Cổng vào Hội quán |
Đi đâu cũng có thể thấy được, cứ ở đâu có người Hoa đông
đúc, là ở đó có Hội quán tương tế người Hoa. Từ Hàng Buồm (Hà Nội) đến Hội An,
vào Chợ Lớn… Sang Singapore, Thái Lan không tính, chứ ngay cả Châu Âu Hoa Kỳ
cũng không hiếm.
Đảo Phú Quốc của Việt Nam có lịch sử phát triển gắn liền
với cha con ông người Hoa Mạc Cửu lại càng phải có cái Hội quán tương tế người
Hoa. Trước mắt, đó cũng là một điểm đáng tham quan ở hòn đảo tuyệt vời này. Về
kiến trúc thì Hội quán vẫn là theo kiểu “thềm rồng Trung Hoa” như thường thấy.
(Nghe đâu Chùa Bái Đính mới cũng theo kiểu Trung Hoa như thế này).
"Chính điện" |
Đọc về các Hội quán tương tế người Hoa, mô hình hoạt động
lâu đời của họ không chỉ là tương tế thông thường, mà đã theo mô hình công ty
và hỗ trợ tín dụng (họ, hụi…) từ tám mươi đời. Và đúng là chủ yếu hỗ trợ làm ăn
buôn bán mà người ta tuân theo truyền thống, thờ Quan Công. Theo điển tích thì
Quan Vân Trường sau khi “hi sinh” đã hiển thánh và được thờ ở cái miếu nhô ra cửa
sông cửa biển gì đó. Ông ta thường phù hộ cho các lái buôn đi thuyền qua, nên
lái buôn đi qua cũng hay lên thắp hương khấn vái ông ta để ông ta phù hộ. Túm lại,
Quan Công là thánh phù hộ cho tất cả các loại lái buôn Trung Hoa.
Chụp ngược ra cổng từ thềm "chính điện" |
Thềm rồng |
Truyền thống đó lan sang cả Việt Nam và một số nước lân cận
(riêng ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì thấy ít, vì họ không bị “Hán hóa” theo cùng một
kiểu như chúng ta) – nhưng ở Việt Nam ta thì thấy nhiều. Vào văn phòng của một
chủ doanh nghiệp, thậm chí của quan chức… nhiều khi cũng thấy tượng Quan Vân
Trường. Người thì do đi chơi Trung Quốc mà mua về. Người thì mua ở chợ Đông
Kinh, Lạng Sơn hay Hà Khẩu (Vân Nam) giáp Lào Cai hay Móng Cái… hầu hết là do đẹp
mà bày. Hay nhất là có người thờ ông tướng trung hiếu tiết nghĩa ấy thật. Cũng
chẳng sao, việc thờ Quan Vân Trường ở Việt Nam không phải bây giờ mới có, truyền
thống này cũng đã có từ rất lâu, do người Hoa mang sang và nhiều người Việt học
theo. Lại nhớ cái chuyện cười dân gian Việt Nam ta “Vịnh Quan Công”.
Hán Vương ăn ớt mặt đỏ gay
Kế bên Thái Tử đứng khoanh tay
Thằng mọi râu ria cầm cái mác
Con cua nằm dưới chú cò gầy…
Các cụ nhà ta là tế nhị và thâm thúy lắm. Các cụ không chế
giễu cái sự tín ngưỡng của người khác, nhưng có vẻ cũng không ủng hộ lắm về
chuyện khuân một “anh hùng dân tộc” ở tận đẩu tận đâu, đã thế lại của một dân tộc
có truyền thống đô hộ chúng ta – về mà xì xụp khấn vái, thờ phượng (tổ tiên,
ông bà, cha mẹ, Trời Phật còn chưa chắc đã được thờ cúng chăm chỉ bằng ấy chứ)…
Thày nào tuồng tích gì, không xác định được |
Gác cổng Hội quán tương tế người Hoa Phú Quốc có một ông
người Hoa, quê Hải Nam. Ông còn nói tiếng phổ thông khá tốt, lúc đầu tưởng mình
cũng là người Hoa, vì nói tiếng phổ thông với ông ấy. Ông sinh ra ở Việt
Nam tiếng Hoa lại… như người
Hoa. Họ coi trọng giữ “gốc” thật đấy! Gia đình ông đi khỏi Hải Nam vào năm 1950
(chạy “họa” cộng sản 1949), để lại một người con nhỏ - anh ruột của ông nay vẫn sống ở Hải Nam, đến
nay anh em vẫn chưa có điều kiện gặp nhau vì ông em thì nghèo, không về Trung
Quốc được, mà ông anh thì đã bắt đầu yếu, hơn thế nữa, mấy năm trước, Phú Quốc
thì đến với người Việt Nam ra còn khó, nữa là người Trung Quốc sang. Lúc chia
tay ông gác cổng, ông nói thêm “Đến năm 1975 thì gia đình chúng tôi không kịp
chạy, và cũng chẳng còn sức và điều kiện để mà chạy”.
Hán Vương ăn ớt mặt đỏ gay
Kế bên Thái Tử đứng khoanh tay
Thằng mọi râu ria cầm cái mác
Con cua nằm dưới chú cò gầy… |
Câu chuyện dừng ở đây thôi.
Các ảnh được chụp bằng máy ảnh Nikon F100 và N80.
Lens Nikkor AF-D 24-85mm f/2.8-4 macro và AF-D 50mm f/1.8. Film Kodak Gold 100
và Paradies DM200.
"... mặt đỏ gay..." |
Oai phong lẫm liệt! |
Ông gác cổng quê Hải Nam |
No comments:
Post a Comment