Nhà đối diện đập đi xây lại, ầm
ĩ, mù mịt nửa năm nay chưa xong. May mà hai bạn nhỏ đi học cả ngày nên ít phải
chịu đựng, vì đến tối các chú các bác ấy nghỉ, không gian yên tĩnh và trong
lành hơn ban ngày được một chút.
Công trình gần kết thúc, có tốp
thợ sơn tường đến làm việc, trong đó có một bác rất khiếp. Cởi trần trùng trục,
cơ thể cường tráng của bác ta luôn luôn bám một lớp mát tít bả tường trắng mịn
như bột mì, nhưng vẫn không che được những hình xăm trên ngực và lưng. Những hình
xăm mờ mờ không rõ, kiểu xăm của thời cách đây vài chục năm với những hình thù
nguệch ngoạc, vụng về chứng minh một thời ngang dọc, giang hồ. Khuông mặt góc cạnh
của một người đàn ông từng trải, sóng gió và rất đặc biệt. Hai con mắt, bên phải
to tròn, gần như lúc nào cũng trợn lên còn con mắt kia thì biến mất, vì nằm
trong một cái hốc mắt đã rúm lại, da xung quanh nhăn nheo như bị bỏng. Mái tóc
cứng, dựng đứng tua tủa như rễ tre, tự dưng bị mất hẳn một đám lớn bằng bàn tay
bên góc trán trái. Chỗ này, cái đầu của bác ta lõm xuống, như một quả dừa bị
người ta dùng con dao phay sắc lẹm vạt đi một góc vậy. Rất có thể đó là một vết
chém. Trông bác, ta có thể tưởng tượng ngay nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn
của Nam Cao.
Ngày ngày mình đi ra đi vào, vẫn
gặp bác ta ngồi làm một cách cần cù ở cửa nhà đối diện, lúc sửa cái này, lúc
nghiền cái khác… Chẳng biết thế nào, cũng chẳng cần đoán già đoán non làm gì, lần
nào mình cũng chào bác ta và nhìn với một ánh mắt thân thiện. Và cuối cùng thì
bác ta chủ động bắt chuyện.
“Em năm nay bốn sáu, chưa vợ.
Lái xe tải từ năm mười sáu tuổi. Ba năm trước ở trong Vũng Tàu em bị tai nạn,
xe ô tô tải khác chẹt qua đầu em vỡ một góc sọ đây, bây giờ em ra như thế này.”
“Hồi đó bệnh viện họ có lót cho anh miếng gì cưng cứng dưới da không?” “Dạ
không ạ.”
Anh ta lật mũ – cái miếng da
lõm xuống, phập phồng, phập phồng. “Anh cố gắng thường xuyên đội mũ cứng, chứ
“bộp” thêm cái nữa nhỡ có vật gì chọc vào là hết đời luôn.” “Vâng, nhưng mà em
vẫn ẩu lắm.”
Một ngày chở hai con đi chơi
ngoài đường, không nhớ nói chuyện gì mà nói đến một ý, là không nên đánh giá
người khác qua hình thức hoặc biểu hiện bên ngoài. “Ba không rõ Nhi Bá có để ý
không, chứ ở nhà trước cửa nhà mình đang xây, có một bác thợ có bề ngoài rất dị
dạng, đã thế người đầy xăm trổ kiểu… đầu gấu ngày xưa.” “Có, con có để ý bác ấy.”
“Con có sợ không?” “Dạ không ạ, vì lần nào gặp bác ấy con cũng đi cùng ba mà.”
Ồ cảm ơn con trai, thế là con
thấy ba vẫn là người đáng tin cậy nhất nhỉ?
“Lần đầu gặp bác ấy, ba nhớ
ngay đến một chuyện. Hồi học trung học, ba học ở một trường mà trường đó thì nằm
trong một khu vực thuộc loại “đầu gấu” của thành phố. Xung quanh trường các
thanh niên lêu lổng, ít học hành… tụ tập nhiều, vì họ sống trong các khu tập thể,
khu dân cư quanh đó… Hồi đó kiểu thanh niên mặc quần áo bộ đội, hay dùng dao kiếm
để “xử lý” nhau người ta gọi là “quân khu.” Có một anh rất dữ dằn, hay bắt nạt
người khác và lần này bắt nạt một anh khác yếu thế hơn. Đánh mãi chưa chán, thấy
anh yếu hơn bỏ chạy về nhà, còn đuổi theo về tận nhà. Anh kia chạy vào nhà, thì
đạp cửa xông vào theo. Đang hăng máu mà. Không ngờ anh kia có thanh kiếm Nhật
(thời đó có nhiều kiếm của lính Nhật để lại từ thời xâm chiếm nước ta) dựng sau
cửa, rút ra chém một nhát, bay một mảnh sọ ở góc trán. Về sau chỗ đó không mọc
lại được tóc, lõm xuống và cái anh kia lúc nào cũng phải đội một cái mũ để che.
Và anh ta cũng hiền lành hẳn.” “Thế cái anh chém kia, có sao không ba?” “Thật
ra ba chỉ nghe kể chuyện và gặp cái anh bị chém lúc sau này, mỗi lần nhìn chỗ sọ
lõm xuống, phập phồng của cái anh ấy, ba thấy sợ. Không phải sợ gì cái anh ấy,
mình có làm gì đâu, nhưng sợ có cái gì đâm vào thì chắc là chết… Lúc đầu, cái sọ
lõm của bác thợ ở trước cửa nhà mình cũng làm ba ngờ đó là một vết chém. Lúc
bác ấy nói là tai nạn ba mới nghĩ mình phi lý, vì bác ấy còn vỡ cả mắt trái nữa,
nghĩa là sọ bị vỡ khá nặng…”
“Con thấy không, không nên
đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài và những cảm nhận của mình. Cảm nhận
của mình hoàn toàn có thể sai lầm về người khác. Nếu như mình nghĩ người khác
là một người đầu gấu, và dùng thái độ đề phòng – thì kể cả vẻ mặt, ánh mắt của
mình hướng về người ta, cũng sẽ thể hiện ra và người ta có thể cảm nhận được. Từ
đó, người ta có thể sẽ có thái độ không thân thiện hoặc thù địch với mình, và
có thể hoặc quan hệ của mình với họ sẽ không tốt, hoặc thậm chí đẩy mình vào tình
thế nguy hiểm. Nếu chúng ta được trang bị sẵn một tình cảm thân thiện giành cho
họ, những cảm nhận về họ là người xấu không có, thì họ cũng cảm nhận được và họ
cũng thân thiện lại.” “Liệu là người xấu thì sao hả ba?” “Ông bà dạy con rồi,
không có người xấu, chỉ có việc làm xấu. Tất nhiên là rủi ro lúc nào cũng có thể
có, nhưng mình là người lương thiện, không tham lam, không có nhiều tiền bạc…
thì cũng đỡ lo nhiều rồi. Và quan trọng là dù sao, thân thiện với nhau vẫn đỡ
nguy hiểm hơn là đối đầu. Sau này con sẽ có những bài học khác để nhận biết trường
hợp nào thì cần đề phòng.”
Ông con vẫn tiếp tục suy nghĩ.
“Thế, hai cái anh chém nhau ấy, bây giờ thế nào nhỉ?” “Ba không biết con ạ,
chuyện mấy chục năm rồi còn gì. Ai cũng có một thời tuổi trẻ, mà trẻ, thì thường
dại dột. Rồi có tuổi, người ta sẽ bình tĩnh lại, và thấy giá như hồi đó mình
không như thế. À, chuyện hai anh chém nhau này, ngoài bài học không nên bắt nạt
người khác, còn bài học là không nên ép ai cả, nhất là ép người ta đến bước đường
cùng. Đấy con thấy, anh yếu hơn bị ép đến bước đường cùng, đã hành động quyết
liệt và anh kia bị chém trọng thương như thế còn là may. Lưỡi kiếm chỉ lệch đi
vài phân là có thể mất mạng rồi.”
Ba ba con đã về đến nhà, và
bác thợ sơn đang ngồi trên giàn giáo, dừng tay mài tường khi nhìn thấy ba ba
con từ xa cho đỡ bụi. “Cháu chào bác ạ!” – hai bạn đồng thanh rất ngoan, và bác
ấy cười. Nụ cười của một người nông dân hoàn toàn không còn là anh Chí Phèo đe
dọa cả làng, mà là một nụ cười chất phác, hiền lành.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment