Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, December 24, 2011

"Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ"

Xe đạp Peugeot
Mấy ông anh trong câu chuyện nước chè vỉa hè, có lần nói, bây giờ các em sướng, thích cái gì có cái ấy. Hồi đó mới giải phóng, bọn anh 3 năm mới lắp được cái xe đạp. Năm nay mua phân phối cái khung, sang năm đôi vành… cứ thế cho đến khi nào đủ thì ráp.

Ngày ấy, ông ngoại tôi cho mẹ tôi cái xe đạp Aniella của Pháp cũ, khung dài thưỡn, lúc nó cũ rích rồi, nhìn phát chán. Ở chợ Giời, người ta hay buôn xe Thống Nhất “rởm”, là khung được hàn gia công “hợp tác xã”, phụ tùng cũng gia công luôn. Bác nông dân nào vác cục tiền gói gói trong khăn mùi xoa từ quê ra, múc phải “con Thống Nhất” rởm đó có mà “hạn” nặng.

Tầm 1976, 1977; tôi còn ở bên Đông Anh, chỗ bà già dạy học, tuần mới về Hà Nội được một tối thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Hồi đó, với các cán bộ “cỡ” (xã, huyện…) thì thông dụng là Thống Nhất nam, hoặc Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu… hết thảy đều có bông hoa hồng rung rinh ở trước ghi-đông. Cái anh Phượng Hoàng còn có cả pha đèn to tướng, trên có công tắc bên này chiếu xa, bên kia chiếu gần như xe máy.

Đến những năm 1980, Hà Nội thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc Pơ-giô mới keng, do các gia đình có người nhà Việt kiều Pháp gửi về. Có cái Pơ-giô cổ rụt đời đầu, màu da đồng là kinh lắm rồi. Về sau ra Pơ-giô cổ cao, màu xanh ngọc... còn choáng nữa. Xe bê cũng nhẹ, đi nhẹ bâng bâng công nhận là sướng. Nó đưa ra một khái niệm khác về xe đạp, không phải cứ phải bê nặng trình trịch như con Vĩnh Cửu mới là tốt. Cái xe đạp Pơ-giô là chuẩn mực về kỹ thuật cho xe trong nước, tất cả các thiết kế từ tổng thể đến chi tiết của nhiều nhà sản xuất xe đạp trong nước đều rập khuôn theo xe Pơ-giô.

Về sau có nhiều xe của khối các nước XHCN. Người nhà kể, hồi tôi nằm trong bụng mẹ, “bà cụ” 23 tuổi, béo như con cun cút, người lại thấp nên đi lại bằng cái xe đạp thiếu nhi của Liên Xô, sơn màu xanh ga-lu-bôi (*) thẫm thẫm. Lúc tôi lớn vẫn còn cái xe vành 500 đó, đi khá tốt, với trẻ con thì phóng chiếc đó rất thú vị. Về sau, người ta mang về cái Balkan hình dư là của Bungari thì phải, đẹp choáng váng. Nó thường có màu đỏ, hoặc da cam. Xe Điamăng, về sau là Mifa của hãng IFA (CHDC Đức), có thời bán hai chiếc mang Tây về, mua được cái nhà mặt phố Hà Nội. Xe này dáng đẹp, thanh mảnh, phù hợp với dáng cao, kiêu sa, đài các của gái đẹp Hà Nội, thêm cái nón + áo dài nữa thì nhất. Đằng bánh sau thường có lưới dây chun chun ngũ sắc đan ở chắn bùn, chắn không cho quấn áo dài vào bánh xe, rất thích hợp. Hình như IFA người ta cố tình chế tạo cái xe đó cho gái đẹp Hà Thành mặc áo dài thì phải.

Xe MIFA đẹp, bê vác nhẹ nhưng chất lượng vừa phải, hơi õng ẹo, nhất là lúc cũ cũ đi rồi. Do đó, dòng xe của Tiệp ngon hơn, tuy hơi nặng hơn một chút. Hồi đầu là Favorit, sau là ESKA… xe chắc chắn, đạp nhẹ, đi sướng lắm.

Vì thế, hồi đầu chuẩn mực của “đại gia” là xe đạp:
Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi “lơ” (Pơ-giô (PEUGEOT) => lơgiô => “lơ”)
Mặt rỗ đi “lơ” không bằng anh gù đi “Cúp”…

Velo-Solex
Từ thời Pháp vẫn tồn tại những chiếc Solex (Sôlếch mù) có động cơ chạy bánh tì ở đằng trước, nếu không thích thì buông tự do ra đạp như xe đạp. Lên dòng xe gắn máy (vẫn đạp được) thì có nhiều loại hay ra phết.

"Cá ươn"
Đầu tiên phải kể đến chiếc Mobylette. Hồi đó, nó hay sơn màu xanh, nên đường gọi là “Cá xanh”, về sau còn trại thành “Cá ươn”. Đời trước nữa, béo béo, bình xăng tròn tròn, có đời không có giảm xóc, còn được gọi là “Cá thối”. Xe này là của hãng Motobecane bên Pháp, về sau hãng này còn ra một số đời mới vành đúc, dáng thể thao rất đẹp, nhưng rất hiếm. Cái này nó là dòng Motobecane GT. Mobylette đời sau cùng có yếm, màu cá vàng, được gọi là “cá vàng”, chứ không phải là xe Pơ-giô như trong câu hát sau này.

"Cá thối" Mobylette AV-44
Cùng thời với xe đạp Pơ-giô, là xe gắn máy Pơ-giô. Hồi đầu, có cái 101 be bé, rồi 104, 105… nhưng chuẩn mực về đẹp là chiếc 103 màu sữa, có hai đời: đời trước, “đầu trắng” (cái vỏ nhựa của pha đèn cùng màu trắng sữa với xe), đời sau “đầu đen”.

Honda C70 DD
Cùng thời với HONDA C70 DD “chuyên gia châu Phi” là Pơ-giô 102 City, nhỏ nhẹ, thanh mảnh, trông thật duyên dáng. Thậm chí bây giờ thỉnh thoảng có cô gái chơi theo mốt cổ, chạy chiếc City trong Sài Gòn kèm áo dài, tôi thấy vẫn rất đẹp.

Peugeot 103 màu sữa, "đầu đen"
"Một yêu anh có Sen-kô
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô..."

Peugeot 102 City
HONDA Dame 50. Nhìn ảnh như "Phương án ba bông hồng" luôn!
Sau giải phóng tràn ra từ trong Nam là những chiếc HONDA mới lạ. Đầu tiên phải kể đến HONDA Dame C50 đời “Ông Thiệu”. Lần đầu tiên, Hà Nội biết đến xe máy động cơ bốn kỳ cỡ nhỏ. Cả một cuộc cách mạng! Dành cho thanh niên muốn thể hiện chất “đàn ông, thể thao” có HONDA ’67, thực chất là hai dòng: SS50V (bô thõng) và SS50M (bô vắt thể thao). Về sau còn có các đời: 68, 72… mãi đến những năm 1980 mới có xe CD. Tầm năm 1986 có cái CD90 BENLY “hoàng tử đen”, đắt hơn xe C70 DD đỏ ớt nhiều. Bây giờ mới biết cái xe đó, nông dân Nhật người ta dùng để chở phân ra đồng, chứ hồi đó ai biết đâu!

HONDA SS50 "xe 67" "phương tiện chiến đấu" của cướp cạn Sài Gòn và cả SBC
Cũng có các dòng YAMAHA, SUZUKI, KAWASAKI từ trong Nam mang ra, nhưng toàn xe 2 kỳ, người ta không chuộng bằng dòng 2 kỳ “dân chủ”.

SIMSOM MOFA
SIMSOM "Habicht" đời trước
Nói đến xe “dân chủ”, thì hồi đó Hà Nội dần dần tràn ngập dòng xe này. Hồi đầu, các bác đi Đức về vác được chiếc SIMSON MOFA, xe gắn máy đạp được như xe đạp. Ông bác họ tôi còn 1 con, mãi cách đây tầm 5 năm khi ông ấy chết mới được thanh lý, còn nguyên bản. Tôi không có nhà, về nhà mới được biết “cụ đã đi” theo ông chủ, tiếc hùi hụi. Sau đó là các dòng Habitch cũng của hãng IFA. Đời đầu, đèn rời, chạy quạt gió, máy cực bền. Đời sau, đèn liền, không quạt gió, thường màu xanh rất đẹp, xe có yếm, bánh sau kín một nửa. Hai chiếc này, cùng chiếc eTZ 150 “sư tử chồm, sáu lần vô địch thế giới” của ông Tạ Đình Đề huyền thoại, đều có cơ cấu giảm xóc trước kiểu “quỳ”, đòn bẩy rất êm.

SIMSOM "Habicht" đời sau
SIMSON "Comfort S51"
Dòng SIMSON “mokick” của IFA thì quá nổi tiếng, đến tận bây giờ người ta vẫn hoài niệm về nó. Hồi đầu, bình xăng gồ, cũng 3 số như Habicht. Về sau, bình võng, 4 số. Về sau nữa, ra các đời Comfort S51, S70 (70 phân khối), Electronic S51 (đỉnh nhất là màu xanh “đu đủ” thực chất là màu bộ đội hay rêu sẫm gì đó), Enduro ghi đông cao, bô vắt thể thao màu bạc bạc.

SIMSON SR50 Scooter
Người sau có thơ rằng:

Nó ở Tây về có máy khâu
Ra đường ăn mặc đúng mốt Âu
Chiều chiều mô-kích bay dạt phố
Hàng phố (thiên hạ) nhìn theo kháo nó giàu

Bài ca dao hiện đại này thể hiện đúng hình ảnh của một anh thanh niên đi Đức về. Cái xe SIMSON đầu nó nhẹ bâng bâng, máy hai kỳ lại bốc, chạy nhanh hầu như tiếng bô rất khẽ… nên cái hình ảnh bay dạt phố, nghe đã đúng chất SIMSON – mokick rồi. Mấy anh đó thường diện kèm mũ cát két, quần bò, quần nhung thụng, áo khoác gió cánh dơi và giày thể thao Đức, như Adida's, Puma… nhìn chung là thôi rồi Lượm ơi.

Dòng SIMSON khung nữ là chiếc SR50, bánh bé, nó thuộc loại Scooter, rất dở. Động cơ vẫn là của SIMSON, nhưng do lắp kín vào trong, nên cái cần khởi động phải dòng dài ra ngoài rất khó đạp, vướng víu. Đời sau, người ta ra loại có “đề” – khởi động bằng điện, máy rất tồi.

JAWA
Babetta
Xe Tiệp, có cái xe gắn máy JAWA, đời đầu ghi-đông thấp, đời sau cao ghều lên. Còn sau nữa, là hàng loạt chiếc Babetta “bình xăng cụt” (ba bét nhè) được nhập về theo chân các anh xuất khẩu lao động Tiệp. Cái xe này không thích hợp với thanh niên, nhưng một dạo cũng là tiêu chuẩn mơ ước của một gia đình miền bắc Việt Nam. Dòng xe nam của Tiệp là cái JAWA 350, chẳng mấy được ưa chuộng vì nó bự kềnh, nhìn phát hãi.

Bây giờ, ba-bét-nhè hầu hết biến thành các "hung thần", "sát thủ" Thạch Thất như thế này:



Xe máy Liên Xô thường chẳng mấy ai chuộng. Tướng cướp Ngọc Tuyền hồi đó thường đi cướp bằng “Con thỏ xanh” (Vaskhốt 2M) 125 phân khối, 2 ống xả hai bên, chiếc này thuộc loại khá, nhưng hồi đó cũng đã bắt đầu hiếm. Đuổi theo Ngọc Tuyền là anh công an Vũ Linh, chạy chiếc IZH 350  phân khối, là chiếc Jupiter của Liên Xô, màu đen, to kềnh càng. Về sau, những năm 80, người ta vác về chiếc Vaskhốt 3M 175 phân khối còn nặng nề nữa. Rộ lên đến tận bây giờ, là chiếc Min-khơ do dân xuất khẩu Liên Xô vác về. Bây giờ, nó chạy hàng đàn như cơn lốc từ Tân Thanh về Lạng Sơn.

IZH "Jupiter" - 1971
VOSKHOD 3M
Dòng xe tư bổn, hồi đầu tập trung vào dòng xe bãi “vốt-cô” do thủy thủ Hải Phòng vác về. Cub 78, 79, 80, 81, 82… máy cánh, máy cối đủ cả. Về sau, những xe “bãi” này tràn về từ Campuchia, nên gọi là xe “Mộc Hóa” (qua các cửa khẩu Mộc Hóa, Mộc Bài ở Tây Ninh).

Một hồi, người ta thịnh hành loại Cub 81 “kim vàng giọt lệ, lỗ bô to” - “tốt hơn DD”. Màu ốc bươu, C70 có khi còn đắt hơn DD. Thật ra, nó đắt chắc vì nó hiếm, DD dù sao hồi đó được vác về nhiều, dễ mua hơn.

Đến thời của xe Dream Thái, chắc là kết thúc câu chuyện này ở đây được rồi.
_____________________
(*) xanh da trời (tiếng Nga)
Bài post trên Diễn đàn NuocNga.net ngày 8 tháng Mười hai năm 2011

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Xe SIMSOn loại đèn cố định có Habich và Star đúng không bác Phúc Lai???

    ReplyDelete