm online “rẻ” lại không phải đưa con đi, có người đăng ký cho con học kín lịch cả tuần ngoài giờ học online chính khóa. Chúng ta cần khẳng định lại với nhau học online không thể như học chính khóa về hình thức và nội dung: thời gian phải giảm đi rất nhiều, dựa trên khả năng tự học của học sinh và chỉ giảng và giải đáp những gì thiết yếu và những gì học sinh không thể tự tìm hiểu nổi. Các vị, làm ơn ngồi học thử lấy một giờ đi, rồi quý vị sẽ biết quý vị đang tàn bạo với con mình như thế nào. Tôi cũng là người phải dạy online đây, và tôi biết học viên của mình họ khổ thế nào và chúng tôi đã giải quyết khó khăn như thế nào: phát tài liệu tự đọc, học online chỉ để… tám chuyện, và ai hỏi cái gì thì hỏi. Vậy thôi.

Chuyện ngoài lề: nghỉ học ở nhà tôi và thằng con lớn làm được bao nhiêu việc. Nó bây giờ khỏe hơn bố, nên hóa ra nó thành lao động chính và tôi biến thành… thợ phụ. Sẵn sắt, que hàn, máy hàn… hai bố con sửa hàng rào, thang sắt, giàn cây… Nó dùng máy mài cầm tay đánh rỉ, sơn lại toàn bộ giàn sắt mái tôn, cầu thang sắt, xà đơn xà kép, giá tập tạ… Lúc nghỉ, nhìn sang nhà đối diện có cậu sinh viên Bách Khoa mới ra trường, nó ở một mình vì bố mẹ ở xa. Hai sợi dây phơi quần áo nó buộc thõng thẹo trên lan can bằng dây điện cũ, độ cao chỉ đủ phơi… quần lót, từ ba năm nay lúc nó chuyển về còn nguyên. Tôi chỉ cho con, và bảo: không phải chê bai nhưng đàn ông như vậy không được. Cái đèn áp trần kia, sút ốc vít treo lòng thòng dưới dây điện cả năm rồi không bắt lại được… Cậu sinh viên này đến móng chân còn lười cắt, cáu bẩn thò ra dưới đôi dép, nhìn phát gớm, mà lại có tin đồn là sinh viên xuất sắc đấy. Tôi nói thêm: ngoài việc tập lao động để tự tin đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống, con cần phải biết chăm sóc cuộc sống riêng của bản thân, luộm thuộm ba là con gái ba không mê được đâu…

Phải cố gắng dạy con được càng nhiều các khía cạnh cuộc sống càng tốt, đừng lười nhác và vô trách nhiệm, cứ đổ hết cho nhà trường và thày cô. Giáo dục có phải học mỗi chữ đâu, biết bao điều trẻ con cần học mà những điều đó không phải bố mẹ thì ai dạy được chứ. Tôi không hề nghi ngờ rằng đợt Covid-19 này bao nhiêu bố mẹ cùng con học lao động rất tốt, nhưng đa số thì chỉ thích chất tải cho con để có thời gian lên mạng… chém gió. Dừng đi quý vị, chẳng còn thời gian mấy để sống hạnh phúc với con cái đâu.

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment