Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, May 27, 2016

Về một vụ án bị xử lý oan sai của Công an Hà Nội

Năm 1982. Trên cầu Long Biên theo hướng từ nội thành Hà Nội sang Gia Lâm xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chiếc máy kéo (tractor) kéo theo rơ-moóc phía sau, đã gạt ngã một người phụ nữ đi trên cầu, bà ta ngã vào bánh xe sau của rơ-moóc, bị nó đè chết. Người lái máy kéo bỏ chạy khỏi hiện trường, người bị nạn sau khi được người đi đường đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Huyện Gia Lâm thì đã quá muộn.

Thụ lý vụ án này là thiếu úy Nguyễn Văn Quang, cán bộ phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội. Trong quá trình điều tra, thiếu úy Quang phát hiện một chi tiết quan trọng là vào giờ đó, ngày đó… có chiếc máy kéo màu đỏ, kéo theo rơ-moóc phía sau lao xuống dốc cầu ở Ngọc Lâm, và đánh rơi một chiếc chõng tre còn mới tinh. Lũ trẻ đang chơi ở bãi đất dưới dốc cầu, nhặt được chiếc chõng và dùng để ngồi lên đùa nghịch. Khi thiếu úy Quang thu giữ, anh phát hiện ra chân chõng có dính một chút sơn đỏ.

Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Bút, nhà ở Mai Lâm, Gia Lâm, Hà Nội. Bà thường gánh chõng tre do chồng bà là ông Phát đóng sang Hà Nội bán ở các chợ gần đầu cầu Long Biên, rồi tiện mua hàng hóa thực phẩm ở chợ rồi gánh về. Hôm đó bà chưa bán hết được số chõng mang sang (hai nhỏ, một to) nên còn một chiếc, bà để vào quang gánh phía sau, phía trước là hàng hóa mua được ở chợ, gánh về. Bà đi về vào buổi chiều, trời nắng, cầu vắng vẻ không có xe nào. Duy nhất chỉ có chiếc máy kéo kéo rơ-moóc là chạy qua. Do người lái xe không kiểm soát được rơ-moóc phía sau, đúng tầm chiếc chõng móc vào thành rơ-moóc, giật bà Bút ngã xuống đường, bị đè chết.

Qua công tác rà soát các đơn vị có máy kéo xung quanh thành phố bán kính… km, thiếu úy Quang khoanh vùng được một nông trường, nông trường Phù Đổng. Hôm đó nông trường có một chiếc máy kéo kéo theo rơ-moóc sang Hà Nội lấy hàng bã bia (thường dùng để nuôi lợn). Tìm ra ngoài bãi thì Quang phát hiện chiếc rơ-moóc biển số 29R-2201 sơn đỏ bị xước thành xe. Hôm xảy ra tai nạn, lái máy kéo biển số 29C-1603 là Nguyễn Đình Tuy móc nó vào, kéo sang Hà Nội lấy hàng.

Nhanh chóng, chỉ sau vài buổi triệu tập làm việc, lái xe Tuy bị tạm giữ phục vụ công tác điều tra. Những buổi lấy cung đầu, anh ta kiên quyết không nhận và chỉ sau 13 buổi đấu tranh, thiếu úy Quang mới làm cho anh ta nhận tội được.

Hôm đó lái xe về, từ xa lái xe Tuy đã thấy người đàn bà gánh chõng đi trên cầu, và thấy bà ta đổi vai. Anh ta lái xe vượt qua, và phát hiện ra người đàn bà ngã vào bánh xe sau. Sau đó, Tuy dừng xe, chạy lại gần thì phát hiện người đàn bà đã chết, bèn bế bà ta nằm lên đường gỗ cho người đi bộ, rồi lái xe bỏ chạy. Vì quá vội, nên anh ta không để ý chiếc chõng còn mắc trên thành xe, chính cái chõng đã dẫn cán bộ điều tra tìm đến anh ta một cách nhanh chóng.

Anh ta bị xử lý hình sự về tội lái xe gây chết người rồi bỏ chạy…

Đó là nội dung chính của truyện ngắn “Cuộc hỏi cung lần thứ 13” của tác giả Nguyễn Thế Hội, được in trong tập truyện ngắn về các vụ án “Dấu vết từ chữ M,” nhà xuất bản Hà Nội, 1983. Có thể đây là một câu chuyện hư cấu, không có thật, nhưng nó cho thấy một cách hiểu sai pháp luật, tất nhiên có thể thông cảm được vì thời điểm đó Việt Nam chưa có luật. Phải 3 năm sau, “Bộ luật hình sự 1985” mới ra đời. Về trường hợp tương tự, tội danh là “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (ví dụ Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 điều 202.)

Trong trường hợp này lái xe Tuy đã có lỗi, đầu tiên là dù đã quan sát thấy bà Bút đi bộ trên cầu và đổi vai gánh, chiếc chõng từ bên vai trái sang vai phải, về phía lòng đường dành cho các phương tiện. Nghĩa vụ của người điều khiển phương tiện giao thông loại yêu cầu phải có bằng lái, là phải lường hết mọi khả năng có thể gây tai nạn, nhưng lần này do chủ quan, lái xe Tuy không báo hiệu, không giảm tốc độ, thậm chí tăng tốc độ, vượt qua, và tai nạn đã xảy ra.

Lỗi thứ hai là “cố ý không cứu giúp người bị nạn;” (như quy định tại điểm C, khoản 2 điều 202 đã ví dụ.) Lái xe Tuy thấy bà Bút đã chết nên bỏ chạy, trên thực tế có một số trường hợp dù tắt thở, nhưng nếu được cấp cứu, thì vẫn có thể kéo cuộc sống trở lại.

Một khía cạnh nữa, việc bỏ chạy và che giấu tội phạm của lái xe Tuy, đã làm khó khăn cho công tác điều tra.

Vậy giả định câu chuyện này là có thật, thì Công an Hà Nội đã xử lý sai ở điểm gì?

Nếu ai đã quen thuộc với cây cầu Long Biên, thì hẳn sẽ để ý ở hai đầu cầu, phía Hà Nội là chiều phương tiện đi sang, phía Gia Lâm chỗ có trụ sở của một đơn vị cảnh sát giao thông ấy, có hai cái biển “Cấm người đi bộ” (Ảnh minh họa.) Biển này có từ thời Pháp – do bố mình kể thế. Hồi mình nhỏ, những năm 1970 đi qua cầu thì thấy hai cái biển này làm bằng bê tông mờ mờ hình người có cái gạch chéo. Mãi về sau này mới có biển bằng tôn, rồi bây giờ là biển phản quang.

Như thế là đã từ lâu, người Pháp đã định liệu cho người đi bộ đi trên cầu theo chiều bên phải, còn xe cộ, bên trái (cây cầu cũng lạ, xe cộ đi bên trái của cầu chứ không theo luật.) Đi như vậy thì cả hai đều quan sát được nhau, còn nếu đi cùng chiều nhất là với cây cầu hẹp như vậy, thì rất nguy hiểm cho người đi bộ.

Mãi sau này sang nước ngoài, một bạn người Âu nhắc “đi bộ thì nên theo lề bên trái” để tránh được xe ngược chiều, lại giảm thiểu nguy cơ bị giật dọc, bắt cóc… mới nhớ ra chuyện này.

Vậy thì vụ tai nạn có yếu tố lỗi đầu tiên, thuộc về bà Bút, vì bà vi phạm luật giao thông đường bộ (đi vào đường cấm.) Nếu chiểu theo tư duy mới hiện nay, thì người lái xe không có trách nhiệm gì cả. Tuy nhiên nếu trong quá trình điều khiển phương tiện, phát hiện người khác dù phạm luật thì vẫn còn lương tâm của con người, vẫn phải có nghĩa vụ tránh tai nạn, cứu mạng người ta.

Đây là chuyện nói về tư duy pháp luật mà thôi.

Ảnh: bìa cuốn “Dấu vết từ chữ M”; Một người đàn bà gánh quang gánh đi lên cầu đúng theo chiều cấm (sưu tầm trên internet); Biển cấm người đi bộ đầu Hàng Đậu - Yên Phụ, ảnh của Mr Văn Thành Nhân.

Đọc bài “Cây cầu của tôi” tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment