Chục năm trở lại đây với sự
bùng nổ của các diễn đàn trực tuyến và sau đó là mạng xã hội, thì nhanh chóng
“tìm đến nhau” là rất nhiều các ông bố bà mẹ quan tâm đến nuôi dạy con cái, đặc
biệt là việc học tập của con. Cuộc sống của người Việt Nam ngày càng đầy đủ
hơn, thì nhu cầu cũng cao hơn, trong đó nhu cầu về giáo dục cho con trẻ lại
càng trở nên bức thiết. Chính vì vậy mà đến thời của “thế giới phẳng” khi mà
giai đoạn khó khăn về tiến cận thông tin dần qua đi, người ta càng du nhập nhiều
những “tư tưởng mới” trong giáo dục.
Khi tham gia các diễn đàn này,
tôi nhận đều có một điểm chung là rất chú trọng con học như thế nào, và không
thiếu những người tìm những phương pháp hiện đại để cho con cái mình tiếp cận
nhanh nhất những kiến thức trong quá trình học tập.
Cách đánh giá dễ thấy nhất của
bố mẹ các học sinh của chúng ta, thường là nhìn vào kết quả học tập và các giải
thưởng. Chính vì thế mà khi Thông tư 30 ra đời nhiều người rất hoang mang vì cô
giáo không chấm điểm nữa – điều đó làm cho họ cảm thấy khó khăn vì không biết
con mình học như thế nào? Bình thường, chỉ cần hỏi con là “hôm nay con được mấy
điểm?” là xong. Nếu cô giáo không chấm điểm nữa, bố mẹ phải ngồi cùng con rà
soát lại xem con làm bài đúng hay sai, sai thì sai ra sao và đúng thì đúng đến
đâu. Làm như vậy trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền” thực là mệt quá.
Hầu hết các bậc phụ huynh chỉ
mong con học giỏi, vậy thôi, rất đơn giản. Người cầu kỳ hơn thì tìm mọi phương
pháp mới, nhiều lý thuyết giáo dục hiện đại, áp dụng nhiều phần mềm, các giáo
trình nước ngoài… cho con học.
Đơn cử, một trong những phương
pháp có thể coi là “thời thượng” trong thời gian gần đây là “giáo dục sớm.” Thật
lòng với những gì mà các chuyên gia đang nói về “giáo dục sớm,” tôi phải thú nhận
là tôi nghe không hiểu mấy, và gần như mù tịt về nó. Những lý thuyết như bán cầu
não phải não trái, kích hoạt chức năng này kia của trẻ… tôi nghe lùng bùng
trong tai hoàn toàn không có hiểu, và cũng không rõ rằng liệu chính những
chuyên gia đang giảng cho tôi kia, có phải là bác sỹ tâm lý hay chuyên gia về…
điện não đồ đâu mà hiểu cặn kẽ về những lý thuyết về não bộ như thế.
Nhưng từ góc độ tiếp cận này,
tôi mới hình thành rõ nét những băn khoăn của mình. Qua quá trình trao đổi, tôi
đã đặt ra một câu hỏi cho các ông bố bà mẹ đang cực kỳ quan tâm đến giáo dục sớm:
“Anh / chị mong ước điều gì (cho con, tất nhiên!) khi áp dụng cho cháu phương
pháp giáo dục sớm?” thì rất nhiều câu trả lời là mong con giỏi, thông minh,
thành đạt… Một câu trả lời là mong con “hạnh phúc” nhưng là một khái niệm trong
một chuỗi “giỏi, thông minh, thành đạt, hạnh phúc.” Một câu trả lời khác là
mong con “vui vẻ.”
Tôi đánh giá rất cao một câu
trả lời (thực tế là kết luận của cả một câu chuyện dài) của cô bạn thân: “Em
không đặt vấn đề là con em đi học phải học giỏi, sau này phải thành đạt, mà em
mong con em được hạnh phúc.”
Đó là câu trả lời gần đến chân
lý nhất.
Xin nhắc lại có lần tôi hỏi một
chuyên gia về “Giáo dục sớm” về mục đích của nó, thì được chuyên gia này trả lời
một câu hỏi làm tôi ngỡ ngàng, đại khái một trong những mục đích chính của giáo
dục sớm là kiến thức. Chính vì vậy tôi không nghi ngờ rằng, phần lớn các ông bố
bà mẹ đang mong muốn con mình học giỏi, cũng mong muốn con mình có kiến thức.
Và chính tôi trước đây cũng nhầm
lẫn như vậy. Chúng ta thường nghe những câu châm ngôn như “Tiền của thì có thể
mất, nhưng kiến thức thì còn mãi” và sẽ không sợ chết đói nếu như có kiến thức.
Do đó chúng ta nhầm lẫn kiến thức là mục đích của học tập. Học tập sẽ theo
chúng ta suốt con đường đời. Trên con đường học tập đó, kiến thức phải là
phương tiện, còn mục đích tối hậu của con đường đời ai cũng phải đi cần phải được
xác định rõ ràng, là có được hạnh phúc.
Tôi còn nhớ câu chuyện của vợ
chồng một vị tiến sỹ học ở Liên Xô cũ, rồi một ngày ông chồng giết bà vợ, phi
tang xác ở sông Matxcơva như thế nào đó. Lại một câu chuyện khác về một vị tiến
sỹ, sau bao năm được mẹ nuôi ăn học vất vả, rồi khi thành đạt lại ngược đãi mẹ…
Xung quanh chúng ta có không biết bao nhiêu “tấm gương” kiểu như thế. Cũng
không thiếu người vừa học hành giỏi giang, lại vừa thành đạt trong làm ăn, trở
thành đại gia – nhưng điều đó cũng song hành với những lùm xùm về mặt cuộc sống.
Khi người ta thành công về tiền
bạc, hoặc bằng cấp… nhưng không được trang bị một cái nhìn đúng đắn về cuộc sống,
ở đây tôi muốn nói sự nhận thức sâu sắc như hòa mình làm một với thế giới, với
vũ trụ ta đang sống, hiểu được lẽ vận động của tự nhiên và xã hội… thì người ta
sẽ dễ mất phương hướng. Nguy hại hơn, người ta sẽ không hiểu được bản chất nhân
sinh của hạnh phúc và đau khổ, làm như thế nào để bớt khổ và có được hạnh phúc.
Lịch sử Việt Nam quá đặc biệt
với 1000 năm Bắc thuộc, do đó chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo thậm chí Đạo
giáo và ngay cả phong tục tập quán, đến nay nhiều thứ chúng ta không biết rõ là
ta học của phương Bắc hay họ học của ta. Chính vì thế mà dân tộc chúng ta cũng
không có được một tư tưởng xuyên suốt, thực sự của dân tộc về triết lý sống.
Chính vì thế, riêng về học tập chúng ta chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo, học để
làm quan, vinh thân phì gia, mở mày mở mặt với họ hàng.
Tôi không có ý muốn thủ tiêu ý
chí tiến thủ, phấn đấu bằng con đường học hành, thậm chí còn rất ủng hộ. Tuy vậy
cái tư tưởng tồn tại nhiều thế kỷ đó, nó ăn sâu đến mức mà cứ nghĩ đến học hành
là chúng ta sẽ hình dung đến một “tương lai tươi sáng” đậm chất “vinh quy bái tổ”
và “nhà lầu xe hơi.” Chính vì sự lệch lạc đó, trong khi chúng ta thiếu đi những
nhận thức đúng đắn về sự thành đạt, về tiền bạc và quan hệ của chúng với đức hạnh,
chắc chắn chúng ta sẽ đối mặt với những khó khăn, cám dỗ không phải ai cũng vượt
qua được.
Những người vừa thành đạt được
tung hô trên báo chí hôm trước, hôm sau sa vòng lao lý chính là như vậy.
Trong những ví dụ trên đây tôi
kể, toàn là những tiến sỹ “Tây học” cả. Rõ ràng họ có kiến thức, và được tiếp cận
với những nền giáo dục tiên tiến hơn ta. Suy rộng hơn nữa, chúng ta đang chứng
kiến những bất ổn của xã hội Phương Tây, như những vụ xả súng ở Hoa Kỳ chẳng hạn.
Đều là những người được sống trong một xã hội phồn vinh, họ có những điều kiện
vật chất tốt hơn chúng ta và được hưởng một nền giáo dục hơn hẳn chúng ta. Ấy
thế mà họ lại vẫn có những vấn đề của họ.
Nên chúng ta đang chứng kiến sự
“hướng Đông” của những người từ xã hội phương Tây, muốn quay lại tìm bản thân
mình, muốn “sống chậm” hơn bằng các con đường như thiền hoặc Yoga.
Bây giờ tôi sẽ trình bày rõ
hơn một chút về mục tiêu hay đối tượng của bài viết: “Cái Tâm” của con người. Học
tập chính là để rèn dũa “cái tâm” và ngược lại, khi “tâm” của con người trở nên
trong sáng và khai mở hơn, thì nó lại giúp cho quá trình học tập trở nên rất dễ
dàng. Điều này được giải thích thông qua những hiện tượng thường được gọi là
siêu nhiên mà con người, bằng các phương tiện nhận thức của mình như các phương
pháp nghiên cứu khoa học, chưa nhận thức được. Chúng ta sẽ không hiểu được những
chuyện thần giao cách cảm, những nhà ngoại cảm có thể biết được những việc từ
trong quá khứ và cách họ khoảng cách cực xa trong không gian… Hay một người sau
biến cố như tai nạn, lại biết nói những ngôn ngữ xa lạ ở tận đâu đâu…
Để trui rèn được “cái tâm” thực
ra chúng ta đã được học nhiều rồi, từ “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào…” đến “khiêm tốn
thật thà dũng cảm,” rồi những bài học đạo đức từ xưa hơn nữa “Công cha như núi
Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” “Thương người như thể thương
thân;” chúng ta đã học những điều về sự bình đẳng giữa con người với con người,
học yêu thương người khác và quan trọng nhất là học giảm cái tôi của mình đi đến
mức thật nhỏ thôi.
Đến khi học được những điều
đó, chúng ta biết mở lòng mình ra để học thêm những điều mình chưa biết, không
còn bị vướng vào những điều mình tưởng là mình biết – suy cho cùng cái mà mình
biết chỉ là hạt cát so với vũ trụ thôi mà. Mở lòng ra, lại thấy mình học tập dễ
dàng hơn, và giỏi hơn nữa…
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức
Thích Ca Mầu Ni đã dạy “Ta không thấy thành công nào quan trọng hơn cho con
người bằng sự hạnh phúc.” Hạnh phúc mà Đức Phật muốn nói đến, là thứ hạnh
phúc trong an lạc, tìm thấy sự bình an trong từng bước chân, từng hơi thở chứ
không phải thứ hạnh phúc kiêm luôn khổ đau theo nghĩa người đời vẫn hay đồng
hóa: nhà lầu, xe hơi, tài lộc, vợ đẹp con khôn…
Vậy thôi, học giỏi để có được
hạnh phúc trong bình an, an lạc… thứ hạnh phúc trọn vẹn hiểu mình, hiểu đời, hiểu
lẽ vận động tự nhiên của vạn vật và bình thản đón nhận mọi trở ngại của cuộc đời…
có được những cái đó thì lại học giỏi hơn và học tập dễ dàng hơn. Khi đó thì sự
thành công, thành đạt của chúng ta mới thực sự trọn vẹn.
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment