Vụ hai cán bộ công an thành phố
Hạ Long bị cho là hành hung một cán bộ công an khác công tác tại Công an Tỉnh
Quảng Ninh đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Tôi không dám đưa ra nhận
xét gì về vụ việc, vì tất cả còn đang trong giai đoạn điều tra và chưa có kết
luận của cơ quan có thẩm quyền, nhưng một vụ như thế này cũng gây ra nhiều suy
nghĩ.
Đó là những suy nghĩ về nhận
thức pháp luật của cán bộ chiến sỹ công an, yếu tố chủ yếu hình thành những hành
động cử chỉ của họ và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của người chiến sỹ công
an nói riêng và ngành công an nói chung. Đây là một điều rất quan trọng trong
thực trạng hình ảnh của người chiến sỹ công an trong mắt nhân dân bị xấu đi nhiều,
cũng như thái độ không thân thiện, có thể nói là thù địch của nhân dân đối với
công an lại tăng lên.
Tôi xin kể một vài ví dụ mà
chính mình là người trong cuộc. Lần thứ nhất khi đi công tác từ tỉnh B., một tỉnh
miền núi phía Bắc về, chuẩn bị ra khỏi địa giới của tỉnh thì xe nhận được tín
hiệu dừng của cảnh sát giao thông. Có một vụ tai nạn giao thông cách đó hơn
30km, và những người cấp cứu cho người bị nạn báo cho cơ quan công an là “thấy
một xe màu trắng đi ngược chiều, trước khi xe của họ (những người phát hiện tai
nạn) đi đến hiện trường.” Xe của chúng tôi là xe màu trắng duy nhất đến thời điểm
đó lưu thông trên đường và được giữ lại để làm việc.
Bắt kịp chúng tôi là tổ cảnh
sát điều tra của công an thị xã B. Có một lúc nào đó, khi nói chuyện riêng với
nhau chúng tôi vẫn đùa, cười thì bị người tổ trưởng nạt nộ: “Người ta bị đâm sắp
chết, các anh còn cười đùa được à?” Tôi đành nghiêm giọng: “Chúng tôi đang hợp
tác với các đồng chí để làm rõ, không có nghĩa là chúng tôi bắt buộc phải là
người vi phạm. Đề nghị đồng chí có thái độ đúng mực, khi nào làm rõ được chúng
tôi là những người ngồi trên xe gây tai nạn thì hẵng có thái độ như vậy.” Tất
nhiên là người cán bộ trẻ rất lấy làm ngượng ngùng.
Lần đó, chúng tôi làm việc từ
3 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau, cả lấy mẫu phục vụ công tác giám định khoa
học hình sự lẫn lấy lời khai của tất cả thành viên trong đoàn. 8 giờ sáng hôm
sau, chúng tôi lại có mặt cở Công an thị xã yêu cầu trả xe, trả giấy tờ thì một
cán bộ cảnh sát giao thông, băn khoăn do chưa có kết quả giám định mà các
“đương sự” chuẩn bị đi mất, muốn giữ hoặc phương tiện, hoặc giấy tờ… Tôi cũng
đang định góp ý, phân tích thì may có đồng chí Phó công an thị xã lên tiếng:
“Người ta không vi phạm gì cả, đã cộng tác để các anh làm việc từ hôm qua đến
giờ, nay phải để người ta đi. Anh có giỏi thì đề xuất tạm giữ đi xem có trả lời
được đơn kiện của người ta về mặt dân sự không, và ai dám ký duyệt đề xuất của
anh.”
Không phải ai cũng như đồng
chí phó Công an thị xã – tôi đã phân tích cho cán bộ điều tra rõ, chúng tôi rất
cộng tác để các đồng chí làm rõ càng nhanh, càng thuận lợi càng tốt; đó là
trách nhiệm công dân của chúng tôi. Xin nhắc lại, đó là sự cộng tác, không phải
các đồng chí đang làm việc với đối tượng tội phạm hình sự. Với cán bộ cảnh sát
giao thông muốn giữ xe, cũng tương tự vậy, anh ta không phân biệt được thế nào
là hành vi vi phạm pháp luật giao thông có thể bị giữ phương tiện, với vấn đề
có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân về mặt dân sự. Giữ phương tiện
khi không chứng minh được vi phạm, cơ quan công an có thể bị khởi kiện cho những
thiệt hại gây ra cho công dân về tiền bạc và thời gian.[1]
Một lần khác, trên đoạn đường
đèo cũng thuộc tỉnh này, tôi chứng kiến một đồng chí cảnh sát giao thông sau
khi giữ được một chiếc xe máy, người điều khiển dân tộc Dao, không mũ bảo hiểm.
Người cán bộ công an không rõ lý do gì, dùng gậy chỉ đường quật mạnh làm vỡ đèn
pha của chiếc xe máy, còn thanh niên dân tộc Dao thì sợ quá, cứ van lạy. Anh ta
sợ sẽ bị bắt vào đồn công an, vì “tội” không có mũ bảo hiểm. Thấy cảnh đó tôi kéo
người cán bộ ra chỗ khác rồi ôn tồn nói: “Em làm như thế không được rồi. Như gặp
người hiểu biết người ta kiện em thì phiền lắm.” Cậu cán bộ trẻ măng run run:
“Vâng lúc đó em nóng, nhỡ tay, chứ đập xong cái em biết em sai rồi. Bọn em cũng
quen là người dân trên này vi phạm nhiều, lần nào họ cũng sợ sệt thế, đâm ra
nhiều khi cũng ẩu.”[2]
Vụ thứ ba, là có lần tôi bị “dọa”
khép vào tội “chống người thi hành công vụ.” Về lý thuyết thì đang tham gia
giao thông, bị cảnh sát dừng phương tiện và thông báo về vi phạm giao thông,
thì cán bộ chiến sỹ đó phải có trách nhiệm chứng minh lỗi của người vi phạm.
Tôi chỉ cần đề nghị cán bộ, chiến sỹ đó chứng minh giúp tôi lỗi của tôi vi phạm
như thế nào, đâu là chứng cứ để chứng minh điều đó… thì lập tức cán bộ chiến sỹ
đó có thể nổi nóng và xoay ra… dọa đương sự.
“Tôi có thể yêu cầu xử lý anh
về tội chống người thi hành công vụ.” “Đồng chí không nên dọa như thế. Để tôi
phân tích cho đồng chí nghe: Tội chống người thi hành công vụ [3] được quy định
cụ thể là “Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ
lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công
vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.” Như vậy mặt khách
quan của tội phạm phải là hành vi hoặc dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực tức
là dùng lời nói: dọa bắn, đánh, chém… để đè bẹp ý chí phản kháng của nạn nhân,
tức là đồng chí. Tôi chỉ đề nghị đồng chí làm đúng pháp luật, tức là tôn trọng
các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Đồng chí làm đúng pháp luật thì chỉ có
nhận được sự cộng tác của tôi vô điều kiện, chứ không thiệt hại gì cả. Còn việc
đồng chí đe dọa tôi như vậy, trong khi cuộc làm việc đã được ghi âm đã thông
báo trước cho đồng chí rồi, đồng chí hoàn toàn có thể được đối mặt với một đơn
khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.” Người cán bộ công an đành phải xin lỗi “đương
sự” vì hành vi đe dọa đó.
Có thể anh công an vẫn nắm được
luật, nhưng anh ta nghĩ người dân không nắm được và dễ bị dọa. Nếu không phải
là một người hiểu luật, chắc chắn anh ta sẽ dọa được. Tất nhiên, trong điều kiện
kỹ thuật của chúng ta hiện nay còn quá nhiều hạn chế, nên cũng gây khó khăn lớn
đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát giao thông. Nếu có đủ phương tiện
thì họ sẽ không quá khó khăn trong việc chứng minh lỗi vi phạm, vừa đỡ mất thời
gian đôi co, lại thuận lợi trong công việc và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp
luật.[4]
Từ ba ví dụ trên, chúng ta thấy
nổi lên cùng một vấn đề là nhận thức pháp luật của cán bộ chiến sỹ còn nhiều hạn
chế, đặc biệt là “tư duy hình sự” dường như ăn sâu vào não trạng của họ. Cứ gặp
“đương sự,” là họ mang ngay trong đầu suy nghĩ đó là người vi phạm. Từ lĩnh vực
trật tự, giao thông… và cách hành xử của chiến sỹ công an, chúng ta thấy nhiều
người cư xử với người vi phạm giống cư xử với tội phạm hình sự hơn là với công
dân.
Người dân có thể vi phạm luật
giao thông hoặc những vấn đề khác liên quan đến an ninh trật tự, thậm chí hình
sự nhưng họ vẫn có những quyền bất khả xâm phạm, như chừng nào chưa có bản án kết
tội có hiệu lực của tòa án, họ vẫn còn quyền công dân; hoặc quyền sở hữu đối với
tài sản cũng vậy. Họ có thể bị tạm giữ phương tiện sau khi vi phạm luật giao
thông đường bộ, nhưng chính phương tiện ấy là tài sản cần phải được bảo vệ bởi
chính… cơ quan công an.
Cách nhìn đó mới là cách nhìn
đúng đắn, nếu làm được như vậy, công việc của cơ quan công an chỉ có thể tốt
hơn, không thể xấu đi được.
Quay lại với vụ các cán bộ
công an tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng cho rằng một phần là dường như có một tâm lý,
tư duy lâu nay của cán bộ chiến sỹ, quên rằng mình là cán bộ công an Cách mạng
là phải phục vụ nhân dân. Đã mang danh người chiến sỹ công an, là danh dự và tự
hào; khi khoác lên mình bộ quân phục thì ngoài tự hào thì còn có trách nhiệm
cao cả với nó. Danh dự và trách nhiệm đó nằm trong việc phục vụ nhân dân, coi
nhân dân là những người thực sự đáng “kính trọng” để lễ phép; quyền uy của người
cán bộ chiến sỹ công an được đem lại không phải do sự đe nẹt hay sẵn sàng sử dụng
bạo lực, hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhân dân mà được mang lại
bởi tác phong đạo đức và thái độ thượng tôn pháp luật của người chiến sỹ công
an.
Sự việc ở Quảng Ninh còn đang
điều tra, nhưng thiển nghĩ việc còn có chiều may mắn là các bên đương sự toàn
cùng trong ngành với nhau cả; nếu công an mà đánh dân thì mang tiếng và khó xử
lý biết mấy. Việc đã lên đến truyền thông, đòi hỏi cấp có thẩm quyền xử lý phải
nghiêm minh, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó không nương nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo hợp
tình, để con đường cho người vi phạm có cơ hội sửa chữa.
Thêm một vụ việc, thêm một bài
học cho từng chiến sỹ nói riêng và toàn ngành nói chung, trong nhiệm vụ lấy lại
hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sỹ công an Cách mạng.
[1] Khi chúng tôi dừng xe, chú
lái xe rất lo lắng, xuống xe và hỏi thì được giải thích là “Không có chuyện gì
đâu, là có tai nạn giao thông ở gần thị xã thôi” và tạm giữ giây tờ xe của
chúng tôi. Từ sau đó họ tiếp tục dừng một loạt các phương tiện khác, làm công
việc của họ và không quan tâm đến chúng tôi nữa. Đường đồi núi vắng và buồn,
chúng tôi ngồi túm tụm và nói chuyện, cười đùa… thì xe của cảnh sát điều tra
công an thị xã đi đến nơi và xảy ra câu chuyện “nghiêm mặt nạt nộ” trên đây. Thực
tế, lúc đó chúng tôi còn chưa biết có chuyện gì, chỉ biết có một tai nạn nào
đó, còn nó cụ thể ra sao thì không thể biết được. Trong khi đó người cảnh sát
điều tra đã mang sẵn trong đầu là “đây, bọn gây tai nạn” nên anh ta khó chịu
khi thấy chúng tôi đùa cười. Chúng tôi hoàn toàn không có nghĩa vụ phải tỏ ra
buồn rầu, than khóc khi chỉ nghe thấy thông báo có tai nạn ở tận đẩu tận đâu.
Xét về nghiệp vụ mà nói, người
cán bộ điều tra có niềm tin nội tâm: hoặc người này chắc chắn là thủ phạm, hoặc
anh ta không thể là thủ phạm được. Thái độ của chúng tôi nếu gây tai nạn thật,
rồi thản nhiên từ từ đi khỏi hiện trường (nếu tính thời gian từ lúc có tai nạn
đến khi bị giữ phương tiện là cả tiếng đồng hồ) thì đúng là bọn máu lạnh; hoặc
hơ hớ cười đùa như thế thì đúng chúng tôi là vô can thật.
Vụ này xong rồi cũng chìm xuồng
– tuần sau chúng tôi lên công tác, rồi tuần sau lại lên, cứ giễu qua giễu lại
mà chẳng có chú công an nào nói gì. Cuối cùng tôi phải hẹn lịch làm việc với cơ
quan cảnh sát điều tra công an thị xã B. và nhận được trả lời, là Viện khoa học
hình sự Bộ Công an đã có kết quả, chúng tôi không liên quan đến vụ tai nạn. Người
cán bộ điều tra tên Bình, nhỏ con, trắng trẻo thư sinh, nay tôi vẫn còn lưu số
điện thoại của anh ta, không biết đến nay là 7 năm rồi anh ta còn dùng số đó nữa
không.
Ngay tuần sau lên công tác,
chúng tôi đã hỏi địa chỉ và tìm vào nhà người bị nạn – một cháu bé học cấp 2,
đi xe đạp đi học. Khi bước chân vào nhà, cháu bé đã ra viện và đi học được, còn
ông bố nhìn thấy khách lạ, quát ngay: “Sao bây giờ các anh mới đến?” Chúng tôi
ôn tồn giải thích, là tình cờ được biết có vụ tai nạn của con anh như thế, và
đã làm việc với công an như thế, nay đến thăm cháu, chứ chúng tôi không có gây
tai nạn. Anh ta sượng sùng, ngồi thừ ra…
[2] Chỗ xảy ra vụ việc là vừa
hết đèo G., một đèo nổi tiếng. Đi hết đèo về phía thị xã, ngay chân đèo là chỗ
chốt kiểm tra và sau đó sẽ đi vào địa phận thị trấn B.Th. của tỉnh B.
[3] Điều 257 Bộ luật hình sự
năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009.)
[4] Tôi yêu cầu cán bộ cảnh
sát giao thông giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên, sau đó là chứng cứ chứng
minh vi phạm. Anh cán bộ cuống quít tìm trong tập tài liệu văn bản, nhưng tôi
biết tập đó chủ yếu là mấy nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật giao
thông đường bộ và xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông trật tự, chứ quyền
và nghĩa vụ của các bên phải nằm trong những chỗ khác, thậm chí phải tìm trong…
Hiến pháp.
Những điều tôi viết thêm là nhờ
đọc được nhận xét từ một diễn đàn về bài báo sau khi đăng trên Giáo dục Việt Nam, đó là những nhận xét rất quý báu. Những chuyện ngoài lề, bổ sung vào bài
báo cũng là không cần thiết, nhưng viết thêm để hiểu thêm cũng là việc nên làm.
Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm, là việc đào tạo kiến thức pháp luật bài bản
theo đúng tinh thần xã hội dân sự đối với cán bộ chiến sĩ công an Việt Nam hiện
nay là yếu, thậm chí rất yếu; còn những cán bộ nhận thức tốt thì lại rất cá biệt.
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment