Sáng nay nói chuyện với một ông bạn được nghe kể về một số ông bạn khác
của cậu ta: hầu như không có thời gian nào để chơi với con. Đi làm về muộn,
ngày nghỉ thì... golf với đối tác. Có cậu được nghỉ lễ 4 ngày thì chở cả gia
đình đi Đại Lải, thuê villa bungalow gì đó cho vợ và các con, rồi đi đánh một
trận ở sân gần đó. 3 ngày sau mỗi ngày đánh một trận ở một sân nào đó cách mười
mấy hai mươi đến mấy chục km. Cuối ngày thứ tư, quay lại đón vợ con đi về nhà.
Người ta thường ngụy biện mà giải thích những trường hợp thế này là “vì
công việc, vì sự nghiệp,” nhiều khi còn xuất phát từ một quan niệm rất sai lầm
rằng việc giáo dục thì giao cho vợ và mình lo kiếm tiền. Thực tế, khi những ông
bố đó quay lại với gia đình, khi nói chuyện với con: chẳng có gì mà nói và cũng
chẳng biết gì mà nói, thẳng thắn ra là không biết gì về giáo dục. Những đứa trẻ
trong gia đình như thế gọi là “có bố cũng như không” – những ông bố như vậy
không hề biết con mình chúng cần bố như thế nào. Thậm chí con trai lớn 14 – 15
– 16 tuổi đã xa cách dần cha mẹ vẫn cần bố, nhiều khi chỉ một câu hỏi thăm, một
cái nhìn động viên… Nhưng mười mấy năm, chúng không có được điều đó, và bố
chúng thì tự động đánh mất kết nối của mình với con cái.
Tôi cũng từng có lúc như vậy – coi công việc quá quan trọng nhưng là sự
coi trọng sai lầm. Đến một ngày nhận ra mình đang đánh đổi, chạy theo cái mục
đích sung sướng hư ảo nào đó và bỏ phí hạnh phúc thực sự đang có trong tay. Tôi
học buông xuống: “kệ, không có quan hệ này thì có quan hệ khác, thậm chí không
đạt được cái này thì bớt thu nhập đi một tí có sao đâu…” Nhưng hóa ra, miễn là
mình giữ được giá trị và uy tín bản thân thì cuối cùng, cũng chẳng có cái gì mất
đi đâu cả.
Trong chuyện ngụ ngôn con chó nó bỏ cái xương để nhảy xuống nước tìm cái
xương to hơn cũng ngốc nghếch như vậy.
Bài trên Fanpage tại đây
No comments:
Post a Comment