Gần đây trên mạng râm ran tin
một cuốn sách được xuất bản ở Trung Quốc hay Đài Loan gì đó 3 năm trước, nay được
dịch ra tiếng Việt. Mình không rõ là xuất bản ở xứ Đài hay Hoa Lục, thôi cứ mặc
định là Hoa Lục đi “cho nó máu”, chứ xuất xứ của nó là Đài Loan thì chuyện nó
được xuất bản ở đó, là bình thường. Cuốn sách của một ông tự nhận là con cháu của một ông khác, mà cái ông khác đó vào năm 1932-1933 được Quốc tế Cộng sản thay thế cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa chết do lao phổi nặng phát ra trong thời kỳ bị bắt ở Hương Cảng. Ông người Đài Loan ấy gốc người Khách gia ở Triều Châu hay Phúc Kiến gì đó - nôm na thế.
Với người dân một nước có lãnh
tụ, y như một ông thánh vậy: danh nhân văn hóa (thế giới?) anh hùng giải phóng
dân tộc… thì giả thuyết cho rằng ông thánh ấy, đùng một cái, là người nước
khác, quả thực là chuyện động trời.
Có thể nói, đầu tiên là những
người tạm gọi là đang có tư tưởng, quan điểm “đối lập” với sự tồn tại và vận động
của chính thể CHXHCN Việt Nam hiện nay, có vẻ đó là một tin gây phấn khích. Có
một người nói với mình, “"Nó" xuất bản ở nước nó ba năm nay, mà phía Việt Nam chẳng
có một ý kiến ý cò gì để phản bác”. Ở đây ta không bàn đến những yếu kém của
cái gọi là “nền nghiên cứu khoa học nước nhà” – trong đó có khoa học lịch sử.
Cá nhân mình, mình thấy chuyện
này chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Thứ nhất, có vẻ như là một câu chuyện hoang đường,
giật gân, câu khách vớ vẩn. Một câu chuyện “trà trộn” kiểu tình báo như thế,
cũng có thể xảy ra lắm chứ, nhất là thời ngày xưa làm gì có xét nghiệm AND như
bây giờ… nhưng thú thực mình không tin lắm vào cái “kế hoạch của Quốc tế cộng sản
cài người vào chỉ huy cách mạng Việt Nam”. Quốc tế cộng sản thời đó – là Liên
Xô (những năm 1930, Trung Quốc còn đang loay hoay nội chiến và chuẩn bị bị Nhật
xâm lược). Mà Liên Xô thời đó, còn đang lo đối phó với Đức, với các nước Đế quốc,
với nguy cơ chiến tranh.
Mà cứ cho là thật đi, trên thực
tế kiếm được một ông thay cho cụ Nguyễn Ái Quốc vừa chết vì lao phổi kia rồi từ
năm 1933 đến năm 1969 ông ấy lăn lộn sống chết với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
(hèm, mình không có bàn về cái gì đúng cái gì sai, chính nghĩa phi nghĩa đâu
nhé), hy sinh đến hết đời như thế, chẳng phải quý lắm sao? Nếu mà đúng như vậy
thì ông ấy xứng đáng là Người Việt Nam, được Việt Nam tôn vinh lắm chứ!
Nói tiếp về sách Trung Quốc
này. Lâu nay, cũng phải đến gần hai chục năm nay, ở Trung Quốc xuất bản đầy rẫy
những “Tội ác Xtalin”, “Mao Trạch Đông, công và tội”, “Putin từ trung tá KGB đến
điện Kremli” thì cái cuốn sách “Người Đài Loan” này được ấn hành, cũng chẳng có
gì là lạ. Một dạng sách thị trường ăn khách mà thôi, không đáng chú ý. Bản thân
mình hồi học bên đó cũng rinh về một đống, đọc không thấy có gì hấp dẫn với
cách hành văn, cách đánh giá và nhìn nhận “bàn cờ chính trị” kiểu Trung Hoa thâm
nho của mấy lão nhà văn Trung Quốc.
Nhưng rõ ràng họ - tức là lãnh
đạo Trung Quốc, “cáo già” hơn lãnh đạo ta. Trong khi Đặng Tiểu Bình xẵng một
câu: “Mao chủ tịch, công 7 tội 3! Nào xong chưa, còn chú nào lèm bèm nữa
không?” – im phăng phắc! Thì ta chẳng biết đối phó như thế nào với những dư luận,
những tin đồn trái chiều về lãnh tụ. Ai mà chẳng có lỗi, có ai hoàn hảo cả đâu.
Giá cứ được thái độ thẳng thừng như ông cụ Đặng
trên đây, có phải nhẹ đầu, rảnh tay đối phó chuyện khác, có hơn không!
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment