Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, September 27, 2016

Xin đừng đổ tại cái nghèo

Một cảnh ghi trên đường La Thành, 
Hà Nội. 
Ảnh: Đoàn Bổng
Ở Việt Nam, Thần Chết có quá nhiều việc để làm

Không chỉ một mình cháu bé 9 tuổi bị tấm tôn cắt vào cổ lấy đi mạng sống mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều có thể gặp tình huống tương tự: chỉ chưa đầy 48 giờ sau một người phụ nữ khác cũng bị tấm tôn cắt đứt khí quản, thiệt mạng. Tất nhiên rủi ro có thể rình rập bất cứ ai, nhưng rõ ràng ở Việt Nam ngày nay, Thần Chết đang có quá nhiều việc để làm.

Khách nước ngoài sang Việt Nam lần đầu chắc không thể hiểu nổi tại sao ở cả những thành phố lớn, đặc biệt như ở thủ đô mà luôn luôn có những “chuyến xe tử thần” dạo qua, dạo lại trên đường phố, đe dọa lấy đi mạng sống của người đi đường bất cứ lúc nào. Phố xá chật hẹp, người đông đúc nên các phương tiện vận tải “tự chế, tự phát” bùng nổ cả về số lượng lẫn… “chất lượng” (trong ngoặc kép, nghĩa là chất lượng đáng sợ của chúng về độ nguy hiểm.)

Từ sáng sớm những chuyến xe máy chở đầy oặc rau cỏ thực phẩm ở phía sau, với “mô hình” chồng cầm lái, vợ ngồi tụt dưới hõm khung xe phía trước nhỉ nhô mỗi cái mặt lên trên bảng đồng hồ tốc độ, từ ngoại ô lao như những cơn lốc vào nội đô cho kịp buổi chợ. Nếu ai đó đã đi tập thể dục sáng sớm, hẳn sẽ rất sợ những chuyến xe đó, vì chúng có đèn nhưng hầu như rất tối, có phanh nhưng hầu như không có hiệu lực và luôn luôn phóng với một tốc độ kinh hoàng. Với cả vài tạ thực phẩm phía sau, nếu có va chạm thì một cú như thế lấy đi không chỉ một sinh mạng, và người vợ ngồi phía trước chắc chắn sẽ khó thoát.

Trước và sau giờ mọi người đi làm, là giờ của những chuyến xe “siêu trường siêu trọng” mà nguồn phát động lực thường là những chiếc xe máy trông ghê sợ đến mức mà chẳng cơ quan chức năng nào buồn thu giữ. Chúng thường kéo theo những chiếc xe hai bánh và chở nào những cây sắt xây dựng dài lượt thượt, những tấm kính to chết khiếp và nhiều khi cả cái tủ đứng… Không những thế, những “mặt hàng” tưởng chừng phải được chuyên chở bằng những phương pháp đặc biệt như bình ga, chai khí dùng trong công nghiệp và cả y tế… người ta cũng nhờ cậy những “cỗ xe tử thần” đó.


Không ít lần tôi chứng kiến một chiếc “ba bét nhè” [1] được chế mấy cái móc sắt ở một bên để chở theo một bình a-xê-ty-len. Chiếc xe chạy nghiêng nghiêng như một trò xiếc, bên kia bình khí còn dài hơn cả chiếc xe, cảnh tượng đúng là cười ra nước mắt. Chỉ một va chạm nhỏ, không hiểu tình hình sẽ như thế nào, chẳng ai dám tưởng tượng tiếp.

Tôi cũng tiếp xúc với nhiều bác thương binh lái những chiếc xe ba bánh tự chế, thì tất cả đều chung một câu “Đều vì cuộc sống cả mà em. Không ai cấm được bọn anh vì thật ra, lứa bọn anh trẻ nhất cũng là thương binh Vị Xuyên nay cũng năm mấy sáu chục cả rồi, nhiều cũng chỉ khoảng 10 năm nữa là hết. Đi xe như thế này mệt mỏi lắm chứ em, và bọn anh biết nếu tai nạn một cái thôi, là mất xe…” Nhìn những chiếc xe tự chế động cơ xe máy nhưng sẵn sàng chở trên nó đến 800kg, thì xin có một lời khuyên thật nếu đi đường gặp chúng nên tránh cho xa, vì nó không phanh được đâu, đã bị nó đâm thì chỉ có chết.

Không chỉ trên đường, Thần Chết còn rình rập cả ở những chỗ khác nữa

Năm 2016, lượng tai nạn lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến: 8 tháng đầu năm đã có 683 vụ, làm chết 50 người và 178 người bị thương nặng. Những vụ tai nạn nhẹ như ngã từ nhà cao xuống đến điện giật, hay sập giàn giáo… hết thảy đều có sự vi phạm vô tình và cả hữu ý, cố tình phớt lờ quy tắc an toàn của con người, đặc biệt là của chủ doanh nghiệp hay người sử dụng lao động.

Hầu hết họ đều không trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người lao động, bản thân chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và cả người lao động đều không có những kiến thức cần thiết về an toàn lao động. Vụ điện giật chế 6 người ở Nông Cống, Thanh Hóa cho thấy ngay cả kiến thức sơ đẳng về vật lý chủ doanh nghiệp, người quản lý công trình cũng như công nhân đều không biết. Khi họ dựng cột dưới đường dây điện hạ thế, dù cột không chạm vào dây điện nhưng khoảng cách quá gần, điện áp đánh thủng đủ lớn để đánh từ dây điện qua cột xuống đất gây tai nạn.

Thế mới nói, ở Việt Nam không cần khủng bố, mà có biết bao thứ khác có thể gây hậu quả còn khiếp hơn khủng bố. Vụ “cưa bom” trong quận Hà Đông đầu năm nay là một dẫn chứng, có lẽ trên toàn thế giới có Việt Nam thật “độc đáo, có một không hai.”

Chúng ta đang sống trong một xã hội thiếu thốn đủ đường

Cháu bé bị nạn trong vụ “xích lô chở tôn” cho thấy hóa ra xung quanh chúng ta, chẳng mấy ai biết cách cứu nạn hay sơ cứu một cách đàng hoàng. Cháu được chở đến bệnh viện và chết chủ yếu do mất quá nhiều máu, trong khi không ai biết ở cổ có cái động mạch cảnh mà nếu bị đứt, người ta chỉ 5 phút là chết vì mất hết máu.

Trong cuộc sống, nhiều khi gặp tai nạn vẫn có nhiều người tốt bụng muốn cứu người, nhưng thay vì cứu đúng cách, người Việt Nam thường thích bế xốc người bị nạn dậy và rất nhiều trường hợp điều đó có hại hơn là có lợi.

Gần đây chúng ta mới sực nhớ ra mấy chục năm nền giáo dục của nước nhà miệt mài dạy những kiến thức hàn lâm, với những thành tích Olympic này kia, nhưng học sinh và cả sinh viên vẫn ngày ngày đuối nước và nếu có tai nạn thì chẳng ai biết cách cứu cho đúng cách.

Chúng ta liệu có vô can?

Người đạp xe xích lô (thấy bảo cũng thương binh Vị Xuyên) chắc là sẽ khó thoát khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (tội vô ý làm chết người, điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.) Một mặt chúng ta thấy đau lòng vì cái nghèo mà người ta phải làm công việc đó, để đến nay gặp chuyện. Nhưng nếu nghĩ kỹ chính ông ta ngày nào cũng chở, và sẵn sàng chở hàng với tình trạng bấp bênh đe dọa tính mạng người đi đường như thế… chắc hẳn chúng ta sẽ rất băn khoăn, liệu chúng ta có vô can – chúng ta trách người xích lô và cả chủ hàng thuê ông ta chở, nhưng chúng ta có bao giờ làm một việc tương tự?

Cũng trên đường La Thành, 
Hà Nội. 
Ảnh: Đoàn Bổng
Ngày hôm nay khi nhiều người, nhiều gia đình trong số chúng ta đã giàu lên, có của ăn của để, nhưng chúng ta vẫn ngày ngày tiếp tay cho những hành động đe dọa tính mạng người khác như thế. Mua một cái tủ, người bán có thể đề nghị chúng ta để họ chở đến nhà với giá “hợp lý.” “Giải pháo hợp lý” nào đâu, chính là một “chuyến xe tử thần” sẽ chở tủ đến cho chúng ta. Và thay vì thuê một chiếc ô tô tải với chi phí đắt gấp đôi gấp ba, chúng ta tặc lưỡi cho qua, vì tiếc tiền. Nếu chuyến xe đó gây tai nạn trên đường, chắc chắn chúng ta có phần trách nhiệm, dù chỉ là gián tiếp.

Ngay cả những việc nhỏ thôi, ngày hôm nay nhà tôi sửa nhà, và việc đập phá cho ra hàng bao mét khối gạch vỡ, trạc vữa. Nếu thuê công ty môi trường đô thị đàng hoàng, tính cả tiền đem đổ ở bãi đúng quy định thì đắt hơn nhiều so với thuê của tay đầu nậu vật liệu xây dựng gần nhà, chắc chắn là ông ta tổ chức đi “đổ trộm.”

Đừng nên nói rằng, không chở cho tôi thì người ta cũng chở cho người khác. Ai cũng có suy nghĩ như vậy thì xã hội chẳng bao giờ tiến bộ được cả. Hãy nhìn như Singapore, người ta bắt buộc chở cát xây dựng bằng côngtenơ, thế mới có một môi trường sạch sẽ đến thế. Tất nhiên chúng ta sẽ nói họ giàu chúng ta nghèo, nếu quy định vậy thì giá xây dựng sẽ rất đắt. Nhưng nếu nghĩ kỹ “ăn thì nhiều, ở là bao nhiêu,” chúng ta có hàng bao nhiêu thứ phí phạm khác mà không để ý như một năm có bao nhiêu trận nhậu nhẹt mà chúng ta phải tham gia?

Người xích lô sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh là “cái nghèo,” nhưng chính chúng ta, những người đang ở ngoài nhìn vào vụ việc, cũng đang đổ lỗi vòng quanh và đổ cho “cái nghèo,” nhưng là nghèo trách nhiệm với môi trường, với xã hội và cuộc sống. “Cái nghèo” chẳng phải là gì khác mà chính là lòng tham của chúng ta đấy thôi.

Nhưng ngày hôm nay, mỗi người bớt tham đi một chút, để xã hội an toàn hơn, môi trường trong sạch hơn thì chẳng ai muốn làm cả.  

[1] Babetta của Tiệp Khắc cũ.  

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment