Từ thập niên 1960, Hà Nội bắt
đầu xuất hiện những khu tập thể “xã hội chủ nghĩa,” đầu tiên phải kể đến khu tập
thể Nguyễn Công Trứ. Nếu đi vào những khu tập thể dạng đó, sẽ thấy một nếp sống
tập thể cực kỳ đặc trưng với khu công trình phụ: tắm, vệ sinh của cả một bên
đơn nguyên dồn hết vào một nơi, dùng chung. Một hành lang tối thăm thẳm dẫn đến
khu vực đó, làm cho cả cái bầu không khí bên trong khu nhà trở nên khó tả. Mấy
chục năm, người ta không thể sống với cái chung đụng kiểu đó lâu hơn nữa, dần dần
các khu tập thể được cải tạo hết, chia riêng về cho các nhà sử dụng, mỗi nhà một
khoảnh. Người ta đã nhận ra cái lý thuyết “sử dụng tập thể” đã không còn phù hợp
khi mà từ chuyện lá rau, con gà đã thành bức xúc thường ngày. “Không có gì quý
hơn độc lập tự do” đã là chân lý.
Dạng nhà lắp ghép kiểu những
khu tập thể như Bách Khoa, Trương Định… cũng đã là văn minh hơn hẳn kiểu Nguyễn
Công Trứ. Đặc trưng của dạng nhà tập thể cao tầng thời “bao cấp” là không quá
cao, nên cũng không có gì gọi là “công nghệ” ở trong đó cả, không thang máy,
không cửa tự động, không hệ thống khí đốt chung… không gian của căn hộ thường
chỉ có 2 mặt trước sau, trừ những căn đầu hồi. Do đó lại một nét đặc trưng nữa
gắn với thời kỳ này, là “chuồng cọp.” Những cái lồng sắt được hàn đính vào mặt
ban công, nhô ra ngoài, vừa cải thiện được chút diện tích phơi phóng, vừa chống
trộm. Hồi đó chẳng ai nghĩ đến vấn đề hỏa hoạn, nếu xảy cháy thì cái lồng chắc
chắn phòng trộm thì cũng “phòng” luôn cả chủ nhà muốn thoát thân ra ngoài.
Tôi không nhớ chính xác năm
nào, nhưng vào quãng thập kỷ 1990 thì bắt đầu xuất hiện dạng chung cư kiểu mới,
cao tầng hẳn lên (hồi đó chỉ 9 tần thôi, nhưng cũng đã phải đi thang máy) ở
Linh Đàm. Khái niệm “chung cư cao cấp” dần dẩn ra đời và người Hà Nội cũng dần
quen với nó. Đến nay thì khái niệm “chung cư cao cấp” phải được gắn với những
tiện ích khác xung quanh như khu vui chơi giải trí; dịch vụ y tế, giáo dục; diện
tích cây xanh, mặt nước… còn những tiện nghi như thang máy, bảo vệ tòa nhà, khu
giữ xe dưới hầm đã có cả ở phân khúc bình dân.
Cuối thập niên đầu tiên của thế
kỷ 21, thời bùng nổ bất động sản ở Hà Nội với nhà cao tầng mọc lên như nấm, đáp
ứng nhu cầu nhập cư của người dân các tỉnh kéo về Hà Nội làm ăn, sinh sống. Nhà
đất thành phố có hạn, đương nhiên nhà cao tầng là giải pháp hữu hiệu, và như thế
đã hình thành những ngôi làng mới ở trong lòng thành phố, những thôn, làng ở
trên cao.
Vào thăm bạn ở một trong những
khu xịn nhất của Hà Nội, cao đến mấy chục tầng cứ là chóng mặt, mà muốn vào phải
đăng ký, chủ căn hộ phải thông báo xuống lực lượng “dân phòng thôn” mặc quân phục
oai nghiêm, mới được vào. Chớm bước vào thang máy, thì cái cửa đóng sập, chém
đúng vào “khúc đuôi” thò ra ngoài, đau điếng người. Một bà cụ mắt mũi kèm nhèm,
nhe bộ răng đen cái bóng cái nhám, lại lỗ chỗ khoảng trống ra mà cười, “Hé hé,
con gái bác dặn vào phải bấm cái nút này khi vào trong thang máy cho nó
nhanh!”. Thế con gái bác chị ấy có dạy bác là nêu có người vào cùng thì phải bấm
nút kia giữ cửa cho nó khỏi sập vào người người ta không ạ?
Khu đó xịn, còn đỡ. Nhiều khu,
lên hành lang cứ là la liệt các thể loại người giúp việc mặc quần đùi áo ba lỗ,
cứ ngồng ngỗng những cặp giò vùng chiêm trũng, buôn dưa lê toàn những chuyện
mùa vụ, chuyện hội làng, chuyện thằng A chồng con B đi làm trên thành phố vác bệnh
Sida về làng, chuyện đứa cháu đầu xanh đầu đỏ sau khi bố nó nhận tiền đền bù ruộng,
nghiện chết rồi… đến đủ bà nội bà ngoại, cũng toàn mắt mũi kèm nhèm cả, tay cọ
quèn quẹt cái tăm trên hàm răng, cụ thì phì phì và bôi nước quết trầu lên cửa
thang máy…
Rồi kể cả là Royal hay Times
City, cũng cùng cảnh ngộ thôi. Sống trong những khu xịn, là cái gì cũng phải
nâng lên, cứ như là Tây ấy mà. “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” – bố khỉ, thằng
hàng xóm nó học ở tận Havớt về, mà bà cụ nhà mình thì đứng cạnh nó trong thang
máy cứ nhai nhóp nhép vào tai nó, rồi gãi sồn sột là không có được.
Thế không nhẽ, bà cụ ở quê
không ai chăm nom, cấm đưa lên Hà Nội mà được à? Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi
cảnh, ai cũng có những vấn đề riêng cần phải giải quyết. Nhà thì sử dụng dịch vụ
người giúp việc theo giờ, mặc đồng phục, vào nhà cứ quỳ mọp như gái Nhật của
Royal City được, nhà thì chỉ thích cái bà quần ống thấp ống cao, giọng thì trọ
trà trọ chọe tận Nghệ An Hà Tĩnh ra cơ, cũng là chuyện bình thường thôi!
Nên nếu một ngày đi trong sân
của Keangnam mà “ăn” cái vỏ chuối vào đầu, thì đừng lấy làm lạ. Một “ông chú”
tôi quen, tâm sự là “Tao vẫn mê cái tang anh thuốc lào, bây giờ ra Hà Nội ở với
con tao vẫn điếu cày tao rít. Bã tàn thuốc, nước điếu tao cứ phi ra… ban công,
cũng tiện, chẳng khác gì ở quê…” Không hiếm ngày lên Facebook gặp các doanh
nhân giật status chửi um lên, nào là chưa ra khỏi thang máy thì bốn năm ông bà,
chen ngay vào không ra được nữa, nào là đứng trong thang máy mà cứ nói cười hô
hố như chỗ không người, nào là cái thằng tầng dưới cũng doanh nhân mà nó vào
thang máy không chịu tắt thuốc lá, cứ phả khói um cả lên…
Không hiếm những khu chung cư,
ban quản lý phải đầu tư thêm mấy cái lò hóa vàng to đùng bằng gang, trông từa tựa
cái đỉnh ba chân để dưới sân và nghiêm cấm hóa vàng trên nhà tầng. Lại không hiếm
những khu vừa dọn về ở mấy tháng đã đôi ba lần báo động cứu hỏa – vì người ta
hóa vàng, dọn chân hương… gói cả vào một gói ném vào cửa xả rác. Nó âm ỉ cháy đến
lúc bốc to, khói cuồn cuộn, bà con được phen hoảng hồn. Đến khi cháy thật, có
khi tưởng báo động giả, chẳng ai vội, cứ đủng đỉnh hóa ra nguy hiểm thật.
Đó chính là câu chuyện đám
cháy tầng hầm chung cư Xa La mới đây, chuyện hoàn toàn không khác. Dù với lý do
gì, thì khả năng xảy ra sự cố với các chung cư cao tầng Hà Nội hoàn toàn có thể
xảy ra ở bất cứ một ngày đẹp trời nào, chỉ vì nếp sống làng xã, hoặc nếp sống
kiểu “nhà ống” bà con mang từ mặt đất lên. Quay lại với chuyện “chung – riêng”
đề cập ở đầu bài – khu công trình phụ dùng chung chỉ tồn tại được khoảng gà 20
năm, còn thì cũng không ai chịu được nữa. Câu chuyện đó ngày nay rất có thể tái
diễn ở các chung cư cao tầng Hà Nội, khi mà bên trong căn hộ thì người chủ có
thể giữ sạch sẽ nhưng cứ từ cửa ra hành lang, đến thang máy… thì không ai giữ
gìn. Chỉ cần nhìn xung quanh cái cửa đổ rác thì thấy, một màu sắc thật là đáng
sợ! Nếu ở chung cư Việt Nam mà có một phía là ráp tường rào ít người qua lại
thì nhiều khả năng chỗ đó sẽ thành một bãi rác.
Không nói đâu xa, chỉ những
khu cao tầng mới của thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, nếu ban quản lý tòa nhà
phát hiện để dây nước rác ra xung quanh cửa đổ rác là cũng bị phạt rồi. Còn nếu
so với những tiêu chuẩn của Singapore với nhà chung cư thì chắc người Việt Nam
chẳng ai dám lên ở.
Các rủi ro còn có thể đến từ
phía sự thiếu chuyên nghiệp trong vận hành tòa nhà, tức là yếu tố con người.
Chuyện một khu rất cao cấp gần đây bị mất điện, mà đồng loạt cả máy phát điện lẫn
hệ thống lưu điện đều không hoạt động, làm kẹt thang máy gây hoảng loạn nhiều
cư dân là một minh chứng cho thấy điều đó. Bảo vệ tầng hầm nhiều khi chỉ cần được
mời một điếu thuốc là đứng hút cạnh chủ xe kiêm cư dân dưới hầm ngay, bất chấp
khả năng gây cháy của khu vực đó là cực kỳ cao.
Chúng ta cần thừa nhận tính
tích cực của nhà cao tầng với ưu điểm của nó là tiết kiệm chi phí cho xã hội –
một gia đình 5, 6 người mà xây một cái nhà ống 4, 5 tầng tầm 10 phòng, so với một
căn hộ chung cư thì cực kỳ lãng phí. Kinh tế nhà ống là một trong những yếu tố
làm cho đất nước ta kém phát triển vì độ lãng phí trên mức độ toàn xã hội của
nó, nhưng lên chung cư, đòi hỏi con người phải được học nếp sống của chung cư, từ
việc đi chậm qua cửa tự động, đến văn minh thang máy, và hơn hết là nếp sống
tôn trọng cái chung. Không thể có được một không gian riêng trong sạch bên
trong căn hộ mà không gian chung nhếch nhác, hơn thế nữa, là sự an toàn của mỗi
một cư dân sống bên trong chung cư đó.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment