Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, March 17, 2013

Đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn…


Thế là con trai đã quen dần với cái suy nghĩ “Nhà mình không có ô tô” (Đọc bài “Cái ô tô”). Một hôm tự dưng cậu chàng nghĩ ngợi một cái gì đó rất căng thẳng, rồi thổ lộ:

“Ba ơi, nếu sau này con đi làm, con có tiền, con sẽ mua một cái ô tô đưa cả nhà đi được không?”. ”Tốt quá, con trai. Nếu con có thể đi làm và tự mua được chiếc ô tô con thích thì tuyệt vời rồi. Ý thức tự lập của con như thế là rất tốt con ạ. Cũng như  ba ấy, hồi ba còn trẻ, ba rất thích đi xe máy nhưng bà nội con thì rất nghèo, nên ba chỉ có thể cố gắng có được khi đã đi làm thôi”. “Thế lúc đó con thích mua gì thì mua hả ba?” “Nhìn chung là như thế, nhưng cũng phải nghĩ kỹ trước khi mua con ạ. Các thứ ba mẹ mua cho con, bao giờ ba mẹ cũng nghĩ kỹ là con rất cần cái đó – thì mới mua – còn nếu không cần lắm mà mua thì rất phí phạm. Sau này con cũng vậy nhé, thích mua cái gì cứ nghĩ kỹ, nếu thấy chưa cần, thì chưa mua, không cần, thì không mua”.

Anh chàng có vẻ chưa hiểu mấy. Không sao, nay nói, mai nói, rồi sẽ hiểu. Quan trọng là thể hiện rõ ràng lựa chọn cách sống của gia đình.

Câu chuyện với con trai làm mình suy nghĩ mãi. Ngày xưa nhà nghèo, ở thành phố - bắt đầu hết bao cấp, bung ra làm ăn. Nhà lại ở khu buôn bán, người ta giàu lên nhanh chóng. Trong khi đó, gia đình mình thì lại “thành phần trí thức”, không quen buôn bán nên vẫn nghèo. Tâm lý tủi thân, thua em kém chị không phải là không có.

Tốt nghiệp lớp 12, thi trượt Đại học, mẹ lại đổ bệnh – không thể không đi làm mà kiếm tiền. Vừa đi bán hàng thuê, làm thuê, vừa ôn thi lại đại học. Những đồng tiền kiếm được đầu tiên, không phải là để mua quần áo, mà dành đóng tiền học, tiền phụ mẹ nuôi em và tiền thuốc cho mẹ. Căn bệnh như con quỷ đói, nó ngốn tiền một cách kinh dị. Nhưng cũng chính vì cái hoàn cảnh đó mà từng đồng tiền kiếm được, không bao giờ dám phung phí.

Lần duy nhất, mua một đôi xăng-đan của Đức giá một chỉ vàng, bằng một tháng lương. Tết đi bơi thuyền, loạng quạng thế nào rơi xuống hồ, chìm mất một chiếc. Tiếc đứt ruột. Mọi chuyện dường như sáng rõ. Bất cứ cái gì khi ta mua, cũng có thể rơi vào tình trạng mất giá trị - cả giá trị sử dụng lẫn tính… thanh khoản, nghĩa là “cho không đắt”, “mua vải, bán áo”, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Và thế là, luôn luôn cân nhắc cẩn thận, chỉ thật cần mới mua, đắt tiền giá trị cao cũng được, nhưng nó phải thực sự có ích lợi và đem lại niềm vui, sự thoải mái.

Đàn ông thì cũng có nhiều đam mê. Xe máy ô tô, đồ công nghệ, âm thanh hình ảnh, máy chụp hình quay phim… biết bao thứ có thể bị móc túi. Xe máy trong vòng 20- 30 năm trở lại đây đã mất giá từ chỗ tiền mua nó có thể mua được cái nhà – nay chỉ như cái xe đạp thời bao cấp. Cuộc sống càng ngày càng sung túc, xã hội ta càng ngày càng đi về hướng của một “xã hội tiêu thụ”, ăn tiêu xả láng và quên mất cái suy nghĩ “ăn bữa nay, lo bữa mai” của thời kỳ khó khăn. Khái niệm “người miền Bắc tiết kiệm, người miền Nam ăn chơi không suy nghĩ ngày mai” dần xóa nhòa mà thay vào đó là cả một đất nước phung phí.
Cái giống đồ công nghệ, khi nó lạc hậu thì chỉ có… vứt, mua đồ mới – bán không ai mua, cho ít người thiết, trừ phi nó thật sự cần cho một ai đó. Chính vì thế, phàm là đàn ông mê công nghệ, cũng nên có tiết chế đam mê một chút.

Một anh bạn mấy năm trước kiếm được nhiều tiền, đâm đầu mua cái BMW hơn 3 tỉ đồng. Nay khó khăn, nợ chồng chất, rao bán mãi 900 triệu, rồi 800 triệu, rồi 750 triệu không ai mua. Ai cũng khó khăn cả, lấy đâu ra tiền mà mua! Bây giờ ngồi than thở: “Lúc đó nghe chú can, đi xe Hàn Quốc tiếp tiền thừa múc mấy chục cây vàng bây giờ có phải đỡ không…” cũng muộn rồi.

Kiếm tiền dễ dàng thì hay phung phí.


Cả một đất nước phung phí. Kiếm tiền dễ dàng bằng cách đào tài nguyên bán cho nước ngoài. Kiếm tiền dễ dàng bằng cách đi vay nợ nước ngoài và cả một hệ thống sâu bọ bám vào đó để lại kiếm tiền dễ dàng và tiếp tục phung phí.

Ngẫm ra, cái món “Tư tưởng Hồ Chí Minh” của Bác Hồ có nhiều câu hay đáo để. “Đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn” – lúc kiếm được tiền tiêu pha mà sực nhớ được đến hình ảnh ở đâu đó vẫn còn có người thiếu đói, kiềm chế lại một chút, thì nồi cơm của họ lại đầy thêm một chút.

Đôi lời với các bạn trẻ đam mê. Các bạn thanh niên có nhiều đam mê lắm: du lịch bụi (“phượt”), máy tính, chụp ảnh… mình quen mấy bạn chụp ảnh đẹp lắm. Nhưng gần đây thấy nhiều bạn sa đà quá, đam mê quá, quên mất công việc chính là học tập, và rơi vào khó khăn nợ nần vì đam mê. Bố mẹ ở quê, còn nhiều khó khăn vất vả lắm các bạn ạ.

No comments:

Post a Comment