Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, May 10, 2020

Giải cứu lưu học sinh và suy nghĩ về tư tưởng giáo dục Việt Nam



Chưa bao giờ làn sóng tị nạn giáo dục ở Việt Nam lại mạnh như bây giờ, nó mãnh liệt đến mức người bình thản nhất về vấn đề này như tôi, còn nhiều khi thấy hoảng hốt. Tất nhiên là để đi đến quyết định để bị nó cuốn đi, người ta có nhiều lý do. Người thì đưa ra là “giáo dục Việt Nam quá tệ hại,” người thì đưa ra là “không khí quá ngột ngạt” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và nhiều người thì cả hai lý do trên, và chung quy là “mưu cầu hạnh phúc.”

Cái câu “mưu cầu hạnh phúc” này không phải của tôi, mà là của bà vợ tôi, bả nói: “người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc cho người ta và con cái.” Đúng 100% luôn, và điều đó, tôi ủng hộ, ngay cả con tôi nếu nó đi được thì tôi cũng rất mừng, chứ không có ý kìm hãm nó, như vậy về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc con cái của chúng ta trưởng thành, vững chãi, tự bước được bằng chân của mình nhưng…

Nhưng cái gì mà nhưng? Nhưng tôi gần như không ủng hộ tất cả các trường hợp cho con đi du học bằng tiền bố mẹ kiếm được, là một quan niệm mà hiện nay được xã hội công nhận và tung hô như một cách đầu tư sáng suốt. Tại sao lại có chuyện như vậy? Theo tôi, điều quan trọng nhất là bố mẹ Việt hiện nay chưa hình dung rõ được giáo dục là những cái gì, và cần làm những gì.

Từ lúc con còn nhỏ, bố mẹ Việt đã suy nghĩ đóng khuôn là phải cho con đến trường học chữ, đồng nhất nó với giáo dục nói chung. Điều này không trách được ai cả, vì chúng ta đã quá quen với triết lý “muốn con hay chữ phải yêu lấy thày,” ngay cả các thày cô bây giờ phần lớn quen đưa tiêu chuẩn học tốt cái môn mình đang dạy, nghĩa là nhồi kiến thức trở nên quan trọng nhất. Vì vậy bố mẹ Việt vừa hi vọng, vừa thất vọng ở trường sở Việt Nam, tôi có thể khẳng định là rất ít cơ sở giáo dục thoát ra được khỏi cái luẩn quẩn đó, chỗ thì kinh doanh giáo dục, chỗ thì quan niệm của người chủ vẫn lẩm cẩm như trường công… còn trường công thì không tính. Tình trạng rập khuôn suy nghĩ này dẫn đến việc bố mẹ Việt không hình dung ra được việc giáo dục đạo đức cho con cái, hình thành nhân cách, dạy các kỹ năng sống từ sinh tồn đến kỹ năng giao tiếp xã hội… là một mảng lớn, thậm chí còn lớn hơn cả mảng dạy chữ. Nếu làm tốt mảng đạo đức, nhân cách, ý thức thì các con của chúng ta sẽ có ý thức học tập cả đời, điều đó mới là quan trọng, còn như hiện nay thì xuất phát từ quan niệm sai lầm mà người Việt Nam học hết đại học, hoặc khá hơn thì thạc sĩ, tiến sĩ… sẽ dừng lại, không bao giờ học thêm cái gì nữa. Chuyện người Việt Nam đã tốt nghiệp đại học nhưng không bao giờ cầm cuốn sách đọc cho đàng hoàng, chính là ở góc độ này.

Do lệch lạc trong nhận thức của chính bố mẹ, người ta gửi con đi du học càng sớm càng tốt mà cả bố mẹ lẫn con cái đều không biết đi để học cái gì, sau sẽ làm gì, với ý nghĩa thực sự của những khái niệm này. Chúng ta không cần nói to tát, nhưng bây giờ có những chuyện kỳ lạ lắm: lúc bước chân đi thì nghĩ “cái cột đèn có chân nó cũng đi,” nhưng bây giờ Covid thì lại cố về bằng được “Tổ quốc không bỏ ai lại phía sau” với “Tổ quốc ôm con vào lòng.” Xin thôi những mỹ từ ghê gớm đó đi, vì bản thân “cái cột đèn nó có chân nó cũng đi” vốn dĩ nó rất giản dị, đi là đi, bỏ đi khỏi cái mảnh đất méo mó từ giáo dục đến bẩn thỉu về môi trường này; thì về cũng nên giản dị như thế: “Ở lại bên đó ốm Tây nó bắt trả tiền thì vỡ nợ à?”

Tôi phải chân thành mà nói, lúc thằng con tôi nó hỏi: nếu con làm nghề cứu hộ (nó bơi khá và rất khỏe mạnh) hoặc lính cứu hỏa thì sao? Tôi trả lời con: nếu con có thể làm được những việc đó tốt hơn người khác, vì sức khỏe và năng lực hiện có, thì cũng nên lựa chọn. Việc khó khăn nguy hiểm, nhưng nếu ta không làm thì ai làm? – nói vậy thôi chứ tim tôi đau lắm, nặng nề lắm. Làm cha mẹ, ai chẳng yêu con, muốn con được làm cái gì đó nhẹ nhàng, nhàn hạ, nhiều tiền? Nhưng đã sinh ra làm người, thì cũng nên có trách nhiệm một chút thôi với những đồng bào từ gần là sống xung quanh nhà, đến xa là đồng bào Mỹ tận Hoa-thịnh-đốn, nếu không làm được gì to tát thì cũng đừng xả rác ra đường. Yêu Tổ quốc là như thế, nên đã đi là đi, về là về, xác định cho rõ, không cao cả được thì thôi, đừng làm chuyện vớ vẩn nó hèn người đi.

Khi nhìn thấy bức ảnh các du học sinh Việt Nam ngồi giơ tờ giấy kêu cứu ở sân bay Mỹ, tôi không trách các cháu – dịch giã về là đúng rồi, tôi trách bố mẹ các cháu sai quá là sai. Hiểu sai tất cả luôn về mục đích giáo dục, cứ cố tống con đi bằng được mà chưa được chuẩn bị bất cứ cái gì: mục đích sống, lý tưởng sống và kỹ năng sống; thế nên sinh chuyện một cái là bố mẹ từ Việt Nam cuồng cả lên, rồi tổ chức cả “chuyến bay giải cứu.” Hạ được cái “cuồng tị nạn giáo dục” xuống, tập trung vào chuẩn bị cho con thể chất, thái độ và khả năng vững chãi, tự tin trước thử thách cuộc sống, và khả năng xử lý các vấn đề giao tiếp xã hội, quan trọng hơn nhiều và chừng nào mà chưa chuẩn bị được những cái đó, thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đưa con đi du học và tôi có thể khẳng định là: bố mẹ đã không dạy được cho con những cái đó, Tây cũng chẳng dậy được đâu. Cháu nào sang Tây mà học được, là quá trình hoàn thiện bản thân một cách tự nhiên, quá trình này thì ở đâu cũng có thể được như vậy, cơ chế tiến hành do va vấp và bao giờ cũng thiếu thốn và méo mó.

Vì thế, bố mẹ Việt Nam hãy tập trung vào chuẩn bị cho con những cái trên đây, thay vì cắm cúi kiếm tiền để gửi con đi bằng được. Đầu tư tiền của như thế chưa khôn ngoan, “chọn mặt gửi vàng” cơ mà. Với con cái ta không chọn được, thì phải làm cho chúng nó như thế nào xứng đáng cầm những thỏi vàng ta trao cho chúng nó chứ?

Cách đây hai năm rưỡi tôi có viết bài “Tại sao rất nhiều học sinh Việt Nam đi du học không thành công?” gốc trên Blog tại đây và đăng trên Tuần Việt Nam tại đây, mọi người có thể tham khảo thêm.

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment