Ải Chi Lăng |
Trải qua mấy chục năm, rồi thì
cái gì cũng phải xuống cấp, nếu không thì nó cũng không đáp ứng được yêu cầu của
cuộc sống mới ngày càng phát triển. Con đường mới mở “rộng thênh thang tám thước”
mãi rồi cũng thành nhỏ bé và chật hẹp. Phương tiện, xe cộ tốt hơn, đi nhanh
hơn, rồi thấy sao mà nó quanh co, khúc khuỷu đến thế…
Và con đường mới ra đời thay
thế con đường cũ. Có những con đường cách xa hẳn ra, nhưng cũng có những con đường
nó chạy qua, chạy lại lúc tách ra, lúc thì đè lên nền đường cũ mà ngày nay nếu
để ý, vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của nó.
Đâu đó, vẫn thấy có một đoạn rải
nhựa hẹp, gần như không còn là đường nữa, và vẫn có nhà cửa ở một bên. Nay đoạn
đường đã trở thành một dẻo sân trước cửa, như của riêng vài hộ dân. Dần dần, nó
trở nên hoang phế, người ta cũng tìm cách bỏ đi khỏi nó mà tìm đến những đoạn
đường mới đông đúc, tấp nập hơn.
Nhớ khoảng năm 1999 – 2000 đi
Lạng Sơn thời kỳ đầu còn đi đường Quốc lộ 1A (cũ) qua những địa danh như Vôi,
Kép, Mẹt… mà đầy cảm xúc cùng đi suốt con đường. Đến Mẹt, đường đã chạy trong rừng,
cây cối hai bên cao vút, xanh rì, mát rượi. Ngày đó đi từ Hà Nội lên đến Lạng
Sơn phải mất 7 giờ đồng hồ, nhưng là 7 giờ kỳ thú.
Hang mặt quỷ |
Cũng chỉ một thời gian ngắn, dự
án đường Quốc lộ số 1 mới thực hiện, nhanh chóng đưa cảnh “7 giờ đày đọa nhưng
kỳ thú” vào dĩ vãng, từ Hà Nội đi Lạng Sơn chỉ còn một nửa thời gian. Ngày nay
có những đoạn đường không mấy ai còn được đi trở lại nữa, nhưng thực ra, nó vẫn
còn đó.
Muốn đi tìm lại “cảnh cũ, người
xưa” lại nên thực hiện một chuyến phượt bằng xe máy, đến Đồng Bành sẽ thấy có
con đường rẽ nhánh bên tay trái, đó là con đường quốc lộ cũ đi vào Ải Chi Lăng
và sau đó là thị trấn Đồng Mỏ. Nếu ai đã đi con đường cũ ngày xưa qua Ải Chi
Lăng, thì mới rõ cảm xúc thời đó nó như thế nào khi nhìn lên bên trái có Hang Mặt
quỷ rồi đi qua một khe núi, đúng là một cửa ải mà nếu bị phục kích ở đó, quân
giặc chỉ có nước đại bại. Nhìn lên vách núi, như thấy lại cả lịch sử hào hùng của
dân tộc, như chỉ có sau một tích tắc nữa thôi, sự im ắng hiện nay sẽ bị phá tan
bởi tiếng hò reo, tiếng chiêng, trống trận… Đằng sau những rặng đá tai mèo kia,
tiếng thở của ba quân rất khẽ, chờ quân giặc tới.
Nó khác hẳn với hình tượng “Ải
Chi Lăng” mới được xây trên Quốc lộ số 1A mới bằng bê tông, trông giống như cái
cửa khẩu mở qua những con đê hơn là một vách núi di tích lịch sử.
Cầu đường sắt gần thị trấn Đồng Mỏ |
Thị trấn Đồng Mỏ nhộn nhịp thời
những năm 1990, từ khi có con đường mới, xe ít chạy qua, cuộc sống lại như chậm
lại. Tất nhiên nó không còn quá chậm, nhưng nếu ngó nghiêng kỹ lưỡng đây đó, vẫn
tìm thấy những mái ngói ống cong cong và còn nguyên đâu đó không khí của một cuộc
sống rất chậm của phố núi những năm 60 của thế kỷ trước.
Lại đi tiếp, chỉ vài chục phút
sau chúng ta giật mình, cảnh ngoạn mục này chúng ta tưởng đã quên, nay vẫn còn
đó cây cầu đường sắt cao vút, mà đứng dưới đường bộ phải ngửa cổ nhìn lên. Cảm
xúc nhìn thấy nó, cũng không khác bao nhiêu so với nhìn thấy… tháp Ép-phen của
Paris hay Cầu Cổng Vàng của San Francisco. Bạn cứ thử đi mà xem, tôi không
phóng đại lắm đâu.
Cầu đường sắt gần thị trấn Đồng Mỏ |
Đây đó dọc đường, nếu cố gắng
tìm vẫn thấy những ngôi miếu cũ, nay cỏ mọc lấp đầy gần đến mái, nhưng cái cây
đa, cây si cổ thụ xung quanh, vẫn thế. Ngày xưa, xe khách thường đỗ nơi này để
khách nghỉ duỗi chân duỗi tay, đi “giải quyết nỗi buồn” đây mà. Cái bãi kia có
hai ba hàng nước, mấy bà bán hàng người Tày còn treo vài nải chuối, dăm lọ kẹo,
thuốc lá… còn nước thì uống thoải mái, chỉ tính tiền theo lần uống. Nay chẳng
còn những hàng nước đó nữa, làm gì còn xe khách đi đường này nữa đâu?
Nghỉ chân ở đó, vì xe khách
chuẩn bị leo lên đèo Sài Hồ. Bây giờ chỉ còn hiếm hoi vài cái xe tải ì ạch leo
đèo, còn thời năm 2001 của “xe máy Trung Quốc” thì rầm rập đêm ngày. Hàng đàn
xe tải Hyundai “4 chân” đèn sáng nhấp nhánh từ đầu đến đuôi, kéo nhau lên đèo.
Nếu đi đêm từ đỉnh đèo nhìn xuống từ cuối đoàn xe tải, thấy như một đoàn tàu hỏa
hàng chục toa, cực kỳ ngoạn mục.
Đèo Sài Hồ |
Mãi gần đỉnh đèo mới gặp một
ngôi nhà, cô độc giữa rừng. Chủ nhà đi đâu vắng, cửa nẻo mở toang, cũng không cần
trông. Chờ mãi ông chủ nhà mới về, hóa ra bác ta đi săn, hôm nay bắn được một
con sóc.
“Từ khi có đường mới, tôi cũng
không bán hàng nước nữa chú ạ. Vắng vẻ hiu quạnh lắm.” Bây giờ đi đường mới, chỉ
qua những cây cầu Sài Hồ 1, Sài Hồ 2… mà mấi ai biết cách đây hơn chục năm, người
xe phải leo lên cái đèo Sài Hồ một thời khét tiếng?
Đèo Sài Hồ |
Lần từng ki lô mét trên đoạn
đường cũ mà cứ thấy bâng khuâng. Đấy, “nó” đấy – người bạn cũ. Ngày xưa chúng
ta đã từng làm bạn với nhau từng ấy năm, tôi thuộc từng khúc cua, từng cái ổ
gà, từng đoạn nghỉ của bạn. Tôi thường ăn cơm ở Mẹt, nơi có món thịt gà đồi luộc
rất ngon, bạn nhớ không? Có thể bạn không nhớ tôi, nhưng tôi vẫn rất nhớ bạn.
Tôi nhớ bạn, vì đó là một quãng đời thanh niên trẻ trung, nhiệt tình và đầy bão
táp của tôi.
Cuộc sống là như vậy, ai, cái
gì rồi cũng sẽ cũ kỹ đi, rồi cũng sẽ được thay thế. Dần dần người ta sẽ đi con
đường mới, phóng vù vù với tốc độ cao mà hoàn toàn không biết chỉ cách họ vài
ki lô mét, có một con đường cũ, một “nhân chứng” của biết bao buồn vui và thậm
chí, cả một thời kỳ lịch sử gắn với nó. Chỉ cần tôi nhớ bạn là được, vì tôi biết,
ngoài tôi ra còn có rất nhiều người khác nữa, cũng nhớ bạn như thế.
Chuyện ngoài lề. Khi cây cầu
Thanh Trì khánh thành, đi trên nó và con đường dẫn thẳng lên Quốc lộ 1A mới và
nó sẽ chạy thẳng lên đến Lạng Sơn. Gần đến cầu, giật mình nhìn thấy biển báo chỉ
thẳng về phía trước “Quốc lộ 1B.” Nhớ thời ngày đi Quốc lộ 1A cũ vẫn biết Quốc
lộ 1B là bắt đầu từ thị trấn Đồng Đăng, chạy về Cầu Gia Bảy ở thành phố Thái
Nguyên, điều này được thể hiện cả trên bản đồ giao thông toàn quốc. Lại nhiều
khi, đoạn đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng bị các nhà báo nhầm nó thành
“Quốc lộ 1B.” Thực ra tất cả vẫn là “Quốc lộ 1A” cả, chỉ có những đoạn mới song
song với đoạn cũ mà thôi…
Bài trên “Sức khỏe và đời sống”
tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment