Ngồi buôn chuyện nước chè với
một anh bạn “nghiẹ xí” trong một buổi sáng lành lạnh của miền núi, bắt đầu bằng
ảnh và kết thúc bằng ảnh. Lâu nay mình ít tham gia các nhóm, diễn đàn ảnh trực
tuyến nên cũng không mấy quan tâm đến tình hình “nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà.”
Chuyện một nhiếp ảnh gia, bắt
đầu con đường của một “nghệ sỹ lớn” đùng cái ngã ngựa một cú đau vì một tấm ảnh
phóng sự - sự kiện chụp rất tốt nhưng lại “chết” vì một tiêu đề (caption) bị phản
ứng là sai sự thật.
Mình đến với chụp ảnh lúc đầu
là một trò chơi, sinh hoạt ngoại khóa thời học Cung thiếu nhi Hà Nội những năm
1980 của thế kỷ trước, giai đoạn này không tính vì có được chụp mấy đâu. Thời cấp
3 mượn mãi được cái máy, chắt bóp mua được cuộn phim monochrome mà loay hoay, chụp
hỏng cả cuộn là bình thường. Hết cấp 3, thực sự đến với chụp ảnh vì hồi đó
không có con đường nào khác, phải đi học nghề để có kế sinh nhai. Đất nước vừa
đổi mới, hầu như ai cũng nghèo cả, ra trường không có việc làm, “nhà không có
điều kiện” là chết đói ngay. Mình học để làm thợ Bờ Hồ, để đi cầm đèn nhại và
chui buồng tối tráng phim, phóng ảnh. Ảnh với mình là một thứ cực nhọc, chẳng mấy
vui vẻ gì.
Nghệ thuật để sau, nồi cơm trước
đã.
Nhưng dù gì thì gì, mỗi khi
nhìn thấy “bất cứ một cái gì có thể chụp được” đều có ý thức dóng khuôn hình bằng
mắt, tính xem với khung cảnh đó, ánh sáng đó… với điều kiện thiết bị thông thường
thì sẽ chụp như thế nào. Cũng cùng với những người làm nghề chụp ảnh, mình để ý
sẽ có những người mãi mãi làm nghề chụp ảnh Bờ Hồ và công viên Thống Nhất. Đơn
giản thôi, nếu như chúng ta chụp mãi vài người đứng giữa bức ảnh “sáng mặt ăn
tiền” và quen tay, chúng ta sẽ chán. Lúc đó nhìn bức ảnh, người có nghề sẽ biết
ngay ta cao mét bao nhiêu, vì chúng ta đứng lưng sòng sõng, nhòm vào cái lỗ ngắm
một cách vô hồn và bấm. Chúng ta là cái máy chụp ảnh.
Nhưng, như các ông thày dạy
nhiếp ảnh ngày xưa giảng, chúng ta đạt được cái “chân” – một cái “chân” sự thật
trần trụi, dửng dưng và vô cảm. Đáng tiếc nếu thiếu cái “chân” đó thì không phải
là nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh phóng sự cần nhiều yếu
tố, như việc có mặt đúng lúc, đúng chỗ, khả năng phán đoán sự kiện để chớp thời
cơ bấm máy… thì còn cần nhất là cái “chân,” vì người chụp ảnh còn là người kể
chuyện, và chuyện ở đây không phải giả tưởng, cũng chẳng phải thần thoại, mà là
những câu chuyện cuộc sống gai góc. Yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo được cái “chân”
– tức là độ thật của câu chuyện chúng ta kể bằng ảnh. Điều này cũng đúng với
các thể loại nhiếp ảnh khác, đặc biệt với ảnh “đời thường” hay nhiếp ảnh đường
phố.
Chúng ta có hít thở cùng bầu
không khí của mọi người, uống cùng cốc nước chè với người xe ôm và chị công nhân
quét rác lúc nghỉ tay, thì chúng ta mới có thể có được một bức ảnh đẹp.
“Văn là người” và “ảnh cũng là
người,” chúng ta không thể giấu diếm mãi bản thân nếu như mỗi ngày chúng ta viết
lên những dòng suy nghĩ về cuộc sống, và những tấm ảnh chúng ta chụp cũng vậy.
Thời của “thế giới phẳng” tất
cả được phơi bày lên mạng xã hội, thì những ai bứt ra được khỏi cái ngưỡng của “bạn
cao mét bao nhiêu” sẽ có khả năng bước vào lĩnh vực của nhiếp ảnh nghệ thuật.
Nhưng điều đó, chưa đủ.
Thế mới bẩu tại sao các cụ nói
tiếp cái “thiện” sau cái “chân.” Một cái tiêu đề thôi đã đủ làm bạn ngã ngựa,
là thấy thời của mạng xã hội nó dữ dội như thế nào, đặc biệt khi bạn là người của
công chúng. Bức ảnh xác em bé Syria trôi dạt vào bờ biển, được chụp làm dậy sóng
dư luận toàn thế giới, xem bức ảnh đó không ai nghi ngờ cái “thiện” của người bấm
máy. Khi chụp tấm ảnh đó, tác giả biết chắc chắn hiệu quả mà nó sẽ gây ra, rằng
mình sẽ chạm vào hàng triệu trái tim trên toàn thế giới.
Bạn nhiếp ảnh gia ngã ngựa, vì
bạn còn thiếu cái “thiện.” Điều này không có nghĩa là bạn không phải là người tốt,
nhưng mình biết, bạn là người có vị trí như thế nào khi ngồi trên yên con ngựa
trước khi ngã. Bạn được học nhiếp ảnh ở một nước hàng đầu thế giới, bạn giảng dạy
về nhiếp ảnh và là người của công chúng, được nhiều người biết tiếng. Ngược lại,
quá nhiều ý kiến cho rằng bạn kiêu. Như Đức Phật dạy, kiêu mạn là một trong những
điều nguy hiểm nhất mà con người dễ mắc phải. Đã mắc kiêu mạn thì đã là thiếu
đi một chút “thiện” rồi, và chỉ hòn đá nhỏ đó thôi đủ bạn vấp, ngã ngựa.
Lại nhớ trước đây đã nói chuyện
về một bạn khác chụp ảnh rất đẹp, nhưng thể hiện trên các diễn đàn thì lại xấu,
hết sức xấu bằng cách sẵn sàng chửi bới thô tục người khác, thậm chí lôi các
chi tiết đời tư ra để hạ gục người đối thoại. Bây giờ thì “người cũng là ảnh” –
dần dần xem những bức ảnh của bạn đó, thấy lặp đi lặp lại một sự vô hồn, vô cảm…
dường như bạn không yêu thương gì những mảnh đời được bạn chụp, mà bạn chỉ cố
tìm những đường nét và mảng màu sắc, sáng tối… đánh lừa thị giác người xem.
Ỷ vào tài năng của mình để
kiêu mạn và khinh thường người khác, là một trong những mê lầm lớn nhất của con
người. Suy cho cùng, những tài năng đó đã là cái gì đâu. Liệu chúng ta có trả lời được
khi đi đến được cuối con đường, “triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần,
có mấy người đưa?” Chúng ta có chắc được là mình sẽ đi về đâu hay không?
Mình thích xem và cũng thích
thể loại ảnh đời thường. Khi xem ảnh đời thường, chúng ta có thể hình dung được
tác giả yêu cuộc sống đến mức nào, và cao siêu hơn, thể hiện trình độ triết học
của tác giả đến đâu. Điều này có thể chính tác giả cũng không để ý triết lý lằng
nhằng gì đâu, nhưng chắc chắn có.
Sáng nay nói chuyện về một nhiếp
ảnh gia khác, người nổi danh vì khả năng dùng phần mềm phôtôsốp làm nên những bức
ảnh “ma mị.” Những bức ảnh của người chụp ảnh này xem mãi, bức nào cũng như bức
nào, đó là sự đánh lừa thị giác của những người xem chưa có được sự dẫn dắt cần
thiết từ “chân” qua “thiện” đến “mỹ.” Ba yếu tố, phải tuần tự, nhưng không thể
thiếu yếu tố nào, nếu không thì mãi mãi chúng chỉ là những bức tranh chép chứ
không thể là kiệt tác được sáng tạo đổ mồ hôi sôi nước mắt của người họa sỹ
chân chính.
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment