Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, December 2, 2011

“…có khi tựa lá cỏ…”

Kỷ niệm 7 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Bài viết này được viết bởi một người không thích nhạc Trịnh cho lắm. Tôi là fan của nhạc Phú Quang. Nhưng đôi khi, người ta cũng phải phá lệ một chút…

Tôi không thích nhạc Trịnh vì nghe nó… mệt quá. Nghe nhạc Trịnh không thể lười được, mà tôi thì vốn cũng lười tư duy trong nghe nhạc, do đó chỉ thích nghe những nhạc gì không phải tư duy. Nghe nhạc Trịnh, trước đây tôi còn tức tối vì ca từ của bài hát như “đánh đố” mình vậy. Nhưng càng về gần đây tôi càng thấy mình thay đổi.

Chợt có một ngày, tôi nhận thấy mình gần gũi với Ông, khi nghe nhạc của Ông. Phải chăng trong mình cũng chứa chất nhiều mâu thuẫn như khi nghe nhạc của Ông ta cần phải cảm nhận thấy được? Tôi chợt thấy nhạc của Ông chứa đầy hình ảnh vừa hùng vĩ, vừa dịu dàng, vừa “thấy ta là thác đổ” đó lại vừa thấy ta “bước chân rất nhẹ” đó. Đúng, nhạc của Ông suy tư quá, đến giờ phút này tôi vẫn không dám nhận mình là fan của Ông. Nhưng tôi vẫn không cưỡng được một sức hút lặng lẽ nhưng quá mãnh liệt trong nhạc của Ông. Tôi không dám nhận mình là người sành nghe nhạc Trịnh, tôi còn chưa hiểu được hết những gì Ông muốn thể hiện và truyền tải.

Nhưng tôi thích cái cảm giác đa dạng mà nhạc của Ông mang lại cho tôi. Nghe “Ngẫu nhiên” của Ông do Khánh Ly thể hiện, với nhạc đệm như nhạc dân ca dùng sáo của vùng Trung Âu, kết hợp với ca từ hết sức gần gũi với Đạo Phật. “Không có cái chết sau cùng, không có cái chết đầu tiên…; kìa có biết bao người, dìu dắt tới quanh đây…” tôi phát hiện ra không có nhạc sỹ Việt Nam nào thấm nhuần giáo lý Phật học như Ông. Đúng vậy, không có gì là bắt đầu và không có gì là kết thúc; vũ trụ là vô thủy vô chung và tất cả chúng ta rồi cũng đi đến một điểm mà ai cũng phải đến… chính vì thế mà nhạc của Ông luôn chất chứa một niềm suy tư “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”…

Đường vào chùa Yên Tử
 Một lần, khi đi Yên Tử, tôi rơi vào một rừng thông vào mùa “thắp nến”, tôi mới biết “hàng cây thắp nến lên hai hàng” đẹp tuyệt vời đến như thế nào. Càng nghe nhạc của Ông, tôi càng thấy quen thuộc, cứ ngờ ngợ như mình đã nghe nhạc của Ông từ kiếp nào từ trước đây chứ không phải bây giờ. Nhạc của Ông luôn chất chứa một mối quan hệ biện chứng giữa thời gian, không gian và con người. Chỉ có khái niệm “ngày” - một đơn vị thời gian mà Ông có thế suy tư được mối quan hệ của nó với toàn vũ trụ. Nhạc của Ông còn mâu thuẫn ở chỗ, tính Thiền trong nội dung ca từ của nó rất cao nhưng nghe nó thì khó Thiền được, vì người nghe có lẽ cần phải suy tư và suy nghĩ nhiều quá… Ấy thế mà, nhạc của Ông vẫn có thể ru người nghe vào một cõi Thiền riêng tư nào đó khác, do người nhạc sỹ tài năng tạo ra. Đó là điều khó giải thích khi nghe nhạc của Ông. Tuy vậy, hãy cứ nghe nhạc của Ông, và đừng suy tư gì cả. Hầu hết chúng đều được viết hoặc được thể hiện với những điệu chậm như slow, valse chậm… rất dễ nghe và nét nhạc sang trọng đặc biệt.

Thiền
Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 7 năm ngày Ông ra đi. Tôi muốn viết để tỏ một sự thán phục không thể nào tả xiết đối với tâm hồn Ông, một “tấm lòng” lớn, trăn trở, suy tư và “yêu đời thiết tha”.

Mátxcơva – 28 tháng Ba 2008

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 


No comments:

Post a Comment