Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, September 30, 2016

Liệu Nga có thể bị kiện sau khi có kết luận điều tra vụ MH-17?

Những người quan tâm tình hình quốc tế chắc chắn sẽ không thể bỏ qua sự kiện Nhóm các công tố viên quốc tế hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói tên lửa phòng không Buk bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia hồi năm 2014 “được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine.” Dư luận sẽ băn khoăn rằng liệu Nga có thể bị kiện, hay nói cách khác có thể bị ràng buộc bởi một trách nhiệm pháp lý quốc tế?

Để trả lời câu hỏi này, thường chúng ta sẽ phải trả lời bốn câu hỏi nhỏ hơn: ai kiện, kiện ai, kiện đến cơ quan tài phán nào và về những nội dung gì.

Trước hết chúng ta cần nhìn nhận vấn đề, rằng liệu có thể xảy ra một vụ kiện hay không? Từ góc độ cá nhân, tôi hiểu đây là một vụ kiện rất có khả năng xảy ra, nếu không thì người ta đã không tiến hành một vụ điều tra lớn, công phu và kéo dài đến vậy. Một vụ việc như thế này nếu chỉ nói về… khối lượng hồ sơ thôi, có thể lên đến hàng tấn. Nếu nói về hệ thống các chứng cứ, có thể có hàng ngàn, hàng vạn chứng cứ độc lập và dẫn đến việc tập hợp ra hàng trăm kết luận lớn hơn. Đồng thời một vụ như thế sẽ liên quan đến hàng trăm cá nhân có liên quan.

Ngay trong các tin được công bố công khai, chúng ta đã được biết tên lửa Buk được bắn đi từ làng Pervomaiskyi, vào thời điểm đó do phiến quân (bị cho là thân Nga, hoặc có Nga hậu thuẫn) kiểm soát; đồng thời cũng công bố con số cá nhân liên quan khoảng 100 người.

Chúng ta sẽ xem xét sơ qua một số khả năng có thể xảy ra của một vụ kiện. Trên thực tế, rất nhiều cá nhân và tập thể đều có thể là nguyên đơn của một vụ kiện như vậy, như Chính phủ Malaysia là nước chủ của Hãng hàng không, hoặc Hãng hàng không Malaysia Airlines khởi kiện… Tập thể gia đình các nạn nhân cũng có thể khởi kiện, như tháng 5 năm nay (2016) tổng thống Putin đã bị kiện bởi một đơn kiện lên Tòa án Công lý Châu Âu đòi bồi thường. Chúng ta không nên quên một “nguyên đơn” tiềm tàng và nặng ký là… Chính phủ Hà Lan, là nước có nhiều nạn nhân nhất trên chuyến bay xấu số. Thậm chí, hai Chính phủ Hà Lan và Malaysia có thể cùng đứng tên trên đơn kiện. Ngoài ra chúng ta có thể kể đến những Chính phủ như của Australia, Bỉ hay… Ukraine.

Tùy thuộc vào nội dung kết quả điều tra thể hiện ra ở bộ văn kiện “khổng lồ” trên đây tôi đề cập, mà sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi còn lại: kiện ai, về nội dung gì và kiện đến cơ quan tài phán nào. Vì không có bộ văn kiện đó trong tay, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán và đưa ra một số giả thiết có dự báo mà thôi.

Tên lửa Buk không phải là khẩu súng hơi mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể có được, thậm chí không phải bên khởi nghĩa, nổi loạn, ly khai nào cũng có thể sở hữu và sử dụng một cách hoàn hảo, mang tính chuyên nghiệp cao. Chính vì thế mà ngay từ khi vụ việc xảy ra, người ta đã đổ dồn nghi ngờ vào chỉ một trong hai lực lượng: quân đội Ukraine và quân đội Nga – ly khai.

Đến nay, kết quả điều tra được công bố rằng vị trí bắn tên lửa thuộc vùng của ly khai chiếm đóng, không những thế nó có điểm xuất phát từ lãnh thổ Nga rồi bắn xong lại… chạy về. Như vậy xét về tâm lý dư luận mà nói, sẽ hoặc là đổ lỗi cho Nga, hoặc cho rằng “kết quả điều tra có vấn đề, không đáng tin cậy.”

Tên lửa phòng không Buk là hệ thống tên lửa tầm trung, được Liên Xô cũ và Nga sau này phát triển, rất hiệu lực nhưng cấp của nó chỉ là ở tầm tiểu đoàn phòng không. Chính vì vậy mà những nghi ngờ cho cả hệ thống quốc phòng Nga chưa chắc hẳn đã là đúng, vì ở tầm thấp như thế, có biết bao âm mưu có thể xây dựng và thi hành được.

Thậm chí, khi vụ này xảy ra, tôi đã từng đưa giả thuyết theo kiểu “thuyết âm mưu” rằng nếu mua chuộc được ban chỉ huy của một tiểu đoàn phòng không Nga, cùng một số nhân vật ly khai, thì vụ “bắn MH-17” đúng là một kế hoạch hoàn hảo để đổ lỗi cho Nga. Nếu có một âm mưu và kế hoạch dạng như vậy, không phải ai khác mà chính là cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) mới đủ năng lực đưa vụ việc ra ánh sáng. Tiếc rằng đó chỉ là giả thuyết và mong muốn cá nhân, thực tế nó chưa diễn ra.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, hiện nay kết luận điều tra này đang bất lợi cho Nga: là một trong 2 quốc gia gần gũi nhất cùng Ukraine, nay lại bị chứng minh rằng giàn Buk xuất phát từ lãnh thổ của mình, sang vùng đất của ly khai đang bị coi là được mình hậu thuẫn… Nga có thể bị cáo buộc chịu trách nhiệm lên đến mức cao nhất.

Tùy thuộc vào chứng cứ cụ thể liên quan đến các cá nhân, mà từng cá nhân có thể bị kiện theo trình tự hình sự hoặc dân sự. Ví dụ, những người trực tiếp liên quan đến lập kế hoạch, ra lệnh, tổ chức tác chiến, chuẩn bị hậu cần… có thể bị truy tố với một tội danh hình sự dạng như “Tội ác chống lại loài người.” Những cá nhân khác có thể bị kiện về trách nhiệm dân sự để bồi thường thiệt hại về vật chất.

Cũng không loại trừ hệ thống chứng cứ dẫn được lên cấp cao trong chính quyền, như cấp Bộ trưởng quốc phòng hoặc thậm chí Tổng thống. Về ý này, tôi thường nghiêng về giả thuyết các cá nhân này thường bị quy trách nhiệm về dân sự nhiều hơn là hình sự. Trách nhiệm hình sự, thường chỉ bị áp dụng sau một cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh… như trường hợp của ông Slobodan Milosevic trước đây.

Như vậy sau khi đã hình dung ra được một cách sơ lược về nội dung kiện và người bị kiện, thì chúng ta cũng có thể đưa ra giả thuyết về những tòa án quốc tế mà người ta có thể đệ đơn. Trên đây tôi đề cập vụ kiện hồi tháng 5/2016 của gia đình các nạn nhân lên Tòa án nhân quyền Châu Âu, là kiện tổng thống Nga V.Putin và kiện về trách nhiệm dân sự đòi bồi thường vật chất.

Các tòa án khác có thể thụ lý đơn như Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) hoặc Toà án Công lý Quốc tế (ICJ.) Các phán quyết của hai Tòa án này đều có tính chất chính trị nhiều hơn là có giá trị bắt buộc phải thi hành, không có chế tài có tính cưỡng chế. Chính vì thế mà những vụ như Philippines kiện Trung Quốc ra PCA, Trung Quốc chọn phương án “không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia, không công nhận phán quyết.”

Năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã thụ lý vụ kiện của Nicaragua kiện Hoa Kỳ (vụ “Contragate”.) Những phán quyết của Toà án là bất lợi cho Hoa Kỳ nhưng nước này đã chọn phương án phớt lờ và cuối cùng thì chẳng ai làm gì được họ cả.

Cả Hoa Kỳ và Nga đều có một điểm chung là Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đều là cường quốc có vũ khí hạt nhân: nếu xét về quân sự thì họ là hai “ông lớn” nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về kinh tế thì Nga hiện đang ở vị trí cực kỳ khiêm tốn trên bảng xếp hạng thế giới, lại đang gặp khó khăn đủ đường: giá dầu thấp, mất thị phần trên thị trường dầu khí, lệnh trừng phạt từ Phương Tây… Nhưng đó chưa quan trọng bằng tình trạng bị cô lập của nước này sau những sự kiện: sáp nhập Crimea đầu năm 2014 và bị cáo buộc đứng sau tình hình ly khai, nội chiến ở Đông Ukraine.

Vị thế của Hoa Kỳ năm 1984 và Nga năm 2016 hoàn toàn khác nhau, Hoa Kỳ thì có thế chứ bị kiện nữa, họ cũng dám phớt lờ mà toàn thế giới chẳng ai dám quay lưng với họ, nhưng Nga thì không làm vậy được. Nếu vụ này xảy ra và vụ việc đi đúng quỹ đạo như “Contragate 1984” thì Nga buộc phải phớt lờ, lúc đó đã bị cô lập lại còn bị cô lập đến đâu nữa?


Điểm này giải thích ý kiến cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã thua trong “vụ kiện Biển Đông” của Philippines, nhưng nước này chắc sẽ không hành xử manh động, như chiếm một hòn đảo đang thuộc chủ quyền và quản lý hợp pháp của quốc gia khác trong vùng Biển Đông đầy tranh chấp. Một vụ như vậy cộng với phán quyết của PCA, rất có khả năng sẽ đẩy nước này tới một tình thế cô lập thực sự về chính trị và cả kinh tế. Cá nhân tôi cũng không tin Trung Quốc sẽ hành động như vậy.

Như trên đây đã trình bày, vụ việc sẽ có thể đi theo quỹ đạo một vụ đề nghị truy tố hình sự đối với các cá nhân liên quan, và trường hợp này Tòa án hình sự Quốc tế (ICC) có thể là cơ quan thụ lý.

Cũng không loại trừ có một vụ kiện tới Tòa án quốc gia, ví dụ như Tòa án của Hà Lan. Tất nhiên trường hợp này sẽ dẫn đến các phán quyết nhằm vào cá nhân hoặc tổ chức của quốc gia bị kiện và ảnh hưởng đến quyền lợi dân sự: các quyền nhân thân như việc đi lại, các quyền tài sản như phong tỏa tài sản ở nước ngoài… của cá nhân hoặc tổ chức đó.

Để khởi kiện thì phải chuẩn bị một lượng chứng cứ, tài liệu khổng lồ; nhưng phía bị kiện cũng có quyền chứng minh mình vô can. Vụ MH-17 không ai có lợi thế bằng Nga trong việc chứng minh mình không liên quan đến vụ việc, hoặc có thì đó lại là âm mưu của một ai đó…

Còn ở vị thế của chúng ta, cần chờ thời gian trả lời và có thêm được thông tin thì mới có được câu trả lời xác đáng.

Bài trên Soha tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment