PhuongNN
Phi công Pháp Joseph Risso (bên trái) và các bạn chiến đấu Nga |
Nước Pháp tươi đẹp, ôi nước Pháp… Người đã chịu nhiều đau khổ vì bị giày xéo dưới gót sắt của bọn phát-xít. Nhưng nước Pháp còn là quê hương của Gian Đa và những chiến sỹ Công xã Pa-ri, của chú bé Ga-vơ-rốt, của cả những người Pháp kháng chiến không chịu khuất phục trước bọn phát-xít.
Ngày 28 tháng Mười một năm 1942, bằng nhiều con đường gian khổ khác nhau, mười lăm phi công quả cảm, mười lăm người con ưu tú của nước Pháp đã đến Liên Xô, tình nguyện chiến đấu sát cánh với các chiến sỹ phi công Đỏ chống kẻ thù chung. Mười lăm phi công này đến từ căn cứ không quân Pháp Ray-ắc ở Trung Đông, sau khi nước Pháp thất thủ đã tìm cách đến được Liên Xô tiếp tục chiến đấu. Những thành viên đầu tiên này của Trung đoàn là những người đã có 19 trận không chiến thắng lợi trên bầu trời nước Pháp, Anh và Địa Trung Hải.
Từ nhóm phi công trên và những người tình nguyện, phi đội đã được cải biến thành trung đoàn: Trung đoàn Noóc-măng-đi từ tháng 8 năm 1943. Trung đoàn được trang bị máy bay Yak-1B, các nhân viên phục vụ kỹ thuật Liên Xô. Trung đoàn được biên chế vào đội hình Sư đoàn không quân 303, tập đoàn quân không quân số 1. Lúc này Trung đoàn đã có 61 phi công và 55 chiếc Yak-9 là loại tiêm kích mới nhất.
Máy bay tiêm kích Yak-3 của phi công Ace Risso, anh đã hạ 8 máy bay địch trên chiếc tiêm kích này |
Hoạt động chiến đấu đầu tiên của Trung đoàn là vào tháng Ba năm 1943.
Tháng Mười năm 1943, trên bầu trời làng Lê-ni-nô thuộc tỉnh Xmô-len-xcơ, các phi công Trung đoàn “Noóc-măng-đi” đã yểm hộ hoạt động đầu tiên của một binh đoàn nước ngoài khác cũng được thành lập từ những chiến sỹ tình nguyện yêu nước là Sư đoàn Ba-lan 1 mang tên “Cô-xchu-cô”. Trong những trận đánh đó, các chiến sỹ bộ binh Ba-lan và các phi công Pháp đã thể hiện tinh thần anh dũng quả cảm. Việc bộ binh Ba-lan chiến đấu sát cánh bên những phi công Pháp trong Hồng quân Liên Xô đã thể hiện tình đoàn kết cao cả giữa những Chiến sỹ chống phát-xít quốc tế với những người con của Đại gia đình các dân tộc Xô-viết.
Anh hùng Liên Xô - phi công Marcel Albert
Trong suốt thời gian chiến đấu trên bầu trời nước Nga, các phi công Pháp đã xuất kích tiến hành 5240 phi vụ. Họ đã hạ được 277 chiếc máy bay Đức và bắn bị thương 80 chiếc khác, phá huỷ nhiều vũ khí, khí tài và gây nhiều tổn thất cho quân Đức.
Trung đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Bê-la-rút-xi-a: yểm hộ bộ binh và các hoạt động khác trên mặt đất, yểm hộ Hồng quân vượt sông Nê-man. Chính vì thế Trung đoàn đã được mang tên kép danh dự: “Noóc-măng-đi – Nê-man”.
Nhà 29 Kra-pốt-kin-xcai-a ở Mát-xcơ-va, nơi mà những chỉ huy của Trung đoàn đã từng ở hiện nay là tòa nhà lãnh sự Pháp |
- Huân chương Cờ đỏ. (Liên Xô)
- Huân chương Alếch-xan-đrơ Nhép-xki. (Liên Xô)
Các huân chương của Pháp:
- Huân chương Đội quân viễn chinh danh dự.
- Thập tự chiến đấu với cành cọ.
- Thập tự Giải phóng.
- Huân chương Chiến công.
Tên của những phi công Pháp đã hy sinh được khắc bằng chữ vàng trên tấm bảng đặt tại số nhà 29 Kra-pốt-kin-xcai-a ở Mát-xcơ-va, nơi mà những chỉ huy của Trung đoàn đã từng ở.
Trung úy Joseph Risso trong quân phục mùa đông, Nga 1943 |
Năm 1945, sau khi nước Đức đầu hàng, các phi công trên những chiếc Yak-3 là quà tặng của Chính phủ Liên Xô tặng nước Pháp tự do - đã bay về quê hương. Trung đoàn “Noóc-măng-đi – Nê-man” tiếp tục phục vụ trong lực lượng không quân Cộng hoà Pháp tại căn cứ không quân Rêmx (Rheims).
Chúng tôi xin kết thúc chuyện kể về Trung đoàn “Noóc-măng-đi – Nê-man” bằng một câu chuyện xúc động và tự hào. Chuyện viết lại từ hồi ức của Thiếu tướng không quân, Anh hùng Liên Xô Ghê-oóc-ghi Da-kha-rốp, cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 303.
Cùng với những cuộc tấn công như vũ bão của Hồng quân trên khắp các mặt trận, các lực lượng không quân cũng phải di chuyển theo. Lúc này, thời điểm chiến dịch Bê-la-rút-xi-a kết thúc, các chiến sỹ Hồng quân đã truy kích địch tới tận miền Đông Phổ. Để kịp thời thực hiện những nhiệm vụ yểm hộ cho các hoạt động mặt đất của lục quân, và các nhiệm vụ làm chủ bầu trời do Bộ tư lệnh giao cho các đơn vị không quân Hồng quân cũng gấp rút di chuyển tới các sân bay gần mặt trận.
Trong biên chế Sư đoàn không quân 303 của Thiếu tướng, Ông đặc biệt chú ý tới Trung đoàn “Noóc-măng-đi – Nê-man” là Trung đoàn gồm toàn những phi công tình nguyện người Pháp đã tới chiến đấu từ những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại trong hàng ngũ không quân Xô-viết. Giờ đây hồi tưởng lại những hoạt động chiến đấu của Trung đoàn, Thiếu tướng bồi hồi nhớ lại từng gương mặt phi công, từng người thợ máy… Với những người thợ máy Nga, các phi công Pháp đã hình thành mối quan hệ đồng đội, bạn bè thắm thiết và keo sơn. Còn phải viết nhiều về những chiến công thầm lặng của những người thợ máy. Họ là những người dậy từ khi trời còn chưa sáng để chuẩn bị máy bay cho Bạn chiến đấu của mình. Họ cũng là những người khắc khoải chờ đợi chiếc máy bay đưa người Bạn chiến đấu của mình trở về sau chận chiến. Họ vui mừng khi Bạn trở về, còn sống với những chiến công, và chia sẻ những nỗi buồn của những người thợ máy khác mà hôm đó phi công của họ không trở về. Thay họ, các phi công chiến đấu đối mặt với kẻ thù trên bầu trời và tính sổ với chúng cả phần của họ nữa…
“Mẹ yêu quý,
Con viết bức thư này cho Mẹ giữa hai lần xuất kích. Chúng con đã chiến đấu không tiếc sức lực để nhanh chóng được trở về Pháp với Mẹ. Bây giờ Vô-lô-đi-a (Tên thân mật của Vla-đi-mia Bê-lô-đúp) đang chuẩn bị máy bay cho con. Chiếc máy bay đã nhiều lần cứu con thoát chết, nó cũng phải chịu đựng nhiều lửa đạn của kẻ thù. Có Vô-lô-đi-a con hoàn toàn yên tâm là chiếc máy bay sẽ lại như mới, và lại trở thành vũ khí lợi hại chung của cả hai chúng con trong những trận không chiến. Có thể nói rằng, cậu ấy là “Thần hộ mệnh” của con. Có cậu ấy chuẩn bị máy bay, con không sợ gì cả…
Con sẽ sớm gặp lại Mẹ ở nước Pháp tự do của chúng ta.
Hôn Mẹ,
Con của Mẹ
Mô-rít-xơ Đờ Xây-nơ”
Cùng với các Trung đoàn khác của Sư đoàn, Trung đoàn đã đóng góp nhiều cho những chiến công vinh quang chung của toàn Sư đoàn. Đến nay, nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, Thiếu tướng vẫn nhớ đến họ như những Cựu chiến binh của các Trung đoàn khác của Sư đoàn.
Quay lại với năm 1944… Hôm đó Ông vẫn còn nhớ là một ngày Chủ nhật đẹp trời ngày 16 tháng Bảy, Sư đoàn được lệnh di chuyển đến sân bay Min-cun-ta-nư ở gần Min-xcơ vừa được giải phóng. Máy bay của phi công Mô-rít-xơ Đờ Xây-nơ cùng với các máy bay khác của toàn sư đoàn cất cánh từ tỉnh Xmô-len-xcơ, đằng sau ghế lái là người thợ máy ngồi “bó gối”. Trong hoàn cảnh đó, bay bằng máy bay là cách di chuyển nhanh nhất tới mặt trận. Các phi công luôn cố gắng bay nhanh nhất có thể được để mau chóng “giải thoát” cho người bạn thợ máy đang khổ sở ngồi phía sau.
Sư đoàn trưởng đã đến trong chuyến bay từ hôm trước để chuẩn bị sân bay cho toàn sư đoàn đến vào hôm nay. Từng chiếc Yak-3 (loại tiêm kích có tốc độ rất cao của không quân Xô-viết) lần lượt hạ cánh trên sân bay và ngay lập tức được đưa về hầm trú ẩn. Bỗng nhiên, trên không xuất hiện một chiếc Yak có những biểu hiện không bình thường: nó bốc khói, và hình như có cả lửa nữa. Tiếng động cơ phát ra nặng nề và có vẻ không bình thường. Nó lại nặng nề lấy độ cao, và biến mất trong tầm quan sát của mọi người trên sân bay.
Khoảng 15 phút sau, chiếc máy bay lại quay lại. Mọi người hiểu rằng phi công vẫn đang nỗ lực để cứu máy bay.
- Alô, Đờ Xây-nơ… có chuyện gì xảy ra thế? Anh có nghe rõ không?
Những tiếng gọi lao xao trên làn sóng vô tuyến điện bằng cả tiếng Nga và tiếng Pháp. Phi công nghe tốt và đã trả lời. Chiếc máy bay đã gặp tai nạn. Bây giờ lửa đang bốc trong khoang lái, phi công vị bỏng cả hai tay và mặt, bây giờ anh không thể nhìn thấy gì.
- Chúng tôi cho phép anh bỏ máy bay, nhảy dù!
Tất nhiên, ở vị trí của người chỉ huy, thà cứu được phi công còn hơn mất cả ba: máy bay, phi công và người thợ máy.
Những gì diễn ra trong suy nghĩ của Phi công có lẽ bây giờ chỉ có thể tìm hiểu được trong trí tưởng tượng của chúng ta. Anh có dù, thật thế. Nhưng người Bạn thợ máy ngồi phía sau thì không…
Anh nhớ đến Mẹ, nhớ đến nước Pháp thân yêu và tươi đẹp. Đã mấy năm anh xa quê hương và giờ đây, cùng với các bạn chiến đấu Anh đã đến rất gần Tổ quốc của mình. Có lẽ, Anh sẽ thất hứa với Mẹ rằng mình sẽ trở về.
Và, cũng có lẽ, đây là lần đầu tiên và là lần cuối cùng Anh không tuân lệnh cấp trên. Anh hiểu, Anh không thể bỏ người Bạn thợ máy ở phía sau ghế lái của mình, người đồng đội “không bao giờ bay cùng” của Anh. Có lẽ, giờ đây “Thần hộ mệnh” Vô-lô-đi-a của Anh cũng sẽ bất lực…
Phi công Pháp Pierre Lorillon (Pi-e Lô-ghi-ông) đã hạ ba máy bay Đức trên chiếc Yak này |
Những nỗ lực của Phi công đã là tuyệt vọng, chiếc máy bay nổ tung và rơi xuống đất đem theo trên mình hai người con của hai đất nước: Phi công Mô-rít-xơ Đờ Xây-nơ và Thợ máy Vla-đi-mia Bê-lô-đúp. Đất mẹ Xô-viết đã dang rộng cánh tay như một bà mẹ hiền đón cả hai đứa con, cả con đẻ và con nuôi vào lòng mình. Với Mẹ, thì con nào cũng là con…
“Tôi chỉ có một đứa con trai. Nó đã có thể thoát chết… nhưng trong trường hợp đó gia đình tôi sẽ mang tiếng xấu. Con tôi đã làm đúng, đã hành động cao cả…” (Trích thư của mẹ phi công Mô-rít-xơ Đờ Xây-nơ).
Năm 1960, một bộ phim do Pháp và Liên Xô làm chung, mang tên Normandie-Niemen đạo diễn Jean Dréville và Damir Viatich-Berejnykh. Trong bộ phim Giải phóng nổi tiếng của điện ảnh Xôviết cũng đề cập một đoạn đến Trung đoàn nổi tiếng này, nhưng việc phi công cứu nhau được hư cấu hơi khác ngoài đời, anh phi công Pháp hạ cánh cứu anh phi công Nga bị bắn rơi và hai người cùng chết trong một chiếc máy bay.Chắc đạo diễn làm thế để tăng tính sử thi, anh cùng ca chăng?
Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Phát xít tại Mátxcơva có mặt đại diện của Trung đoàn Normandie - Niemen.
Tham khảo thêm ở Wiki
Bài được tập hợp từ nhiều tài liệu rất cũ nên hồi đó có nhiều phiên âm theo kiểu cũ, tôi giữ nguyên không chỉnh sửa. Bắt đầu tập hợp tài liệu từ tháng Chín năm 2004, đến tháng Tư năm 2005 thì xong. Chỉnh sửa, bổ sung tháng Mười một năm 2011.
Cảnh phim Normandie - Niemen năm 1960
Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Phát xít tại Mátxcơva có mặt đại diện của Trung đoàn Normandie - Niemen.
Tham khảo thêm ở Wiki
Bài được tập hợp từ nhiều tài liệu rất cũ nên hồi đó có nhiều phiên âm theo kiểu cũ, tôi giữ nguyên không chỉnh sửa. Bắt đầu tập hợp tài liệu từ tháng Chín năm 2004, đến tháng Tư năm 2005 thì xong. Chỉnh sửa, bổ sung tháng Mười một năm 2011.
No comments:
Post a Comment