Doanh nhân D. được mệnh danh
“to mồm” nhất tỉnh B., một tỉnh miền núi phía Bắc. Ông ta sẵn sàng lên tận Ủy
ban nhân dân tỉnh, đứng hò hét giữa sảnh trụ sở chỉ để gặp được Chủ tịch hoặc
Phó chủ tịch tỉnh.
Tỉnh B. là một tỉnh nghèo, đất
ít, dân thưa, nông lâm nghiệp và công nghiệp kém phát triển, chỉ có ngành duy
nhất phát triển mạnh hơn các ngành khác, là công nghiệp khai khoáng – nhiều nhất
là một số điểm mỏ vàng, sau đó là một số kim loại khác và cuối cùng là đá xây dựng.
Doanh nhân D. cũng như đa số các doanh nhân khác làm ăn trên địa bàn tỉnh, “đi
lên” từ khai khoáng. Sau này tỉnh có chính sách muốn được cấp mỏ khoáng sản phải
thực hiện một công trình nào đó cho tỉnh, tất nhiên tỉnh vẫn có ngân sách… nhìn
chung doanh nghiệp không đến nỗi thiệt. Thực tế thì muốn xin được cấp mỏ khoáng
sản, hoàn toàn không phải dễ dàng với những người “bình thường” chúng ta, nhưng
với một số người khác thì lại không khó. Đó là trường hợp của doanh nhân D.
Chuyện từ cách đây 7, 8 năm hoặc
hơn một chút. Doanh nhân D. giàu lên bằng con đường “làm khoáng sản,” con đường
làm giàu có thể có những khó khăn nhất định nhưng so với người khác làm sản xuất
kinh doanh thuần túy, có thể nói đơn giản hơn rất nhiều. Tất nhiên khi người ta
giàu lên quá nhanh mà không được chuẩn bị sẵn sàng một vốn văn hóa cần thiết,
thì cuộc sống cũng có nhiều hệ lụy không tránh khỏi. Thị xã bé bằng cái bàn
tay, người ta xì xào về việc cậu con trai lớn của ông ta, hư hỏng nghiện ngập.
Bố mẹ không nói được con, vì cậu ta được chiều từ bé, cũng như đến lúc đôi mươi
chỉ biết bố mẹ có nghĩa vụ chu cấp cho mình thừa thãi về tài chính mà không cần
biết đến những trách nhiệm xã hội. Cuối cùng thì bi kịch cũng đến. Một cái Tết,
cậu ta dắt cái xe máy đi chơi với bạn gái và không rõ có rượu bia gì không (người
miền núi uống rượu cũng dữ lắm) cậu ta đâm xe vào cột điện mà chết. Đau khổ gì
thì rồi cũng qua, vài năm sau vợ chồng doanh nhân D. “bổ sung” thêm được một thằng
cu con kháu khỉnh, và doanh nhân lại vui như ngày nào, lại vẫn “to còi” như trước.
Dường như mọi thứ ở lại phía
sau, thanh niên hư hỏng nghiện ngập đã “đi,” cũng là một giải thoát cho gia
đình, bố mẹ; và thằng em bé xíu mới ra đời của cậu ta kia, như một cơ hội để
doanh nhân D. làm lại từ đầu. Tiếc là cách sống, cách làm ăn của doanh nhân
không có gì thay đổi. Từ sau khi xin được cấp một mỏ vàng, rồi công ty “lên
sàn” việc làm ăn ra chừng có chiều “thăng thiên” như diều gặp gió. Không ai
nghĩ con diều lại có ngày gặp cơn gió độc giựt đứt dây.
Mới đây đọc tin cảnh sát kinh
tế bắt tạm giam doanh nhân D. vì tội bán khống chứng khoán. Câu chuyện vẫn còn
dài, chưa thể kết luận được điều gì; nhưng chắc chắn việc làm ăn của doanh nghiệp
sẽ có nhiều trắc trở. Nhưng, biết đâu đấy, có khi ông D. lại có thời gian suy
nghĩ kỹ hơn về những gì ông ta gặp trong cuộc đời mà tỉnh ra được chăng? Cái gì
cũng có hai mặt của nó, trong họa có phúc, và ngược lại.
Hầu hết các doanh nhân “khai
khoáng” làm ăn trên địa bàn tỉnh B. là người tỉnh T. bên cạnh – trước năm 1997
hai tỉnh này là một tỉnh. Ở T. không thiếu, thậm chí có thể nói là rất nhiều đến
mức người tỉnh T. nổi tiếng về việc làm ăn, nhất là “làm mỏ.” Họ nổi tiếng từ
thời “khai khoáng thổ phỉ” đến thời chạy chọt xin cấp phép; rồi kể cả lúc phải
xin cấp phép nhưng vẫn sẵn sàng… thổ phỉ. Dân gian thường nói “làm vàng thì “bạc”
lắm.” Không có ai “trúng” vàng mà lại gia cảnh yên ấm được bao giờ. Thực ra cái
gì cũng có lô-gích của nó: khi mà ta giàu lên thật nhanh chóng bằng những cách
không chính tắc, thậm chí phải yếm trá, trong khi ta không đủ những hành trang
cần thiết về kiến thức và vốn văn hóa để xây dựng gia đình, thì trước sau tệ nạn
cũng sẽ tìm đến gia đình ta.
Nếu như ông D. tiếp tục “diều
gặp gió” và không thay đổi, thì “tấm gương” đó, đứa con nhỏ lại soi vào, và chắc
gì số phận nó đã khác người anh lớn của nó? Trong họa có phúc, dù có thể phải
bóc “vài cuốn lịch” chăng nữa, đến khi quay lại cuộc sống bình thường thì ông
D. đã có tuổi, bình tâm hơn, sẽ yêu quý cuộc sống bình lặng mà thanh thản… thì
quý biết bao.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment