Con đã đọc truyện “Chú lính
chì dũng cảm” của An-đéc-xen chưa nhỉ? À, ba nhớ là con đọc rồi, từ hồi bé con
tập đọc bằng truyện tranh đó, rồi lớn hơn mẹ đã đọc cho con câu chuyện đó. Đầu
tuần, con đi học về và xin phép ba mẹ được đi xem cùng cả lớp – mẹ bạn Đức mua
vé cho các bạn đi xem “Lửa Thiện Nhân” và tất nhiên là ba mẹ đồng ý ngay chứ. “Con
sẽ xem một bộ phim về một em, kém tuổi con, và người ta gọi em là “Chú lính chì
Thiện Nhân.” Con xem đi, rồi về kể cho ba mẹ xem con cảm nhận như thế nào nhé!”
Đón con trai ở cửa rạp chiếu
phim, các bạn vẫn còn ồn ào, đùa cười náo nhiệt với nhau – một tập thể lớp thân
nhau đến kỳ lạ. Cô giáo vẫn khen, lớp của con trai vẫn chơi thân với nhau một cách
trong sáng, trong khi một số lớp khác đã phát sinh vài vấn đề liên quan đến
tình cảm nam nữ rồi…
… con đường về đã tối mịt, đầu
đông ngày ngắn và cơn gió đông bắc đầu mùa đã khiến mọi người cảm thấy lạnh lẽo.
Bao giờ cũng thế, tối mùa đông miền Bắc, ít khi tránh khỏi cái cảm giác cô đơn.
“Con xem phim, có nhiều đoạn
con phải che mắt lại.” “Sao vậy con?” “Con nhìn em Thiện Nhân bị thương tật,
con thương lắm, và sợ nữa.” “Điều này ba có biết. Con vốn sợ nhìn vết thương, cả
của con lẫn của người khác. Vậy con còn cảm thấy như thế nào nữa nào?” “Con thấy
thương em Thiện Nhân, nhưng cả em lẫn cô Mai Anh đều rất dũng cảm và vững vàng
ba ạ. Có phải hôm qua ba kể, ba quen biết cô Mai Anh không?” “Không hẳn thế con
à – cô Mai Anh thời học chuyên văn, học dưới ba một hai lớp gì đó, cùng trường,
nên không phải là bạn. Bây giờ ba chỉ có kết nối với cô ấy qua mạng xã hội
thôi. Khi trên báo chí nói về em Thiện Nhân, và ba xem ti-vi thì nhận ra cô ấy.
Hồi đó cô Mai Anh gầy, nhỏ bé lắm, ba nhớ thế. Mái tóc cắt ngắn, mặt xương
xương… và hình như đã đeo kính từ hồi ấy rồi thì phải.”
Và thế là con trai kể lại cho
ba của cậu ta những gì cậu ta đã xem. Về một em bé bị bỏ rơi, bị chó cắn và mất
một chân và còn mất cả “chim.” Chưa thể giải thích được cho em thế nào là bị bỏ
rơi, cô Mai Anh đành nhận lỗi, mẹ trót đánh mất cả chân lẫn chim của con. Con
không ghét mẹ - con cái có ghét được cha mẹ bao giờ?
“Bố mẹ cũ của em bỏ em ở chỗ đổ
rác ba ạ…” “Ừ, không phải bố mẹ cũ, mà là bố mẹ đẻ của em con ạ. Con đã học về
giáo dục giới tính rồi, thì con đã biết làm thế nào để có trẻ con. Như ba mẹ đều
nói với con, điều đó là bình thường, không có gì là xấu khi người ta yêu nhau,
xây dựng gia đình, tức là lấy vợ, lấy chồng. Con cái như vậy cũng được sinh ra
trong môi trường gia đình, được bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo thành người
có ích cho xã hội. Nếu việc có bầu, rồi sinh ra trẻ con ngoài phạm vi gia đình,
thì vẫn cần phải có trách nhiệm với điều đó, có trách nhiệm với đứa con của
mình. Làm cái gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, như việc có trẻ con đó –
lúc người hai người nam nữ đến với nhau, ham muốn nhau, họ chẳng còn nghĩ gì đến
hậu quả. Và khi cái hậu quả đó nó đến, thì họ không muốn có trách nhiệm với nó.
Họ đổ nó cho xã hội. Con còn nhớ trước đây ba hướng dẫn cho con bài học thế nào
là trách nhiệm cũng như làm cái gì cũng phải nghĩ đến hậu quả không?” “Không ba
ạ.” “Ừ không sao – lâu rồi, từ hồi con học lớp Một, có người vứt cái cốc thủy
tinh vỡ ra đường. Người đi xe chẹt phải, xịt lốp có thể ngã. Người đi bộ dẫm phải,
có thể bị đứt chân nhiễm trùng, có khi chết. Đó là thiếu trách nhiệm với xã hội
và không nghĩ đến hậu quả. Làm cái gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó con ạ.
Người thợ xây dựng giàn giáo không cẩn thận đổ xuống đường, người đi đường thiệt
mạng, là thiếu trách nhiệm. Khi người ta thiếu trách nhiệm và hậu quả xảy ra,
thì người khác thiệt mạng, thương tật, còn người thiếu trách nhiệm cũng phải đi
tù, đền tiền, nhiều tiền… Tai hại không biết bao nhiêu mà kể.” “Thế em Thiện
Nhân…” con trai băn khoăn…
“Trường hợp của em Thiện Nhân,
người cha người mẹ nào đó, lúc đam mê, sung sướng mà không biết tự chủ, nghĩ đến
hậu quả, rồi lại không muốn chịu trách nhiệm và đổ nó cho xã hội. May mà em Thiện
Nhân còn tìm được một người mẹ khác, để em tìm lại được hạnh phúc của mình. Con
thử nghĩ mà xem, khi con xem phim về thế giới động vật, có nhiều loài nó chỉ
yêu đương nhau vào một mùa nhất định trong năm, còn con người thì vòng quanh
năm. Có những loài giống con người mà sống thành gia đình bố - mẹ - con cái,
nhưng hầu hết thì lung tung beng, năm nay con đực này lấy con cái kia làm vợ,
còn sang năm lại khác. Con người văn minh, nên chung sống với nhau thành một vợ,
một chồng. Làm khác đi, lại không muốn chăm sóc con mình như đúng bổn phận, thì
cũng không khác mấy so với con thú. Tội lỗi như thế là lớn lắm con ạ.”
Con trai à, chính ba cũng
không thể ngờ, một ngày cái cô bé gầy còm nhom, tóc ngắn và vẻ mặt xương xương
đó, lại có thể dũng cảm nhận vào mình một trách nhiệm quá lớn, mà hầu hết chúng
ta chưa chắc đã dám làm, dám nhận. Không dám nói gì nhiều đến cô gái ấy, chỉ
dám nghĩ rằng trái tim nhân hậu và lòng yêu thương đó là quá lớn, thừa để đem lại
cho hai mẹ con sức mạnh vượt qua bất cứ trở ngại nào trong cuộc sống. Cái gì
cũng có hai mặt của nó – đầu đời “chú lính chì” đã gặp một tai nạn bi thảm,
nhưng chắc chắn, chính trong cái họa đó đã ló ra cái phúc quá lớn, một người mẹ
nhỏ bé nhưng vĩ đại đã đón em, và truyền cho em lòng dũng cảm và chắc chắn cả một
lòng yêu thương vô hạn với cuộc sống.
Xin gửi tặng những dòng này tới
mẹ con “chú lính chì” – cảm ơn chú, đã cho cha con tôi một bài học. Ngọn lửa của
chú làm cho con đường về của cha con tôi ấm áp hơn rất nhiều.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment