Đúng như đồn đoán và mong đợi,
“món quà” mà ông Obama mang sang “tặng” trong chuyến thăm chính thức lần này,
là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt lên Việt Nam đã tồn tại đến hơn
40 năm – từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Việt Nam và Hoa Kỳ vốn là hai
nước có mối quan hệ hết sức đặc biệt, đi từ thế đối đầu sau cuộc Chiến tranh Việt
Nam mà sự can dự của Hoa Kỳ vào đó cũng có đến hơn một thập kỷ. Sau cuộc chiến,
nước Mỹ mất đi hơn 58.000 người và tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Đến nay những
di chứng của cuộc chiến tranh để lại vẫn còn, với nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ,
“hội chứng Chiến tranh Việt Nam” vẫn còn ảnh hưởng nặng nề.
Với Việt Nam thì hậu quả của
cuộc chiến tranh còn nặng nề hơn, đến nay nó vẫn còn tiếp tục để lại những vết
thương chưa liền sẹo của bom mìn, của chất độc dioxin…
Từ năm 1995 là thời điểm hai
nước bình thường hóa quan hệ đến năm 2015 là tròn 20 năm, cũng là năm được đánh
dấu một mốc quan trọng bằng việc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng
được quan hệ đầy đủ nhất có thể có được về kinh tế. Những thông tin về chuyến
thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chúng ta đã được biết
từ năm 2015, từ những chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ. Vào năm 2014, lệnh
cấm vận vũ khí đối với Việt Nam đã được Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần, và do đó tới Việt
Nam lần này, điều được mong chờ nhất ở ông Obama chính là việc dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận đó.
Cho đến nay, 90% vũ khí và thiết
bị quốc phòng của Việt Nam được cung cấp từ Nga, chính xác là có nguồn gốc từ
Liên Xô cũ. Mối quan hệ về quốc phòng giữa Việt Nam và Nga do đó có đặc thù rất
khăng khít và mang tính truyền thống. Ngay trước thời điểm ông Obama tới Việt
Nam, cũng không hiếm những bình luận cho thấy việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí của Hoa
Kỳ không có ý nghĩa quyết định đến phương hướng mua sắm vũ khí của Việt Nam
trong giai đoạn sắp tới. Điều này là có lý, vì Việt Nam cho đến nay quá quen
thuộc với hệ vũ khí Nga, đặc biệt là về đào tạo và bảo dưỡng kỹ thuật. Việc
chuyển đổi ngay lập tức sang một hệ vũ khí hoàn toàn mới là khó thực hiện, và
không thực tế.
Vậy tại sao việc dỡ bỏ lệnh cấm
vận vũ khí lại thực sự có ý nghĩa vào thời điểm này?
Chúng ta đang ở năm 2016, 2
năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương Thạch Du 981
trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ đó đến nay Trung Quốc liên tục có
những hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông và đáng lo ngại
hơn là việc nước này quân sự hóa quần đảo Trường Sa bằng cách tôn tạo các “đá”
lúc nổi lúc chìm thành những đảo nhân tạo và xây dựng đường băng cho máy bay.
Những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông làm dấy nên làn sóng lo ngại cho
an ninh khu vực, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không bị đe dọa
nghiêm trọng. Chính vì vậy Hoa Kỳ đã cho máy bay và tàu chiến tuần tra ở khu vực
Biển Đông, nhưng điều đó chưa đủ để ngăn Trung Quốc dừng lại những hành động hiếu
chiến gây bất ổn khu vực.
Việt Nam với tư cách là nước
có quyền lợi liên quan trực tiếp trong khu vực, buộc phải tăng cường khả năng
phòng thủ và bảo vệ biển đảo của mình, điều này cũng phù hợp với phương châm
“không liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ ba” và cũng có
nghĩa, Việt Nam phải tự bảo vệ được mình mà không dựa được vào ai cả.
Đầu năm 2014, Nga sáp nhập bán
đảo Crimea của Ukraine, rồi bị cáo buộc can dự vào tình hình chiến sự ở Đông
Ukraine cũng như vụ chiếc MH.17 của hàng không Malaysia bị bắn rơi. Nước này bị
Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt cùng với giá dầu mỏ thế giới giảm thấp, buộc
Nga phải lục lọi lại chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của
mình và một trong những “quan hệ hữu hảo” gây tranh cãi nhiều nhất là quan hệ
Putin – Tập Cận Bình. Nga tìm thấy ở Trung Quốc một bạn hàng vẫn sẵn sàng mua
khí đốt, đặc biệt quan tâm đến công nghệ vũ khí Nga, ngoài ra Trung Quốc còn là
một nguồn vốn lớn sẵn tiền mặt, thứ mà Nga đang rất thiếu. Chính vì vậy, Nga
không thể làm mất lòng Trung Quốc. Giữa tháng 4/2016, ngoại trưởng Nga S.Lavrov
đã có những tuyên bố rất bất lợi cho các nước nhỏ đang có tranh chấp với Trung
Quốc ở Biển Đông: “không được quốc tế hóa những vấn đề liên quan đến tranh chấp
ở khu vực Biển Đông.”
Trên thực tế, quan hệ của Việt
Nam với trục Nga – Trung Quốc, Nga – Mỹ, Mỹ – Trung Quốc đều hết sức tế nhị. Ba
trục này gần như thể hiện đủ tình thế thế giới trong giai đoạn hiện nay, và nếu
như chủ nghĩa khủng bố chuyển một “tâm hoạt động” về Đông Nam Á thì sẽ có thêm
trục các siêu cường – khủng bố, thế là đầy đủ. Nếu như Việt Nam chỉ có thể mua
được vũ khí của Nga hoặc một vài nước khác, thì Việt Nam sẽ bị đẩy vào thế kẹt
trước tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp. Nga vẫn bán vũ khí cho cả hai,
Trung Quốc và Việt Nam; đồng thời nước này lại đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở
rất nhiều các vấn đề lớn.
Các lệnh trừng phạt của Phương
Tây áp đặt lên Nga có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khía cạnh, trong đó có khả
năng của các doanh nghiệp nghiệp Nga tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hiện đại.
Chính vì thế các doanh nghiệp tổ hợp vũ khí Nga đang lâm vào tình thế rất khó
khăn về nguồn tài chính cũng như việc mua các thiết bị công nghệ từ các hãng
Phương Tây. Công nghệ vũ khí Nga vẫn là có hạng trên thế giới, tuy nhiên nó
đang phải đối mặt với thực tế là nó đang bị lỗi thời và tụt hậu so với các nước
tiên tiến, đồng thời cũng có nhiều khía cạnh không còn phù hợp với nhãn quan
quân sự hiện đại.
Vụ tập kích tiêu diệt trùm khủng
bố Bin Laden của đặc nhiệm hải quân Hoa Kỳ cho thấy cách thức tiến hành chiến
tranh của các siêu cường đã có nhiều thay đổi, đó là sử dụng công nghệ cao,
tiêu diệt các mục tiêu có chọn lọc bằng các vũ khí thông minh có độ chính xác cực
cao như bom thông minh, tên lửa hành trình từ đó các nhóm quân đặc biệt tinh
nhuệ, bí mật tập kích chớp nhoáng rồi rút rất nhanh; kết hợp với việc thường
xuyên kiểm soát chiến trường bằng vệ tinh, máy bay không người lái… Người lính
trong giai đoạn mới phải có trình độ đại học, được đào tạo kiến thức đầy đủ về
ngoại ngữ và điều khiển học.
Việt Nam hiện không chỉ có vũ
khí Nga hiện đại trong biên chế, mà còn sử dụng một phần rất lớn vũ khí đã cũ,
lạc hậu từ thời Liên Xô cũ, chắc chắn số vũ khí này trong tương lai sẽ phải
thay. Với hai yếu tố trên đây, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí từ Hoa Kỳ sẽ giúp
Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung hơn – chứ không có nghĩa là ngay lập tức Việt
Nam sẽ bỏ không dùng vũ khí Nga nữa mà chuyển sang dùng vũ khí Mỹ.
Tôi không phải là chuyên gia về
vũ khí, nhưng sau một số nghiên cứu sơ bộ thì cũng nhận thấy từ lâu các tổ hợp
vũ khí Nga cũng đều có các phiên bản khác nhau cho sử dụng trong nước và xuất
khẩu, mà bản xuất khẩu thường theo chuẩn NATO chẳng hạn về cỡ đạn. Điều đó cũng
cho thấy, việc “dùng chung lắp lẫn” không phải là không thực hiện được.
Cũng do các doanh nghiệp, tổ hợp
sản xuất vũ khí Nga khó khăn trong tài chính, điều đó cũng có nghĩa mua vũ khí
của họ phải bằng “tiền tươi thóc thật,” khó có thể tìm được một điều kiện hưởng
tín dụng. Nếu mua của Hoa Kỳ, thì lời giải bài toán này có thể dễ dàng hơn nhiều.
Một số nguồn tin cho biết, việc
dỡ bỏ cấm vận vũ khí còn giúp Việt Nam tái sử dụng được rất nhiều khí tài có từ
thời Chiến tranh Việt Nam. Quân đội Việt Nam sẽ có khả năng mở rộng hợp tác quốc
tế, tham gia các cuộc tập trận chung và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên
hiệp quốc. Mua được vũ khí Mỹ đem lại cơ hội, khả năng về vấn đề đào tạo ra những
chiến binh của thời hiện đại.
Cuối cùng, điều quan trọng hơn
cả là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho thấy hai nước thực sự đã bỏ lại cuộc
chiến tranh và những hậu quả của nó lại phía sau, cùng hướng về phía trước. Với
Việt Nam, tiếp cận nguồn vũ khí của Hoa Kỳ không phải là chuyển từ một sự phụ
thuộc này sang một sự phụ thuộc khác, mà mở ra một thời kỳ tự chủ mới về chính
sách quốc phòng.
Bài trên Soha tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment