Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, October 14, 2015

Phật tại tâm – phần 1


Người học Phật hay nghe “Phật tại tâm” và cũng rất nhiều người nói câu đó, làm mình băn khoăn lắm. Phật ở đâu mà “Phật tại tâm” và Phật tại tâm như thế nào?

Chúng ta sẽ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” qua vấn đề này được thôi, chứ không thể đi sâu rốt ráo vì trên thực tế, chẳng có nhời nhẽ bàn phím nào cặn kẽ được về vấn đề này cả. Mình đi vào học Phật là những băn khoăn về Triết học, vì thế đến khi đọc về “vấn đề cơ bản của Triết học” – “Bản thể luận” thì những băn khoăn được hoàn toàn giải đáp trong Phật pháp.

Khoa học của thế kỷ 20 với những phát kiến về lượng tử, nguyên tử, các hạt cơ bản… bản chất sóng – hạt của vật chất… đã làm đảo lộn hết tất cả. Chính những phát kiến này, đã làm cho Triết học đứng trước một thời đại mới: không còn cần thiết phải đặt vấn đề phân biệt “Duy vật” hay “Duy tâm” (vật chất và ý thức, cái nào có trước cái nào, cái nào quyết định cái nào.)

Gốc rễ của “chủ nghĩa duy tâm” là cho rằng, thừa nhận tồn tại một “tinh thần tuyệt đối”, cái tồn tại của nó vượt lên khỏi không gian, thời gian và là nguồn gốc của vạn vật. “Tinh thần tuyệt đối” đó tùy vào từng tôn giáo mà người ta cho rằng đó là Thượng Đế, là Chúa Trời… tạo ra muôn loài.

“Chủ nghĩa duy vật” mà gần gũi với chúng ta nhất – là chủ nghĩa Mác – Leenin thì cho rằng vật chất có trước, ý thức có sau, nó quyết định ý thức. Ý thức là hình thức phát triển cao của vật chất. “Đầu tiên là lao động và sau đó là ngôn ngữ, cùng với bộ não là những tiền đề để xuất hiện ý thức” – Ăng-ghen đã viết như vậy (Câu này mình chép theo trí nhớ thời học triết học năm thứ nhất đại học cách đây hai mấy năm, có thể không chính xác nhưng đại loại vậy.)

Để hình thành nên một cái nhìn “có vẻ triết học” một tí về vũ trụ quan, nhân sinh quan, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ… trong Đạo Phật thì có nhiều bản Kinh, ví dụ như khi đọc Kinh Hoa nghiêm Đức Phật mô tả về vũ trụ và khi chúng ta quán chiếu sang những thành tựu vật lý thiên văn, vũ trụ ngày nay thì choáng váng là tại sao cách đây 2500 năm Đức Phật có thể nói về vũ trụ một cách chi tiết, hoàn mỹ và tuyệt đối khoa học đến thế. Rồi chỉ cần đọc Bát nhã Tâm Kinh, cũng đã đủ đem lại cho chúng ta một sự nhận thức tuyệt vời về bản thể của vũ trụ. Đến đây chúng ta hiểu rằng, Đức Phật đã “quán” được bản chất của vũ trụ, Ngài nhìn thấy, như hòa nhập làm một trong từng góc nhỏ nhất và xa nhất của vũ trụ mà mô tả lại cho chúng ta.

Từ nhỏ mình đã luôn băn khoăn vì tính hữu hạn của giác quan con người. Khi đo độ dài một vật nào đó, ta dùng thước. Nếu đo bằng mét, sẽ không thể chính xác được, ta chuyển sang tính bằng xăng-ti-mét, à chính xác hơn rồi đấy. Để chính xác hơn nữa, ta đo bằng mi-li-mét, rồi cả micrô mét, nay người ta còn xài cả nanô mét nữa. Càng chia nhỏ thì càng chính xác, nhưng chính xác với giác quan con người thôi, chẳng bao giờ là chính xác rốt ráo cả.

Muốn chính xác rốt ráo, phải hòa nhập làm một đến tận cùng của sự vật, không chỉ hiểu nó, mà còn phải là nó. Ta và vũ trụ, phải là một.

Những băn khoăn về không gian, thời gian… mình cũng đã có từ rất lâu, từ khi bắt đầu học vật lý, khoảng 11 tuổi gì đó. Cái ước vọng của con người bay được như chim, có thiên nhãn nhìn xa ngàn dặm, thiên nghĩ nghe được xa vạn dặm… hay uốn mình một cái bay hàng vạn dặm như Tôn Ngộ Không cũng đã tồn tại hàng vài trăm năm. Khoa học của thế kỷ 20 – 21 đã cho chúng ta thấy, đó là những điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Khi khoa học chứng minh không gian có thể bị cong, bị co hẹp… thậm chí bị uốn cong, gập lại… thì khoảng cách trong không gian vũ trụ không còn là vấn đề. Rồi người ta chứng minh cái đồng hồ ở trên tháp chạy chậm hơn đồng hồ ở dưới chân tháp – điều đó cho thấy thời gian cũng không phải là một đơn vị hằng số (bất biến) mà nó thay đổi theo vận tốc di chuyển của vật. khi một người đang di chuyển trên một phi thuyền không gian với tốc độ bằng 87% vận tốc ánh sáng thì thời gian trong điều kiện đó sẽ chậm bằng một nửa so với thời gian trong điều kiện bình thường trên mặt đất. Bên cạnh đó, sự lão hóa của nhà phi hành cũng chỉ bằng một nửa so với lúc anh ta sống trong điều kiện bình thường. Ví dụ như nếu anh ta có một người em sinh đôi đang sống trong điều kiện bình thường, sau một chuyến du hành dài trên một phi thuyền không gian với tốc độ cao, khi trở lại trái đất anh ta vẫn trẻ hơn rất nhiều so với người em của mình. Trong trường hợp phi thuyền đó di chuyển với tốc độ bằng 99% vận tốc ánh sáng, thời gian sẽ chậm đi bảy lần, và với tốc độ bằng 99,9% tốc độ ánh sáng, thời gian sẽ chậm đi 22,4 lần.

Xin tạm dừng phần này ở đây với lời của Einstein. Trong một bức thư viết vào năm 1955 sau cái chết của Michele Bosso, một người bạn thâm niên của mình, Einstein đã thổ lộ như sau: “Giờ đây ông ta đã từ giã thế giới xa lạ này trước tôi một chút. Nhưng điều đó (sự ra đi trước hay sau) cũng chẳng có nghĩa gì cả. Vì đối với những nhà vật lý như chúng tôi, sự phân định giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng bướng bỉnh, dai dẳng mà thôi.”

Đọc tiếp phần 2 tại đây

Đọc tiếp phần 3 tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment