Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, October 2, 2015

Thế là Putin đã tự mở “Mặt trận thứ hai!”

Các tòa nhà sụp đổ và đám cháy sau khi máy bay Nga không kích ở tỉnh Homs, 
miền Trung Syria, hôm 30/9. 
Ảnh: YouTube/ Talbisa_h
Ngày 30 tháng Chín 2015, ngay sau khi nhận được phê chuẩn của Quốc hội Nga, không quân Nga đã tiến hành không kích ở thành phố Homs thuộc Syria, vào những mục tiêu “được thông báo” là kiểm soát của “Nhà nước Hồi giáo IS.” Suốt hơn một năm qua chúng ta quan tâm nhiều đến nước Nga qua những sự kiện xung quanh việc sáp nhập bán đảo Crimea, chiến sự Đông Ukraine và từ đó kéo theo lệnh trừng phạt của Phương Tây áp đặt lên nước này.

Không chỉ có Nga, mà gần đây dư luận thế giới còn quan tâm nhiều cả đến quan hệ Trung – Mỹ và đưa ra nhiều dự đoán về trật tự thế giới mới trong tương lại. Có hai cách nhìn nhận vấn đề. Cách thứ nhất – Nga và Trung Quốc đều muốn dùng những nước cờ kết hợp ngoại giao và quân sự để khắc phục tình trạng khó khăn về kinh tế. Cách thứ hai, là đặt câu hỏi tại sao cả Nga và Trung Quốc đều nhằm lúc khó khăn để có những hành động mạnh mẽ về đối ngoại. Có lẽ cả hai cách nhìn nhận này đều đúng, và cái gì cũng có lý của nó.

Với nước Nga thì từ trước đến nay vẫn coi các nước thuộc Liên Xô cũ ở biên giới phía tây của mình là “phên giậu” trong tương quan với “đối thủ” truyền thống là NATO. Đầu tiên là ba nước vùng Baltic gia nhập Liên minh châu Âu rồi nước nước khác nữa ở phía Nam như Georgia, Armenia… cũng dần nhạt với Nga mà quay sang có những chính sách gần gũi hơn với Phương Tây. Chỉ còn quan hệ anh em truyền thống gắn bó với Belarus, nên Nga coi Ukraine là địa bàn chính trong việc ngăn chặn bước tiến của NATO sang phía đông, “đẩy lùi biên giới phòng thủ” của mình về phía Tây càng xa càng tốt.

Máy bay chiến đấu Nga Su-24
Ảnh của Yury Smityk và Valery Sharifulin – tư liệu của Itar-TASS
 

Ở địa bàn xa hơn nữa, Syria như là “nơi gặp nhau của những mâu thuẫn” giữa một bên ủng hộ, bên kia thì coi Tổng thống Bashar al-Assad như một kẻ độc tài và quy trách nhiệm cho chính quyền của ông ta trong một loạt các chuyện, từ những vụ tàn sát dân chúng đến cả cuộc nội chiến kéo dài. Điểm chung duy nhất trên bàn cờ lúc này, dù nó là thực chất hay hình thức – là nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố. Càng cường quốc, thì càng dễ bị tổn thương bởi chủ nghĩa khủng bố. Nước Mỹ với vụ 11-9, nước Nga với hàng loạt vụ đánh bom của các “góa phụ áo đen,” châu Âu và Trung Quốc cũng không “thoát.” Ông V.Putin mang đến phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông điệp “cần thành lập một liên minh rộng rãi chống khủng bố” (như liên minh chống phát-xít trước đây) và chúng ta cần ghi nhận ý nghĩa tốt đẹp của ý tưởng này.

Tất nhiên ngay sau những đòn không kích của Nga “nhằm vào IS” ở Syria, thì chắc chắn sẽ kéo theo những dị nghị cho rằng, những đòn đó chỉ nhằm ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad vì mục tiêu của không kích không phải là IS mà là những lực lượng đối lập với chính quyền Syria. Thậm chí chúng ta cũng không thể loại trừ sẽ có những câu hỏi dạng như, “Tại sao Nga không không kích những vùng đất IS kiểm soát thuộc lãnh thổ Iraq?” và đương nhiên, Nga sẽ đáp lại rằng những mục tiêu của họ được cung cấp bởi tình báo Syria… tranh cãi không bao giờ có thể dừng lại được. Câu trả lời duy nhất là lợi ích của các nước lớn trong khu vực là khác nhau.

Với Nga, Syria vẫn là nước có quan hệ thân mật “truyền thống,” có lẽ phải kể rằng quan hệ này đã có từ năm 1956 với Liên Xô cũ. Đến nay ở nước này vẫn còn một quân cảng được Hải quân Nga sử dụng (và cũng là quân cảng duy nhất còn lại của Nga ở hải ngoại.) Đồng thời, Syria vẫn là khách hàng mua vũ khí của Nga. Đất nước vùng Trung Đông “rốn dầu,” hoàn toàn không thiếu tiền, còn Nga thì không bao giờ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Phương Tây áp đặt lên các nước thứ ba khác trong vấn đề mua vũ khí.

Đến nay, kinh tế Nga chưa thoát được ra những khó khăn do tác động kép, giá dầu hạ thấp và lệnh trừng phạt của Phương Tây áp đặt lên nước này: khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới gần như đóng băng, đồng rub mất giá và ngân sách quốc gia càng ngày càng bị thu hẹp. Syria là nước ngoài OPEC, nên tình hình sản xuất dầu mỏ của nước này tăng hay giảm, ổn định hay không đều có thể ảnh hưởng đến giá dầu mỏ và khí đốt của thế giới, tất nhiên với điều kiện là tình hình phải nằm ngoài khả năng thao túng của Phương Tây. Chính vì vậy mà Nga – Putin vào đúng thời điểm này, “mở mặt trận thứ hai.”

Máy bay chiến đấu Nga Su-24
Ảnh của Yury Smityk và Valery Sharifulin – tư liệu của Itar-TASS

Chúng ta sẽ băn khoăn rằng tại sao nước Mỹ dường như bị động trước tình hình, không có nước cờ đáp trả nào hữu hiệu. Tổng thống Obama vốn đã “được” người ta cho rằng quá hiền lành và chính sách của ông thiếu hiệu quả, thiếu mạnh mẽ về đối ngoại. Từ năm 1990 đến nay, thế giới đã quen với những sự kiện như các cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ cùng NATO can dự vào Nam Tư, Mỹ cùng đồng minh đưa quân vào Afghanistan… thì nếu không tính cuộc xung đột với Georgia (2008) và khủng hoảng Ukraine năm 2014, thì đây là lần đầu tiên nước Nga có một hoạt động quân sự thực sự ở một địa bàn xa đất nước đến thế. Cũng nên nhìn lại tình hình khu vực, khi mà Nhà nước Hồi giáo IS hiện đang kiểm soát một vùng lãnh thổ lớn hơn cả diện tích nước Anh (bao gồm của đất của Iraq lẫn Syria) và thiết lập lên đây một chính quyền hữu hiệu trong quản lý lãnh thổ chiếm được – thì vai trò của tổ chức này trong tương lai vẫn còn là dấu hỏi lớn. Họ có thể vẫn tiếp tục là một tổ chức khủng bố “có lãnh thổ và Nhà nước” và tiếp tục đối đầu với phương Tây và cả Nga, nếu như giữ nguyên những tuyên bố mang tính “thánh chiến” của mình, nhưng nếu họ thay đổi thái độ thì sao?

Chính vì thế mà có vẻ như song song với tình hình khủng hoảng Ukraine gia tăng căng thẳng, thì “tính nóng” trong thái độ của Phương Tây với Nhà nước Hồi giáo phải chăng có phần nào giảm bớt? Càng gia tăng chiến sự với các hành động quân sự, thì càng làm cho giá dầu mỏ lên. Một giá dầu thấp đã góp phần làm cho nước Mỹ có những tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong năm qua, vì thế không có lý do gì nước Mỹ mong muốn giá dầu lại tăng trở lại. Năm 2016 nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống, vì thế tôi luôn tin rằng nước này sẽ không có những bước đi mạnh mẽ hơn về vấn đề Trung Đông nói chung, IS hay Syria nói riêng cho đến khi có Tổng thống mới. Nước Mỹ “hậu Obama” chỉ có thể có chính sách “rắn” hơn, chứ không thể hòa dịu hơn hiện nay.

Hay nói một cách khác, nếu như nước Nga của Putin muốn tham gia chống IS, thì xin mời, “khúc xương” Phương Tây phải ăn lâu nay chưa nuốt được, có người khác cùng chia sẻ cũng không phải là phương án tồi. Những gì Nga đạt được sau nước cờ mạnh bạo ở Syria là rõ ràng, chắc chắn Phương Tây sẽ phải có cái nhìn khác, thái độ khác với nước Nga trên cục diện chống chủ nghĩa khủng bố và không loại trừ sẽ có những động thái tích cực hơn trong quan hệ kinh tế, thương mại với nước Nga. Ngược lại, “nhảy vào vòng chiến” với IS là đối thủ “được tuyên bố chính thức” cũng có những hệ lụy của nó mà đến nay chưa ai nói trước được điều gì.

Lịch sử không lặp lại, hay nó lặp lại với một cách khác. Nếu như trước đây Stalin đã nhiều lần yêu cầu Roosevelt và Churchill “mở mặt trận thứ hai” để chia sẻ những khó khăn của Hồng quân trong trận chiến chống phát-xít, thì nay Putin tự mở mặt trận thứ hai trong thế bị bao vây về kinh tế. Tác dụng tích cực của hành động chúng ta đã ghi nhận, nhưng luôn luôn tồn tại từ “Nếu.” Nếu như cuối năm 2013 ở Ukraine không xảy ra sự kiện Maidan dẫn đến việc Tổng thống thân Nga của nước này, ông Viktor Yanukovych đào nhiệm; kéo theo hàng loạt những sự kiện khác như Nga sáp nhập Crimea, chiến sự ở các tỉnh Đông Ukraine và vụ máy bay MH-17 của hàng không Malaysia, giá dầu xuống, lệnh trừng phạt, quan hệ khăng khít Nga – Trung và những khó khăn kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015… Nếu không có những cái “nếu” trên đây mà Nga có vai trò quyết định hơn, tiên phong hơn trong việc hình thành liên minh chống khủng bố, thì sẽ không có ai nghi ngờ sức mạnh tiếng nói của nước này trên trường quốc tế.

Sẽ không bao giờ là muộn để các cường quốc dần tìm được tiếng nói chung cũng như sự tin cậy lẫn nhau, nhưng tình thế thì vẫn là tình thế. “Nước cờ cao” của Nga vì thế cũng trở nên thấp đi nhiều và nó sẽ có vai trò “khắc phục khó khăn” nhiều hơn là đưa nước Nga lên một vị thế mới trên trường quốc tế.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment