Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, May 5, 2020

Vụ cô bé con chửi anh chàng MC: chúng ta sai ở chỗ nào?



Việc đáng nhẽ ra là nên khép lại, nhưng vì bản tính chậm chạp khi “theo dòng sự kiện trên mạng xã hội” lại muốn suy nghĩ kỹ lưỡng hơn nên đến nay tôi mới “hì hục” được với nó. Và thế là, giữa lúc câu chuyện “ông trung tướng và cụ đại tá” còn đang nóng thì “cô bé con và anh chàng MC” bị tôi cho chen vào một cách vô duyên.

Lần trước, tôi đã cố gắng “chém” hai bài về “kiện cái gì” và “chúng ta phải làm gì,” như thế không thể nói tôi không đọc bài cô bé viết cái gì, thậm chí đọc khá kỹ. Phần về chuyên môn, tôi đánh giá cô bé này không kém, thậm chí cũng có thể nói là không phí tiền ăn học của bố mẹ (hoặc tự đi làm kiếm tiền!) Điều cô bé thiếu chỉ có thể là thiếu kinh nghiệm thực tiễn, vậy thôi. Suýt quên, điều cô bé thiếu còn nữa, và chắc chắn là điều tất cả chúng ta còn thiếu, là rất rất nhiều thông tin cung đình, mà nếu chúng ta biết được chúng thì có lẽ là đủ choáng váng để tự trả lời kiện hay không kiện.

Về mặt quan niệm chính trị và cả tình cảm mà nói, tôi đứng về phía cô bé này – dù chưa nghe anh chàng MC kia nói gì, nhưng hầu hết những người đang hỉ hả ủng hộ cô bé đều mắc vào một ý: “để Đảng và Nhà nước lo.” Tất nhiên ngay cả tôi cũng sẽ cười nhạt và buông một câu: “Đảng và Nhà nước lo thế nào?” Trong bài viết của cô bé này phần này đưa ra hàng loạt những luận cứ từ máy xét nghiệm Covid bị nâng giá đến tàu ngầm Kilo mua về liệu có phải là sắt vụn nay không… Tất cả những điều này chúng ta biết cả, thậm chí còn “bâng khuâng” đến mức bị dở hơi đến nơi trước những ý tưởng… chống giặc bằng cờ, phát cờ Tổ quốc cho ngư dân đi đánh cá.

Ấy nhưng chính bài viết của cô bé này, phần này chiếm một khổ lớn, có lẽ đến 30% của cả bài trong tương quan với phần chuyên môn thì như đánh giá của tôi – viết lăng ba nhăng không đủ thuyết phục dân trong nghề, nhưng tình cảm thì lồng ghép quá nhiều, khi đưa vào suốt trong bài một giọng giễu cợt anh chàng MC và đoạn nặng nhất cố chọc cười, cố câu view bằng câu “vừa không đẹp trai vừa hèn.” Ấy, không được đâu nhé!

Vậy mà, hầu như tất cả chúng ta hỉ hả, share đi share lại, tung hô mà không cần biết đúng sai. Chúng ta sai cái gì? Chúng ta sai vì chúng ta hèn, như trong bài “Kiện cái gì” tôi đã ví như nhà có con bé cháu, nó đi nói xắn váy quai cồng chửi hộ chúng ta, và chúng ta thấy sướng lỗ nhĩ, làm om xòm hết cả lên. Tại sao chúng ta cũng có mồm, có bàn phím, mà không tự chửi? Trong số những người sai lầm ấy, hầu hết là những bậc cha chú của cô bé – có bao giờ tự hỏi nếu “được” ai đó chửi vào mặt như thế thì có chấp nhận được không?

Chúng ta ngụy biện để bảo vệ cái sai (mà sai không biết mới đau) là bảo vệ lòng yêu nước. Sai tiếp.

Tôi có cậu bạn học cùng đại học, cậu ta kém tôi vài tuổi, sau khi xong đại học thì đi sang Mỹ học tận Hà-vợt về và trở thành một luật sư có hạng, chắc thuộc loại tầm cỡ quốc tế, và cỡ như cậu ta thì chắc chắn là tụ tập được một hội cũng ‘ra gì’, hoặc có thể tổ chức kiện được hoặc chí ít làm việc được với luật sư nước ngoài để cùng nhau đi kiện. Nhưng chính cậu ta hồi có ông cựu chiến binh Hoa Kỳ nào đó được dự định làm hiệu trưởng Fullbright thì đăng đàn chửi cả ông ta lẫn nước Mỹ như hát hay. Cậu này có kết bạn với tài khoản tên thật của tôi, và có lần rất nghi ngờ tài khoản này của tôi và viết hỏi công khai, rằng “người này là ai mà có thái độ với Nga như thế…” và tôi thì rất hiểu, cậu ta thuộc nhóm người “có người nhà (cụ thể là bố) học ở Liên Xô cũ và hiện nay vẫn giành tình cảm cho Nga.” Người Việt Nam vốn duy tình nên ngay khi thấy tôi viết nhiều bài báo nhận định tình hình về Nga chỉ cần khách quan thôi, những người “yêu Nga” đã đủ thấy tối tăm mặt mũi và ngay lập tức cho rằng tôi… chống Nga. Tất nhiên chẳng ai biết tôi vẫn nghe nhạc và xem phim Nga, và điều tôi mong muốn là nước Nga đi cùng thế giới văn minh chứ không phải là một nước Nga dưới sự cai trị độc tài. Người Việt Nam hầu hết không đủ tỉnh táo để phân biệt giữa tình cảm và lý trí do đó luôn có những hành xử dở hơi. Tôi không ngờ ông bạn đại học của tôi cũng vậy – điều đó cho thấy kiến thức không làm cho người ta có trí tuệ.

Kể chuyện ông bạn như thế, không có nghĩa là cậu ta không yêu nước, rất yêu nước là khác, cũng như anh chàng MC kia, chắc chắn cũng rất yêu nước, nhưng họ yêu nước theo kiểu của họ. Bao năm chúng ta đấu tranh với kiểu “độc quyền yêu nước” đuổi những người đã từng dính dáng với chế độ Việt Nam Cộng hòa đi, nhưng bây giờ dần dần tình hình cũng lại đang khác đi (tất nhiên ai đó sẽ nói nốt hộ tôi ý này: người ta cũng là nguồn kiều hối quá quan trọng đê!) nhưng trong chuyện “cô bé con và anh chàng MC” chính chúng ta lại đang độc quyền yêu nước, chẳng khác gì.

Tất cả, từ cô bé con, từ anh MC, đến ông bạn tôi… đều sa vào một cái bẫy là không có được tâm hồn mở. Học ở Nga, tôi nhận ra xã hội Nga có quá nhiều góc khuất, nhiều mặt trái… nó không làm tôi suy giảm tình cảm của mình đã từng có, nhưng nó mở mắt cho tôi thấy mình đã từng quá u tối, tự bịt mắt mình, khóa kín tâm hồn mình để thấy cả thế giới này tươi đẹp. Trong khi đó ông bạn tôi học ở Hoa Kỳ chỉ thấy mặt trái của nó, thấy nó coi mình như công dân hạng hai và nhanh chóng sắp đặt cho mình lòng thù hận thay vì biết ơn đó là nơi cho mình học dù chỉ vài chữ.

MC sai, cô bé sai vì đều xuất phát từ cái tôi chủ quan, luật sư bạn tôi cũng sai nốt… tất cả chúng ta đều sai, và đến bây giờ thì vẫn sai khi đáng tuổi cha chú không biết cái sai của cháu nó là từ giáo dục nhân cách, thiếu lễ độ và thiếu sự tôn trọng ý kiến trái chiều…

Thế nên ngoài hèn không dám tự chửi, thì chúng ta còn chẳng biết là ai sai và sai thế nào, hỉ hả cổ vũ cho một sự thiếu giáo dục đầy đủ. Người Việt Nam từng người thì rất giỏi, nhưng hầu như chẳng ai coi ai ra gì – nên có bao giờ làm nên trò trống gì đâu. Chúng ta cần để ý lại: có điều này tôi đồng ý với anh thì mai có điều khác không đồng ý, như thế chẳng bao giờ chúng ta cùng chung một chiến hào được cả, như chuyện “biển đảo” với chuyện “cụ giáo sư záo zụk” hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này thì chỉ có từng người chúng ta như từng chiếc đũa, đấu tranh được với ai đây?      

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment