Thế là chỉ
còn một ngày nữa là hết tháng Giêng Âm lịch – cái Tết chốt lại một năm nhuận
hai tháng Chín, vì thế mà năm nay mãi hạ tuần tháng Hai Dương lịch mới đến Tết.
Lâu lắm không
để ý các ngày tiết, tự dưng giở cuốn Bảng đối chiếu Âm Dương lịch ra và phát hiện,
chính ngày mùng Một Tết là tiết – “Vũ Thủy” – (Ẩm ướt,) thảo nào mà nồm ngay
như thế. Nhớ hồi bé bà ngoại bảo những năm Tết muộn như thế này là ít nồm, mùa
hè đến sớm, nóng sớm. Bà ngoại chăm xem lịch, cuốn lịch bờ-lốc treo trên tường
thời bao cấp in xấu, bé xíu, nhưng đầy đủ… bà còn xem cuốn lịch túi nữa, mỗi
năm mua cho bà một cuốn, thỉnh thoảng mượn của bà, giở ra xem các ga tàu hỏa từ
Bắc vào Nam in ở đằng sau…
Tháng Ba ngày
ba, Tết Hàn Thực bà làm bánh trôi bánh chay. Mùng Năm tháng Năm, bà làm rượu nếp
“giết sâu bọ.” Rằm Tháng Bảy, bà bày mâm bỏng ngô cúng chúng sinh… cứ thế một
vòng, mấy mà lại đến Tết. Bà hay đọc Kiều, ngâm nga: “Thanh Minh trong tiết
tháng Ba…” là tháng Ba Âm lịch là tiết “Thanh Minh” (trong sáng) – nhưng năm
nay chỉ già nửa tháng nữa thôi, nhằm ngày Mười Bảy tháng Hai Âm lịch đã là
Thanh Minh rồi, thế là sớm hơn mọi năm đến cả tháng. “Lễ là Tảo Mộ hội là Đạp
Thanh” – đấy ngày xưa người Việt Nam ta đã vậy, cứ ra Tết là chơi xả hơi, cả lễ
cả hội, đều là chơi cả, đâu có làm gì đâu. Tảo mộ - đi chăm sóc mồ mả, hương
khói một chút, tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đã khuất.
Nhớ ông thày
giáo dạy văn đầu hói, hồng hào, phương phi trông giống như nhà văn Tô Hoài,
nhưng cao hơn nhà văn đến hơn một cái đầu – giảng văn thật hay và khúc chiết:
“Thanh là màu cỏ xanh mướt của mùa xuân, khi mưa xuân xuống, cây cối đâm chồi nảy
lộc tốt tươi… Thúy Vân Thúy Kiều đi hội dẫm lên cỏ ướt sương, thế là Đạp
Thanh…” Năm kia về kỷ niệm 30 năm thành lập trường, thày đã mất. Lại nhớ hồi đó
lũ “nhất quỷ nhì ma” đặt tên cho thày là “Tô Tất Ngố” (nói lái tên nhà văn Ngô
Tất Tố) và thày thì tên là thày Tô… Năm nay “Thanh Minh trong tiết tháng Hai,”
viết những dòng này, nhớ thày và nhớ cả những hình bóng người thân không bao giờ
gặp lại được nữa.
Vừa ra Tết,
đã um xùm cả lên chuyện “thơm má thơm miếc” vỡ ra chuyện ông cụ giáo sư gì đó ủng
hộ chuyện sửa chuyện Kiều. Chuyện Kiều vốn dĩ được nhà thơ đại tài viết lại từ
tích Kim Vân Kiều của Trung Quốc, nhưng theo thể loại lục bát đã là “dân tộc
hóa” và “bình dân hóa” rồi, nhưng ngôn từ mà nhà thơ dùng thì thực thiên tài. Nếu
có định sửa chuyện Kiều, thì chỉ có là “tầm thường hóa” nó đi mà thôi.
Và ngày mùng
Hai tháng Hai Âm lịch nhằm thứ Bảy tuần này (21/3) tiết là “Xuân Phân” (Giữa
mùa xuân)… và 20 tháng Tư Dương lịch nhằm ngày 2 tháng Ba Âm, là “Cốc Vũ” (Mưa
rào) từ ngày dùng cái điện thoại android cái anh Accuweather anh ấy báo thường
xuyên thấy chuẩn – và đúng thứ Bảy này anh Accuweather anh ấy báo mưa thật, để
xem xem có thay đổi gì không. Đứng nói chuyện với bác bảo vệ trường mầm non gần
nhà, bác ấy bảo đúng thật, mấy hôm nay nắng thế thôi, mà tôi thấy kiến đang sơ
tán chú ạ - chúng nó đang tha trứng kéo nhau đi kìn kìn… Nhớ chị Thanh Thư Vê
Tê Vê lên sóng còn đem Accuweather ra – thật buồn cười. Còn buồn cười hơn nữa,
tuần trước cô bé dự báo thời tiết bảo là giời nồm lắm, đi xe máy ngoài đường
không nên dùng phanh trước kẻo ngã. Nồm ẩm ướt mưa phùn thế thì nhắc bà con đi
chậm, đúng là chỉ phanh bánh trước không thì dễ ngã, nhưng không phanh phanh
trước thì có mà đâm lung tung cả. Từ hồi dự báo thời tiết của Vê Tê Vê trình
bày kiểu mới hấp dẫn có hấp dẫn mà ngớ ngẩn cũng có… Vừa tuần trước cô bạn
Facebook cho xem tấm ảnh chụp một đống quần áo phơi không khô treo trên cửa sổ
với dòng ca thán “bộ mặt thật của cái gọi là mùa xuân…” thấy thật là… dễ
thương.
Sau “Cốc Vũ”
đã là đến “Lập Hạ”, mùng 6 tháng Năm tức 18 tháng Ba âm, lại bắt đầu một mùa hè
rực lửa. Tầm đó, năm ngoái, mình cũng thấy chính mình sục sôi vì cái giàn khoan
kéo vào ngoài khơi nước ta. Năm nay đá Gạc Ma đã được xây bê tông thành đảo
nhân tạo, các cháu thanh niên hăng máu nhưng mù mờ vừa đi chống lễ kỷ niệm về lại
bị điều tra (có thể cũng chỉ là giả vờ thôi)… âu cũng là một bài học, chống đã
khó mà ủng hộ cũng chẳng dễ gì.
Năm ngoái nồm
ẩm ướt, mưa phùn đến bốn mấy ngày, là do Tết sớm. Năm nay may ra hai ba tuần rồi
ông Giời tha cho bà con. Nhắn luôn anh em bạn bè chơi Phây búc đừng dây dưa với
bạn nào đang ở Miền Bắc trong những ngày cô bé Vê Tê Vê bảo đừng phanh phanh
trước, thể nào cũng cãi cọ dẫn đến ăn-phờ-ren hoặc bờ-lốc nhau như chơi.
Ngày cuối
tháng vừa hết nồm nóng như mùa hè, đọc tin một cô giáo kém mình hơn chục tuổi,
mất vì ung thư trong khi vẫn đang làm những dự án xã hội. Có những sự ra đi kéo
theo cái nuối tiếc vô bờ bến của mọi người, mà hầu hết là không quen biết, chỉ
biết đến quang mạng internet. Ai cũng sẽ nghĩ, “tại sao cứ người tốt thì phải
ra đi quá sớm như vậy…” Điều này đúng, rất đúng. Khi cầm bản án trong tay, người
có lương tri sẽ nghĩ phải sử dụng những tháng ngày còn lại một cách có ích nhất
cho xã hội. Tuy nhiên, cũng có những người không thiết sống nữa và thậm chí đem
lại điều tệ cho người khác, như cố đổ HIV trong người cho thật nhiều người họ gặp.
Nhưng những người như thế ít thôi, còn hầu hết trong mỗi người, đều còn lòng trắc
ẩn hướng đến cái thiện.
Mà ai trong số
chúng ta chẳng đều có một kết thúc như vậy – vấn đề là vào lúc nào thôi. Tự
dưng thấy mình, chưa thực sự sống như ngày mai mình sẽ chết…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment