Xe máy đang chạy chầm chậm chở
hai ba con trên đường thì cái ô tô chạy phía trước phanh gấp, do phải tránh một
bác xe máy tạt ngang qua đầu. Họ phanh gấp thì ta cũng phải phanh gấp, gặp đúng
chỗ mặt đường nhiều bụi khô, bánh xe lết lết rồi xe lật nghiêng ra đường. May
mà đi chậm, không làm sao cả hai ba con.
Về nhà mới thấy ở chân có một
vết sứt nhỏ nhỏ, rửa sạch rỏ một giọt cồn i-ốt vào là xong, tự nó khô đi rồi khỏi,
rất “lành da.” Lúc ăn cơm, chỉ cho ông con và hỏi: “Con không đau chỗ nào chứ?
Còn ba thì bị sứt một miếng bé bé này!” Thằng bé tròn mắt ra nhìn, hóa ra vết
thì bé nhưng lại là một nhát cắt khá sâu, vào tận thịt.
“Đau không hả ba?” “Lúc ngã ba
không để ý, bây giờ về nhà rửa sạch bôi thuốc sát trùng cũng không thấy đau lắm
con ạ.” Cậu chàng có ý sờ sợ - hắn ta vốn dĩ dễ sợ máu, sợ bị thương… nó sợ ba
nó đau. Tình cảm lắm.
Tự dưng mình nhớ ra một chuyện
cũ, vui vui và kể cho cậu chàng nghe. “Tôi bị thương ở chân, còn bạn tôi thì bị
thương ở Điện Biên Phủ - con có hiểu câu đó nghĩa là thế nào không?” “Là cùng bị
thương nhưng khác nhau ạ…” “Khác thế nào chứ?” “Dạ…” ngần ngừ một lúc… kiểu này
chắc là hiểu nhưng chưa trình bày lại được đây…
“Câu đó hồi trước ba đi học dịch
tiếng Anh được thày đưa ra làm ví dụ đấy con ạ. Cùng là chỉ vị trí cả; nhưng mệnh
đề đầu, là để chỉ vị trí bị thương trên cơ thể; mệnh đề thứ hai, là để chỉ vị
trí về mặt địa lý, nơi mình bị thương…” “Thế ba kể cho con nghe để làm gì?” “À,
là cái gì cũng có lý do của nó. Chẳng hạn khi ba nói mệnh đề thứ nhất “Mặt trời
mọc ở đằng Đông” nhưng con lại cãi, con bảo: “Ba sai rồi, mặt trời lặn ở phía
Tây cơ!” thì hai mệnh đề đó là đúng hay sai?” “Mệnh đề là gì hả ba?” “À xin lỗi
con, mệnh đề là một câu khẳng định một điều nào đó là đúng, hoặc phủ định điều
nào đó là sai… sau này con sẽ học kỹ hơn, bây giờ ba tạm giải thích thế đã.”
“À, thế thì cả hai mệnh đề đó đều đúng ba ạ.” “Chính xác, cả hai mệnh đề đều
đúng. Một ví dụ khác. Mệnh đề thứ nhất: Mặt trời mọc ở đằng Đông; mệnh đề thứ
hai: Mặt trăng mọc ở đằng Đông. Cả hai mệnh đề này cũng đều đúng, và kết luận
là cả hai cùng mọc ở đằng Đông. Nhưng nếu mệnh đề thứ hai lại là: Mặt trăng lặn
ở đằng Tây – thì nó vẫn đúng trong trường hợp của nó, nhưng nếu đem so sánh giữa
hai mệnh đề lần này với nhau thì không có căn cứ nào cả: mặt trời và mặt trăng;
mọc và lặn, Đông và Tây. Muốn so sánh hai sự vật, hiện tượng với nhau, người ta
phải đưa về cùng một hệ quy chiếu.”
Ôi khốn khổ cái đầu ông con…
“Hệ quy chiếu là gì hả ba?” May quá trong ống đũa có đôi đũa nấu dài đến nửa
mét, lấy ngay một chiếc cùng một chiếc đũa ăn. “Hai chiếc này khác nhau về gì?”
“Dạ độ dài…” “Đúng rồi, muốn so sánh chúng mà không cần áp vào nhau, hoặc mỗi
chiếc ở một nơi thì làm thế nào?” “Dạ lấy thước đo ba ạ. Đũa thì quy ra
xăng-ti-mét là vừa.” “Đúng rồi, đo ra xăng-ti-mét rồi so sánh kết quả với nhau.
Việc đo cùng bằng xăng-ti-mét con vừa làm, chính là đưa về cùng một hệ quy chiếu
đấy, trường hợp này là phép đo chiều dài bằng đơn vị tính theo hệ mét.”
Câu chuyện ở đây là trong bất
cứ trường hợp nào, con cần lắng nghe ý kiến của người đối thoại – vì sau này
con sẽ gặp rất nhiều trường hợp mà khi con nói “Anh hùng La Văn Cầu bị thương ở
tay” nhưng người khác thì cứ khăng khăng cãi nhau với con: “Anh sai rồi, anh
hùng La Văn Cầu bị thương ở chiến dịch Biên giới!” Đó chính là việc không chịu
lắng nghe lẫn nhau và hơn nữa, không biết đưa vấn đề về cùng một điều kiện xem
xét hay đưa vấn đề so sánh về cùng một hệ quy chiếu…
Nhìn mặt ông con thể hiện một
sự nỗ lực phi thường để hiểu, thật buồn cười…
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment