Người Việt Nam trên 90% xuất thân từ nông dân, tâm lý tiểu nông nặng nề vẫn khó bỏ được, cho dù đã sinh sống ở nơi Kẻ Chợ đến vài đời.
Khai thác được tâm lý đó cũng chính là những kẻ tiểu nông khác, láu cá hơn và khôn vặt hơn. Câu chuyện này thể hiện rõ nhất ở thị trường ô tô Việt Nam nói chung, thị trường ô tô Hà Nội nói riêng.
Mỗi lần thị trường ế ẩm, lại có một đợt tăng thuế mới, và lượng xe ế ẩm hết sạch. Người bán đang ở đúng vị trí của mình, người phục vụ, biến thành “thượng đế”. Người mua phải lạy lục, van xin, “chi thêm” để có được xe trước hạn tăng thuế và lệ phí.
Hồi các ngân hàng còn cho vay tiêu dùng dễ dàng, họ tha hồ “chặt chém” khách hàng bằng lãi suất, bằng các chiêu thức của cán bộ tín dụng để “kiếm thêm” mỗi đợt nhu cầu vay tiền mua xe tăng cao. Cộng với chi phí “đội giá” khi mua xe, tính ra có khi chỉ rẻ hơn so với nộp cho Nhà nước nếu thăng thuế, các lệ phí khác như trước bạ… một chút ít. Nhưng họ vẫn không muốn nộp!
Có thể, họ lý luận rằng trong cái môi trường xã hội “bầy sâu làm rầu nồi canh” đông nhung nhúc này, chẳng tội gì nộp cho Nhà nước, “cho chúng nó xơi”.
Không phải thế, dù xã hội ta trong sạch, nhưng họ vẫn không muốn nộp cho Nhà nước, cho cộng đồng dù đó là điều cần thiết.
Xã hội ta chưa xây dựng được một thiết chế làm cho mỗi người dân có thể lấy làm tự hào khi đóng góp được nhiều cho xã hội. Chính xác là, mấy chục năm qua, chúng ta đã đánh mất điều đó. Điều đó đã từng có, “Tuần lễ vàng” người dân đã đóng góp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lượng vàng giá trị rất lớn, từ người dân thường đến những nhà tư sản dân tộc lớn đều một lòng một dạ.
“Tôi tự hào, vì tôi đóng thuế nhiều” – bao giờ người Việt Nam ta mới dõng dạc nói ra được điều đó?
No comments:
Post a Comment