Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, March 11, 2013

Chuyện bức tranh “Mao Chủ tịch đến An Nguyên” bị thu hồi ở Việt Nam


Bức tranh bản gốc
Có lần ông già mình kể chuyện hồi khoảng 1968, 1969 gì đó, có lưu hành rộng rãi một bức tranh cổ động do Trung Quốc in mang sang Việt Nam ta, bán đầy hiệu sách và phát không khá nhiều. Bức tranh được dân Việt Nam ta bàn tán xôn xao rất thú vị, nhất là sau khi có sự kiện nó bị thu hồi trên quy mô lớn (không kém gì lúc nó được phát ra). Hồi đó, Sứ quán Trung Quốc đi “xin lại” (họ khéo lắm, đi xin lại và tặng thêm huy hiệu Mao Chủ tịch). Sau đây là những hồi ức của ông cụ về bức tranh đó:

Tên bức tranh là: … đến Diên an (không nhớ là Mao Trạch Đông hay ...chủ tịch) nét mặt người trong tranh nhẹ nhàng hơn không cau mày như thế này, ông ta nhìn thẳng hơi chếch về bên tay trái hơn, ông ta đứng trên sườn đồi cao hơn chứ không hơi thấp như thế này và dưới chân ông ta mầu sáng hơn điểm thêm rất nhiều hoa lốm đốm mầu trắng nhìn kỹ thì không phải là hoa mà là những đầu lâu người, ngoài ra vắt ngang những quả đồi có một đường dây điện đỡ bằng chiêc cột nhỏ có ba thanh nhỏ nằm ngang trên đầu cột thể hiện chữ Hán là chữ Mao. Nhìn trong tranh ta biết bên phải ông ta là hướng Tây và tà áo bay thể hiện gió Tây thổi bạt gió Đông trái ngược với lời nói của ông ta: gió Đông thổi bạt gió Tây. Ngoài ra những đám mây trên đầu ông ta nhìn kỹ thấy có đám mây thể hiện hình người phụ nữ khỏa thânv.v… Lâu quá rồi không nhớ hết…

(Chú thích: Ông cụ nhà tôi nhớ nhầm tên bức tranh, “An Nguyên” chứ không phải “Diên An”. Ông viết giúp tôi những dòng trên đây là do tôi tìm được một số ảnh chụp vài phiên bản của bức tranh và gửi cho ông xem).

Một bản khác
khá sát với bản gốc
Bức tranh bị "tận thu hồi" cho đến mức nó biến mất trong xã hội Việt Nam ta và đồng thời nó cũng không còn trong ký ức của rất nhiều người. Vì thế, đầu tiên tôi cũng lần mò thử trên mạng internet xem nó có còn trong ký ức của người Việt Nam ta hay không, và còn thì như thế nào… và đây:
Ký ức thứ nhất:

Tôi ở quê, sau lũy tre làng. Thi thoảng mới tạt lên HN. Tôi chẳng nhớ năm nào, 6X, có lần lên HN. Khi đó Trung-Xô đang căng. Tôi học Nỉ-Hảo, nên ửng hộ Nỉ Hảo. Tôi lọ mọ ra ĐSQ TQ. Khi đó rất đông người tập trung ở một cái cửa xép, phía bên phải của chính. Tất cả đang xúm lại ngắm nghía, bàn tán về một bức tranh khổ lớn, treo trên tường: "Mao chủ tịch đến Diên An".
Ai nấy thì thầm, thì thầm: nhìn kỹ mà xem, trên ảnh có một chiếc cột điện nghiêng nghiêng phía xa - Chữ Hán đấy là chữ Mao, 3 nét ngang trên, một nét sổ đứng, đúng là chữ Mao, sắp đổ kia kìa; Trên bầu trời có những đám mây trắng, nom kỹ như là hình người phụ nữ khỏa thân; Nhấp nhô đất đá dưới chân, nom kỹ như là những cái đầu lâu; Cái ô MCTcắp ở nách nom chẳng khác gì cái tên lửa; Tà áo MCT phất phới bay, nhưng là bay về phía Đông - Gió Tây thổi bạt gió Đông rồi, .... Đại loại trước đó DSQ có phát bức tranh ca ngợi MCT này, nhưng sau đó có tin "Đây là bức tranh ca ngợi đểu". Lúc đầu ĐSQ thu lại các bức tranh này, sau đó không hiểu vì sao lại treo lên ở ngay ĐSQ, cho dân đến thỏa sức tò mò, sợ gì đâu. 
Trong cái cửa xép ấy còn có 1 hay 2 nhân viên SQ đứng bên trong, phát cho mỗi người mấy cuốn sách, nói về Xét lại. Tôi sung sướng tha về quê, đọc ngấu nghiến, thấm như ruộng khô thấm nước. Còn nhớ, trong đó có phê phán nhà đạo diễn Xét lại Xô Viết điển hình: Chu-Khơ-Rai. Căng nhất là phim Bầu trời trong sáng. Trong phim có cảnh, khi đài thông báo: Stalin đã mất, ống kính lia lên bầu trời, từ âm u bỗng trở nên trong sáng. Phim này không chiếu ở VN, nhưng những phim khác của Chukhorai thì khá quen thuộc, trong đó có các phim chiếu trên TV mấy ngày nay. Hồi ấy, tôi cũng thấy Nỉ Hảo đúng, KhơRaXô sai.
Bác nào giữ được cái ảnh "Mao chủ tịch đến Diên an", treo lên minh họa giúp.
Họa sỹ Lưu Xuân Hoa (Liu Chunhua)
người ngồi giữa đang xem lại bản in bức tranh - 1968

Ký ức thứ hai:

Các chú, các cậu … thì kể về nội tình chóp bu, Mao, Lâm, Lưu mưu hãm hại nhau. Có lần họ còn cho xem một bức tranh to tổ bố “Mao Chủ tịch đến An Nguyên”, được Trung Quốc gửi sang cho không hàng đống cùng “trước tác” của Mao, còn huy hiệu Mao thì phát cả rổ. Thế nhưng người ta không ngờ đó là bức tranh mang đầy ẩn ý, những hình đầu lâu xương chéo, người treo cổ rải rác khắp nơi, nghe nói do cháu Lưu Thiếu Kỳ vẽ. Dưới nắm tay của Mao siết chặt như chực đấm là một đám mây, soi kỹ thì đúng là hình hai ông Marx, Lenin. Bọn sứ quán Trung Quốc đã phải vội vã tìm mọi cách thu hồi. 
Một bức tranh cổ động, trong đó công nhân Trung Quốc
diễu hành, người đi đầu cầm bức tranh nổi tiếng.

Vậy thì, đâu là sự thật?

Đầu tiên là cú điện thoại gọi cho một anh – tôi gọi là anh nhưng ông anh xã hội ấy đã gần 70, không rõ là người Việt Nam hay Trung Quốc nữa, nhưng nói tiếng Hán giỏi hơn người Hán và trước đây vẫn hay đi phiên dịch cho các cuộc gặp gỡ cấp cao Việt Nam – Trung Quốc. Nguồn thứ hai dựa vào ký ức của một bác, năm nay đã 94 tuổi và là bố của một ông anh xã hội khác của tôi. Cả hai cùng khẳng định những giả thuyết tôi tìm hiểu được trên mạng internet cả đêm hôm qua (bằng hai thứ tiếng Hán và Anh).

Một bức tranh cổ động, trong đó công nhân Trung Quốc
diễu hành, người đi đầu cầm bức tranh nổi tiếng
An Nguyên là một Quận thuộc thành phố Bình Hương (nay là thủ phủ của thành phố Bình Hương, Giang Tây) – vốn là vùng mỏ. Nơi đây vào những năm 1920 của thế kỷ XX, ông Lưu Thiếu Kỳ (sau này là Chủ tịch Trung Quốc) đã hoạt động phong trào công nhân. Năm 1921, tại An Nguyên đã nổ ra cuộc đình công lớn, nó được đánh giá là một mốc quan trọng trong phong trào công nhân Cách mạng Trung Quốc.

Bức tranh Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo bãi công của công nhân mỏ An Nguyên
Năm 1962, ông Lưu Thiếu Kỳ được vẽ trên bức tranh “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo bãi công của công nhân mỏ An Nguyên” khi đó ông đã trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông cùng Đặng Tiểu Bình đặt ra cụm từ nổi tiếng, "Mua tốt hơn tự sản xuất, và thuê tốt hơn so với đi mua". Cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc được Mao và các đồ đệ của ông ta phát động, chính là để giành giật lại vị thế chính trị của ông ta trước Lưu Thiếu Kỳ.

Mặt của ông Lưu Thiếu Kỳ bị gạch chéo trên bức tranh gốc
vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa
Đó chính là hoàn cảnh ra đời của bức tranh “Mao Chủ tịch đến An Nguyên” – bối cảnh lịch sử nó thể hiện là năm 1921, Mao Trạch Đông đi bộ đến An Nguyên để lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân mỏ. Được sự ủng hộ của Giang Thanh, vợ Mao lúc bấy giờ, bức tranh được sáng tác và nhanh chóng được xuất bản với số lượng cực lớn – tổng cộng khoảng 900 triệu bản kể cả những phiên bản “họa lại”, “chép lại” và những phiên bản hơi khác đi một chút (khoảng vài trăm phiên bản như thế). Bức tranh còn được in trên nhiều sách báo, tem thư, bưu thiếp… thậm chí những bức tranh cổ động phong trào công nhân, nông dân sau này bức tranh “Mao Chủ tịch đến An Nguyên” cũng được vẽ vào.

Cả tên của ông Lưu Thiếu Kỳ cũng bị gạch đi
Bức tranh được sáng tác vào tháng Bảy năm 1967, tác giả của nó là họa sỹ Lưu Xuân Hoa (Liu Chunhua (刘春华)) lúc đó 24 tuổi, đang là sinh viên của Học viện Mỹ thuật công nghiệp Trung ương Bắc Kinh – một trong những “Tiểu tướng Hồng vệ binh” trong giới sinh viên nghệ thuật.

Phác họa của Lưu Xuân Hoa
khuôn mặt của Mao Trạch Đông
khi chuẩn bị cho vẽ bức tranh
Khoảng thời gian này, tại An Nguyên, người ta xây dựng một “Cung tưởng niệm những hoạt động của Mao Chủ tịch trong phong trào công nhân mỏ An Nguyên”, mà riêng phòng khánh tiết của nó đã rộng đến 3200 mét vuông.

Năm 1969, ông Lưu Thiếu Kỳ bị giam cầm, tra tấn đến chết và được đem chôn bí mật với cái tên của một người “bình thường” – Lưu Vệ Hoàng (ngay cả cái tên này người ta cũng định bôi nhọ ông, “người họ Lưu bảo vệ chế độ phong kiến”). Cũng thời gian này, bức tranh năm 1962 vẽ ông tham gia đình công năm 1921 bị đem ra gạch chéo mặt ông, cả tên ông cũng bị gạch chéo.

Năm 1971, chiếc máy bay chở Lâm Bưu, “nhân vật số Hai của Trung Quốc sau Mao”, người kế vị cho “Người cầm lái vĩ đại” bị bắn rơi ở sa mạc Mông Cổ, ông ta chết cùng bà vợ Diệt Quần “còn hai đống thịt”. Có tài liệu cho rằng ông ta bị bắn bằng tên lửa chống tăng chết trong xe bọc thép chứ chưa kịp lên máy bay để “té” sang Liên Xô. Đây là sự kiện đỉnh cao đánh dấu sự chấm dứt của Cách mạng Văn hóa – mà nhiều nhà sử học cho rằng nó thực sự chấm dứt vào năm 1976 – “Tứ nhân bang” bị hạ bệ.

Một đám cưới thời Cách mạng
Văn hóa,
ai cũng mặc đồng phục
và cầm bức tranh,
chắc đang hô khẩu hiệu
Nhưng trước đó, khoảng năm 1970 – 1971 đã có những ý kiến chỉ trích bức tranh “Mao Chủ tịch đến An Nguyên”. Có ý kiến của một vị tướng, cho rằng Mao thời kỳ đó đang hoạt động ở Đông Bắc, không thể đi đến An Nguyên được (Tỉnh Giang Tây, thủ phủ là Nam Xương – phía nam đã giáp Quảng Đông rồi, nghĩa là rất xa chỗ của Mao). Đã thế, bức tranh lại còn vẽ ông ta đi bộ. Có mà què cẳng. Hầu hết mọi người đều hiểu, rằng thành phần xuất thân của Mao là nông dân, còn Lưu Thiếu Kỳ là công nhân. Chỉ riêng điều đó đã làm Mao không thể ưa ông Lưu Thiếu Kỳ rồi.

Ông cụ bố tôi không thể nhìn rõ được ảnh chụp bức tranh tìm thấy trên mạng, thật ra là nó có cái cột điện và cũng có thể suy ra nó là chữ MAO () trong tiếng Hán được. Những đám trắng trắng lúp xúp ở sau chân ông ta, chà chà, nếu có tranh thật cũng có thể “luận” ra là một đống đầu lâu… còn cái ô cắp nách như quả bom hay quả tên lửa gì đó… thì chịu – ai luận được chứ tôi chịu.

Ông cụ 94 tuổi bố anh bạn thì cho rằng bức tranh trên mạng đúng là bức tranh đó…

Vì thế, tôi đồ rằng, chính là nó, hoặc một phiên bản “chép lại” nào đó của nó – được dân Việt Nam ta bàn tán, xì xào… nhất là ông họa sỹ lại họ Lưu, gí ngay cho ông ta cái vị trí “cháu Lưu Thiếu Kỳ”. Bản thân cái “cơ chế xì xào”, “cơ chế tin đồn” của Việt Nam ta đã thuộc hàng thượng thừa, mấy ai sánh kịp lại ở cái thời thông tin đói kém. Nó bị thu hồi – đơn giản vì nó sai sự thật và nó đánh dấu một thời kỳ lịch sử đen tối của Trung Quốc.

Năm 2008, ông Lưu Xuân Hoa trả lời phỏng vấn trên truyền hình Trung Quốc về sự nghiệp, về cuộc sống và quan trọng hơn cả, về bức tranh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Video này có thể tìm thấy được trên internet nhưng là tiếng Trung Quốc nên tôi cảm thấy không cần thiết phải dẫn lên đây.

Họa sỹ Lưu Xuân Hoa, trả lời phỏng vấn năm 2008
Mùa thu năm đó (2008) nhân Triển lãm Nghệ thuật Cách mạng Trung Quốc được tổ chức ở New York, nhà phê bình nghệ thuật Hoa Kỳ Regina Hackett đã có cuộc trao đổi với Gao Wenqian (không có tên chữ Hán nên không luận được Hán Việt) – là Cố vấn cao cấp của Ủy ban nhân quyền Trung Quốc (ở nước ngoài, tất nhiên). Ông Cao có nói: “Bức tranh “Mao Chủ tịch đến An Nguyên” là một bức tranh cổ động vô cùng nổi tiếng vào thời kỳ Cách mạng văn hóa. Tác giả của nó – ông Lưu Xuân Hoa – đã thu được nhiều lợi ích, nhất là “ơn mưa móc” từ Giang Thanh, vợ của Mao. Tất nhiên, vì được hưởng những ân huệ đó mà ông Lưu không thể quay lưng lại với Mao

Hackett tiếp lời: “Chắc hẳn sẽ có những khó khăn với ông Lưu

… Cái gì cũng có hai mặt của nó. Người nghệ sỹ có thể được hưởng lợi từ Cách mạng văn hóa nhưng cũng vẫn có thể cảm thấy được những đau xót từ các nạn nhân của cuộc Cách mạng đó. Ấn tượng về sự đen tối và bi thảm của cuộc Cách mạng không vì những ân huệ đó mà làm giảm đi sự sâu sắc…

Một bức tranh vẽ Mao khác
của Lưu Xuân Hoa
vào thời gian sau này,
khoảng những năm 1980
Hackett: “Đoạn video ông Lưu Xuân Hoa trả lời phỏng vấn mới đây, ông ấy thể hiện sự kiên định trong nhận thức với Mao và cả với vợ ông ta – bà Giang Thanh. Vợ chồng ông Mao vẫn là những người tuyệt vời, và những gì đau khổ là lỗi của cuộc Cách mạng văn hóa, không phải do ông ta (Mao). Tất nhiên, cũng một phần là do cả bức tranh lẫn tác giả đều trở nên quá nổi tiếng. Không có gì khác biệt trong quan điểm của ông Lưu cả bây giờ và chắc là cả về sau nữa”.

Năm 1938, nhân sự kiện Olympic Games được tổ chức ở Berlin, nữ họa sỹ Leni Riefenstahl đã vẽ bức tranh “Triumph of the Will” ca ngợi Hítle. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà phát biểu: “Tôi không được sống trong các trại tập trung của quốc xã, nên không biết và không thể nhận ra được những tội ác của ông ta (Hítle)”. Nhưng trước sự thật, bà ta không tiếp tục ca ngợi và bảo vệ Hítle. Trường hợp của ông Lưu thì khác.

Tối qua ngồi bia bọt với một ông anh người Tày Lạng Sơn. Anh ấy bảo: “Hồi đó tớ học lớp 10, ở chỗ nhà tớ đầy lính Trung Quốc làm đường, tớ lạ gì. Tranh ảnh treo đầy trong các lều lán trại, cả bức đó, với người Trung Quốc trênđó họ có thu hồi gì đâu, chỉ có những cái phát cho dân ta rồi mới thu hồi. Cũng chẳng nói năng gì đến “tên lửa bom nguyên tử, đầu lâu xương sọ đàn bà khỏa thân” gì hết. Nôm na là họ thu hồi thì mình mới bàn tán, chứ không phải là vì những cái mình bàn tán mà họ thu hồi”.


Dù sao thì đến nay, bức tranh vẫn được in tiếp và bán tràn lan ở Trung Quốc, dưới dạng… hàng lưu niệm. Câu chuyện bức tranh bị thu hồi, có lẽ dừng ở đây được rồi.

Đọc thêm bài "Diệt chim sẻ"

Một số phiên bản hiện đại của bức tranh:

Painting of Erro (Gudmundur Gudmundsson),
"Mao's Last Visit to Venice", 1974-2003
Painting of Wang Xingwei,
"The Way to the East", 1995, 200 x 155 cm

6 comments:

  1. Sau khi bài này được post lên Facebook, một ông anh (Sn 1953, khi đi Liên Xô học có qua Trung Quốc) viết:

    Những năm 68-70, lớp chúng tớ còn phân công người tới ĐSQ TQ để xin trước tác, tạp chí, văn hóa phẩm tiếng Viết và các thứ tiếng khác nữa về ....sưởi (hồi đó lớp học trên giao thông hào, lại ở ngoài đồng trống...về mùa đông lạnh lắm). Câu chuyện bức tranh này (in đầy trên họa báo và các văn hóa phẩm khác, ở ĐSQ thì treo bức tranh cực lớn) chỉ được bàn tán khi họ thu hồi. Nhưng cũng phải có chí tưởng tượng phong phú thì mới luận hết được ý nghĩa của bức tranh. Cuối 70 qua Quế lâm vẫn thấy treo bức ảnh này.

    ReplyDelete
  2. Theo một nguồn thông tin kể lại khác mà em được nghe, thì bức tranh bị thu hồi ở Việt Nam là một phiên bản đã được chép lại, nhưng cái thằng cha họa sỹ chép lại đó hắn xỏ xiên sao đó, khi in không để ý nên in ra hàng đống, sau đó thu hồi.

    ReplyDelete
  3. Một anh bổ sung thêm hộ:

    "Gao Wenqian là Cao Văn Khiêm 高文谦 ,có trong Wikipedia.Cám ơn bạn đã làm mình nhớ lại những ngày gặp các thủng trư này tại khách sạn Liễu Giai trong các năm 60-70"

    ReplyDelete
  4. Thêm một ý kiến nữa:

    "Cái tranh này mình đã thấy hồi đó. Người lớn nhà mình đem về, còn khoanh lại cả những chỗ "nhạy cảm" để dễ tìm. Theo mình nhớ thì những cái đầu lâu, chữ Mao bị đổ, quả tên lửa, gió Tây bạt gió Đông là đúng như lời đồn. Nhiều khả năng giả thiết là tại "cậu chép tranh" có cớ sở nhất."

    Người lang thang cuối cùng hỏi thêm:

    Theo anh thì bức "khoanh đỏ nhạy cảm" và những bản trên đây em dẫn trong bài, có phải là một không ạ?

    ReplyDelete
  5. Và đây là trả lời của anh ấy:

    "Những bản trên đây thì nhỏ quá, nhìn không rõ gì cả. Còn bản có khoanh những chỗ "nhạy cảm" thì lâu quá rồi nên nhớ mờ nhạt. Chì chắc chắn là những chỗ đầu lâu, chữ Mao là rất giống, không cần tưởng tượng gì cả vì nhóc con như mình hồi đó (5-6 tuổi) nhìn ra ngay."

    ReplyDelete
  6. Hôm nay thêm một ý kiến nữa:

    "Theo tớ, những năm đó, tại TQ đang là cuộc đấu tranh của nhiều phe phái (Đặng còn vào ra Đ vài lần), mà thông tin bên mình lại chẳng có nhiều - Người lớn nói chỉ cần ra chỗ ĐSQ là biết phe nào lên (cái bảng thông tin của nó to đùng với chân dung của Mao và các họat động trong TQ). Bức tranh được bàn luận nhiều khi bức ở ĐSQ bị dỡ xuống. Có lẽ họa sỹ chỉ có ý ca ngợi."

    ReplyDelete