Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 19, 2011

Phở Chợ Vòm

Bát phở này chỉ
mang tính chất minh họa
(“Giật tít” như trên cho hấp dẫn thôi, chứ phở ở Chợ Vòm tôi ăn có mỗi một lần và về thì bị Tào Tháo đuổi chạy gần chết. Tạm gọi như vậy, nhưng thật ra nên gọi là Phở Mát, và sau đây tôi xin gọi như thế).

Thường thì mỗi khi “hẹn hò” (từ chuyên môn chỉ vụ hẹn gặp nói chuyện công việc ba lăng nhăng) với một ông anh định cư ở Mát, anh ấy và tôi thường gặp ở ốp ASEAN. Gặp ở đó, ngồi trong quán với cái không khí của người Việt, ăn những món ăn Việt, cũng thấy khoái hơn là ngồi hàng ngồi quán của Nga. Ông anh hay rủ tôi ăn phở, cho đỡ nhớ Việt Nam. Có lần tôi từ chối, vì vừa ở Việt Nam sang, trong miệng vẫn còn nguyên dư vị của Phở Bát Đàn. Cũng có lần tôi ăn… và ngẫm nghĩ.

Cụ Vũ Bằng tả bát Phở Tráng ở Hàng Than thật nên thơ. Sợi bánh không đen không trắng, không cứng không nát, giòn vừa phải (chả biết có phải của hàn the hay không nữa). Nước ngọt phải là của xương bò, không mặn quá, không nhạt quá, nêm vừa phải, tẩy vừa phải không gắt… nước trong cũng thật là trong, mà ngọt béo thì cũng thật là màu mỡ. Bát phở ở Mát nước dùng hình như là một sự tổng hợp của nước luộc gà, cũng có hầm thêm một thứ xương gì đó, nhưng gần như chắc chắn là có đường ngọt ngào hương vị của mía Cuba, mía đầy tuổi tôi. Cụ Vũ Bằng mới chỉ hít hơi xông lên từ bát phở, nhìn ngắm ông hàng phở qua màn sương mờ mờ bốc lên từ nồi nước phở mà thấy Hà Nội nên thơ, thì nếu cụ chén phở ở Mát cũng sẽ thấy Mátxcơva nên thơ chẳng kém.

Ốp ASEAN với mấy chú công nhân
"xuất khẩu lao động"
tối về ngủ trọ trong chợ
Quay lại với bát phở ở Mát. Chắc là nó được làm bằng bánh phở khô nên giống bánh đa hơn là phở. Cũng có chút hành, nhưng rau thơm thì hiếm. Cụ Vũ Bằng đã tả nhúm bánh phở được trang trí bằng hành thái nhỏ, chút rau thơm (nay có thể thêm mấy cuộng hành chần), điểm xuyết thêm mấy lát ớt đỏ tươi. Nếu cho cụ ăn bát phở ở Mát thì cụ chắc buồn lắm. Cũng có ớt, thậm chí có cả cái cụ cực ghét – “lạp chiếu chương” (ở Phòng (*) gọi là “chí chương”, một từ của mấy chú Khách (**) mang sang ta) nếu thích có thể cho vào đỏ lòe cả bát phở.

Cái mà có thể là dễ giống ở nhà nhất, là miếng thịt bò. Cụ Bằng nhà ta khen phở Hà Nội nó thanh tao từ miếng thịt bò thanh tao đi, từ nghệ thuật chọn thịt của nhà hàng đến nghệ thuật… luộc thịt, pha thịt, thái thịt, xếp lên bánh phở và chan nước. Ở Mát người ta chẳng làm đến như thế được, dù thịt bò ở đâu cũng là thịt. Xét từ khía cạnh này, thì miếng thịt bò của Phở Mát giống như miếng thịt bò kho hỏng hơn.

Ấy cứ nghĩ lăng nhăng thế thôi. Thời buổi hiện nay nước Nga đi dễ khó về, sang được đó kiếm được cái ăn còn khó, về được là một hạnh phúc thì có được bát phở Mát như thế đã là quý lắm rồi. Chứ như hồi người Việt Nam làm ăn ở Nga thời sung túc chắc là bát phở Mát hồi đó hẳn là khá khẩm hơn chăng? Từ góc độ đó thì cần ghi nhận những cố gắng lớn lao của những người đang phục vụ cho bà con bát phở đỡ nhớ nhà.

Một góc chợ Vòm trước khi đóng cửa
Ở Mát có thể ăn phở ở Chợ Vòm, ở ốp ASEAN (giờ phút này không biết nó còn tồn tại không?) hoặc ở chỗ quán NEMS của anh Hoàng – gần Metro Yugo Zapatnaia… ấy thế mà, có nhẽ ăn phở của anh Hoàng (mặc dù anh là người Nghệ An thì phải, nghe giọng miền trong) mà lại có vẻ khá nhất, không đến nỗi nào.

Nói thế chứ, ngồi ở Mátxcơva lạnh giá, ngoài kia tuyết rơi mà trong này ăn bát phở, cũng thấy ấm lòng lắm! Cảm giác này cụ Vũ Bằng có mơ cũng chẳng thấy. Nếu cụ còn sống cụ sẽ bổ sung thêm một hạng mục phở nữa: Phở Mát.
_______________
(*) Phòng: từ cũ gọi Hải Phòng
(**) “Khách” hay “người Khách” (Khách gia) – người Hoa chạy loạn sang Việt Nam định cư thời trước
Bài post trên diễn đàn NuocNga.net ngày 29 tháng Ba năm 2009

No comments:

Post a Comment