Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, September 9, 2016

Từ việc dùng từ ngoại lai nghĩ đến tính cách của người Việt

Tham gia những nhóm mua bán trên Facebook thấy một chuyện rất thú vị, đó là một từ tiếng Anh chỉ sau vài năm, bị dùng sai nghĩa hoàn toàn đến mức trái ngược.

Sau đây là một ví dụ. “Em bán cái ABC, vốn là một hiền thọi, nhầm, huyền thoại bờ la bờ la bờ la… giá bán KHÔNG FIX”. Chữ “phích” viết hẳn hoi là ép phờ i ngắn ích xì, không phải là phích cắm, cũng không phải phích đựng nước mà chắc chắn là động từ “tu phích” nghĩa là “cố định, ấn định, thu xếp…”

Nhớ hồi hay phải viết thư mặc cả với khách hàng nước ngoài, thằng bán hàng nó bẩu cái cốc này, tao chào mày giá 500 đồng. Đắt quá, giá đó mày để lại bán cho sư tử châu Phi nhé. Thế 450 đồng thì sao? Vưỡn đắt ông ạ, số lượng mua những 1000 cái cơ mà? Thôi được rồi, tao “phích” giá nhé, 400 đồng. Nó mà đã nói thế có nghĩa là giá 400 đồng không bớt thêm xu nào nữa. “Phích” ở đây nghĩa là nó “chốt,” cố định giá vào mức 400 đồng không xê dịch thêm 1 ly nào nữa.

Như thế nếu muốn rao bán cái gì, mà không bớt giá tí nào thì tiếng Anh sẽ là “fixed price.” Còn nếu muốn bớt giá thì có nhiều từ khác để biểu thị, như “đao” (down) là đơn giản nhất hoặc “rì-điu” (reduce.) Những nghĩa khác của từ “phích” như hối lộ, đấm mồm (ai) (từ Mỹ,nghĩa Mỹ), (thông tục) trừng phạt; trả thù, trả đũa (ai)… không có ý nghĩa gì trong trường hợp này.

Nếu như không rõ từ đó có nghĩa gì, thì cứ nói béng là “giá không bớt” – tuyệt đối không mệt mỏi gì hơn so với nói là “giá không phích” mà lại… thuần Việt, có giá trị gìn giữ bản sắc dân tộc đảm bảo thuần phong mỹ tục.

Các cụ có câu “dốt thì hay nói chữ.” Ông thày đồ dốt dạy trẻ, nhìn thấy chữ “bất” nghĩa là “không” nó dựng đứng lại có cái tán xòe ra, ông ta đoán là cây, nên giảng: “bất là cây bất mọc ở bể Đông.” Đến ba chữ trong Tam Tự Kinh [1] “Phàm Huấn Mông” thì ông giảng” “Phàm là ông Phàm, Huấn là ông Huấn, Mông là ông Mông…” Bà hàng xóm nghe biết ông giảng láo, nên ngâm nga: “Ai trồng cây bất bể Đông, hay là ông Huấn, ông Mông, ông Phàm?”

Sang chuyện học tiếng Hán. Chẳng nghi ngờ gì nữa, học Hán Việt rất cần thiết, mình ủng hộ. Chính xác, mình ủng hộ việc học thêm vần “từ nguyên” nghĩa là nghĩa gốc của từ, không nhất thiết phải học tiếng Hán, lại càng không nhất thiết phải học tiếng Trung như một ngoại ngữ. Ai thích học gì thì tự quyết định.

Việc dùng sai từ Hán Việt của người Việt như thế nào? Xin trích một đoạn mình đã viết gửi báo, nhưng chẳng thấy họ đăng:

Trường hợp của từ “dung dị” là một trường hợp như vậy – bây giờ người ta dùng tràn lan từ này với nghĩa “giản dị” nhưng gốc chữ Hán “dung dị” là dễ, dễ dãi, dễ dàng… Nếu người biết chữ Hán, thì sẽ không dùng từ “dung dị” với nghĩa “giản dị” mà sẽ dùng luôn từ “giản dị.” Tra từ điển, vào thập niên 1970 chỉ có nghĩa “giản dị,” [2] nhưng đến năm 2013 thì “dung dị” đã có nghĩa là “bình dị.” Nghĩa này đã được bổ sung vào “Từ điển tiếng Việt phổ thông” của Viện Ngôn ngữ học. [3]

Vụ này hôm trước mình có viết đôi dòng, được một bạn “xông” vào muốn tranh luận. Cá nhân mình chẳng muốn áp đặt ai, ai thích thế nào cũng được, học cũng được mà không học cũng được. Người ta không dạy thì tự học, nếu thấy thích và cần, vậy thôi. Muốn tranh luận thì ít ra cũng phải hỏi xem người ta có thích tranh luận hay không. Chúng ta thường thích áp đặt ý của mình lên người khác, tranh luận bằng được xem phở ngon hơn hay bún ốc ngon hơn. Ơ lạ nhỉ, ai hợp cái gì ăn cái ấy, vậy thôi có gì đâu. Không nên đem cái ấm ức của mình đi vòng quanh cãi nhau bằng được với bất kỳ ai dám nói khác mình.

Suy tiếp, cái vụ “yêu nước Nga yêu cả Putin” và “yêu nước Nga nhưng không phải là Nga của Putin” và cả “ghét Nga bài Nga” cũng vậy. Yêu quá đến mức, không nói hay nói tốt, tô hồng bốc thơm là không có được. Mình đã tổng kết, với tình hình nước Nga, dù nói khách quan những khó khăn của họ cũng bị những người “yêu Nga” coi như là “bài Nga” thì thật là hết biết. Từ hồi Nga chiếm Crimea, mình bị đầy người chẳng tương tác bao giờ block là như thế.

Không nhất thiết bạn phải nói giống tôi, nghĩ giống tôi mới là đúng đắn, nhưng bịt tai không nghe được những cái khác biệt, tệ hơn muốn tranh đấu bằng được để bắt người ta theo mình, người ta không theo thì xỉ vả đủ cách, thật là u tối.

Tiếng Việt thiếu nhiều từ, đặc biệt thiếu từ kỹ thuật, chắc cũng vì nước ta là nước nông nghiệp nên chẳng có những từ đó, ta phải học của Tây là đúng. Trước đây mình ngồi liệt kê xem cái xe đạp có bao nhiêu từ tiếng Pháp, có mà vô khối: ghi-đông, pốt-tăng, phanh, moay-ơ, pê-đan, líp, bi, gác-đờ-bu, gác-đờ-xen, poóc-ba-ga, đèn pha, lốp (ăng-vơ-lốp-pơ-măng), săm (săm-bơ-rơ a e)… sang xe máy thêm pi-nhông (nhông), ắc-quy, pít-tông, xéc-măng, xi-lanh, biên… lên ô tô có pa-li-ê, đề-ma-rơ…

Nói người Việt vọng ngoại cũng đúng, từ việc tiếng Việt thiếu nhiều từ là một cái cớ, những người “có học” cũng hay xài tiếng nước ngoài để chứng minh mình có học. Người ta cũng nói trải qua 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm Pháp thuộc dân tộc ta không bị đồng hóa. Nào là do văn hóa làng xã là pháo đài bất khả xâm phạm để bảo vệ chúng ta sự đồng hóa thế này thế khác.

Nhưng có một lý do chắc ít ai để ý, người Việt vừa vọng ngoại, vừa sĩ diện hão, ý là “ông mày đếch thèm học chúng mày”. Thích học lỏm, không thích học đàng hoàng, học lấy một phần thôi coi như thế là đủ, giỏi rồi, chúng ta đem áp dụng luôn. Ông nọ học ông kia, toàn học vớ học vẩn và thế là dùng từ cứ sai dần.


Tiếng Pháp có từ “civil” nghĩa là công dân, dân sự. Ăn mặc mà là “ăng sơ-vin” thì có nghĩa là mặc kiểu dân sự, thường dân chứ không phải quân đội hay cảnh sát. Nhưng người Việt thì gọi mặc “sơ-vin” nghĩa là… bỏ áo trong quần. Hôm nào bỏ áo ngoài quần thì kể cả là quần bò áo phông chẳng ai gọi là “sơ-vin” cả.

Hàng ti tỉ ví dụ khác mà dù nghĩa từ vẫn dùng đúng, nhưng lại chỉ giữ lại một chút âm của từ gốc thôi, ví dụ như từ “trottoir” là bờ hè, vỉa hè đọc là “tơ-rốt-toa” sang tiếng ta thành “vỉa ba toa” thật bố thằng Tây cũng không hiểu được. “Săm lốp” cũng chính là những trường hợp Việt hóa một cách ngoạn mục như thế.

Cũng có rất nhiều từ, ơn giời được giữ khá nguyên gốc: cao-su (ca-út-shu, chữ “su” uốn lưỡi nặng) hay cụm “play truant” (trốn học), tiếng Việt “chuồn” là té mất, chạy mất… đọc gần đúng là… chuồn, hi hi.

Nói chung cứ cái tính sĩ diện, thích biến nó thành cái khác cho ra vẻ ta đây mà người Trung Quốc và ta, dùng chung vô khối từ (với tiếng Việt là phần lớn) mà ta và họ không hiểu nhau. Đặc điểm này không khéo đúng luôn cả với người Lưỡng Quảng, vốn cũng là một bộ phận của Bách Việt.

Hóa ra tính sĩ diện hão, học nửa vời và thích chế chọt, lại là yếu tố tích cực bảo vệ dân tộc không bị đồng hóa, he he. Đúng là cái gì cũng có hai mặt của nó.

[1] Phàm huấn mông, tu giảng cứu;
Tường huấn hổ, minh cú đậu.
Vi học giả, tất hữu sơ;
Tiểu học chung, chí Tứ Thư.

Nghĩa:
Dạy trẻ con nên giảng xét kỹ lưỡng
Tường tận nghĩa xưa, ngắt câu rõ ràng
Làm người đi học ắt phải biết chỗ bắt đầu
Học xong tiểu học mới tới Tứ Thư.

[2] “Từ điển tiếng Việt” – Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 252, cột giữa, mục từ thứ 3 từ trên xuống.

[3] “Từ điển tiếng Việt phổ thông” của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Phương Đông, 6/2013; trang 61 cột 1, mục từ 8 từ trên xuống từ “bình dị” nghĩa là bình thường và giản dị, sau đó dẫn chiếu đến từ “dung dị” ở trang 239, cột 2 mục từ thứ 6 từ trên xuống, có nghĩa “như bình dị.”


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment