Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều
Tiên hay gọi tắt là Triều Tiên, xứ sở bí ẩn vì sự bưng kín thông tin “nội bất
xuất, ngoại bất nhập” của nó, nhưng cứ thỉnh thoảng lại làm hoảng hồn thế giới
về những vụ thử tên lửa, những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân của mình. Quá
thiếu thông tin để đưa ra những nhận định và dự đoán, nhưng những lời đồn thì
luôn kích thích trí tưởng tượng của người thờ ơ nhất.
Tôi nhớ cách đây mười mấy năm,
lần đi công tác vùng Đông Bắc Trung Quốc thì được biết nơi tôi đến, chỉ cách
quê của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ vài chục cây số, hồi đầu thế kỷ họ đã di
cư lên đó (vùng Mãn Châu của Trung Quốc.) Các bạn người Trung Quốc nói câu chuyện
hư hư thực thực, rằng bây giờ vùng biên giới hai nước vẫn còn một khu vực bí mật
quân sự, như một căn cứ để phòng “có biến” cho gia tộc Chủ tịch Kim…
Điều được công nhận thực tế và
chẳng được ghi nhận vào văn bản nào cả, là người dân Trung Quốc ở vùng Đông Bắc
Trung Quốc đều chẳng nghi ngờ về việc đất nước của họ vẫn đang phải “nuôi” hay
cáng đáng khá nhiều nhu cầu lương thực cho Triều Tiên. Ở địa vị người dân, họ
chẳng thể biết được gì ngoài những chuyến tàu hỏa liên vận chở hàng chạy qua lại
giữa hai nước.
Quan hệ giữa hai nước thật đặc
biệt vì những gì đã có từ quá khứ, không có vai trò của Trung Quốc trong cuộc
Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) thì cũng chưa chắc đã thành lập được nước
CHDCND Triều Tiên như ngày hôm nay.
Trước một kế hoạch “Marshall
Châu Á” của Hoa Kỳ phục hồi và phát triển các nền kinh tế bị tàn phá sau chiến
tranh: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan… Trung Quốc cảm thấy mình bị bao vây. Tất
cả những nước này đều trở thành đồng minh đang tin cậy của Hoa Kỳ về quân sự và
đều có những bước phát triển như vũ bão về kinh tế.
Duy trì một nước Triều Tiên đủ
nghèo để dễ bảo, đủ mạnh về quân sự để có thể đe dọa được láng giềng, có vị trí
và đóng vai trò như một tiền đồn của Trung Quốc về hướng Đông Bắc Á, thật là tiện
lợi đủ đường về mặt chiến lược. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra và cũng kết
thúc trong hoàn cảnh thế trận chiến lược phải như vậy, nó mang đặc thù của thời
kỳ Chiến tranh Lạnh mà các bên muốn kiềm chế lẫn nhau trong thế đối đầu, chạy
đua vũ trang hiện đại hóa quân đội để răn đe nhau.
Một vùng Đông Bắc Á bất ổn, kiềm
chế được những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc thì chỉ có Trung Quốc là có lợi.
Sau năm 1991 với sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, nước Nga của Yeltsin trở nên
yếu ớt và chẳng còn hơi sức đâu quan tâm nhiều đến vùng Viễn Đông xa xôi, Trung
Quốc một mình một chiếu đối đầu với các tay chơi Nhật Bản, Hàn Quốc với Hoa Kỳ
lấp ló đứng đằng sau.
Trong ván bài này, Trung Quốc
luôn luôn muốn đóng vai trò của nhà cái, ấn định luật chơi chứ không bao giờ chỉ
là một tay chơi thụ động. Tuy nhiên cả mấy nước Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí cả
Đài Loan, không những không rơi vào trì trệ sau chiến tranh, mà “đòn bẩy tài
chính” của Hoa Kỳ đã biến chúng thành những con rồng, con hổ của Châu Á. Cuộc
chiến tranh Lạnh qua đi, vị thế của “con bài Triều Tiên” không còn được như trước
nữa. Trung Quốc bước vào cuộc đua về kinh tế và mau chóng họ cũng có được những
thành tựu thật tầm cỡ.
Với mức độ thân mật trong quan
hệ Triều Tiên – Trung Quốc từ thời các cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Chính
Nhật, có thể dự đoán được rằng luôn luôn có sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc, đồng
thời với chiến lược phát triển của mình dành phần lớn thu nhập quốc nội cho quốc
phòng, Triều Tiên cũng tự có được những bước tiến đáng gờm.
Ngày nay, nhìn vào những vụ bắn
thử tên lửa được tiến hành của Triều Tiên được tiến hành thường xuyên, thế giới
đều hiểu họ không phải là một con hổ giấy, mà họ có thực lực và hoàn toàn có thể
đe dọa được những nước láng giềng. Tại sao Triều Tiên lại thường xuyên đe dọa
khu vực và cả thế giới bằng năng lực hạt nhân của mình?
Vì Triều Tiên là một nước nhỏ,
yếu về kinh tế với một nền sản xuất không thể đủ để duy trì một cuộc chiến
tranh quy ước hao người tốn của, đặc biệt nếu kéo dài thì lại càng không thể
“theo” được. Hơn thế nữa, tính chất của các cuộc xung đột vũ trang hiện đại đã
khác khi thu hẹp ở mức độ những xung đột hạn chế ở bình diện một khu vực nhỏ;
xung đột gần như chắc chắn bị đẩy ra khỏi lãnh thổ các cường quốc và các mâu
thuẫn giữa các thế lực chỉ thể hiện thông qua các điểm nóng ở một vài khu vực.
Các điểm nóng này hiện nay đang tập trung ở Trung Đông và Châu Phi, vốn là vùng
bất ổn sẵn có và lợi ích qua lại chồng chéo, mâu thuẫn không thể dung hòa được.
Với Triều Tiên, đe dọa dùng vũ khí hạt nhân là “hợp lý” hơn so với một cuộc chiến
tranh quy ước.
Một cuộc xung đột vũ trang nếu
có xảy ra ở vùng Đông Bắc Á, thì trước mắt sẽ được thể hiện qua xung đột hai miền
Triều Tiên, khi mà người ta sẽ cố gắng hạn chế nó, thu hẹp nó, như chỉ để nó xảy
ra ở miền Bắc bán đảo là tốt nhất. Về phần mình, Triều Tiên sẽ không chịu ngồi
yên mà tìm cách tấn công các mục tiêu xa hơn ở phía Nam bán đảo và có thể đe dọa
cả Nhật Bản.
Đó là lời giải thích cho việc
thỉnh thoảng nước này bắn thử tên lửa về phía Nhật Bản chứ không chỉ có hướng tới
Hàn Quốc, là nước mà hiện Triều Tiên vẫn đang tuyên bố ở trong tình trạng chiến
tranh. Đe dọa Nhật Bản, Triều Tiên muốn hướng tới Hoa Kỳ, chứ không chỉ là câu
chuyện “ôm hận” những gì Nhật Bản đã làm cho nhân dân Triều Tiên thời thế chiến.
Trong tình trạng bị đe dọa đó,
Hoa Kỳ vừa cố gắng triển khai hệ thống THAAD nhằm bảo vệ người đồng minh Hàn Quốc
trước nguy cơ bị tấn công từ phía Triều Tiên. Tương tự như vậy, Nhật Bản cũng
tìm cách dỡ bỏ hạn chế cấm nước này tái vũ trang sau Chiến tranh thế giới lần
thứ hai, đưa Cục phòng vệ trở thành một Bộ quốc phòng hoặc Bộ chiến tranh đúng
nghĩa. Việc này không chỉ để đề phòng một Triều Tiên gần như “không có gì để mất”
mà còn là những xung đột ở vùng biển chung với Trung Quốc, một nước chưa bao giờ
từ bỏ tham vọng về những vùng lãnh thổ và lãnh hải xung quanh mình.
Thế giới bước sang thập kỷ thứ
hai của thế kỷ 21, tình hình đã có nhiều thay đổi khi mà chính những cường quốc
lại tiếp tục bị tấn công bởi chủ nghĩa khủng bố, dù đã cố gắng đẩy chiến tranh
ra thật xa lãnh thổ nước mình. Đồng thời những vũ khí hữu hiệu trước đây để gây
khó đối phương, không còn giá trị nhiều như trước nữa. Hai năm qua, giá dầu mỏ
thế giới giảm sâu kéo theo giá khí đốt cũng giảm cả hai song hành duy trì ở mức
thấp, làm cho nước Nga của V.Putin gặp khó khăn. Không chỉ thế, nước này còn bị
mất thị phần do sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ dầu khí, làm xuất hiện quá
nhiều lựa chọn trên thị trường.
Một nước Trung Quốc đang là
“công xưởng của thế giới” nay phát triển chậm lại, và đối mặt với những bất ổn
bên trong như môi trường ô nhiễm trầm trọng, hố sâu ngăn cách giàu nghèo và
nguy cơ của chủ nghĩa ly khai… Với Trung Quốc, diễn trò theo kiểu gây xung đột
hạn chế ở các vùng biển xung quanh như Biển Đông, Biển Nhật Bản… vừa kiếm thêm
được đôi hòn đảo, vừa kích động được sự ủng hộ trong nước là phù hợp.
Nhưng nếu có một cuộc chiến
tranh ở ngay sát nách, chỉ cần giữa hai miền Triều Tiên như trước đây thôi, thì
chưa ai có thể đoán định được điều gì. Có thể đoán được quan hệ kinh tế giữa
Trung Quốc và Hàn Quốc, phải lớn hơn nhiều so với Trung Quốc với Triều Tiên;
trong đó mối quan hệ thứ hai sẽ giống thiên triều với chư hầu, một chư hầu đói
ăn và phải trợ cấp, nhiều hơn.
Trung Quốc sẽ không muốn một
cuộc chiến tranh như vậy xảy ra. Thử tên lửa thì được, đe dọa hạt nhân thì được,
nhưng nếu Triều Tiên mà định tiến hành chiến tranh thật, thì tôi tin Trung Quốc
sẽ là nước đầu tiên ra tay ngăn chặn. Sẽ chẳng bao giờ lại có “Chí nguyện quân
Trung Quốc” tràn sang sông Áp Lục, chiếm cả thành phố Hán Thành như cách đây
sáu mấy năm.
Trung Quốc hiện nay cũng khác
thời kỳ ông Kim Chính Nhật cầm quyền, càng khác thời Cố chủ tịch Kim Nhật Thành
– khi mà người ta ai cũng cần ai và không ai dám và đủ khả năng chiếm địa vị độc
tôn. Tháng 9/2016, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc đã
cố gắng phô diễn một hình ảnh tốt nhất của mình song song với việc tạm giảm đi
những hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Thế mà, Triều Tiên lại bắn thử
tên lửa chỉ vài giờ trước cuộc họp của tổng thống Hàn Quốc với chủ tịch Trung
Quốc và thủ tướng Nhật Bản bàn về an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Hành động này
rõ ràng đã làm cho Trung Quốc khó xử, vì nó sẽ kéo tất cả các thành viên của Hội
nghị gây sức ép lên Trung Quốc có động thái thích hợp với Triều Tiên, vì an
ninh của khu vực.
Triều Tiên thời của Kim
Jong-un là con bài không hề dễ chơi đối với Trung Quốc. Cần có thêm thời gian để
đánh giá xem đây có phải vấn đề “bỏ thì thương, vương thì tội” đối với Trung Quốc
hay không.
Vậy còn “tay chơi” Nga thì
sao? Quan hệ Xô – Triều vốn xấu đi nhiều trong thời M.Gorbachev, không được cải
thiện bao nhiêu trong thời kỳ hậu Xô-viết và mới chỉ có đôi chút “nhúc nhích”
trong vài năm gần đây bằng công trình đường tàu hỏa Nga – Triều. Đến nay chưa
có bằng chứng cho thấy Nga sẽ muốn qua mặt Trung Quốc để giành lấy con bài này.
Bản thân với Nga, nếu khách hàng không chứng minh được rằng mình có cái hầu bao
rủng rỉnh, thì mọi việc cũng sẽ còn đủng đỉnh.
Trong hoàn cảnh đó, Triều Tiên
đóng vai trò đúng như Nhà nước Hồi giáo IS – đóng cửa bế quan tỏa cảng, chẳng
quan hệ với ai. IS thì đi tấn công thật bằng khủng bố, còn Triều Tiên thì đe dọa
bằng bắn tên lửa vu vơ ra biển, theo kiểu… tống tiền. Có điều, có được tiền thật
hay không thì chúng ta không rõ.
Triển vọng xung đột trong con
mắt các bạn Hàn Quốc
Cố gắng hình dung ra về một quốc
gia bí hiểm, tôi gặng hỏi từ những người bạn Hàn Quốc của mình. Có người, đã từng
làm việc với người Triều Tiên ở khu công nghiệp Kaesong, thì nói rằng hầu như
giữa họ, không có điểm chung vì mấy chục năm khác nhau về chế độ chính trị, nhận
thức của con người trở nên quá khác biệt. Người Hàn Quốc không còn quá căm thù
người Nhật như trước, nhưng người Triều Tiên (chắc do ảnh hưởng từ Trung Quốc)
thì căm thù ghê gớm, đến mức đáng sợ…
Với các bạn Hàn Quốc trẻ, những
người không có quan hệ họ hàng ở phía bắc giới tuyến, Triều Tiên như một quốc
gia khác. Họ hoàn toàn không mong muốn thống nhất hai miền Bắc Nam, vì ngoài lý
do kinh tế, còn lý do trên đây tôi đã viết: sự khác biệt quá lớn.
Chỉ có những người thuộc thế hệ
đã có tuổi, còn quan hệ họ hàng ở “bên kia” mới đau đáu nghĩ đến ngày sum họp. Chính
thế hệ này có nhiều người phản đối hệ thống THAAD, cho rằng đây là nguyên nhân
gây căng thẳng hai miền, làm khó khăn cho quá trình thống nhất.
Những người trẻ hơn còn phản đối
Chính phủ trong những nỗ lực thống nhất hai miền, đã có những cuộc biểu tình chống
thống nhất, song song với những cuộc biểu tình ủng hộ. Một người chống thống nhất
nói: “Chúng tôi có thể ủng hộ các chương trình cứu trợ của Chính phủ, nhưng thống
nhất thì không.”
Về nguy cơ chiến tranh, tất cả
đều không lo ngại và tin tưởng vào khả năng của Chính phủ có thể làm tất cả để
ngăn chặn chiến tranh. Họ cho rằng bây giờ đã là thời không ai dám liều mà manh
động gây chiến, đánh nhau là tan nát hết cả. Mỗi lần dọa dẫm của miền Bắc, chỉ
là một lần gây cho họ những suy nghĩ chán ngán mà thôi.
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment