Affiche phim Giải cứu binh nhì Ryan |
Không phải bỗng dưng mà cuộc chiến thu hút được nhiều sự chú ý đến thế, ngoài sự khốc liệt không cần phải bàn cãi – nhưng có lẽ còn có một ý nữa: đó là một cuộc chiến của chính nghĩa chống lại bạo tàn, khi mà một bên là Chủ nghĩa bạo lực, còn bên kia, phe đồng minh có cả đại diện của một chế độ xã hội hoàn toàn khác: xã hội chủ nghĩa. Liên Xô như một người lạ, nhưng lại như một hiệp sỹ trên tuyến đầu chống lại chủ nghĩa phát-xít. Đương nhiên, sau chiến tranh người ta cố gắng hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến, chắc hẳn các nhà làm phim Phương Tây khó tránh được cái nhìn đó.
Bộ phim đầu tiên mà bài viết đề cập, là phim “Giải cứu binh nhì Ryan” (Tom Hanks vai Capt. John H. Miller; Matt Damon vai James Francis Ryan… đạo diễn Steven Spielberg). Sở dĩ tại sao người viết lại nói đến “Binh nhì” (từ đây xin gọi tắt như thế) đầu tiên, vì mấy năm gần đây, hòa nhập với phong trào “chơi HD” một số anh bạn học Mỹ về của tác giả bài viết họ khen nức nở những bộ phim Mỹ về đề tài chiến tranh thế giới lần thứ 2, điển hình là Binh nhì. Khi gặp câu hỏi của người viết: “thế mày thích gì ở bộ phim đó?” – câu trả lời: “Phim đó nó… thật (!)”. Hỏi kỹ ra, “thật” ở đây là những cảnh tim gan phèo phổi của lính Mỹ phòi ra ngoài, rồi cảnh người lính nhặt cánh tay của mình đi loăng quăng trên chiến trường… Tác giả bài viết đã xem phim này từ hồi băng video nhòe nhoẹt và thú thật hắn không còn nhớ rõ nội dung lắm, một phần vì thời đó trình tiếng Anh còn phọt phẹt nên chẳng hiểu mấy. Bây giờ xem lại, bản HD rõ ràng, tiếng Anh phụ đề chuẩn và thật bất ngờ - hắn ta thất vọng. Những tưởng được xem một pho sử thi hào hùng về người lính đổ bộ lên bãi biển Omaha, thì hắn lại được xem một câu chuyện lãng xẹt về việc một nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ được cử đi tìm một anh chàng binh nhì nào đó chỉ vì anh ta đã có đến 2 hay 3 người anh ruột đã hy sinh trong cuộc chiến. Với tư tưởng bị ảnh hưởng quá lâu về chủ nghĩa anh hùng tập thể, hắn ta không thể hiểu nổi tại sao lại có thể có cái “chủ nghĩa nhân đạo kiểu Mỹ” đó. Tại sao để cứu một người con trai duy nhất còn lại trong gia đình Ryan, người ta phải hy sinh đến dăm bảy người lính khác? Tất nhiên về cuối phim chính người được đi cứu từ chối việc được cứu, và ở lại tham gia chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ chiếc cầu, và chỉ là một trong vài người sống sót nhờ may mắn. Phải nói rằng, nếu chiểu theo “chủ nghĩa nhân đạo kiểu Mỹ” đó thì Việt Nam ta làm gì có các “bà mẹ, ông bố Việt Nam anh hùng” – gia đình Việt Nam có dăm bảy người con hy sinh trong chiến tranh là chuyện thường, có ai cử cả một toán đi cứu đâu. Trong phim, một ông tướng nào đó gọi điện ở tận Mỹ sang Pháp sai một nhóm lính đi cứu một – xin lỗi các bác – một thằng cha căng chú kiết nào đó ở bên kia thành phố, khi mà chiến sự đang nước sôi lửa bỏng, khi mà chiến tranh còn biết bao việc cần hơn phải làm. Có lẽ phải sống ở nước Mỹ một thời gian lâu lâu mới có thể hiểu được điều đó, còn với người viết, chẳng bao giờ có thể hiểu được.
Affiche phim "Kẻ thù trước cổng" |
Một bộ phim người viết rất thích, xem đi xem lại nhiều lần – Kẻ thù trước cổng (Enemy at the gates) không phải vì nó hay, mà là vì hắn ta thích người anh hùng Vaxili Daixép. Trước đây Liên Xô đã từng có phim về người anh hùng này, hắn không còn nhớ tên của phim cũng như nội dung của nó. Khi bộ phim của đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud ra công chiếu hắn đã háo hức và tìm về xem ngay, từ HBO đến DVD và bây giờ là HD. Thực sự đây làm một bộ phim đem lại nhiều cảm xúc.
Trước đây dịch giả Lý Thế Dân đã từng có bài dịch lại cảm nhận của một bạn Nga: “Idiocy at theGates” (Kẻ ngu trước cổng). Đại khái, anh bạn Nga đó chê bộ phim là làm về những người “lính Mỹ trong quân phục Hồng quân”. Nhân vật được khen duy nhất là thiếu tá Đức Koenig, đối thủ của Daixép “Đúng là kẻ thù”. Thực sự, đó là những cảm nhận đúng – vì chúng là của người Nga, viết nên những nhận xét về một bộ phim nước ngoài làm về dân tộc mình. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp những bộ phim của Hồng Kông, hay như phim Rambo của Mỹ làm thể hiện người lính Việt Nam trông thật buồn cười. Phim của Annaud không đến nỗi như thế, ít nhất là ở mức độ khán giả Việt Nam chúng ta khó nhận biết được. Có lẽ chỉ có người Nga mới có thể cảm nhận được những hạt sạn đó. Với người viết, mỗi khi xem phim ngoài những hạt sạn, thì vẫn là sự “khoái cảm” đem lại khi chứng kiến chiến thắng của người anh hùng Daixép mình vẫn yêu thích. Thế là đủ. Một lý do nữa mà hắn thích phim đó, chính là do trong đó có đến hai diễn viên hắn ta rất thích đóng vai chính: Jude Law (Vaxili Daixép) và Rachel Weisz (Tania Chécnôva).
Affiche phim "Trân Châu cảng" |
Một bộ phim nữa cần kể đến, đó là Trân Châu Cảng (Pearl Harbor – Đạo diễn Michael Bay, các vai chính do Ben Affleck, Josh Hartnett, Kate Beckinsale đóng). Dù Ben Affleck cũng là một diễn viên yêu thích, nhưng ngoài ấn tượng về những chiếc tàu cháy, về những màn không chiến bằng kỹ xảo điện ảnh hiện đại… thì người viết thất vọng về những chuyện yêu đương nhảm nhí tay ba tay tư gì đó trong phim.
Cái nổi lên trong những bộ phim này, đó là chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Phim Liên Xô và Nga có không? Cũng có, nhưng ít thôi. Lát nữa chúng ta sẽ nói đôi chút đến chuyện này.
Affiche phim "Inglourious Basterds" |
Mở đầu thật ấn tượng với bản nhạc “The Green Leaves of Summer” được lấy từ bản ballad của nhạc sỹ Ucraina Đimitri Chiômkin (1894 – 1979) – thật tuyệt vời. Nó như đưa ta quay trở lại với đúng Châu Âu thời chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một sự mở đầu không thể tuyệt vời hơn. Sự thể hiện của chương đâu bộ phim về một tên quốc xã (Hans Landa – đại tá SS do Christoph Waltz đóng) đã thành công trong khắc họa một hoạt động tội ác của phát-xít Đức: tiêu diệt người Do Thái.
Hình tượng những người lính Mỹ gốc Do Thái được tung vào sau lưng địch do nhóm Brad Pitt thủ vai cũng thành công (anh chàng này cố chìa cái môi dưới ra, nói theo từ chuyên môn của các nha sỹ là “khớp cắn ngược”, nói giọng Ái Nhĩ Lan của người miền Nam nước Mỹ xem thật thú vị). Tuy nhiên, đúng là Taratino chỉ làm được phim bạo lực khủng bố mà không làm được phim chiến tranh chăng? – khi ông ta cho cái nhóm kia được tung vào tận sau lưng quân Đức chỉ để đi giết chóc lính Đức một cách dã man, tàn bạo và thiếu học thức.
Gã trung úy bạo lực do Brad Pitt thủ vai |
Nhóm thứ hai trong phim dành cho cô gái Pháp Do Thái do Mélanie Laurent đóng và cộng sự da đen của cô ta và một nhân vật nữa là cô diễn viên Đức Diane Kruger đóng (cô này đóng vẫn dở như trong “National Treasure” - phim đóng cùng Nicolas Cage). Hoạt động của nhóm này bắt đầu mang tính tổ chức hơn, “tình báo” hơn và sự liên kết giữa hai nhóm do cô diễn viên thực hiện. Người viết không hiểu tại sao nếu với một bộ phim tình báo, chống phát-xít mà đạo diễn lại để cái đoạn đánh bài, rồi xô xát trong quán rượu diễn ra một cách ngốc nghếch với những người hoạt động sau lưng địch như thế (người viết chỉ đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ tình báo hoạt động vùng địch hậu thôi, chứ không đánh giá về điện ảnh).
Một điều rõ ràng nhất chứng tỏ Quentin Tarantino không có ý định làm một bộ phim nghiêm túc về đề tài chống phát-xít; đó là việc ông hư cấu cho hai nhóm chống phá thực hiện thành công âm mưu ám sát Hít-le và bộ sậu (Goebels, rồi gì gì nữa…) chết ráo cả - thật kỳ lạ! Lãnh tụ Đế chế thứ ba đi xem phim ở Paris gì mà công tác bảo vệ an ninh thật sơ sài và tồi tàn, chỉ vài thằng lính lèo tèo. Công tác chuẩn bị chống khủng bố phá hoại cũng hoàn toàn không có gì, ngoài anh chàng đại tá SS mà chúng ta vừa đề cập, anh ta chạy loăng quăng, nói năng lắt léo ở ngoài hành lang trước giờ chiếu phim… và chỉ có thể phát hiện âm mưu khi quá muộn. Về phía quân ta thì mấy ông lính Mỹ đóng giả “các nhà làm phim người Italia” quá liều mạng khi quyết định mò đến buổi chiếu mà không biết cả tiếng Đức, Ý lẫn Pháp. Ấy thế mà bọn phát-xít Đức để cho “các ổng” lọt vào dễ như chơi. Ngớ ngẩn!
Tóm lại, nếu như “Kẻ thù trước cổng” thể hiện những người lính Mỹ trong quân phục Hồng quân thì “Định mệnh” (tên ngoài các rạp Hà Nội của “Inglourious Basterds”) là một phim cao bồi – bạo lực khủng bố lấy bối cảnh chiến tranh thế giới hai – núp bóng chống phát-xít.
Bộ phim “kéo lại” được bằng phần nhạc – có đến 4 bản nhạc của Ennio Moricone (người viết những bản nhạc nổi tiếng cho các phim cũng nổi tiếng như “The Good, the Bad, the Ugly” hay “Le Professionel” (với hai bản tuyệt hay là “Chi Mai” và “Le Vent Le Cri”)) Đó là các bản The Verdict (Dopo la Condanna); The Surrender (La Resa); Un Amico và bản Rabbia e Tarantella. Tuy thế, bộ phim kết thúc một cách khó hiểu khi mà anh chàng đại tá Đức để đảm bảo cho sự đầu hàng an toàn của mình trước quân Anh, tha chết cho Trung úy Mỹ đã bị hắn ta bắt được (Brad Pitt), ấy thế mà vẫn bị “người hùng” trung úy dùng dao găm rạch trán thành hình thập ngoặc rất bạo lực. Đoạn này ngoài các rạp Việt Nam người ta cắt mất. Cũng phải thôi! Người viết thật liều mạng, dám chê một phim ăn khách, nhiều người khen, được Oscar… nhưng thôi, chấp nhận – cứ cho là người ta sẽ chửi hắn, rằng không biết thưởng thức, rằng không thuộc diện khán giả được kén. Hắn sẽ thanh minh ngay đây.
Người viết đồ rằng Quentin Tarantino chẳng xem nhiều phim về chiến tranh, nhất là phim… Liên Xô. Ông ta chắc hẳn cũng chưa đọc “Tuyết bỏng” (Горячий снег) của Iuri Bônđarép. Người lính Nga không phải là những người lính chuyên nghiệp. Họ là những người mujik vẫn còn gắn tâm hồn với cánh đồng Nga bát ngát. Đêm đến, họ không ăn diện quân phục phẳng phiu, đi bar, đi nhảy như lính Mỹ. Đêm đến, họ phải nằm trong chiến hào lạnh giá hoặc lõng bõng nước, chỉ mong đêm đó được diễn ra trong yên tĩnh, vì ngày mai họ đã có thể hóa thành một con sếu bay qua trên bầu trời (Quan niệm của người Nga cho rằng sau khi hy sinh, linh hồn của người lính sẽ biến thành con sếu bay đi).
Trước đây từng có bộ phim Mỹ (Abrige too far), những người lính Mỹ vượt sông nhưng không có thuyền và họ ngồi chờ cho đến khi những cái thuyền được đem đến. Nếu là người lính Nga, anh ta đã vượt qua bằng tất cả những phương tiện có được trong tay, cho dù là một khúc gỗ bạch dương!
Nếu xem “Thanh kiếm và lá chắn”; “Nhicôlai Cudơnhétxốp – người tình báo anh hùng” thì những người được tung vào sau lưng địch thành công đã là rất khó khăn. Họ không được phép manh động, mọi hoạt động phải tuân theo những kế hoạch chiến thuật và chiến lược. Giữ được mạng sống của người tình báo đã là một chiến công! Chúng ta không thể quên bộ phim mà những người trinh sát hoạt động địch hậu đã hy sinh là phải hoàn thành được nhiệm vụ cao cả nhất có thể được: Tinh cầu (Звезда - 2002). Vì thế người viết mới chỉ trích Tarantino từ khía cạnh đó – nếu định làm một bộ phim tình báo nghiêm túc ông ta đã không có được thành công.
Một trang web của Nga, khi viết về “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” đã viết “một bộ phim tình báo tuyệt vời, không thể so sánh với những thứ ngu ngốc như James Bond (tiếng Anh người ta viết là “foolish James Bond”)”. Đúng vậy, những tiểu thuyết Liên Xô (Tháng tám năm Bốn tư, Sợi chỉ mỏng manh, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân…) không phải bỗng dưng trở thành giáo trình trong các trường của lực lượng tình báo, an ninh. Đó là những tuyệt phẩm về chuyên môn nghiệp vụ an ninh, tình báo.
Viết bài này, người viết cứ nghĩ đến những bài hát Nga về cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Hầu như bài nào cũng buồn, nó như thể hiện tâm trạng của tất cả những người Nga trước, trong và sau chiến tranh. “Ngày Lễ lệ tràn mi” lại sắp đến, cùng với tâm trạng háo hức chờ xem những hoạt động kỷ niệm ở nước Nga vẫn là cái tâm trạng buồn buồn đó đã lây sang cả những người Việt yêu nước Nga như chúng ta. Nào, xin mời, chúng ta lại hát, lại nghe lại “Đàn sếu”, “Chiếc khăn xanh”, “Cây thanh lương trà”… và tưởng nhớ đến những người anh hùng giản dị của chúng ta – người lính Nga.
Inglourious Basterds - Official Trailer 2 [HD]
Bài viết thể hiện quan điểm của một tay pro Nga.
Đọc thêm "Inglourious Basterds xứng đáng "kén khán giả"
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment