Ngày xưa đọc một câu chuyện điển
tích, nhà vua của một xứ Ấn Độ khi hỏi một loạt các nhà hiền triết, rằng cái gì
nhanh nhất? Người thì bảo là mũi tên hòn đạn nhanh nhất (năng lực của con người)
người bảo sấm nhanh nhất (âm thanh) người thì bảo, mặt trời nhanh nhất (ánh
sáng)… một thày tu Bàlamôn trả lời xác đáng nhất: Ý nghĩ là nhanh nhất. Ông giải
thích, không phải ta tưởng tượng, nghĩ một cái thôi là đã thấy mình trên cung
trăng hay sao?
Đúng vậy – sau này học Phật, mới
thấy đúng “niệm” là nhanh nhất. Đức Phật xuất phát điểm trên một nền tri thức
triết học cực kỳ siêu việt và sâu sắc như thế, không nghi ngờ tại sao Ngài lại
đạt được sự chứng ngộ phi thường đến vậy. Nếu mê triết, chúng ta sẽ thấy ngỡ
ngàng trước cái cách tiếp cận im lặng, khiêm nhường đến mức khổ hạnh của những
nhà triết học cổ đại Ấn Độ. Chính sự khiêm nhường đó đã hướng họ tới việc quán
nhiều đến cái “tâm”, và cũng từ xem xét mối quan hệ giữa cái tâm và thân, mà
phát hiện ra mối quan hệ đó là cực kỳ biện chứng, từ đó họ vượt ra khỏi cái băn
khoăn tầm thường “duy vật” hay “duy tâm.” Đơn giản là họ chẳng cần đặt vấn đề
đó ra làm gì.
Từ phần ba chúng ta đã giải
quyết xong vấn đề “phần mềm,” thì nay chúng ta nghiên cứu đến những năng lực của
nó. Ai làm đồ họa chẳng mê Phôtôsốp, nhoằng cái bà lão nhăn nheo biến thành da
căng bóng… đó là năng lực của phần mềm. Tâm của chúng ta cũng vậy, chúng có
năng lực nhất định. Mèng mèng ra thì nó suy nghĩ, rồi nó điều khiển cái thân, từ
cái mồm chửi rống lên đến hai cái tay hư, gõ những dòng chữ bậy bạ, chửi tục
tĩu trên Facebook… đều là năng lực của nó cả. Ngoan hay hư, đều là nó hết.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó –
khoa học hiện nay từ tìm cách đo “điện não đồ” đến đo các loại sóng não – tâm
còn có năng lượng, và năng lượng này hoàn toàn có thể tác động lên các sự vật
hiện tượng khác. Vậy nó tác động bằng cách nào, theo cơ chế nào? Đơn giản nhất
là tạo ra một tập hợp sóng. Sóng có khả năng lan truyền trong không – thời gian
và đương nhiên là mang theo năng lượng.
Một ngày, cái tâm của chúng ta
phải làm bao nhiêu là việc. Từ sáng ngủ dậy đến tối mịt, chúng ta nghe con chó
hàng xóm sủa sớm mà sinh bực, tâm đã bắt đầu lao lực rồi. Đi đường gặp em nào
xinh xinh đá lông nheo một phát, hưng phấn lên, cũng lao lực (làm cái gì mà chẳng
mệt!) Tất cả những hoạt động đó, không nhiều thì ít, đến cực ít không đáng kể,
đều có thể gây ra những năng lượng nhất định, phát ra một hoặc vài tập hợp sóng
nhất định.
Mình hoàn toàn không nghi ngờ
việc một cá nhân nào đó có một số năng lực đặc biệt xuất phát từ “tâm” hay người
ta thường gọi là “tâm linh.” Chuyện này là hết sức bình thường, ngay khoa học
bây giờ còn đang hoàn thiện “vũ khí logic” điều khiển bằng ý nghĩ kia mà, thì
chuyện “tâm” một ai đó phát ra được một tập hợp sóng mang năng lượng cũng hoàn
toàn có thể.
Điểm đáng bàn là có hai cách
tiếp cận. Người đời thì cho rằng con người năng lực như thế này là mắc-xi-mom,
xịn nhất rồi (theo đúng thuyết tiến hóa) chẳng tiến hóa đi đâu tiếp được nữa. Tự
dưng trong số những người tiến hóa xịn nhất là chúng ta, có những người có năng
lực đặc biệt hơn người khác về mặt “tâm linh,” thế là họ lên mặt, họ dọa nạt
người khác nhằm thủ lợi. Cách tiếp cận thứ hai của Đức Phật thật khoa học: con
người vốn có sẵn tất cả những năng lực đó, nhưng vì một số lý do nhạy cảm nào
đó, mà mất gần hết và… lộn cổ vào thế giới của chúng ta, cõi Ta Bà.
Đến đây, những ước mơ của con
người mà mình nói đến ở phần một, chắc là có lời giải. Thiên nhãn, cái webcam của
con người may ra mới cho chúng ta nhìn thấy Sao Hỏa trong cuộc truyền hình trực
tiếp của NASA – thì bằng năng lực của tâm, một người nào đó, sai: “này thằng
tâm, mày bảo hai cái mắt của mày chạy ù lên Tinh Vân Tiên Nữ, xem hộ anh trên
đó hôm nay mưa hay nắng!” Thế là hai cái mắt của thằng tâm nó vận dụng tất cả
những thành tựu của khoa học hiện đại, từ uốn chập không gian đến co cả thời
gian lại, nó phóng nước đại trong một phần mấy của sát na đó đến địa điểm cần
khảo sát rồi về, hổn hển mách: “Anh tâm ạ, trên đó hôm nay mưa to!”
Con người học võ luyện công,
trong đó mê say cái gọi là thuật khinh công, nhảy như vượn trên tường trên đầu
người khác, như bay ấy. Tôn Ngộ Không dùng “cân đẩu vân” lộn một cái, một vạn
tám nghìn dặm. Thực ra, cần gì phải thế, sao phải vác cả cái xác phàm đi xa thế
làm gì, người có năng lực đó họ sẽ xuất thần để một mình cái tâm hay cái phần hồn
của mình nó đi thôi, tiết kiệm chi phí đi lại.
Thế giới người ta đã ghi nhận
nhiều trường hợp xuất hồn rồi, người xuất hồn tự thấy cái hồn của mình đi ra
ngoài được thân xác, nhìn thấy thân xác của mình nằm thẳng cẳng chẳng hạn…
nhưng mình thì tin, chuyện xuất hồn được như vậy cũng chỉ ở một cái tầm rất thấp,
chứ chưa hẳn là sai bảo được hẳn cái “thần thức” của mình đi ra ngoài, đi đâu
đó, làm việc gì đó. Với người học Phật thì không quan tâm đến những việc như vậy.
Nhưng trong bài này thì bàn, vẫn phải bàn. Chúng ta thử tưởng tượng, muốn thăm
thằng bạn học tiến sỹ bên Nữu Ước, thay vì ngồi máy bay ê ẩm cả ngày, rồi chạy
hộc tốc từ terminal này đến terminal khác… thì ta xuất cái hồn của ta sang đó
chém gió lấy nửa tiếng, vừa nhanh, đỡ tốn tiền vé, lại đỡ tốn cơm của thằng bạn…
Đọc lại phần 1 tại đây
Đọc lại phần 2 tại đây
Đọc lại phần 3 tại đây
Đọc tiếp phần 5 tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment