Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, May 11, 2020

Nay thét mai gầm rát cổ cha


Ngày xưa mình đi học bố mẹ chẳng bao giờ phải kèm, phải giục mà đến giờ mình giục con hơn giục đò mà nó cứ ì ra là sao nhể?” – buổi sáng đã thấy ngay một bà mẹ chia sẻ như vậy rồi đấy. Không phải lần đầu, mà rất nhiều lần tôi nhận được chia sẻ của các, hừm, gần như toàn là mẹ, than phiền vì sự mệt mỏi khi phải gào thét mà con (cấp tiểu học) vẫn không tự giác học. Vậy thì phải làm thế nào để đỡ phải “hò như hò đò?”

Tôi có trả lời cái cô “người mẹ trẻ” ấy là tôi chẳng giục gì cả, mà nhìn chung con nhà tôi rất… phăm phắp. Thậm chí, tôi chưa bao giờ phải đánh con, cáu kỉnh thì rất nhiều. Nói “không giục gì cả” là sai luôn, thực tế tôi giục rất nhiều, có điều tôi giục kiểu khác thôi.

Đầu tiên chúng ta phải xác định được con ở lứa tuổi tiểu học, chúng cần học cái gì và học như thế nào. Trước đây có lần ở lớp con nhỏ của tôi, mới lớp Ba đã có bà mẹ sồn sồn lên về việc phải ép con học vì anh của cháu vừa thi vào lớp 10 xong, quá khổ sở vất vả. Sau khi hỏi kỹ ra thì thực chất, vấn đề của cả hai anh em nằm ở chỗ khác. Ông anh ngoài chuyện hổng kiến thức nhẽ ra phải được làm tốt ở hai năm lớp 7 và 8, đặc biệt là lớp 7, thì còn là vấn đề của ý thức học tập, mà cái này thì phải làm từ những năm tiểu học. Tôi cố thuyết phục chị ta rằng, chị ơi những cái con chị được nhồi từ những năm tiểu học này, không vác được lên trung học cơ sở nhiều đâu, cái cháu cần là cái khác kia… kiên quyết không nghe. Cuối cùng, con chị ta được chuyển lên một lớp dạng lớp chọn, đảm bảo nhồi ác liệt, và thế là thỏa mãn.

Điều của các con chúng ta cần trong suốt quãng những năm tiểu học, là rèn ý thức học tập: ngồi vào bàn học đúng giờ, nghiêm túc, làm đủ bài, tự soát kết quả, chưa đúng thì tìm hiểu xem sao lại như thế, tự sửa chữa… không hiểu thì hỏi, không hỏi được thì gác lại mai đến lớp hỏi… Để đảm bảo giờ học không kéo dài, bố mẹ cần kiên trì bảo vệ ý kiến của mình, đề nghị cô giáo giao lượng bài vừa phải, chứ không phải cái kiểu nhờ cô giao thật nhiều bài, càng ngày càng tăng độ khó. Chúng tôi – một số gia đình cũng đã từng phải đấu tranh với một số gia đình khác khi mà họ cố nhờ cô giáo giao thật nhiều bài tập về nhà, thậm chí cố là phải thật khó để… quản lý con, và cô giáo thì bí mật giao bài cho cả lớp (việc này bị nhà nước thân yêu của chúng ta cấm tiệt).

Tôi đã phải cố trình bày cho một số phụ huynh có nhu cầu xin nhiều bài tập cho con, với mục đích là “để rèn con vì cháu rất ẩu” là con của anh chị không cần làm bài khó như thế, càng không cần làm quá nhiều như thế, cháu chỉ cần làm một bài tập vừa sức, nhưng phải làm thật kỹ, không được viết sai một con số, thậm chí yêu cầu hàng trên hàng dưới thẳng tăm tắp… làm như vậy thì bố mẹ cũng phải kỹ lưỡng, chứ không chỉ đếm đầu số bài tập con làm được. Còn nếu chỉ đếm số bài tập, thì chẳng có tác dụng gì. Ấy thế mà họ không bao giờ nhận ra được điều đơn giản ấy.

Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục với cái việc “thi vào 10” khốn khổ như hiện nay (đặc biệt khổ ở Hà Nội!) thì chúng ta cũng vẫn không tránh khỏi việc phải chuẩn bị cho con những yếu tố phẩm chất cần thiết cho trận chiến đó, nhưng không phải bằng quan niệm của cái chị có hai con trên đây. Như tôi vừa trình bày, quan trọng nhất là hình thành được cho con ý thức tự giác học tập và tinh thần trách nhiệm cao nhất với công việc đã làm, tự kiểm tra và đánh giá kết quả, tự sửa chữa. Bằng việc nhồi con học, rất nhiều ông bố bà mẹ đã thành công vì một cách vô tình, họ đã rèn được con kha khá trong ý thức học tập, nhưng cái giá phải trả thì rất lớn. Con nhỏ của chị ta nay đã chuyển lớp khác, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ở trường trong khi các cháu khác chơi đùa vui vẻ, thì đứng ngơ ngẩn một góc, thường xuyên thấy cháu có ánh mắt thất thần, bộ dạng mệt mỏi. Cháu này khá lớn, nhưng thừa cân, béo bệu, hoàn toàn không có hoạt động thể chất. Nếu tiếp tục như vậy, khi lên trung học cơ sở mà theo đúng yêu cầu của mẹ, là phải “chiến” cho cú “vào 10” thì không đủ sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần để chiến đấu.

Như vậy ngoài cái tôi nhắc đi nhắc lại suốt, là ở tiểu học con chúng ta cần tập trung được vào ý thức và thái độ trách nhiệm với công việc thì chúng ta cần tập trung vào một quá trình xây dựng thể chất lâu dài, nhìn chung là con phải được chơi ít nhất một môn thể thao với nghĩa là “môn ruột.” Tại sao lại thế?

Một. Chơi môn thể thao ruột, trẻ được rèn tính kiên trì, đi hết con đường thể thao của nó với thời gian đủ lâu. Không nên ngó môn này môn khác. Tự do lựa chọn, nhưng đã chọn xong phải đi đến cùng.

Hai. Chơi một môn thể thao đủ lâu, trẻ được rèn sự tinh thông, nâng cao trí thông minh vận động.

Ba. Chơi môn thể thao ruột có theo dõi kết quả theo thời gian, thậm chí có cọ xát trong các giải thi đấu học sinh… giúp trẻ nâng dần bản lĩnh, khả năng chịu đựng do đó tự tin.

Về kết quả sức khỏe thể chất, tôi không bàn thêm nữa. Với các con của tôi, hiện nay cháu lớn đang chuẩn bị thi vào lớp 10, học hành khá thoải mái, đặc biệt vấn đề chịu sức ép, học căng mấy vẫn chịu được. Được rèn ý thức từ nhỏ, tôi không bao giờ phải giục cháu học, thậm chí còn phải làm ngược lại là giục con đứng dậy đi tập thể dục, nghỉ ngơi. Những lúc như thế nhiều khi nó cười bảo: con đã mệt đâu! Với cháu nhỏ cũng vậy, chưa bao giờ cần phải gào là “Học đi!” cả.

Vậy tôi gào như thế nào? Tôi có giục, nhưng là giục kiểu khác: lên kế hoạch chơi cho con trước khi chúng học bài. Hôm nay chúng ta đi chỗ này, hoặc xem phim gì, hoặc làm một trò gì đó… Nếu các con kịp hoàn thành bài vở theo đúng yêu cầu thì chúng ta sẽ chơi trò đó, vậy thôi – như thế là giục chứ còn gì nữa. Tất nhiên nếu không có bố mẹ chúng sẽ tự bầy trò chơi, nhưng miễn là học xong bài thì chơi thoải mái, và cách giục của tôi bao giờ cũng là: “tập trung học khẩn trương và cẩn thận đi còn chơi, con!” và như thế tôi đã biến cái sự hò hét, thành một thứ vẫn hò hét nhưng vui vẻ hơn hẳn.

Tất nhiên, muốn làm như vậy thì việc đầu tiên chúng ta phải buông xuống là cái ham muốn kỳ cục là con chúng ta phải học giỏi – khổ quá, học tiểu học thì có gì là giỏi, cứ cẩn thận không sai sót, là giỏi tất! Không muốn so sánh, nhưng rõ ràng cháu nhỏ nhà tôi học vớ vẩn hơn cái cậu ngơ ngẩn kia rất nhiều, nhưng kết quả thì đều… học sinh xuất sắc như nhau, trong khi con nhà tôi được tham gia rất nhiều thứ, từ bơi lội đều đến đi chơi, xem phim suốt ngày.

Vậy cháu nào hạnh phúc hơn?

Bài trên Fanpage Facebook ở đây

No comments:

Post a Comment