Chờ các báo “khép lại” xong hẳn
vụ “Đưa việc học chữ Hán vào trường phổ thông” mình mới từ từ “khép theo,”
cho đỡ gạch đá.
Nói luôn từ đầu, mình không ưa
nhà cầm quyền Bắc Kinh về thái độ bành trướng, bá quyền của họ. Ai chơi với
mình trên Facebook đủ lâu sẽ nắm được số bài viết thể hiện thái độ rất rõ ràng
về việc này, với cuộc chiến Biên giới 1979, Gạc Ma 1988 và Hải Dương Thạch Du
981 năm 2014 đăng trên một số báo trong nước.
Mình mê văn hóa Hán và học tiếng
Hán là vì thế. Một lý do nữa để học tiếng, vì nếu có phải coi họ là đối thủ,
thì càng nên học. Lại một lý do rất thiết thực nữa, là nên học để có phương tiện
ngôn ngữ mà làm ăn. Học tiếng Hán, được đủ đường là như thế.
Khi học tiếng Hán rồi, mới ngã
ngửa ra là từ nhỏ học chuyên văn, được giảng nhiều về nghĩa từ nguyên Hán Việt,
nhưng thực sự không chú tâm vào học phần rất quan trọng này của tiếng Việt. Từ
đó mò mẫm tìm sách để học. Đầu tiên là mua được cuốn “Từ điển từ Hán Việt” của
soạn giả Phan Văn Các, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ nhất
năm 2003. Đem về thì thất vọng tràn trề, vì nó là sự sao chép cuốn “Từ điển tiếng
Việt” của Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1977; chỉ khác là ông Phan Văn
Các bỏ toàn bộ những từ thuần Việt đi mà thôi.
Quyển tiếp theo là “Từ điển từ
và ngữ Hán Việt” của giáo sư Nguyễn Lân. Ôi thôi, xin lỗi những “fan” của gia
đình giáo sư, cuốn này thì quá tệ. Sơ sài, không có giải nghĩa nguồn gốc của từ,
và nhiều từ bị giải nghĩa sai.
Đỉnh cao của công cuộc lọ mọ
là “Từ điển Thiều Chửu.” Đang không có nó ở đây nên không nhớ là bản xuất bản
năm bao nhiêu, nhưng nó quá hay. Có nó, “đây” không ngán từ Hán Việt nào hết.
Quay lại chuyện có nên cho học
sinh học “chữ Hán” hay không – mình nghĩ là cũng không quá cần thiết; nhưng thực
sự là việc dạy ngữ văn liên quan đến từ nguyên Hán Việt lâu nay bị mai một rất
nhiều, dẫn đến người ta dùng sai từ Hán Việt cũng nhiều luôn. Việc khôi phục nó
cũng là nên, nhưng phải tìm một phương pháp nào đó phù hợp, vậy thôi.
Dạo này đang phải đánh vật với
môn tiếng Việt lớp 6 của ông con trai, thấy hoảng hồn vì nó quá nặng về ngữ
pháp, nặng một cách không cần thiết. Trong khi đó phần nghĩa từ, từ nguyên thì
quá yếu và thiếu. Nếu bây giờ hỏi tất cả chúng ta, kể cả người viết lách tốt nhất
xem các hiện tượng ngữ pháp bác đang dùng là gì, như thế nào… khi chém gió trên
Facebook, chẳng ai biết. Vậy thì học làm gì? Cái thiết thực thì không học.
Vậy về vụ “Hán nô” thì sao? Thật
là quá chán. Theo dõi trên Facebook hầu hết những người nhao nhao chửi người
khác là “Hán nô,” có lẽ họ đang hiểu đây là việc kêu gọi phục hồi dạy tiếng
Trung Quốc trong trường phổ thông. Chúng ta đã quá quen với sự phổ biến của tiếng
Anh, nên hiểu bây giờ dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông phổ cập, đại trà
là tiếng Anh, quá đáng lắm là tiếng Pháp và mới đây có thêm tiếng Nhật.
Dạ em xin thưa các anh các chị,
các anh chị xem lại hộ em xem danh sách các môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp trung
học phổ thông 2016 xem có phải là thế này không: “Với môn Ngoại ngữ kỳ thi THPT
quốc gia 2016, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng:
Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức hoặc Tiếng Nhật.”
Các thứ tiếng như Nga văn, Trung văn… vẫn được dạy ở các trường phổ thông một
cách chính thức, chỉ là nó ít thôi, chứ muốn học thì vẫn có.
Từ cái thiếu hiểu biết này,
người ta cứ nhao nhao lên tưởng như tiếng Trung (Trung văn) đã bị tuyệt chủng từ
lâu cùng tiếng Nga (Nga văn). Nhiều người còn chua chát: “Thời thì tiếng Trung
lên ngôi, thời thì tiếng Nga. Bây giờ thì chỉ có tiếng Anh…” Nó vẫn còn nguyên
thế, chỉ có chúng ta, những kẻ xu thời là chạy theo tiếng gọi kim tiền, của thực
dụng… mà để cho Pháp, Nga, Trung mai một đi thôi.
Ơ thế nếu nó có sẵn trong các
trường rồi, thì mấy ông “Hán nô” kia, các ổng kêu gọi dạy nữa để làm gì?
Nói quả đáng tội, tiếng Anh
cũng là cái thứ tiếng toàn cầu quá ổn đi. “Ngu gì mà không học.”
Câu chuyện là, học tiếng Trung
với tư cách là một môn ngoại ngữ, là một vấn đề khác hẳn với học Hán Việt mà
mình ủng hộ, dù mình đi đến với nó từ việc học Trung văn.
Nếu ai đó đến các câu lạc bộ học
Hán Nôm sẽ thấy rất rõ sự khác biệt đó: học viên được học chữ Hán (thường là phồn
thể) sau đó học nghĩa, nhưng tập trung vào nghĩa Hán Việt, tức là học sự biến đổi
và phát triển của nghĩa từ từ Hán cổ (thời nhà Hán (bắt đầu bằng Cao Tổ Lưu
Bang) xâm lược nước ta đến nay đến 2000 năm chưa nhỉ? – Hai Bà Trưng khởi nghĩa
năm 40 sau Công nguyên.) Họ sau đó học chữ Nôm, và dừng ở nghĩa Hán, không học
ghép thành câu, không học ngữ pháp tiếng Trung, và đương nhiên không học âm tiếng
Trung. Nôm na là, mình có nói tiếng Trung Quốc với họ họ không hiểu được, bằng
chứng thỉnh thoảng thày giáo nói câu tiếng Trung, các học viên ngồi ngẩn ra và…
cười trừ.
Việc học Hán Việt trong các
trường phổ thông sẽ tương tự như vậy. Nó chính xác phải là học sâu hơn về nghĩa
từ nguyên của Hán Việt. Tiếc là các bác “không phải Hán nô” không hiểu điều
này, họ cứ quăng gạch cái đã.
Các bác không hiểu, học Hán Việt,
chính là học “tiếng Việt” đấy ạ. Các học giả “Hán nô” chính là mong con cái
chúng ta giỏi tiếng Việt chứ chẳng có ý gì khác. Còn nếu bác nào nghĩ ra phương
án nào loại trừ được hết Hán Việt ra khỏi ngôn ngữ tiếng Việt cho nó thuần Việt,
thì xin mời!
Chẳng biết thế nào, nhưng cứ
chửi người khác là tạo khẩu nghiệp nặng cái đã… haizzz. Đức Phật nói đúng, “chúng
sinh vốn là u mê…”
Tự dưng lại nghĩ đến Quang
Trung có bài hịch rất hay:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất
hoàn
Đánh cho sử tri nam quốc anh
hùng chi hữu chủ.”
Đấy, người ta anh hùng cái thế,
lỗi lạc vô song mà dùng Việt kết hợp Hán Việt uyển chuyển, hào hùng đanh thép,
khúc chiết vẫn đầy nhạc điệu đến thế. Nghe đã muốn xông trận đuổi sạch quân
Thanh về nước rồi.
(Để dài tóc, ý là không phải cạo
đầu đằng trước như người Mãn, để đen răng là tục nhuộm răng của người Việt cổ
đã tồn tại từ hàng nghìn năm, người phương Bắc không có tục này. Ý là đánh giặc
để bảo tồn văn hóa và phong tục Việt.)
Bài liên quan: “Từ việc dùng từ ngoại lai nghĩ đến tính cách của người Việt”
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment